Thảo luận “Văn chương để làm gì?” (1): Nhân 5 năm, đôi điều tâm sự

Văn Việt

Nguyên Ngọc

31-7-2019

Văn Việt: Vừa qua, trên FB có chuyện “lùm xùm” liên quan đến Giải Thơ Văn Việt. Bỏ qua một bên những thái độ thiếu kìm chế, thậm chí mạt sát, quy chụp, nổi lên một vấn đề tưởng chừng như xưa cũ: Văn chương để làm gì?

Cuộc thảo luận “Văn chương để làm gì?”, mở đầu bằng bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc, là một diễn đàn để nói cho nhau nghe về vấn đề quan trọng này.

Văn Việt chờ đợi sự hưởng ứng của bạn đọc và hoan nghênh mọi ý kiến xây dựng.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: FB tác giả

***

Tính đến nay, Ban Vận dộng thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam ra đời đã trọn 5 năm. Một dịp như thế này thường là để cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, và suy nghĩ về những bước đi tới. Vả lại gần đây có một chuyện hơi lùm xùm, nhỏ thôi, đáng ra trong một nhóm làm văn học hay nghệ thuật tự nguyện đến và chơi với nhau vì cùng chí hướng, thì không nên có. Vậy mà nó đã có, và người xướng ra lại muốn làm ồn ào, cho nên nhân dây cũng cần nói qua đôi chút.

Tôi nghĩ tôi nên xin phép các bạn kể lại một chuyện cũ để ít ra có thể hiểu ý tưởng về việc cần có một hay nhiều tổ chức văn học và nghệ thuật độc lập đã manh nha từ bao giờ, như thế nào.

Ấy là vào đầu những năm 1980, sau khi có chuyện lùng nhùng về vụ Đề dẫn do tôi trình bày ở Hội nghị đảng viên tháng 3 năm 1979 và bị ông Tố Hữu đánh cho một trận tơi bời. Ông Lê Đức Thọ, bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, có hôm gọi tôi đến gặp ở trụ sở Ban Bí thư trên đường Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội. Trong cuộc gặp đó, sau khi nói chuyện về vụ Đề dẫn, thấy ông Thọ cũng tỏ ý muốn hiểu công việc của Hội Nhà văn, tôi nhân thể nói với ông ý kiến của tôi về các tổ chức văn học nghệ thuật ở ta nói chung nên như thế nào.

Tôi nói rằng trong thời kỳ chiến tranh, cách tổ chức các hội tập trung thống nhất dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng thôi thì cũng có thể coi là đúng và cần thiết. Mỗi ngành, mỗi hội bấy giờ như hệt một binh chủng đánh giặc, cho mục tiêu tất cả để chiến thắng. Chiến tranh là tình thế phi thường, tức không bình thường. Bây giờ khác rồi, đã trở lại cuộc sống bình thường trong hòa bình. Đời sống xã hội và các tổ chức xã hội dẫu muốn dẫu không cũng cần trở lại bình thường.

Nhìn lại từ xưa đến nay, hầu như ở bất cứ đâu, các tổ chức văn học nghệ thuật thường hình thành và hoạt động như sau: Từng nhóm nghệ sĩ tập hợp lại, hoặc do cùng xu hướng nghệ thuật, hoặc cùng điều kiện thuận lợi về hoạt động nghệ thuật, hoặc đơn giản hơn do ở gần nhau hay thích chơi với nhau, dễ giúp đỡ nhau… Trong thời đại thông tin hiện đại bây giờ họ thậm chí có thể kết nối xuyên biên giới… Những nhóm như vậy tự sống, hoặc ngày xưa, và cả ngày nay, có thể có những Mạnh Thường quân hỗ trợ. Nhà nước khỏi lo.

Một đời sống văn học nghệ thuật như vậy sẽ phong phú, đa dạng, mở đường rộng rãi cho sáng tạo, có thể nảy sinh nhiều trường phái, là điều kiện lý tưởng của một xã hội, một đất tự coi mình là văn hóa, văn hiến, văn minh…

Lần ấy tôi đã mạnh dạn nói với ông Lê Đức Thọ: Tôi đề nghị có thể bỏ Hội Nhà văn của nhà nước đi, để cho các văn nghệ sĩ tự lập các nhóm, xã hội và đời sống tinh thần, nghệ thuật sẽ phong phú và vui hơn nhiều. Còn như nếu Đảng vẫn muốn giữ vai trò lãnh đạo thì phải nên chuẩn bị cách lãnh đạo trong một tình thế đa dạng như vậy.

Cũng lạ, hôm ấy không thấy ông Thọ không phản ứng gì. Ông chỉ bảo: “Cũng là ý kiến đáng chú ý. Để xem…”.

Tất nhiên, rồi không thấy ông “xem” gì cả …

Tôi xin lỗi nhắc lại một chuyện cũ đã gần nửa thế kỷ để muốn nói rằng cái tình thế một hội nhà văn duy nhất độc quyền văn học trong cả nước, bắt chước theo kiểu những ông Stalin, Jdanov và cả ông Gorki xu thời bên Nga, nhốt hết hằng chục, hằng trăm nhóm văn học phong phú và rực rỡ của nước Nga vĩ đại trước cách mạng vào một cái rọ chung chật chội là cái Hội Nhà văn Liên Xô lục đục và nghèo nàn, là một cuộc bắt chước thảm hại. Và từ lâu, nhiều đầu óc sáng láng trong văn học ta đã trằn trọc muốn phá tung ra.

Việc Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập ra đời là ở trong cái quá trình, cái ý muốn và ý chí ấp ủ lâu dài đó của bao người cầm bút Việt Nam. Chỉ là đến một lúc, do những tình thế thích hợp nào đó, có ai đó nhắc đến. Và nhiều người nhận thấy đã đến đúng lúc.

Nhắc lại dông dài như trên còn là để khẳng định rằng, cái “văn đoàn” (và như trong Tuyên bố ban đầu của nó, nó mong còn có thể có những “văn đoàn” cũng “độc lập” khác nữa sẽ liên tiếp xuất hiện), nó ra đời để mong góp phần cho một nền văn học rộng mở hơn, phong phú hơn, tự do hơn. Vừa cố gắng củng cố lại những nền móng toàn diện và vững chắc đã được xây dựng bởi bao nỗ lực của tất cả những người đi trước, bất kỳ lúc nào và ở đâu (chính vì vậy mà trang Văn Việt đã cố gắng làm và đã làm được một công việc công phu và to lớn: khôi phục lại diện mạo quý báu của văn học Miền Nam 1954-1975 và cả văn học Việt hải ngoại sau 1975, chắc chắn là một phần không thế thiếu trong lịch sử văn học Việt thế kỷ 20 và 21).

Và quan trọng hơn, như trong Tuyên bố ban đầu có tính cách tôn chỉ của chúng ta: góp phần xây dựng một nền văn học tư do và nhân bản. Tự do là mở rộng cho tất cả các xu hướng nghệ thuật, cho mọi tìm tòi và đổi mới, thậm chí như một người lãnh đạo văn nghệ theo tôi là giỏi nhất ở nước ta từng có được là anh Trần Độ, đã nói: Cần có trường phái mới, cho đỉnh cao mới xuất hiện. Không có cái mới, cái lạ xuất hiện, thì văn học sẽ chết dí tại chỗ.

Cái mới bao giờ cũng khác lạ, nó thường gây sốc. Nó chướng. Bao giờ cũng thiểu số. Nó thường bị dè bỉu, thậm chí bị chửi bới, đe dọa. Đó là chưa nói đến kỷ luật, cách chức, tước bằng, như cái vụ Nhã Thuyên nổi tiếng một cách nhục nhã cho văn hóa giáo dục Việt Nam mới mấy năm trước. Chứ còn như nó đã đa số ngay từ đầu, nó lễ phép trình làng, nó dễ nghe, quen tai, dễ hiểu, hiểu được ngay… thì, cho tôi nói thật nhé, chắc chắn nó đã cũ rích rồi. Nhân đây tôi cũng xin nói luôn: dễ hiểu không phải là một tiêu chí của văn học (hay nghệ thuật) nhất là văn học nghệ thuật hay. Picasso có dễ hiểu không? Và Dostoievski?…

Trong khi phê phán thơ Vũ Nhật Lập, anh Lê Phú Khải có dẫn một câu tiếng Pháp để nói rằng nên viết cho dễ (hiểu). “Rien n’est plus difficile que d’écrire facile”, tôi xin lỗi, tôi e anh dịch nhầm. “Rien n’est plus difficile que d’écrire facile” phải dịch đúng ra là “Không gì khó bằng viết dễ”, chứ không phải “Không gì khó bằng viết (cho) dễ hiểu”. Hai câu chỉ khác nhau một từ nhưng ý thì khác nhau xa đấy!

Anh cũng dẫn Baudelaire để nói rằng, đấy là một nhà thơ bế tắc, suy đồi, sa đọa, chắc để nói bọn thơ trẻ nay ở ta cũng bắt chước suy đồi sa đọa như thế… Anh đơn giản và liều quá rồi đấy, anh ạ. Cho đến tận bây giờ Baudelaire vẫn luôn được coi là một nhà thơ lớn, một thi hào của nước Pháp và có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ văn học không chỉ ở Pháp.

Anh cũng nhắc đến Anatole France và viết: “Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp lại yêu quí Anatole France (1844 – 1924). Vì người Pháp cho rằng: Cái gì không trong sáng không phải là tiếng Pháp. [Xin anh Khải cho biết ai nói dại thế nhỉ. Anh toàn dẫn lời ai đó mà không hề có nguồn, rất nguy hiểm] Anatole France chính là tiếng Pháp.” (Lại ai nói dại nữa thế?). Anh lại nói liều nữa rồi, anh ơi!

Để cho vui, tôi xin nhắc một mẩu giai thoại: Anatole France từng được giải Nobel văn học và được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp. Viện này có lệ ai chết thì mới bầu người khác thay. Khi Anatole France qua đời, người được bầu thay ông là Albert Camus. Theo lệ, Camus phải đọc một diễn từ ca ngợi người vừa ra đi. Bài diễn từ của Camus về sau rất nổi tiếng, bởi suốt bài ông đã cực kỳ khôn khéo đến mức kể lể rất trang trọng về những vĩ nhân từng là viện sĩ Hàn lâm đã ra đi, nhưng từ đầu đến cuối không hề nhắc đến tên Anatole France một lần nào. Nghĩa là, rất rõ, Camus không coi trọng gì lắm tài năng của Anatole France.

Hồi nhỏ, tôi có đi học trường Tây một ít, và tôi biết những lối văn chương “trong sáng” đến mức “những gì không trong sáng không phải là tiếng Pháp” của những Anatole France, Alphonse Daudet… thường là thứ văn thánh thót gần với thơ chỉ được dạy ở cấp tiểu học để học trò trẻ con dễ thuộc lòng. Hãy thử đọc Camus, Gide, Sartre, Simonne de Beauvoir, Céline, Houllebecq… mà xem, có hề dễ đâu. Chưa nói gì đến những Rabelais, những Sade, và Proust…

Viết một thứ văn cố cho trong sáng, sạch sẽ, thánh thót thì cũng được thôi, nhưng chắc chắn không phải là tiêu chí của văn học, bất cứ là văn học nào, Tây cũng như ta. Những tiểu thuyết đọc đến vỡ đầu của Joyce, của Faulkner, cả của Salman Rushdie sau này nữa, vẫn được coi là những kiệt tác hàng đầu của thể giới dù có ai bảo các ông ấy… điên và độc mồm chửi rủa!

Còn có một điều nữa cũng cần phải nói: Trong các ngành nghệ thuật, riêng văn học có một thiệt thòi lớn. Hội họa sử dụng màu sắc và đường nét, âm nhạc sử dụng âm thanh và nhịp điệu, kiến trúc sử dụng các chất liệu… Còn văn học thì chỉ có một thứ để sử dụng, đó là ngôn ngữ, là lời ăn tiếng nói người ta vẫn nói năng bình thường hằng ngày.

Trong khi, ai biết đôi chút về văn học đều hiểu ngôn ngữ dùng trong văn chương vừa là tiếng nói đó, ngôn ngữ đó, lại vừa là không phải nó nữa. Đó đã là, chủ yếu là những ký hiệu thẩm mỹ mà nhà văn sử dụng như họa sĩ dùng sắc màu, nghệ sĩ khiêu vũ dùng động tác múa toàn thân thể của họ…

Ở đây các từ có thể mang nghĩa hoàn toàn khác, chúng có thể vang lên hoàn toàn khác, tác động vào người đọc gây hiệu quả kỳ lạ mà chỉ có nhà văn hay nhà thơ mới tạo ra được, hơn nữa chỉ một lần. Nó đến với người đọc như một hệ thống mã thẩm mỹ để tạo nên ở họ, đưa họ vào một thế giới độc đáo chỉ có một trong đó tồn tại một khí quyển khác, một bầu trời khác, với những quy luật khác, thậm chí cả những hệ đạo đức khác, chưa từng có… Vì vậy hiểu văn học một cách trần trụi, thô kệch là hiểu nhầm, nhầm to, rất có hại, trước hết cho chính người đọc thô kệch.

Tôi yêu thơ Phapxa Chan, tôi yêu thơ Vũ Nhật Lập vì đọc họ tôi gặp những thế giới tôi chưa từng biết, họ làm giàu cho tôi bằng những trằn trọc dường như tôi từng mường tượng mà chưa định hình được cho mình.

Và nhân đây cũng xin nói luôn, trong các giải thưởng của mình hằng năm, Văn Việt luôn cố đi tìm những tác giả như thế, những người nói những gì chưa ai từng nói, theo cách chưa ai từng nói. Họ tìm, họ thử nghiệm. Như bao thế hệ người cầm bút đi trước, chúng ta từng dũng cảm thử nghiệm. Nếu không, nếu cứ một mực thánh thót, dễ hiểu sáo mòn, thì thử hỏi làm sao chúng ta có được Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, cả Trần Dần và Lê Đạt…?

Riêng tôi, tôi thường tự thấy mình kém hiểu thơ. Những khi như vậy trước hết tôi tự nhủ đúng là mình dốt thật. Và tôi đi tìm những chuyên gia giỏi, như các anh Nguyễn Đức Tùng, Vũ Thành Sơn, Inrasara, chị Ý Nhi, anh Đặng Tiến… và lắng nghe họ giảng. Chứ không vội chửi bừa.

Chắc trên đời chẳng có gì dân chủ bằng văn chương. Đọc hay không thèm đọc, thích hay không, chả ai cấm hay bắt buộc được ai. Và ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của mình, thậm chí tranh luận quyết liệt. Chỉ có điều người tự coi là trưởng thành và có văn hóa thì biết ứng xử có văn hóa và văn minh. Chưa hiểu, không hiểu, thì hỏi, thì học, giỏi nữa thì viết bài tranh luận. Nhất thiết đừng coi thiên hạ, mà thường là những người suốt đời lăn lộn với thơ, toàn là một lũ dốt và điên.

Cuối cùng còn một điều nữa chắc không thể không nói. Vừa rồi có anh bạn thân do quý mến tìm đến thăm anh chị em Văn đoàn. Rất tiếc tôi không có mặt được hôm ấy. Nghe nói trong khi trò chuyện thân tình, anh ấy có bảo văn học cũng chỉ là công cụ, chắc có ý nên là công cụ của cuộc đấu tranh xã hội đang bức bách bây giờ. Tôi cám ơn anh, nhưng cũng xin phép cho tôi nói rõ quan niệm văn học là công cụ, dù là công cụ của ai, cho cái gì, là hoàn toàn không đúng, và còn nguy hiểm nữa.

Cách đây mấy năm, trong khi trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, tôi đã nói rõ: “Chúng tôi, những nhà văn, chúng tôi không là công cụ của ai hết. Văn học không là công cụ của ai hết.”

Quan niệm văn học công cụ tất yếu dẫn chúng ta trở lại một thảm họa mà mấy chục năm trước Nguyễn Minh Châu đã đau đớn và thống thiết kêu lớn: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa!”. Làm công cụ, tức minh họa, không thể khác.

Trước đây, anh dại dột cắm cúi minh họa cho các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bây giờ, cũng y như thế, anh lại cắm cúi minh họa cho những chủ trương, hành động chống lại những điều trước đây anh đã cắm đầu cắm cổ ca ngợi, cổ vũ. Chẳng lẽ văn học chỉ có thể hết làm tay sai viết thuê cho “phe” này lại đến làm tay phát ngôn tận tụy cho “phái” khác sao.

Tôi nghĩ dù đôi khi làm ra vẻ oai phong, nhưng thường tự trong thâm tâm sâu xa mỗi người cầm bút đều luôn có mặc cảm thầm kín: mình có thật sự đủ tài năng cho sứ mệnh quá to lớn mà mình đã liều mình tự nguyện gánh vác không. Bởi vì quả thật văn học mang sứ mệnh rất to lớn.

Với tư cách công dân, lâu nay các thành viên Văn đoàn chưa bao giờ vắng mặt trong các cuộc đấu tranh xã hội cần thiết. Song đồng thời họ biết sứ mệnh to lớn và sâu xa của họ là điều gì đó lâu dài và căn bản hơn nhiều: góp phần cho sự giàu có, trong lành, thanh sạch, cho sự phục hồi nhân cách Việt đã bị bao nhiêu thứ lý thuyết (và cả thực hành) nhiễu loạn tàn phá bao nhiêu năm nay. Đấy chính là điều anh bạn từ xa đến thăm anh chị em chúng tôi vừa rồi đã gọi là chức năng “khai dân trí”.

Chúng tôi đã ra sức vận động cho sự ra đời của một tổ chức văn học theo tôn chỉ Tự do và Nhân bản, cũng chính là vì mục đích tha thiết đó: Khai dân trí, bằng con đường của mình, Văn học, góp phần tích cực nhất cho sự hình thành một nhân cách Việt xứng đáng và đủ sức đứng cùng nhân loại năm châu.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Dài hay ngắn không phải là vấn đề đáng quan tâm mà là đúng hay sai,
    tốt hay xấu,có lợi hay hại cho văn chương nghệ thuật ?
    Ngụy biện ở chổ nào,xin chỉ cho biết ? “Tẩu hoả nhập ma” cái gì ở đây ?

Comments are closed.