30-6-2019
1. Giấy của Bà Vũ Thị Sao Chi:
Sau gần một năm làm thinh giả điếc trước những chứng cứ đạo văn mà báo chí phanh phui, TS. Vũ Thị Sao Chi – Đương kim Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Ngôn Ngữ – Viện Ngôn ngữ học (tục gọi “Truyền nhân của GS. Đạo văn Nguyễn Đức Tồn”) – bỗng lên tiếng kêu oan. Bà trưng ra một tờ giấy có tên “Giấy xác nhận đồng tác giả”, với chữ ký của Phạm Thị Thu Thuỳ. Nội dung như sau:
“GIẤY XÁC NHẬN ĐỒNG TÁC GIẢ
Tôi tên là: Phạm Thị Thu Thuỳ. Ngày sinh 24/6/1988. Nơi sinh Hải Phòng
Số Chứng minh nhân dân 031188001559. Nơi cấp: Công an Hải Phòng.
Là học viên Lớp Cao học Khoá 2011-2013 Chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam, Trường Đại học Hải Phòng.
Xác nhận: Bài báo khoa học: “Hai ý niệm tương phản – nền tảng cho ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên (qua các tập Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa)” đăng trên Tạp chí “Ngôn ngữ” số 7 & 8/2013 do Tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi và tôi là đồng tác giả. Tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi có quyền sử dụng bài báo này trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình.
Hải Phòng, ngày 18 tháng 11 năm 2013
Người viết xác nhận
Phạm Thị Thu Thuỳ”.
Vậy thực chất vấn đề thế nào?
Bài báo “Hai ý niệm tương phản – nền tảng cho ẩn dụ tri nhận trong thơ Chế Lan Viên (qua các tập Điêu tàn và Ánh sáng và phù sa)” chính là kết quả Luận văn bà Phạm Thị Thu Thuỳ bảo vệ vào tháng 6 năm 2013, mà theo thông lệ, bà Thuỳ đã viết cam đoan là công trình của riêng bà.
Ấy vậy mà chỉ một tháng sau đó, khi công bố trên Tạp chí Ngôn ngữ, người ta lại thấy có thêm tên của TS. Vũ Thị Sao Chi bên cạnh Phạm Thị Thu Thuỳ. Đồng thời, bà Phạm Thị Thu Thuỳ viết “giấy xác nhận” TS. Vũ Thị Sao Chi là “đồng tác giả”, và ban cho Vũ Thị Sao Chi “quyền sử dụng bài báo này trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình”.
Vậy câu hỏi đặt ra là bà Phạm Thị Thu Thuỳ có quyền cho bà Vũ Thị Sao Chi kết quả nghiên cứu khoa học, mà một tháng trước đó bà từng “cam đoan” là công trình của riêng bà không?
Câu trả lời là KHÔNG!
Vì sao?
Vì nghiên cứu khoa học khác với “chơi hụi”!
KHOA HỌC LÀ SỰ TÌM TÒI, SÁNG TẠO.
Xã hội cần 2 Thạc sĩ hay Tiến sĩ với đóng góp, tìm tòi trong 2 công trình khác nhau, chứ không chấp nhận sự sao chép, chung đụng, dấm dúi cho nhau, để cùng một công trình khoa học mà đẻ ra nhiều vị Tiến sĩ, Giáo sư khác nhau, tạo thêm gánh nặng cho xã hội.
Nghĩa là sau khi công trình khoa học đã được công bố và ghi nhận, bà Phạm Thị Thu Thuỳ không có quyền đem cho bà Vũ Thị Sao Chi, hay bất cứ ai đứng tên chung, với vai trò đồng sáng tạo, để họ lấy đó làm thành tích giảng dạy, nghiên cứu khoa học, rồi lại tiếp tục nhân bản Thạc sĩ, Tiến sĩ, hay xin phong PGS, GS.
Thậm chí nếu bà Vũ Thị Thu Thuỳ sao chép lại kết quả nghiên cứu của chính bà, rồi xào xáo thành một công trình mới, hòng tìm kiếm học hàm, học vị cao hơn, bà Thuỳ sẽ bị quy vào tội “tự đạo văn”, gian lận trong khoa học.
Xin lấy ví dụ thế này: Luận văn Thạc sĩ của bà Phạm Thị Thu Thuỳ giống như một tấm vé để bước lên “con tàu khoa học”. Sau khi bảo vệ Thạc sĩ thành công, xem như bà Thuỳ đã đi đến ga cuối của chặng đường đầu tiên. Nếu muốn đi xa hơn, bà Thuỳ phải có trong tay tấm vé khác, một tấm vé hoàn toàn mới, có giá trị đóng góp cho cuộc hành trình khoa học tiếp theo, chứ không phải tấm vé cũ đã sử dụng, và chỉ được phép sử dụng một lần. Lẽ dĩ nhiên, con “tàu khoa học” ấy cũng không chấp nhận việc bà Phạm Thị Thu Thuỳ cho tặng, chia sẻ, ghi thêm tên bà Vũ Thị Sao Chi hoặc bất cứ ai đó vào tấm vé đã sử dụng để tiếp tục cuộc hành trình gian dối trong khoa học.
Như vậy, bà Vũ Thị Sao Chi chỉ có thể sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của bà Phạm Thị Thu Thuỳ dưới dạng trích dẫn, hay minh hoạ cho luận điểm của mình trong một công trình khoa học khác, với chú thích rõ ràng, đầy đủ, chứ không được phép ghé tên của bà vào bài viết để nghiễm nghiên trở thành “đồng tác giả”.
2.“GIẤY XÁC NHẬN” của ông Nguyễn Đức Tồn:
Trước thời điểm bà Vũ Thị Sao Chi – học trò cưng và là người kế nhiệm vị trí Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ của ông Nguyễn Đức Tồn – trưng ra “Giấy xác nhận đồng tác giả” (6/2019), thì đầu năm 2019 ông Nguyễn Đức Tồn – Nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ – thông qua FB của ông Thiếu tướng Hoàng Kiền (Kien Hoang) cũng đã đắc ý bày ra hai tờ giấy “xác nhận” của hai cô học trò, mục đích “minh oan” cho hành vi đạo văn nghiêm trọng của ông, mà báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực trong suốt hơn 10 năm qua:
-“GIẤY XÁC NHẬN” thứ nhất:
Tạp chí Ngôn ngữ Số 3/1994 đăng bài “Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa nhóm từ ngữ chỉ “Sự kết thúc cuộc đời của con người” của đồng tác giả Nguyễn Đức Tồn-Huỳnh Thanh Trà. Tuy nhiên sau đó, ông Nguyễn Đức Tồn đã bê nguyên xi bài báo này vào trong cuốn “Đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (Nxb Đại học QG Hà Nội, 2002), thành Chương 6 (21 trang): “Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa của nhóm từ ngữ chỉ “sự kết thúc của cuộc đời”, mà không hề nhắc đến Huỳnh Thanh Trà.
Sau khi bị báo chí phanh phui, ông Tồn đã trưng ra tờ “GIẤY XÁC NHẬN” có nội dung như sau:
“Tôi là Huỳnh Thanh Trà công tác tại Ban từ điển Viện ngôn ngữ từ 1979 đến 1994, xác nhận:
Ông Nguyễn Đức Tồn là đồng tác giả với tôi trong bài viết Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa nhóm từ ngữ chỉ “Sự kết thúc cuộc đời của con người” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ Số 3/1994 nhưng thực tế là tác giả chính của bài viết. Tôi tham gia với vai trò là người thu thập, sắp xếp, xử lý tư liệu.
Sau khi bài viết được in tôi đã đồng ý để ông Nguyễn Đức Tồn toàn quyền sử dụng.
Ký tên Huỳnh Thanh Trà”.
Theo đây, ở đầu câu, bà Trà khẳng định “Ông Nguyễn Đức Tồn là đồng tác giả với tôi trong bài viết”, nhưng ngay sau đó, lại thừa nhận “thực tế” ông Tồn “là tác giả chính của bài viết”, bà Trà chỉ “tham gia với vai trò là người thu thập, sắp xếp, xử lý tư liệu”.
Như vậy, bà Huỳnh Thanh Trà đã công khai thừa nhận sự lưu manh trong học thuật của chính bà và ông Nguyễn Đức Tồn: khi cần thành tích khoa học để làm luận án, thì bà Trà cùng ông Tồn đứng tên “đồng tác giả”; khi “qua cầu”, thì bà Trà nhường lại toàn bộ kết quả nghiên cứu, để ông Tồn đem in sách, làm hồ sơ xin xét phong Giáo sư.
– “GIẤY XÁC NHẬN” thứ 2:
Tạp chí Ngôn Ngữ số 2 năm 2001 đăng bài “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Nguyễn Thị Thanh Hà. Ba tháng sau, ông Nguyễn Đức Tồn đánh cắp bài viết này của Nguyễn Thị Thanh Hà để đưa vào sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS” (Nguyễn Đức Tồn – NXB ĐHQG Hà Nội-5/2001) mà không một lời chú thích tên tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà.
Sau hơn 10 năm bị báo chí lên tiếng cáo buộc đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn trưng ra tờ “GIẤY XÁC NHẬN” như sau:
“Tên tôi là Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh của Viện ngôn ngữ từ năm 1998 đến năm 2002, xác nhận:
Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn – Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ cùng nghiên cứu, viết chung với tôi bài viết: Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở được đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ số 2 năm 2001.
Tác giả hoàn toàn có quyền sử dụng bài viết này.
Người xác nhận Nguyễn Thị Thanh Hà”.
Câu hỏi đặt ra cho bà Nguyễn Thị Thanh Hà: tại sao ông Tồn “cùng nghiên cứu, viết chung”, nhưng khi công bố, bà lại đứng tên một mình, để rồi sau đó lại viết “giấy xác nhận” ông Tồn là đồng tác giả?
Như vậy, bằng giấy trắng mực đen, bà Nguyễn Thị Thanh Hà đã công khai thừa nhận cùng với ông Nguyễn Đức Tồn làm điều gian dối trong khoa học: khi cần tiêu chuẩn để làm Nghiên cứu sinh, thì bà Hà công bố bài viết với tư cách là tác giả duy nhất. Sau khi đã xong việc, thì bà sang tên cho ông Nguyễn Đức Tồn. Ngược lại, khi ông Tồn chủ động công bố “Giấy xác nhận”, cũng chính là ông đã công khai thừa nhận từng lừa đảo Hội đồng xét phong giáo sư, bằng cách sao chép, sử dụng lại công trình khoa học của người khác để đem in sách, kịp đưa vào hồ sơ xét phong Giáo sư.
KẾT LUẬN:
Trong nghiên cứu khoa học cũng như thi cử, một khi hành vi sao chép, quay cóp bài của người khác bị nghiêm cấm, thì bất kể hành vi đó có được chủ nhân đồng ý hay không, đều vi phạm liêm chính học thuật cũng như quy chế thi cử. Ví dụ: Nếu thí sinh A đồng ý, hoặc chủ động để thí sinh B quay cóp bài, thì cả hai sẽ bị xác định là phạm quy.
Với trường hợp của Thạc sĩ Phạm Thị Thu Thuỳ và Tiến sĩ Vũ Thị Sao Chi; bà Huỳnh Thanh Trà, Nguyễn Thị Thanh Hà và ông Nguyễn Đức Tồn cũng vậy. Cái gọi là “Giấy xác nhận đồng tác giả”, hay “Giấy xác nhận” cùng nghiên cứu viết chung, chẳng những không thể “minh oan” cho bà Vũ Thị Sao Chi và ông Nguyễn Đức Tồn, mà ngược lại còn cho thấy đây chính là những “bản tường trình”, sự công khai thừa nhận các vị đã gian dối, vi phạm nghiêm trọng sự liêm chính, trung thực trong học thuật trong một thời gian dài như thế nào.
Cuối cùng, bà Chi bị tố cáo đạo văn của 6 người, nhưng bà chỉ mới xin được một “giấy xác nhận” cho điều đó; ông Tồn ăn cắp, cưỡng gian kết quả nghiên cứu khoa học của hàng chục người, nhưng mới công khai thừa nhận bởi “giấy xác nhận”, “bản tường trình” của hai cô học trò.
Vậy còn các trường hợp khác, bà Chi và ông Tồn tính sao?