Khóc rừng

Nguyễn Sơn

1-7-2019

“Rừng đã cháy và rừng đã héo. Em hãy ngủ đi…”

Hình ảnh cháy rừng lúc nào cũng mang lại ấn tượng khủng khiếp. Rừng đang cháy ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… trong những ngày nắng nóng này. Cháy to nhất là ở núi Hồng Lĩnh bị 40-50 ha trong đó có hơn 10 ha rừng thông 10 năm tuổi đến kỳ khai thác bị thiêu rụi. Cho đến nay ngọn lửa đã được khống chế, không lan ra và hy vọng chiều nay khi có cơn mưa xuống thì đám cháy sẽ tắt.

Cộng đồng mạng và báo chí Việt như thường lệ luôn dễ bị cảm xúc nhất thời tác động, đang rúng động vì những hình ảnh cháy rừng mang lại. Kêu khóc, than trách thậm chí lại mạt sát nhau vì chuyện này, nào là ‘sao Nhà thờ Đức Bà Paris cháy thì than khóc ghê thế mà rừng VN cháy không thấy đâu?’, ‘Sao không dùng trực thăng chữa cháy trong khi mang trực thăng đi chữa cháy rừng bên Indo’… Chưa kể báo lá cải còn lâm li khai thác kiểu như “giọt nước mắt của chiến sĩ công an PCCC sau khi trắng đêm cứu rừng’ mà hóa ra hình ảnh người chiến sĩ rưng rưng ấy được chụp 3 năm trước sau một vụ cháy ở Hà Nội (do phóng viên Nguyễn Khánh, báo TT chụp).

Nếu bình tĩnh mà nhìn sự việc thì chúng ta có thể thấy một thực tế là rừng ở Việt Nam, cơ bản, đã bị phá hết từ lâu. Việc phủ xanh lại rừng chỉ là bề mặt. Rừng nguyên sinh, rừng cây lâu năm chả còn bao nhiêu, chỉ còn rừng trồng mới bằng cây công nghiệp, ngắn ngày. Lượng thì có thể có nhưng chất đã thay đổi hoàn toàn. Nên rừng bây giờ không có khả năng giữ, ngăn lũ, rừng bây giờ không giữ nước nên khô và dễ cháy, dễ lan hơn rất nhiều.

Mà nói thẳng ra, rừng bị cháy chỉ là muối so với biển, là diện tích rừng bị chặt phá thời gian qua. Hàng triệu ha rừng đã và đang bị hạ làm gì có ai quan tâm, than khóc phải không???

10 ha cháy ở Hồng Lĩnh cũng chỉ suýt soát gần bằng diện tích rừng mới bị kẻ xấu đổ hóa chất làm chết ở Lâm Hà, Lâm Đồng mới hơn 1 tháng trước. Mà thông ở đó gần 20 năm tuổi rồi cơ.

5 năm gần đây Lâm Đồng mất hơn 90.000 ha rừng.

Khắp nơi là hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn ha rừng bị chặt phá.

Cãi nhau làm gì?! Chúng ta đáng được/bị hưởng nhưng gì chúng ta làm. Kể cả không trực tiếp mà chỉ là bàng quan, thờ ơ với thiên nhiên sống xung quanh.

…Rừng đã khô và rừng đã tàn. Em hãy ngủ đi.

Bình Luận từ Facebook