Thế nào là một bài báo?

Trung Bảo

4-7-2019

Trong vụ Big C hôm qua, khi tôi viết ra những gạch đầu dòng sườn bài cho một bài báo, có lẽ nhiều bạn đã chia sẻ rằng để trở thành một bài viết hoàn chỉnh đăng báo sẽ cần sự gia công nhiều hơn nữa. Quá trình gia công đó được gọi là Lao động phóng viên.

Thông thường, các phóng viên hằng ngày phải báo cáo đề tài mình sẽ làm trong ngày hoặc trong tuần. Đôi khi, đề tài sẽ được các biên tập viên dày dạn kinh nghiệm giao xuống để thực hiện theo yêu cầu toà soạn. Cũng có lúc đề tài đến với phóng viên trong quá trình làm việc, họ phát hiện ra bằng sự nhạy cảm – năng khiếu của mình. Hoặc, đề tài đến từ các nguồn bên ngoài toà soạn như thư bạn đọc, nguồn tin báo cho phóng viên…

Cho dù đến bằng cách gì thì để đề tài trở thành bài viết phải được trải qua quá trình lao động của phóng viên. Đó là tra cứu tài liệu, phỏng vấn nguồn tin – nhân vật, săn tìm các thông tin bị che giấu… Nói chung, có nhiều cách để chuyển tải thông tin đến bạn đọc và không có cách nào trong đó là ngồi một chỗ đọc bài người khác rồi nhào nặn – phán xét sự kiện bằng cái nhìn chủ quan.

Đừng nghĩ rằng tôi đang chê bai các cây bút chuyên viết xã luận – bình luận. Thể loại này đòi hỏi không chỉ khả năng diễn đạt mà còn đòi hỏi người viết phải là một nhà báo dày dạn với nguồn tin đủ lớn để đảm bảo mỗi chi tiết được đưa trong bài đều chính xác. Có thể từ các thông tin đó người viết sẽ đưa ra các góc nhìn đặc sắc mà đám đông hoặc chưa thấy hoặc đã thấy mà không có khả năng diễn đạt chuyên nghiệp của một nhà báo. Đây là thể loại “sang trọng” nhất của báo chí mà ở Việt Nam ngoài nhà báo Huy Đức tôi vẫn chưa thấy ai viết được đúng với các tiêu chí nói trên.

Một nhà báo có phải là một nhà hoạt động xã hội không? Câu trả lời dứt khoát là “KHÔNG”. Nhà báo có thể trở thành nhà hoạt động nhưng đó là khi họ chấm dứt nghề nghiệp đưa tin. Còn đang là nhà báo thì không thể kiêm một nhà hoạt động bởi chắc chắn sẽ mất đi tính trung lập.

Vì vậy, trên mạng những lời kêu gọi “tẩy chay” của những người đi làm báo xin hãy hiểu rằng đó là lời kêu gọi cá nhân của họ, không trong tư cách của người làm báo cho dù họ có ý thức được điều đó hay không. Một nhà báo phải chọn cách đưa thông tin đến người đọc qua con đường minh bạch – chính trực – trung dung. Không có cách khác.

Không có một bài báo mà thiếu đi quá trình Lao động Phóng viên. Bài viết này là một ví dụ.

Do đó, khi bạn đọc những bài viết mà ở đó cái “Tôi” của người viết lấn át sự kiện và thông tin. Hãy tin tôi, đó không phải là bài báo và người viết cũng không phải là nhà báo cho dù đang làm ở bất kỳ một cơ quan báo chí nào. Khi bạn đọc những lời đay nghiến hoặc kêu gọi đám đông tẩy chay người/doanh nghiệp. Hãy tin tôi, đó cũng không phải một bài báo và người viết càng không bao giờ là một nhà báo.

Nhất là khi đó là những kẻ kêu gọi tẩy chay doanh nghiệp rồi ngồi đợi hoặc chủ động gọi một cú điện thoại đến phòng Truyền thông của chính doanh nghiệp đó.

Bình Luận từ Facebook