Có dầu khí hay không ở Trường Sa?

Nguyễn Quang Bô

4-8-2019

Quần đảo Trường Sa. Ảnh: internet

Quần đảo Trường Sa gồm hàng trăm đảo đá, rạn san hô lớn nhỏ nằm ở Đông Nam Biển Đông trong khoảng 6:30’-12:00’ độ Vĩ Bắc, 111:20’-117:20’ độ Kinh Đông, diện tích 190 ngàn km2, mực nước biển sâu 1000-2000m, nhiều nơi đến 3000-4000m (Ảnh1, 3, 5, 6a, 6b, 11).

Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc và các nước xung quanh lấn chiếm không chỉ liên quan đến chủ quyền biển đảo, nguồn lợi thủy sản mà còn là tài nguyên dầu khí.

Từ thời nhà Lê, Việt Nam gọi quần đảo này là “Đại Trường Sa”, thời Minh Mạng gọi là ”Vạn Lý Trường Sa”. Khi Pháp chiếm Đông Dương, họ gọi là “Spratly Islands”, trong khi người Mã Lai và Indonesia gọi là ”Kepulauan hoặc Kalayaan”, người Trung Quốc gọi là “Nánsha”.

Mặc dù Việt Nam từ xa xưa đã tuyên bố chủ quyền về Trường Sa nhưng thực tế quần đảo này lại là nơi tranh chấp của các nước xung quanh, nhất là Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm Biển Đông của họ. Hiện tại, Việt Nam giữ được 7 đảo đá và 14 rạn san hô(*); Phillippines: 7 đảo đá, 3 rạn san hô; Malaysia: 7 rạn san hô; Đài Loan: 1 đảo Ba Bình lớn nhất và 1 rạn san hô; Trung Quốc: 7 rạn san hô(**).

Sự bành trướng của Trung Quốc đã gây nên cuộc chiến đẫm máu với Việt Nam ở bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao tháng 3/1988; những căng thẳng chính trị với Cộng Hòa Phillippines tháng 2/ 1995, 11/1998 khi họ chiếm đảo Vành Khăn và mới đây là vụ đâm chìm tàu cá rồi phong tỏa bãi cạn Scarborough chưa kể những cản phá, đe dọa, uy hiếp hoạt động đánh bắt cá, thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, Phillippines, Malaysia, Brunei… Vậy ngoài tài nguyên về thủy hải sản, Trường Sa có dầu khí hay không?

Khoảng những năm ‘67- ’68, tàu “Ruth Ann” và “Santa Maria” của hãng “Alpine Geophysical Corporation” khảo sát 20 ngàn km địa chấn ở Biển Đông, trong đó có tuyến chạy qua Trường Sa. Năm ’68, tàu “R/V F.V Hunt” của hãng “Marine Acoustic Service” tiến hành thu nổ gần 9 ngàn km tuyến địa chấn kết hợp đo từ, trọng lực ở Biển Đông. Kết quả cho thấy tồn tại các bể trầm tích Đệ Tam có khả năng chứa dầu khí.

Từ 1976 đến1984 các nhà thầu của Phillippines đã khoan7giếng thăm dò tại “Reed Bank” phát hiện mỏ khí “Sampaguita” trong tầng cát kết Oligocene tại chiều sâu 3150-3160m, đá vôi tuổi Oligocene và Miocene sớm cũng là một đối tượng tiềm năng (Ảnh 8, 9, 10,12). Năm 1993, tàu “Atlanta” của Pháp phối hợp Đại Học Khoa Học Hà Nội, Đại Học Paris VI tiến hành chương trình “Ponaga“ thu nổ địa chấn nông, đo từ, trọng lực và lấy mẫu đáy biển vùng trung tâm Biển Đông(***). Từ Năm 1993 đến nay, Petrovietnam và các nhà thầu nước ngoài như Conoco, ExxonMobil, Repsol… đã tiến hành khảo sát hàng vạn km địa chấn 2D, hàng ngàn km2 địa chấn 3D ở khu vực Tư Chính-Vũng Mây(Ảnh 7a,7b) và đã khoan phát hiện thấy dầu khí.

Dựa trên tài liệu hiện có và thông tin khu vực, các nhà địa chất dầu khí đã nghiên cứu và chia quần đảo Trường Sa thành 3 đới cấu trúc là Đông Trường Sa, Tây Trường Sa và đới các trũng Meso-Cenozoic Trường Sa (Ảnh 2). Trong đới Meso-Cenozoic Trường Sa này tồn tại các trũng dạng địa hào hoặc bán địa hào lấp đầy trầm tích dày tới 4km như: Trường Sa, An Bang, Đá Chữ Thập, Tiên Nữ, Nam Yết, Bình Nguyên-Suối Ngọc, Cỏ Rong (Reed Bank)… Từ kết quả khoan ở Tư Chính-Vũng Mây, Reed Bank và Palawan, các nhà địa chất dầu khí đưa ra cột địa tầng dự báo cho khu vực Trường Sa(Ảnh 4).

Đá mẹ sinh dầu là các tập sét tuổi Eocene-Oligocene, đá chứa là móng Trước Đệ Tam, cát kết và đá vôi Oligocene – Miocene, đá chắn là các tập trầm tích hạt mịn Miocene muộn-Pliocene. Trữ lượng tiềm năng được đánh giá khoảng 3,3-6,7 tỷ tấn dầu tương đương (***), nhưng tôi mong được 6-7 tỷ thùng là tốt lắm rồi . Như vậy, có thể khẳng định rằng quần đảo Trường Sa có triển vọng về dầu khí, trong đó triển vọng về khí cao hơn triển vọng về dầu.

Những người làm dầu khí chúng tôi rất muốn được tiếp tục tìm kiếm dầu khí ở Trường Sa. Biết rằng tìm và khai thác dầu khí ở vùng biển sâu hàng ngàn mét nước này là công việc không phải dễ dàng và rất tốn kém lại luôn bị Trung Quốc cản phá. Đời này chưa làm được thì đời con cháu chúng ta sẽ làm được, tôi tin và hy vọng như vậy.

Hãy giữ lấy Trường Sa!

(*) 21 đảo/rạn san hô Việt Nam đang giữ: Đảo An Bang, Đảo Nam Yết, Đảo Sinh Tồn, Đảo Sinh Tồn Đông, Đảo Sơn Ca, Đảo Trường Sa Lớn, Đảo Song Tử Tây, Đá Cô Lin, Đá Đông, Đá Lát, Đá Len Đao, Đá Lớn, Đá Nam, Đá Núi Thị, Đá Núi Le, Đảo Phan Vinh, Đá Tây, Thuyền Chài, Đá Tiên Nữ, đá Tốc Tan, Đảo Trường Sa Đông.

(**) 7 rạn san hô Trung Quốc chiếm đóng: Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Xu Bi.

(***) Chapter 13: ”Truong Sa Sedimentary Basin Group and Petroleum Potential” in “The Petroleum Geology and Resources of Vietnam”, Science and Technics Publising, 2009.

Bình Luận từ Facebook