15-6-2019
Bất chấp sự đàn áp của cảnh sát và de dọa từ Bắc kinh, Hong Kong sẽ tiếp tục biểu tình lớn ngày Chủ Nhật tới và đình công bãi thị từ thứ Hai 17/06 để phản đối dự luật dẫn độ.
Một phát ngôn viên của CHRF (Civil Human Right Front), Jimmy Sham, tuyên bố: chúng tôi sẽ tranh đấu tới cùng, cho tới khi Bắc Kinh từ bỏ dự luật cho phép dẫn độ công dân Hong kong tới xử tại các toà án lục địa SHRF, quy tụ các hội đoàn dân quyền Hong Kong, đã tổ chức cuộc biểu tình biển người Chủ Nhật vừa qua.
Cho tới giờ này, Bắc Kinh và chính quyền địa phương tỏ ra cương quyết bác bỏ yêu sách trên, chỉ hoãn lại ngày quốc hội thảo luận dự án, coi những cuộc biểu tình là những “bạo động có tổ chức” do “ngoại bang xúi dục’’, nhưng trước sự tham gia phản kháng quyết liệt của nhiều giới, có thể sẽ nhượng bộ.
Nhật báo địa phương Morning Post cho hay chiều nay, thứ Bẩy 15/06, Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chánh Hong Kong (thủ tướng), sẽ tuyên bố bãi bỏ dự luật.
Bắc Kinh khó giữ thái độ cứng rắn như đối với cuộc “cách mạng dù” năm 2014, vì lần này, rất nhiều tổ chức dân sự đã tham gia (1). Trong khi cuộc cách mạng dù là một phong trào sinh viên, lần này các tổ chức luật gia, báo chí độc lập, y sĩ, nghiệp đoàn, thương gia và kỹ nghệ gia đã chính thức đứng về phe đối lập. Carrie Lam, người của Bắc Kinh, càng ngày càng bị cô lập.
Một vài dân biểu thân Tàu đã yêu cầu bãi bỏ dự luật. Một số thương gia đã đóng cửa tiệm. Một số người đã và đang tuyệt thực .Thị trường chứng khoán Hong Kong sụt giảm đáng kể từ hôm thứ Năm
Dân Hong Kong, thuộc đủ mọi giai cấp, nghề nghiệp, tuổi tác đã đứng sau, ủng hộ những cuộc xuống đường, vì hiểu rằng chuyện dẫn độ không phải chỉ dành cho những người phạm pháp, nhưng sẽ áp dụng cho tất cả những người đối lập, không vừa ý Bắc Kinh, kể cả những nhà kinh doanh độc lập và những người ngoại quốc trên lãnh thổ Hong Kong.
Nhà nước chỉ cần dựng một hồ sơ giả tạo để đưa họ tới các toà án của Trung Cộng ở lục địa.
Dự án dẫn độ đã đưa hàng triệu người xuống đường, vì trước đó, nhiều nhà báo, nhà xuất bản, thương gia độc lập đã bị Trung Cộng bắt cóc và không ai biết số phận của họ ra sao.
Tại Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố chừng nào bà còn là tổng thống “sẽ không có chuyện một quốc gia, hai chế độ kiểu Hong Kong ở Đài Loan’’ (2), ngụ ý cảnh cáo cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới là phe đối lập, thân thiện với Bắc Kinh, sẽ đưa Đài Loan vào tình trạng Hong Kong, quyền tự trị hứa hẹn bị Bắc Kinh gặm nhấm dần dần một cách trắng trợn.
Theo France Inter, đây là cơ hội bằng vàng cho bà Thái Anh Văn, bị yếu thế trong cuộc bầu cử tới, vì cử tri Đài Loan, một quốc gia dân chủ thực sự, có khuynh hướng lựa đối lập, để các chính đảng luân phiên nhau nắm quyền. Bà sẽ dành trong tâm cuộc tranh cử vào nền độc lập của Đài Loan.
Từ 1949, Bắc Kinh không ngớt kêu gọi Đài Loan trở về hội nhập với “đất mẹ”, hứa sẽ dành cho đảo này quy chế tự trị, nhưng cho tới nay, lời kêu gọi này không được hưởng ứng. Bà Thái Anh Văn là lãnh tụ cương quyết nhất trong việc bảo vệ nền độc lập cuả Đái Loan.
—–
(1). Trong cuộc “Cách mạng dù’’, sinh viên xuống đường đòi thủ tướng Hong Kong phải được lựa chọn qua phổ thông đầu phiếu. Bác Kinh đã không nhượng bộ, đàn áp thẳng tay. Hiện nay, chức trưởng khu hành chánh vẫn được bầu bởi một cử tri đoàn gồm 1200 người do Bắc Kinh lựa chọn.
(2). Theo thỏa ước giữa Anh Quốc và Bắc Kinh, quy chế “một quốc gia, hai chế độ” cho phép Hong Kong được tự trị (trừ ngoại giao và quốc phòng) trong 50 năm, cho tới năm 2047, nhưng Bắc Kinh không ngớt tìm cách can thiệp vào nội bộ Hong Kong.