Dân trí thấp

Lê Nguyễn Duy Hậu

4-7-2019

Trong mấy năm trở lại đây xuất hiện một câu nói mà mình rất ghét, đó là “nói dân trí thấp thì tự ái”. Câu này vốn dĩ diễn Nôm ra đó là để chỉ trích một ai đó, hoặc thậm chí là một cộng đồng, một xã hội thiếu suy nghĩ, thiếu giáo dục, thiếu văn minh.

Không rõ ai là tác giả của câu nói này nhưng phần nhiều hoặc được những cá nhân dạy đời thiên hạ sử dụng, hoặc được những người ủng hộ một chính quyền khắc nghiệt với quyền tự do của người dân dùng để biện minh.

Chẳng phải từ rất lâu, một trong những luận điểm để nói rằng Việt Nam chưa nên tự do, chưa nên dân chủ đó là vì “dân trí còn thấp” nên dân chủ, tự do sẽ loạn ư?

Tất nhiên, xã hội (hay một bộ phận của nó) chắc chắn không để yên cho diễn ngôn như vậy tồn tại. Ngoài những tiếng nói phản biện ôn hoà hơn, xuất hiện những tranh luận gay gắt cho rằng dân trí của người Việt Nam thật ra rất cao, còn quan trí mới là cái thấp.

Luận điểm này cũng được hoan nghênh vì nó phản hồi hiệu quả những người lợi dụng diễn ngôn dân trí để biện minh cho chế độ phi dân chủ, phi tự do. Nhưng hơn hết, nó còn được minh hoạ bằng những ví dụ về cách hành xử hay phát ngôn có phần rất ngô nghê và thiếu suy nghĩ của các cán bộ Nhà nước (thật ra chưa hẳn là do quan trí họ thấp, mà có khi là do họ cũng chẳng quan tâm người dân nghĩ gì – đó là cái giá của việc thiếu bầu cử đúng nghĩa). Tuy nhiên, bản thân luận điểm này cũng rất tai hại.

Thứ nhất, nó đánh giá thấp mức độ tinh vi về quản trị xã hội của giới lãnh đạo Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà tình hình chính trị Việt Nam lại “ổn định” như vậy, bất chấp những mầm mống bức xúc gần như năm nào cũng có. Bill Hayton – tác giả quyển Vietnam: A Rising Dragon – đánh giá, Việt Nam có kĩ thuật kiểm soát xã hội thuộc vào bậc cao trên thế giới và các phong trào đối lập (ví dụ, Nhóm 8406) không thực sự tạo được một đối trọng đủ mạnh.

Còn một tác giả khác gần đây nổi tiếng hơn với bài báo về Vingroup trên Financial Times là John Reed, thì từng chia sẻ rằng, Việt Nam là nhà nước phi dân chủ tinh vi nhất thế giới (the world’s most sophisticated non-democrat).

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, bộ máy quản lý xã hội ở Việt Nam là rất phức tạp nhưng cũng rất hiệu quả (cộng hưởng bởi thành tựu kinh tế và hội nhập) nếu mục tiêu là để duy trì ổn định xã hội (nghĩa là, không có bức xúc đến mức sự lãnh đạo của Đảng bị đe doạ, hoặc ít nhất là đại đa số người dân không thấy) và một đội ngũ rất lớn những chuyên gia, tinh hoa (không phải tất cả) vẫn chọn việc phục vụ cho chính quyền, thay vì quay lưng lại như trí thức Ba Lan hay Tiệp Khắc những năm 1980.

Thứ hai, lập luận như vậy không tạo ra thêm một giá trị nào khác ngoài sự hả hê nhất thời, nhưng lại đẩy các cuộc đối thoại của những người ủng hộ hay phản đối tình trạng hiện tại đến một mức độ cực đoan mới. Đối với bản thân mình, sự cực đoan không đem lại bất kỳ lợi ích gì vì thay vì tạo ra sự thấu hiểu và khoan dung – vốn là trụ cột của chế độ dân chủ tự do – nó chỉ mang tính đổ lỗi và kẻ thù hoá lẫn nhau.

Tất nhiên, luôn có những người thực sự có tội trong hệ thống (ví dụ như những người đánh dân, tham nhũng) và cả trong giới đối lập (những người cổ vũ phương pháp khủng bố), nhưng nhìn chung một phong trào dân chủ hoá, tự do hoá phải xuất phát từ chính những giá trị kể trên. Dân chủ và tự do không chỉ là đấu tranh chống lại và ác quỷ hoá những người chống lại dân chủ, tự do, mà còn phải thực hành và ủng hộ những giá trị đó (do đó, việc ác quỷ hoá người phạm tội vốn dĩ không hề dân chủ, hay tự do).

Đã có lúc mọi người lầm tưởng rằng nếu sự thật được phơi bày thì chế độ sẽ sụp đổ. Tất nhiên, sự thật thì cần phải phơi bày và người có tội phải chịu trách nhiệm. Nhưng dân chủ hoá cần một giải pháp chuyển đổi rõ ràng, thực tế, và hoà bình hơn để người dân có thể chấp nhận được.

Chính vì thế, quay trở lại câu chuyện về dân trí, như một vị chuyên gia đã chỉ ra gần đây, vốn dĩ dân trí của người Việt Nam không hề thấp, nhưng vì sao viễn cảnh một nền dân chủ, tự do thực thụ còn quá xa vời? Có lẽ bởi vì thật ra dân trí không phải là thứ quyết định một xã hội có (nên) tự do không, dân chủ không. Chính những cơ hội trải nghiệm tự do, trải nghiệm dân chủ, và thiết chế ủng hộ những điều đó mới tạo nên nền dân chủ tự do ổn định.

Singapore dân trí rất cao nhưng hoàn toàn không có tự do, dân chủ. Nước Mỹ thuở lập quốc (và ngày hôm nay là sinh nhật của nó) dân trí không thể so với Việt Nam bây giờ nhưng họ vẫn thiết lập được nền tự do nhờ vào trải nghiệm. Tương tự với Úc, Anh, Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Lời giải cho nền dân chủ, tự do Việt Nam thiết nghĩ đó chính là một quá trình dân chủ hoá đàng hoàng, với việc coi trọng quyền con người và giá trị nhân đạo làm gốc.

Do đó, thiết nghĩ những gì đang diễn ra, những cãi vã, tranh luận về mọi chủ đề đều là những điều đáng quý, đáng trân trọng. Sự dân chủ hoá của Việt Nam có thể ví như một cơ thể đang trưởng thành, với những chuyển mình, trổ mã, nhưng cũng chất chứa xung đột, hoang mang, đổ vỡ. Do đó, để “dậy thì thành công”, một phong trào dân chủ, tự do thực sự sẽ kiên quyết đẩy cho chiếc xe đi lên dốc, cho dù có thể cả thế hệ sẽ không thấy được thành quả.

Nhưng những lúc như vậy, cần nhớ về cuộc đời của nhà giáo Phạm Toàn để biết rằng ta đang làm đúng, không sai. Trái lại, nhà cầm quyền với vai trò lịch sử của mình cũng phải đón nhận những phản biện, đối thoại đó, bằng cách này hoặc cách khác. Vì nếu không, quá trình “dậy thì” này sẽ đổ vỡ và đất nước mà ta thuộc về, con cháu ta thuộc về sẽ gánh chịu hậu quả.

Một xã hội đàng hoàng, do đó không nên có chỗ cho những diễn ngôn “dân trí thấp” hay “quan trí thấp”.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Singapore dân trí rất cao nhưng hoàn toàn không có tự do, dân chủ”?????

  2. Đi vào bàn luận “Dân trí thấp” chỉ gây thêm xung đột, tranh cãi ko đáng có. Nên đi vào “Khai Dân trí” để toàn dân biết dc: Quyền con người; Mọi ng bình đẳng trước Pháp luật; Đảng viên phải tuân theo Hiến pháp, Pháp luật; Quốc hội phải thực chất vì dân; ….
    Hôm nay đọc bài báo: Phá sản phương án Bộ GD-ĐT viết sách giáo khoa
    https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/pha-san-phuong-an-bo-gd-dt-viet-sgk-20190704213314572.htm, cũng thấy hy vọng về ng dân rồi sẽ dần lấy lại quyền lợi cho mình.
    P/s: Ngày 19/12/1966 Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua hai công ước quốc tế về các quyền con người.

  3. “Đã có lúc mọi người lầm tưởng rằng nếu sự thật được phơi bày thì chế độ sẽ sụp đổ … Nhưng dân chủ hoá cần một giải pháp chuyển đổi rõ ràng, thực tế, và hoà bình hơn để người dân có thể chấp nhận được”

    Lê Nguyễn Duy Hậu vừa chỉ ra lý do tại sao chế độ chưa sụp đổ . Sự thật đã (gần) được phơi bày, nhưng “dân chủ hoá cần một giải pháp chuyển đổi rõ ràng, thực tế, và hoà bình hơn để người dân có thể chấp nhận được” nên những người “đấu tranh” như Lê Nguyễn Duy Hậu vội vàng lấy chăn màn che phủ lên sự thật . Và thế là chế độ vẫn còn tồn tại .

    “để “dậy thì thành công”, một phong trào dân chủ, tự do thực sự”

    Ah, hóa ra đấu chanh ở Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dậy thì”. Hèn chi thấy toàn tự sướng! Có vẻ họ mới khám phá phê vì tự phê . Phạm Đoan Trang thì khi qua Mỹ, chắc chỉ chúi đầu vào sách báo bậy bạ, rồi đem về “địa phương hóa” thành “ôn hòa & có học”. Dậy thì này có vẻ vui đấy .

    “Nhưng những lúc như vậy, cần nhớ về cuộc đời của nhà giáo Phạm Toàn để biết rằng ta đang làm đúng, không sai”

    Ừ, cứ tham gia kiểu làm sách giáo khoa cho miền Nam mới được giải phóng, rồi lao đầu vào làm “công nghệ giáo dục” kiểu Hồ Ngọc Đại . Tất cả đều đúng nếu tính sổ cuộc đời của nhà giáo Phạm Toàn . Sao không nhơ cả những lời răn dạy trong mông thế sự của gs Tương Lai, rồi nhớ cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Lê Đức Anh, … nhân tiện nhớ về cuộc đời của Bác Hồ luôn thể “để biết rằng ta đang làm đúng, không sai”

    Ignorance is bliss. Khi biết ta làm đúng, điều đó tự nó đã trở thành hạnh phúc rùi .

Comments are closed.