15-6-2019
Có ông đại biểu Quốc hội đề xuất thu “phí chia tay” trị giá 3-5 USD khi ai đó xuất cảnh. Đến lúc dư luận phản ứng mạnh, ông chống chế rằng, đó chỉ đáng giá một bữa ăn sáng.
Tôi thử làm phép tính. GDP đầu người của Việt nam năm 2018 là 2.306 USD. Như vậy, trung bình, mỗi người dân Việt nam, nếu ăn sáng theo chuẩn của ông đại biểu Quốc hội kia, thì sau khi ăn sáng, còn dư được 481 USD. Và, nếu mỗi bữa ăn trưa cũng tương tự như bữa ăn sáng, thì họ sẽ có thêm 96 ngày có ăn trưa. Có nghĩa là, mỗi năm, họ có 269 ngày chỉ ăn mỗi bữa sáng.
Nghe sốc thật.
Thế nhưng, nếu có việc gì mà hẹn với ai ăn sáng, thì sẽ thấy, bữa ăn sáng như của ông đại biểu Quốc hội kia còn khá là đạm bạc. Ở Chợ lớn có nhiều nhà hàng mà buổi sáng thường đông nghẹt khách. Ở đó chúng ta thường gặp các quan chức, cùng những người có máu mặt ra ăn sáng. Và nếu bạn là người tính tiền, thì bạn sẽ thấy, ông đại biểu Quốc hội kia nói còn nhẹ lắm, 3-5 USD mới chỉ là một phần của bữa ăn sáng mà thôi.
Bản thân tôi, người có thu nhập gấp nhiều lần cái mức GDP bình quân đầu người của Việt nam, mà có lần, khi phải thanh toán cái hóa đơn ăn sáng kiểu ấy, cứ xót xa hoài. Một bữa ăn sáng đó trị giá bao nhiêu DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG? Số tiền chi cho một buổi gặp gỡ, bàn thảo công việc, hoặc đôi khi chỉ là gặp gỡ tán dóc, kéo dài khoảng 30 phút đến 45 phút, có thể giúp cho bao nhiêu người bệnh nghèo có cơm ăn?
Một bữa ăn sáng thông thường của tôi, chắc chắn là có giá thấp hơn một DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG. Nhưng tôi không phản đối chuyện những người có tiền cho phép mình ăn sáng (hay ăn trưa, ăn tối…) với mức 3-5 USD hoặc cao hơn số đó nhiều lần. Vấn đề nằm ở chỗ, đồng tiền làm ra có sạch hay không. Bạn giỏi, bạn có khả năng làm ra nhiều tiền, bạn cứ việc tiêu xài.
Nhưng chỉ xin đừng lãng phí. Ăn bao nhiêu kêu bấy nhiêu, đừng bỏ thừa mứa. Chỉ xin hiểu cho rằng, một chút thừa mứa mà chúng ta bỏ đi, và nhà hàng sẽ phải bỏ vô thùng rác, mà bên vệ sinh sẽ phải xử lí theo kiểu rác hữu cơ, nó trị giá bằng mấy bữa ăn của những bệnh nhân nghèo đang nằm trong các bệnh viện trong thành phố.
Tôi quen biết nhiều doanh nhân. Tôi nhận thấy, những người làm ra đồng tiền một cách chân chính sẽ không phung phí. Họ luôn tiết kiệm trong chi tiêu. Thay vì kêu đồ ăn thừa mứa, họ kêu vừa đủ. Thay vì vào một nhà hàng quá đắt đỏ, họ chọn một nhà hàng có giá cả phù hợp với chất lượng bữa ăn.
Và họ, những người làm ra đồng tiền một cách chân chính, luôn nghĩ cho người khác. Không chỉ bằng việc đóng góp một phần thu nhập của mình để giúp cho người nghèo, giúp xây cầu, xây trường học, cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn… Ngay cả khi phát biểu, họ luôn giữ chừng mực, để không làm tổn thương những người kém may mắn hơn mình.
Hãy nghĩ đi, những người bệnh nghèo, đang mong chờ được nhận những phiếu cơm của DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG trong các bệnh viện, sẽ cảm thấy như thế nào, khi có một ông đại biểu Quốc hội, người được coi là đại diện cho mình, nói một cách nhẹ tâng, rằng 3-5 USD chỉ bằng một bữa ăn sáng của ông và những người thuộc tầng lớp của ông. Trong khi số tiền ấy bằng với 4-5 bữa ăn chính của họ?
Thay vì tìm cách tận thu bằng biện pháp hô hào thu “phí chia tay”, thì ông đại biểu Quốc hội kia nên góp sức mình cải tiến thể chế, để có nhiều người làm ăn chân chính mà vẫn đủ khả năng chi trả cho mỗi bữa ăn sáng trị giá 3-5 USD, làm sao giảm bớt số người cần phải cứu trợ. Và ông cũng nên nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.
Không chỉ là việc hỗ trợ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, mà là trong cả lời ăn, tiếng nói. Ngay cả khi những đồng tiền của ông đại biểu Quốc hội kia là sạch, thì cũng đừng làm tổn thương họ, bằng cách coi như ai cũng có mức sống cao như ông.
Các câu phát biểu của những vị đại biểu “Cuốc Hội” và quan chức thời nay có thể gom lại thành một tập truyện tiếu lâm Việt Nam hiện đại, và nếu đem xuất bản thì chắc là sách bán chạy lắm đây (!)