Viện dân biểu

Blog 5xu

14-6-2019

Cuộc tuần hành phản đối Luật dẫn độ của người dân Hồng Công lên tới một triệu người; tức là cứ khoảng bảy hoặc tám người dân sẽ có một người xuống đường. Điều đặc biệt là nhiều doanh nhân, trong đó có chủ các doanh nghiệp nhỏ, chủ cửa hàng … ủng hộ phong trào “bất tuân” lần này của dân Hồng Công.

Chi phí kinh doanh ở Hồng Công rất đắt đỏ. Nhưng nhiều công ty nước ngoài vẫn lựa chọn Hồng Công làm thành phố đặt trụ sở, hoặc văn phòng. Đó là vì tư pháp của Hồng Công công bằng, minh bạch, thông thoáng. Nếu tư pháp của Hồng Công bị Trung Quốc Đại Lục thao túng, và trở nên khắt khe và thiếu công bằng, minh bạch như tư pháp ở Trung Quốc; thì các doanh nghiệp không có lý gì phải đặt trụ sở ở Hồng Công đắt đỏ nữa, họ sẽ chuyển luôn qua Đại Lục nơi chi phí rẻ hơn rất nhiều. Hoặc chuyển sang Singapore, Băng Cốc, …

Hoặc họ sẽ chuyển sang Phú Quốc ở Việt Nam, nếu như tư pháp của Việt Nam, hoặc Phú Quốc (như một đặc khu) thông thoáng hơn, minh bạch hơn, công bằng hơn. Để được như vậy, Việt Nam vẫn cần quay lại xem xét cơ chế  “checks and balances” mà Machiavelli đã viết trong The Discourse[1].

DSC02840
Hồng Công, một ngày trước hôm nổ ra cuộc tuần hành phản đối Luật dẫn độ. Ảnh: internet

*

Ba nhánh quyền lực

Về vận hành chính trị, nước ta hiện nay hơi giống với La Mã Cổ Đại ở chỗ có ba nhánh quyền lực: monarchy/hoàng đế (ở ta là các vị trong tứ trụ), aristocracy/quý tộc (ở ta là các ủy viên trung ương đảng) và democracy/người dân.

Nhưng có một sự khác biệt lớn với La Mã Cổ Đại, đó là không có phân chia quyền lực để tạo ra cơ chế “checks[2] and balances”.

“Checks and balances” rất quan trọng ở chỗ nó không để cho bất cứ nhánh quyền lực nào trở nên nhiều quyền lực hơn các nhánh còn lại.

Cải cách từ đâu và thế nào

Có rất nhiều ý kiến khác nhau về hướng cải cách chính trị ở Việt Nam. Nhưng tựu chung có thể chia ra làm hai loại. Một là các ý kiến muốn cải cách từ trên xuống; và hai là các ý kiến muốn cải cách từ dưới lên. Hoặc có thể chia thành: các ý kiến thực dụng, có thể từng bước áp dụng được ngay; và các ý kiến có tính cấp tiến hơn, cách mạng hơn.

Có thể bắt đầu từ democracy, tức các cử tri và các đại diện của họ

Với hiện trạng của Việt Nam, có một cách tương đối khả thi, có thể bắt đầu từ… democracy, tức là từ nhân dân, tức là từ cử tri.

Việc đầu tiên là sửa Quốc hội hiện nay thành Hạ nghị viện (lower house), còn các đại biểu quốc hội sẽ thành hạ nghị sĩ.“

“Hạ nghị viện” và “hạ nghị sĩ” nghe quen tai, nhưng lại khá khó hiểu. Nếu dùng đúng từ (như ở Mỹ hiện nay) thì nó sẽ là “Viện của những đại diện của người dân” (Viện dân biểu[3]), còn các thành viên của nó sẽ là đại diện của người dân (Dân biểu). Dân biểu ở đây có nghĩa các đại biểu do dân trực tiếp bầu ra.

Theo cơ cấu hành chính hiện tại của Việt Nam, rất dễ dàng bắt chước Mỹ để phân dân cư thành các “phân khu dân biểu”, mỗi phân khu khoảng 300 ngàn dân [4]. Cả nước sẽ có khoảng 300 phân khu. Từ đây bầu ra 300 Dân biểu (Hạ nghị sĩ) cho Hạ nghị viện. Cách làm này sẽ giúp cử tri biết rõ người mà mình bầu làm đại diện (hạ nghị sĩ) vì người này sẽ buộc phải là cư dân trong cùng quận (một quận có thể có nhiều “phân khu hạ nghị viện”). Còn vị “hạ nghị sĩ” được bầu sẽ phải hiểu rõ mong muốn của người dân địa phương mình. Khi làm việc tại Hạ viện, họ sẽ phải tuân thủ ý chí của nhóm dân mà họ đại diện. Họ sẽ bỏ phiếu (hoặc không bỏ phiếu) để thông qua (hoặc không thông qua) các đạo luật, sao cho có lợi cho người dân.

“Hạ nghị sĩ” không cần phải là đảng viên, thậm chí không cần phải là người gốc Việt [5]. Ví dụ hạ nghị sĩ ở Quận 5 có thể là người Hoa, theo Phật giáo. Hoặc một hạ nghị sĩ Tây Nguyên sẽ là người Jrai hoặc Banah, theo Tin Lành.

Nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ có thể là 3 năm. Được nhà nước trả lương, phải ra làm việc ở Hà Nội.

Đồng thời cũng bắt đầu từ aristocracy, tức các ủy viên trung ương và tổ chức của họ (ban chấp hành trung ương)

Đồng thời, cũng cải cách Trung ương Đảng hiện nay thành một kiểu Thượng nghị viện (upper house), tức là  các trung ương ủy viên sẽ thành thượng nghị sỹ.

“Thượng nghị viện” và “thượng nghị sỹ” nghe khó hiểu, nhưng nếu dùng đúng từ nó sẽ là “Viện của đại biểu các tỉnh thành”, còn thượng nghị sĩ là “Bang biểu” (tức đại biểu thay mặt cho các bang, tức là các tỉnh, các thành phố).

Mỗi tỉnh thành bất kể lớn nhỏ sẽ có hai “bang biểu”. Họ là đảng viên, do các đảng viên khác trong tỉnh bầu lên. Nhiệm kỳ của họ 6 năm một lần, ăn lương do nhà nước trả, phải ra Hà Nội làm việc, không được tham gia nội các và chính quyền địa phương. Cơ cấu của thượng nghị sĩ sao cho cứ 3 năm thì có độ 15% số nghị sĩ hết nhiệm kỳ và phải bầu lại.

Checks and Balances

Về “checks and balances”, Hạ viện và Thượng viện sẽ giằng co nhau như ở Mỹ để đề xuất và thông qua các đạo luật. Họ giám sát nhau và giám sát chính phủ và chính quyền địa phương.

Chính trị Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không có “checks and balances”. Điều này khiến cho một nhánh quyền (nhóm trung ương đảng) lực tích lũy thực quyền mạnh hơn hẳn các nhánh khác. Đồng thời còn phát sinh một vấn đề nghiêm trọng nữa, đó là không có cơ quan nào giám sát trung ương đảng; lại càng không có ai giám sát các cơ quan tập quyền hơn của trung ương (ví dụ Bộ chính trị, hoặc Ban kiểm tra trung ương).

Chính quyền địa phương, nội các, công tố và ngân hàng trung ương

Cao hơn cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh) một chút sẽ có chức thống đốc (tương đương tổng đốc thời nhà Nguyễn). Thống đống sẽ quản lý khoảng 2 hoặc 3 tỉnh. Cả nước sẽ có chừng gần 30 thống đốc.

Thống đốc có nhiệm kỳ 6 năm, do thượng viện bổ nhiệm từ số các nghị sĩ của mình. Thống đốc vẫn là thượng nghị sĩ (ủy viên trung ương) nhưng không còn chuyên trách (không ngồi ở Hà Nội) và mất quyền bỏ phiếu ở Thượng viện.[6]

Dưới thống đốc sẽ là các tỉnh trưởng hoặc thị trưởng, do Hạ nghị viện bổ nhiệm từ các hạ nghị sỹ có gốc ở các tỉnh này, 3 năm một lần [7].  Tương tự thời Nguyễn, Thống đốc sẽ trực tiếp quản lý một tỉnh dưới quyền mình, hai tỉnh còn lại do tỉnh trưởng (tuần phủ) quản lý. Thống đốc nắm vai hành pháp cao nhất ở cấp địa phương.

Các bộ trưởng trong Nội các sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm và phải được Thượng viện thông qua. Bộ trưởng, có thể là đảng viên, nhưng không được là thượng nghị sĩ (không được là trung ương ủy viên). Như vậy về mặt nhân sự, Thủ tướng có nhiều lựa chọn nhân sự tốt hơn để bổ nhiệm so với thực trạng hiện nay (hiện các bộ trưởng chỉ có thể chọn ra từ các ủy viên trung ương)[8].

Thủ tướng cũng nắm quyền bổ nhiệm công tố viên, có nhiệm kỳ 8 năm, làm việc dưới quyền thống đốc và ngang tỉnh trưởng (chức này tương đương bố chính sứ/án sát sứ thời Nguyễn, và có chức năng giống viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh hiện nay). Nhiệm kỳ 8 năm sẽ giúp vị trí này so le về thời gian với tất cả các chức vụ khác, không thể toa rập đi đêm dễ dàng với nhau trong làm án được. Nó sẽ nâng cao vị thế của công tố hơn thực trạng hiện nay trong tư pháp.[9]

Chủ tịch thượng viện (kiêm Chủ tịch nước) sẽ bổ nhiệm Thống đốc ngân hàng. Việc này sẽ tách Ngân hàng nhà nước (Central bank) ra khỏi chính phủ (giống Fed ở Mỹ). Thủ tướng sẽ không còn cùng một tay nắm hai súng được nữa, ông ta sẽ chỉ nắm được chính sách tài khóa (fiscal policy). Còn chính sách tiền tệ (monetary policy) sẽ được điều hành độc lập với điều hành kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch thượng viện cũng bổ nhiệm thẩm phán. Thực tế, từ năm 2017 thì chủ tịch nước đã bổ nhiệm thẩm phán.

Các thống Công tố viên, Thống đốc ngân hàng do Thủ tướng và Chủ tịch thượng viện bổ nhiệm, nhưng vẫn phải được Thượng viện thông qua.

Về chi tiết, hệ thống có thể sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Thống đốc và tỉnh trưởng tuy vẫn là thượng và hạ nghị sĩ, nhưng không còn chuyên trách và ngồi ở Hà Nội nữa. Họ được dự họp và phát biểu ý kiến, tranh luận ở Nghị viện của mình (Thượng hoặc Hạ viện), nhưng không còn quyền bỏ phiếu nữa.

Hà Nội và Sài Gòn có thể có cơ chế riêng, đứng đầu là một Đại thống đốc (tương đương chức Đốc phủ sứ ngày xưa). Ở dưới họ là một phó thống đốc, do Hạ viện bổ nhiệm, người này phụ trách khu trung tâm của thành phố (tương đương  chức Phủ doãn thời Nguyễn hoặc chức Đô trưởng thời VNCH).

Các ban của Đảng như hiện nay, một số ban có thể trở thành một Ủy ban (committee) quan trọng của Thượng viện (Ủy ban kiểm tra, Ủy ban kinh tế, Ủy ban an ninh quốc phòng…).

Bầu cử

Như vậy cứ 3 năm cả nước sẽ bầu cử một lần. Mỗi lần bầu cử sẽ bầu lại toàn bộ Hạ viện, bầu lại toàn bộ tỉnh trưởng, bầu lại 15% số thượng nghị sĩ ở Thượng viện.

Ở địa phương, cứ 3 năm một lần người dân địa phương sẽ đi bầu người đại diện cho mình (dân biểu, hạ nghị sỹ) và hạ viện mới sẽ bổ nhiệm tỉnh trưởng. [10]

Cũng thế, cứ 3 năm một lần các đảng viên địa phương sẽ đi bầu đại diện cho tỉnh thành của mình (bầu bang biểu, thượng nghị sĩ). Việc này cũng giống như đại hội đảng cấp tỉnh thành xưa nay vẫn diễn ra.

Việc bầu cử “hạ nghị sĩ” ở Việt Nam làm quen rồi, chỉ có điều trước chỉ là hình thức (đảng cử, dân bầu) để bầu ra đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân. Nay chỉ cần ứng cử thật và bầu cử thật là xong.

Vien dan bieu trung ky
Viện dân biểu Trung kỳ, thành lập năm 1926, nay là cơ sở của Đại học Huế. Huỳnh Thúc Kháng đắc cử “dân biểu” đại diện cho ba huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Ảnh: internet
Thuong nghi vien
Thượng viện của Việt Nam Cộng Hòa nằm gần Cầu Mống. Có chữ THƯỢNG NGHỊ VIỆN màu vàng ở dưới, trên có chữ “HỘI TRƯỜNG DIÊN-HỒNG”. Còn Hạ viện của Việt Nam Cộng Hòa nay là Nhà hát thành phố. Ảnh: internet

Ở thượng nghị viện, các thượng nghị sỹ cứ 6 năm lại bầu (trực tiếp) ra Thủ tướng một lần, đồng thời bầu Chủ tịch thượng viện. Việc này rất quen thuộc ở Việt Nam, giống Đại hội Đảng toàn quốc. Với cách làm mới này, Thượng viện (Trung ương Đảng) sẽ có những Thượng nghị sỹ rất trẻ, như Kennedy, Clinton và Obama ở Hoa Kỳ. Rồi cũng sẽ có những Thủ tướng rất trẻ được bầu trực tiếp từ những người trẻ này.[11]

Thủ tướng vẫn được là “thượng nghị sỹ”. Ông này được quyền bổ nhiệm nhân sự (là các đảng viên, nhưng không được là trung ương ủy viên) vào các ghế bộ trưởng, nhưng việc bổ nhiệm này phải được Trung ương đảng (Thượng viện) thông qua. Như vậy Trung ương Đảng giám sát được nội các, khác với hiện nay các bộ trưởng cũng là ủy viên trung ương, nên không cách nào giám sát được, nhiều người đã trở thành củi.

Văn phòng chính phủ có thể nâng cấp lên thành Phủ thủ tướng. Một số bộ nên xóa bỏ, thay vào đó là một cơ quan nhỏ nằm trong phủ thủ tướng, đứng đầu là một quốc vụ khanh (Minister without portfolio). Các bộ văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thông… đều có thể thu nhỏ thành các cơ quan nhỏ hơn do một quốc vụ khanh nắm. Ví dụ sẽ có quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, quốc vụ khanh đặc trách thể thao.

Đồng thời, thủ tướng nên có thêm quyền “veto”. Như hiện nay, thủ tướng không thể “veto” trung ương đảng, lại càng không thể “veto” bộ chính trị.

Lưỡng đầu chế[12]

Chủ tịch Thượng viện, sau khi được bầu, sẽ làm luôn cả tổng bí thư, cả chủ tịch nước, cả tổng tư lệnh quân đội và có quyền bổ nhiệm bộ máy tòa án và ngân hàng trung ương. Vị trí này vẫn là một ông vua ngất ngưởng (nhất trụ), nắm quân đội, nhưng không còn quyền lực tuyệt đối nữa. Đặc biệt là ông này không thể can thiệp ngang vào hành pháptư pháp được nữa.

Thủ tướng điều hành kinh tế, cơ quan công tố, cơ quan an ninh quốc gia (như CIA) và bộ cảnh sát (như FBI). Hệ thống cảnh sát địa phương sẽ do cảnh sát trưởng (nằm dưới thống đốc) phụ trách.

Chủ tịch Hạ viện, do các hạ nghị sĩ (dân biểu) bầu, và sẽ nắm ghế phó thủ tướng và lo việc vận hành chính quyền địa phương. Chính phủ lúc này vận hành nhờ Thủ tướng, các bộ trưởng và văn phòng phủ thủ tướng. Số lượng phó thủ tướng sẽ chỉ còn một, khác hiện nay có quá nhiều phó thủ tướng, dân còn chả buồn nhớ tên.

So với ý tưởng cải cách để bỏ thể chế độc đảng, thì ý tưởng cải cách nhánh lập pháp và giám sát có kém hơn hẳn tính cấp tiến, tính cách mạng. Bù lại nó khả thi hơn nhiều. Nó cũng dung hòa được hai quan điểm: cải cách từ trên xuống và cải cách từ dưới lên.

Để cải cách nhánh lập pháp theo hướng cho phép người dân bầu ra “Viện dân biểu” của mình, Trung ương Đảng sẽ phải chấp nhận cải cách (từ trên xuống), đồng thời người dân cũng phải đấu tranh để đòi quyền bầu ra đại diện của mình (cải cách từ dưới lên). Việc đấu tranh này, tuy dễ hơn đấu tranh đòi đa nguyên đa đảng, nhưng vẫn là việc cực kỳ gian nan.[13]

Ý tưởng cải cách này tuy vẫn để Đảng và Nhà nước là một, nhưng tách được sự can thiệp trực tiếp của Đảng ra khỏi việc điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương.[14]

Như vậy, tuy vẫn là chế độ độc đảng, nhưng so với hiện tại thì nền chính trị lưỡng việnlưỡng đầu chế kép[15] thế này sẽ văn minh hơn nhiều: minh bạch hơn, trách nhiệm hơn, cân bằng hơn.

Ở đây có một điểm quan trọng. Đó là tuy vẫn còn giai cấp thống trị (monarchy[16]: vua/ tứ trụ; aristocracy: quý tộc/ủy viên trung ương) nhưng người dân có thể thể hiện được nguyện vọng và ý chí của mình thông cơ quan lập pháp và giám sát do mình bầu ra: Viện dân biểu. (Ở Anh, Hạ viện có tên là Viện bình dân – House of Commons, còn Thượng viên có tên Viện quý tộc – House of Lords.)

Việc thành lập Viện dân biểu cũng không có gì mới với xã hội Việt Nam. Nó chỉ là một động tác quay đầu để trở về với nề nếp xưa cũ. Xã hội Việt nam có một đặc điểm quan trọng: nó cực kỳ dân chủ ở cấp thôn xã[17]. Nhà Lê, hay thậm chí nhà Nguyễn (cực kỳ tập quyền), hay thời Pháp thuộc, chính quyền trung ương chỉ quản lý đến cấp phủ/huyện. Dưới cấp phủ huyện hoàn toàn do nhân dân tự quyết. Đây là lý do xã hội Việt Nam tồn tại cả ngàn năm, qua bao biến động chính trị và chiến tranh. Chỉ đến sau khi Việt Minh cướp chính quyền, họ mới đưa mô hình quản lý “ủy ban hành chính” về đến cấp xã.

Khi người dân có “Viện dân biểu” để qua đó thực thi “quyền lực” của mình[18], sân khấu chính trị sẽ lành mạnh hơn, tươi tắn hơn và có nhiều màu sắc hơn. Ít nhất là hơn sân khấu hiện tại, tuy có nhiều màn giật gân, nhưng thực ra rất tẻ nhạt và không lành mạnh. Khi chính trị lành mạnh hơn, tươi tắn hơn đương nhiên là nó sẽ có ích hơn cho dân cho nước.

—–

[1] Trong The Discourses, Machiavelli đã mang trở về phương thức kiểm soát quyền lực kinh điển: nhà nước cộng hòa có ‘checks and balances’. Ông cho rằng quyền lực chính danh là quyền lực đoạt được bằng các kỹ năng chính trị, trong một cuộc cạnh tranh công bằng. Các chính phủ được người dân kiểm soát thông qua bầu cử hành pháp và tư pháp sẽ ít độc ác, ít vô đạo đức, ít tiền hậu bất nhất hơn chính phủ độc tài. Ông viết hẳn một chương về các nguyên tắc ‘checks and balances’ cần được hiến định: tam quyền phân lập, ba quyền lực kiểm soát nhau sao cho cân bằng. Các viện dẫn minh họa của ông chính là luật Solon (mà ông cho là quá dân chủ, thiếu hiệu quả), chế độ cộng hòa La Mã với các nguyên lão (chính là Senate, thượng nghị sĩ ngày nay) rất tốt, vì các nghị sĩ sẽ luôn mâu thuẫn với nhau, và mô hình tốt nhất là hiến pháp Sparta của Lycurgus. (https://5xublog.wordpress.com/2018/04/30/phap-quyen-phap-tri-phap-gi/)

[2] Check thường bị hiểu sai là kiểm tra. Nghĩa đúng của check trong cụm này “sự kiềm chế/hạn chế/ngăn chặn/kiểm soát”. (LH)

[3] Trong hệ Anh, Canada, Viện này được gọi là House of Commons. (LH)

[4] Ở Mỹ, phân khu này được gọi là “congressional district”, có khoảng hơn 700 ngàn dân. Cứ 2 năm họ bầu lại Hạ viện một lần. Hoặc ở Nhật họ phân theo block, tùy theo dân số mà mỗi block có thể bầu ra số lượng tương ứng hạ nghị sỹ (Tokyo thì bầu ra 14 hạ nghị sỹ, còn Hokkaido là 8 hạ nghị sĩ).

[5] Ở Mỹ, các điều kiện dành cho ứng viên khá đơn giản, ví dụ chỉ cần trên 25 tuổi, là công dân Mỹ trên 7 năm, và sống ở tiểu bang của “congressional district”, nhưng không nhất thiết phải sống trong “district” này. Cô Alexandria Ocasio-Cortez, gốc Puerto Rico, sinh năm 1989, trở thành dân biểu năm 2018, và là nữ dân biểu (nữ đại biểu quốc hội) trẻ nhất lịch sử Hoa Kỳ (29 tuổi). Để trở thành dân biểu, cô đã đánh bại Joe Crowley, một vị dân biểu kỳ cựu, vốn đắc cử 10 khóa liên tiếp (tại nhiệm 20 năm).

[6] Thống đốc là thượng nghị có thể dẫn đến “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ở Việt Nam, mô hình tập quyền tồn tại đã quá lâu (từ Lê/Nguyễn, Pháp thuộc, hiện nay) nên không dễ dàng chuyển sang tản quyền. Mô hình Thống đốc ngồi quản lý hai hoặc ba tỉnh dưới quyền mình sẽ dung hòa tập quyền và tản quyền, hơi giống mô hình liên bang. Hai hoặc ba tỉnh dưới quyền ông này này vẫn là các tỉnh độc lập chứ không sáp nhập vào nhau. Tỉnh trưởng vẫn do dân bầu lên. So với thời Nguyễn (dân chủ đến cấp thôn xã), thì ở mô hình này dân chủ tăng lên đến cấp tỉnh. Đồng thời mô hình này có thể bỏ quản lý hành chính cấp phủ/huyện/thị. Cảnh sát có thể quay lại mô hình đồn cảnh sát giống Pháp hoặc Mỹ. Nhờ công nghệ quản lý hiện đại, việc này trở nên hợp lý hơn nhiều so với bộ máy quản lý hành chính hiện tại. Nó cũng giúp mô hình chính quyền đô thị trở nên khả thi hơn.

[7] Về trách nhiệm giải trình (accountability) hiện nay, các lãnh đạo cao nhất của địa phương như Chủ tịch, Bí thư chỉ chịu trách nhiệm trước Thành ủy và Ban chấp hành TW, không chịu trách nhiệm với dân. Với cơ chế tỉnh trưởng cho dân (Hạ viện) bầu lên, họ sẽ chịu trách nhiệm với dân, và chịu sự quản lý của Thượng viện (Ban chấp hành Trung ương). Có thể giữ lại mô hình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh như hiện nay và chuyển đổi hoạt động sao cho giống một “quốc hội” cấp tỉnh thành. “Quốc hội” này sẽ giám sát các vị tỉnh trưởng.

[8] Tổng thống Kennedy bổ nhiệm McNamara, lúc đó đang là Tổng giám đốc (President) của hãng xe hơi Ford, làm Bộ trưởng quốc phòng. Hay gần đây hơn, Tổng thống Trump bổ nhiệm anh Patrick Shanahan đang là Phó tổng giám đốc (Vice president) của Boeing làm Thứ trưởng (Deputy Secretary) Bộ quốc phòng (sắp tới có thể anh này sẽ thành Bộ trưởng).

[9] Có thể có những quy định về bổ nhiệm, ví dụ Thủ tướng nhậm chức nhiệm kỳ đầu, sẽ phải đợi 3 năm đầu nhiệm kỳ đi qua mới được bổ nhiệm công tố viên cao cấp. Như vậy các công tố viên (án sát sứ này) không bị sức ép lấy lòng Thủ tướng để được tái bổ nhiệm (do Thủ tướng dù có làm 2 nhiệm kỳ cũng chỉ tại vị được 12 năm). Công tố viên (án sát sứ) này tuy vẫn dưới quyền Bộ trưởng tư pháp (công tố viên trưởng), nhưng do Thủ tướng bổ nhiệm nên cũng không chịu sức ép chi phối từ bộ trưởng của mình. Họ cũng không sợ chính quyền địa phương gây sức ép (hiện tại Chủ tịch thành phố và Bí thư thành phố có thể can thiệp việc của Viện kiểm sát và Tòa án). Theo mô hình này thì sẽ không còn Viện kiểm sát nhân dân tối cao nữa (quyền công tố sẽ thuộc về Bộ tư pháp).

[10] Cách làm này sẽ mở rộng cơ hội tới nhiều nhân tài địa phương để họ có thể tham gia chính quyền và quản trị địa phương của mình. Như Michael Bloomberg, chủ tập đoàn Bloomberg và là một trong những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, đắc cử và làm Đô trưởng (phủ doãn) thành phố New York (thuộc Bang New York) suốt ba nhiệm kỳ liên tục từ 2001-2013.

[11] Có thể có những quy định chặt chẽ hơn, ví dụ để ứng cử chức Thủ tướng thì phải có ít nhất một  (hoặc) nhiệm kỳ phục vụ ở Thượng viện hoặc Thống đốc. Bill Clinton đắc cử Thống đốc bang năm 32 tuổi, đắc cử Tổng thống năm 47 tuổi. Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ không bị giới hạn nhiệm kỳ (thượng nghị sĩ Patrick Joseph Leahy, sinh năm 1940, đắc cử năm 1974 và làm việc ở Thượng viện cho đến tận bây giờ, ông mới qua thăm Việt tham tháng 4.2019).

[12] Lich sử La Mã rất dài và phức tạp, có nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó có khoảng 500 năm là đế chế cộng hòa và 500 năm là đế chế quý tộc.

Cách vận hành của chính trị Cộng hòa La Mã học hỏi từ các thành bang (city state) của Hy Lạp cổ: người cai trị thành bang là Tổng chưởng quan (magistracy), ông quan này do người dân bầu lên, có nhiệm kỳ một năm, và bị giám sát  bởi các vị nguyên lão (senate).

Ở nền cộng hòa của La Mã, vị trí Tổng chưởng quan này do hai viên quan Chấp chính (consul) đảm nhận (lưỡng đầu chế). Một viên quan đại diện cho giới thượng lưu (patrician), một quan đại diện cho giới bình dân (plebeian). Cả hai viên quan đều do Viện nguyên lão bầu ra. Viện nguyên lão có khoảng vài trăm thành viên, tất cả đều là những người có địa vị xã hội (có uy tín xã hội, có tài sản). “Lưỡng đầu hành pháp” giúp hệ thống cộng hòa vận hành cân bằng, phân chia và kiểm soát quyền lực, không để nền cộng hòa chuyển sang độc tài cá nhân.

[13] Trên thực tế, ý tưởng này vẫn còn rất xa vời, gần như không khả thi. Để làm được vẫn cần có phong trào xã hội dân sự đủ rộng, đủ sâu và đủ bền bỉ để gây sức ép (cũng như thuyết phục) nhà nước đồng ý sửa hiến pháp.

[14] Rất khó định nghĩa thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, nó đa diện đến mức vừa là đảng trị, vừa là cảnh sát trị, vừa là an ninh trị, lại vừa là cá nhân trị. Việc tách ly chính trị hoàn toàn Đảng ra khỏi quản lý kinh tế xã hội (điều hành kinh tế, bộ máy cảnh sát, an ninh, quân đội) là rất khó.

[15] Kép là vì có cả Lưỡng đầu chế (Chủ tịch nước vs Thủ tướng, cả hai cùng là “quý tộc”) và Lưỡng đầu hành pháp (Thủ tướng “quý tộc” vs Phó thủ tướng “bình dân”).

[16] Hệ Anh-Canada-Úc tuy vẫn là quân chủ lập hiến, nhưng vai trò của monarchy-giai cấp thống trị chỉ còn hình thức. Thượng viện không phải dân cử nên chẳng mấy quyền lực; Hạ viện mới là cơ quan quyền lực cao nhất de facto. Ở Canada, nhiều luật đưa lên bị Thượng viện đòi chỉnh sửa, nhưng Hạ viện không chịu, tức là chính phủ (chiếm nhiều ghế nhất trong Hạ viện) không chịu nên Thượng viện đành phải nghe theo. (LH)

[17] Phép vua thua lệ làng. Xã hội Việt truyền thống dựa trên “tổ chức xã thôn”. Xã thôn (làng) có quyền tự trị rất lớn. Họ tự bầu ra Lý trưởng (xã trưởng, trưởng thôn) hoặc cao hơn là Chánh tổng (tổng bap gồm vài thôn). Các vị này điều hành địa phương của mình trên cơ sở hương ước (giao ước cấp hương xã) và có các hương chức giúp đỡ. Lý trưởng và hương chức lại bị giám sát bởi Hội đồng kỳ mục. Hội đồng kỳ mục cũng do dân bầu ra, họ là các vị có uy tín, có tiền bạc ở quê (quan chức về hưu, thầy giáo, phú hộ). Ngay cả nhà Nguyễn tập quyền và chuyên chế, hệ thống hành chính của họ cũng chỉ đến cấp phủ/huyện. Họ không động vào tự trị thôn xã. Các hiệp hội nghề nghiệp cũng được tự do thành lập. Hội nghề nghiệp được gọi là Cục/Cuộc hoặc Ty. Các nhóm nghề tự thành lập hiệp hội và xin phép quan Bố chính sứ (quan phụ trách tài chính và kế hoạch đầu tư ở cấp huyện phủ) là xong. (Ngân thượng ty: hội thợ vàng, thiết thượng ty: hội thợ rèn, cơ tượng ty: hội thợ dệt)

[18] Hiện người dân chỉ có một cách duy nhất để thể hiện ý chí và quyền lực của mình: rút dép ra ném.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Do ko có chuyên môn sâu về mô hình Nhà nc, Chính phủ nên đọc bài viết của bác “Blog 5xu” hiểu đơn giản là lấy mô hình Nhà nc Mỹ với lưỡng Đảng: Dân chủ & Công hòa, rồi áp dụng vào VN có thay đổi cho phù hợp với VN là độc Đảng CS? Ko biết bác “Blog 5xu” đã đọc qua bài viết :” Đại hội 13 của ĐCSVN: Đổi mới toàn diện để Việt Nam có thể trở thành một nước phát triển vào năm 2030” của bác Vũ Trọng Khải chưa?
    https://baotiengdan.com/2019/06/07/dai-hoi-13-cua-dcsvn-doi-moi-toan-dien-de-viet-nam-co-the-tro-thanh-mot-nuoc-phat-trien-vao-nam-2030/
    Nếu đọc qua rồi thì Bác xem mô hình của Bác & bác Vũ trọng Khải so sánh có ưu, khuyết gì để từ đó các Bác đưa ra một mô hình hoàn chỉnh, khả thi cho VN? Khi đã có một mô hình cơ bản hoàn chỉnh, khả thi ta sẽ phát triển thành một “Đề án Nhà nc VN cải cách” với các bước triển khai chi tiết, cụ thể hơn. Ta gửi Đề án này đến các Hiệp hội, Nghiệp đoàn, nhà Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, …kể cả với VK. Nếu dc phần lớn mọi ng góp ý ủng hộ thì đó chính là lòng dân Việt mong muốn thay đổi như vậy.
    Trong ngày 16/05/2019 khai mạc Hội nghị Trung ương 10 của ĐCSVN ở Hà Nội, Bác Trọng có nói: “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?” rồi Bác trả lời: “Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân sự phương thức, lề lối làm việc”. Vậy “Đề án Nhà nc VN cải cách” ko phải “đổi mới chế độ chính trị” mà là “đổi mới hệ thống chính trị”.

Comments are closed.