Vũ Thành Sơn
2-8-2019
Tiếp theo phần 1: Nhân 5 năm, đôi điều tâm sự và phần 2: Sự khác biệt trong văn chương (về vụ mới ở Văn đoàn Độc lập)
Việc ông Lê Phú Khải to tiếng chung quanh mấy giải thưởng văn chương của Văn Việt, nếu gạt qua một bên vấn đề văn chương và cách tiếp nhận nó vốn là đầu mối bên ngoài của cơn bão trong tách trà này, thì nó cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, xã hội Việt Nam. Vì vậy, nếu xem xét kỹ vụ to tiếng này, không phải nhằm xét đến cái hiểu biết non nớt về văn học cũng như tư cách thô lỗ của cá nhân ông Lê Phú Khải, cái không đáng để những trí thức để mắt đến, chúng ta có thể rút ra khá nhiều những suy nghĩ thú vị.
Điều có thể nhận thấy tức thì là thái độ chống đối quyết liệt của một bộ phận xã hội Việt Nam khi đứng trước sự xuất hiện của cái mới, cái khác lạ. Điều đó tự bản thân nó không có gì đáng bàn bởi sự chống đối cái mới, lạ, thật ra vẫn thường xuyên xảy ra ở trên nhiều địa hạt, ở khắp các quốc gia và trong mọi thời đại.
Cái đáng nói ở đây là luận điệu phê phán đó xuất hiện ở trên mạng xã hội và cho đến nay, nó cũng chỉ phổ biến và lan truyền trong phạm vi của mạng xã hội. Bởi vì chỉ xuất hiện trên mạng xã hội nên các ý kiến chống đối đó hầu hết không được xây dựng chặt chẽ về lập luận, tôi muốn nói đến lý luận văn học, hoặc thậm chí xa hơn là những liên hệ tư duy triết học khi đề cập đến những dẫn chứng về các hệ thẩm mỹ.
Người ta chỉ thấy những lời lẽ bài bác thật quyết liệt nhưng không thể giải thích được lý do làm căn cứ bài bác một cách hữu lý và thuyết phục, mà hầu hết những bài bác ấy chỉ dựa vào mỗi, chỉ mỗi, cảm nhận hết sức chủ quan và thiển cận của cá nhân. “Chả hiểu viết gì, nói gì”, “rạp xiếc ngôn từ”, “thơ bậy bạ”, “thơ thẫn thờ”, “chẳng hiểu ý muốn gì” không phải là luận cứ để bác bỏ một giá trị, mà chỉ là một sự tự thán tội nghiệp, đáng thương cho cái bất lực tri thức, cảm thụ của cá nhân mình.
Lấy sự thiển cận của cá nhân mình để làm thước đo thì ngay cả Giáo hội La Mã cũng có thể làm được và lịch sử cho thấy nó chỉ có thể dẫn đến tự bôi nhọ mình trước sự tiến bộ của văn mình loài người mà thôi.
Nhưng bởi nó xuất hiện trên mạng xã hội nên luận điệu bài bác đó lại nhanh chóng được một đám đông ủng hộ, tán thành, một cái đám đông, như vốn là bản chất của nó, luôn luôn a dua và thiếu suy xét, nhất là những trò lố bịch và ngu xuẩn tập thể. Nó giống như trong một trận cổ vũ chiến thắng của đội bóng, số người tham dự để có dịp buông thả những bức xúc dẫn đến phá phách, la hét hoặc thậm chí lột bỏ quần áo, thứ mà thường ngày họ e dè, nhiều hơn những cảm tình viên thực thụ của đội bóng đó.
Vấn đề ở chỗ là những người chống đối cái mới, lạ luôn luôn nhân danh cái đám đông ấy làm chỗ dựa vững chắc cho ý kiến vốn dĩ vô bằng của mình. Đó là thứ ý kiến dựa vào sự chuyên chính của đám đông, làm sao đáng tin cậy? Tin vào cái đám đông ấy chẳng khác gì với điều Pascal nói “Anh hãy quỳ xuống rồi anh sẽ tin” (Mets-toi à genoux et tu croiras).
Sự tiến bộ của văn chương nhân loại cho thấy nếu chỉ dựa vào một đám đông vô danh, thiếu hiểu biết, nhất là khi đám đông ấy phần lớn là sản phẩm của một nền giáo dục nhồi sọ, bưng bít thì nó đã không thể tạo ra những thành tựu như ngày nay. Văn chương, hay nghệ thuật nói chung, mãi mãi là công cuộc sáng tạo độc đáo của những cá nhân tự do và tài năng.
Tất cả những điều trên chỉ cho thấy xã hội Việt Nam hiện thời là một xã hội còn khép kín, thủ cựu, nghèo tri thức và rất dị ứng trước những thay đổi. Đó là một xã hội của những con người sống dựa vào truyền thống, cộng đồng. Mọi vận động đi ra ngoài cái truyền thống đó đều bị tẩy chay. Nó còn cho thấy sự thất bại của một nền giáo dục và xa hơn, là sự thất bại của một nền văn hóa khi giáo dục và văn hóa đó không đóng góp được cho sự phát triển đa dạng của xã hội, con người, khi không thể làm cho xã hội tiếp nhận được cái mới của thời đại.
Nghĩ xa hơn, tôi thấy ngay chính những người cộng sản hiện thời còn có thái độ cởi mở hơn trong việc tiếp nhận cái mới so với những con người cực đoan đó. Chính quyền hiện thời còn biết lắng nghe, cho dù sự lắng nghe đó quá muộn màng không như mong đợi và thường diễn ra dưới áp lực của xã hội, nhưng họ còn biết lắng nghe và tiếp thu. Những người cực đoan ấy còn bảo hoàng hơn cả vua, họ chống chế độ độc tài bằng chính phương pháp mà chế độ độc tài sử dụng, bằng cưỡng bức, ép buộc, chụp mũ và bạo lực, bạo lực ngôn từ lẫn bạo lực bằng sức mạnh vũ khí. Điều này không phải chỉ có ở trong nước, mà nhìn ra hải ngoại, có nghĩa là ở đâu có mặt người Việt Nam, cũng dễ dàng nhận ra.
Trường hợp Lê Phú Khải cũng cho thấy việc tập hợp trong một tổ chức, bất kỳ tổ chức nào ở Việt Nam, đều phải đối mặt với vấn đề vừa nêu trên. Sự tập hợp tạp nham nhằm thu hút số đông cho bằng được ắt phải trả giá không nhỏ. Người Việt Nam vốn quen sống và nghĩ vị kỷ, việc đồng thuận với một lý tưởng, đường lối, mục đích chung bao giờ cũng khó khăn, bao giờ cũng đứng trước hiểm họa của một bức tường nhiều rạn nứt. Và những rạn nứt đó sẽ càng nhanh chóng xảy ra khi đường lối, lý tưởng, mục đích chung đó còn quá nhiều hàm hồ. Ngay như đảng cộng sản VN, tổ chức chặt chẽ là thế mà vẫn không tránh khỏi cái hiểm họa ấy, cái hiểm họa có từ căn tính dân tộc.
Có lẽ phải cần một cuộc phục sinh cho dân tộc Việt Nam chăng?
““Chả hiểu viết gì, nói gì”, “rạp xiếc ngôn từ”, “thơ bậy bạ”, “thơ thẫn thờ”, “chẳng hiểu ý muốn gì” không phải là luận cứ để bác bỏ một giá trị, mà chỉ là một sự tự thán tội nghiệp, đáng thương cho cái bất lực tri thức, cảm thụ của cá nhân mình”.
“Vấn đề ở chỗ là những người chống đối cái mới, lạ luôn luôn nhân danh cái đám đông ấy làm chỗ dựa vững chắc cho ý kiến vốn dĩ vô bằng của mình. Đó là thứ ý kiến dựa vào sự chuyên chính của đám đông, làm sao đáng tin cậy?”
“Nó còn cho thấy sự thất bại của một nền giáo dục và xa hơn, là sự thất bại của một nền văn hóa khi giáo dục và văn hóa đó không đóng góp được cho sự phát triển đa dạng của xã hội, con người, khi không thể làm cho xã hội tiếp nhận được cái mới của thời đại”.
-Bài viết sâu sắc, hay quá. Cám ơn tác giả.
Mấy bác ơi! Mỗi người nhịn một tí đi.
Giặc Tàu đang xâm chiếm bãi Tư Chính đấy! Nói về chuyện ấy thực tế hơn là khích bác nhau…