Lòng nhiệt tình quên não và tấu hài “mẹ hát con khen hay” chốn nghị trường

Đoàn Bảo Châu

14-6-2019

Khi một đại biểu quốc hội đề xuất thu phí chia tay mỗi khi công dân xuất cảnh, tôi đã tặc lưỡi bỏ qua cho khỏi mất thời gian, nhưng đọc tới đề xuất huy động vàng, đất của dân để biến thành cổ phiếu chứng khoán của một đại biểu quốc hội khác thì không thể không viết.

Cái đề xuất thu phí là bởi đại biểu đi nước ngoài thấy người ta làm vậy thì cũng bắt chước, chỉ có điều là vị này có thói học mót và thích thể hiện mà không hiểu rằng người dân ở đất nước này đã phải chịu biết bao lại thuế và phí.

Đại biểu Lê Công Nhường “hiến kế” huy động vàng, đất của dân để biến thành cổ phiếu chứng khoán. Ảnh: Báo TQ

Và không chỉ là vấn đề tiền bạc mà nó còn sinh ra sự lắt nhắt phiền toái với những người làm thủ tục ở sân bay. Việc này tương tự như cái việc ra vào khách sạn năm sao, ra cổng cứ phải móc ví trả mấy đồng trông xe. Hãy nhớ là không phải cái gì ở nước ngoài cũng là văn minh nên học. Hôm nay thấy họ làm thì bắt chước, thế nhỡ mai họ thấy việc ấy là dở và bỏ đi thì sao?

Còn cái đề xuất huy động vàng, đất của dân thành cổ phiếu chứng khoán thì ẩn chứa rất nhiều điều cần nói:

1. Ngu dốt: Đất, vàng là tài sản hiện hữu, sờ mó được mà cổ phiếu, chứng khoán là những tài sản có tính biến thiên lên xuống rất nhanh. Đang là tỉ phú, mấy phiên sập sàn liên tiếp, tài sản bốc hơi thì chỉ muốn nhẩy lầu cho đỡ đau lòng. Hơn nữa, ở Việt Nam, các đại gia lưu manh thao túng sự lên xuống của cổ phiếu, thông báo bán thì mua hay ngược lại để cuỗm một đống tiền của những con gà nhỏ lẻ chuyên chạy theo thị trường như ông chủ của FLC đã làm mấy năm trước thì tài sản của người dân lại càng rủi ro.

Vàng thì còn có thể chia nhỏ còn một mảnh đất thì người dân phải đánh bạc với cả một tài sản lớn, không thể dùng một phần tài sản được.

Vậy các anh chị định “huy động” theo hình thức nào, bắt buộc hay tự nguyện? Nếu là tự nguyện thì không người dân nào dại dột mà tin tưởng trao đất và vàng cho các anh chị đâu. Còn nhớ gần hai chục năm trước nhà nước bán trái phiếu, còn đến từng nhà huy động, nhà tôi có mấy tờ còn không buồn tìm hiểu xem giờ giá trị của nó thế nào, mà có khi vào sọt rác rồi cũng nên.

Còn nếu bắt buộc thì lại càng không được, bởi làm thế thì khác nào cướp. Vị đại biểu này chắc thấy thủ tướng Phúc kêu gọi dân “đồng cam cộng khổ” nên cũng muốn bày tỏ lòng nhiệt tình cách mạng, ủng hộ lời kêu gọi đây mà. Và có lẽ anh nghị này chưa bao giờ chơi chứng khoán nên mới ngây thơ như vậy.

2. Vậy tại sao có nhiều đại biểu quốc hội, những người đại diện cho dân, ngồi trong cơ quan được coi là có “quyền lực cao nhất” mà lại phát biểu trong trạng thái quên não ở nhà như vậy?

Bởi việc chọn đại biểu quốc hội hoàn toàn từ cơ chế của chính bộ máy này chứ không phải thực sự do dân bầu ra. Người tài mấy, có năng lực để tạo ra sự đột phá trong tư duy, có khả năng khiến não bộ chốn nghị trường thực sự hoạt động có hiệu quả mà không cùng pha với cơ chế thì cũng đứt. Các bạn còn nhớ mấy năm trước, các ứng cử viên độc lập bị sa vào những trận đấu tố tập thể để bị bắn ra từ vòng gửi xe chứ?

Cứ tiếp tục cái cơ chế chọn đại biểu quốc hội thế này thì người dân sẽ còn phải nghe những phát ngôn, những đề xuất cười ra nước mắt của những anh nghị, chị nghị mà mục đích cao nhất khi đến chốn nghị trường chỉ là để chụp ảnh khoe mẽ sự thân giao với quyền lực. Trong tâm những đại biểu ấy, dân chỉ là một cừu bò thấp kém, thay vì bảo vệ quyền lợi, nói lên tiếng nói của dân thì những anh nghị, chị nghị ấy chỉ gật gù và vỗ tay rào rào tán thưởng chủ trương của quyền lực.

Thay vì thực sự có được trí tuệ tập thể để dẫn dắt đất nước đi lên thì cơ chế chọn đại biểu quốc hội này chỉ có thể sinh ra một dạng tấu hài “mẹ hát con khen hay” chốn nghị trường.

3. Nói với ai và nói để làm gì?

Nhiều bạn đã từng nhận xét, nói trên mạng xã hội thì có tác dụng gì, viết trực tiếp cho ông nọ bà kia chứ? Sao mà các bạn ngây thơ và kém hiểu biết về hiện tình đất nước quá vậy? Các bạn có biết bao nhiêu vụ oan sai, đơn từ kêu cứu của dân oan có thể tính bằng tấn mà còn không đến được lãnh đạo và các anh nghị, chị nghị không? Mà nói chính xác thì có đến, nhưng các anh chị ấy giả vờ bận rộn nên không trả lời suốt từ năm này tới năm khác. Có thể lắm các anh chị ấy đang mải gật gù và vỗ tay nên mệt quá không trả lời đơn thư của công dân được.

Nói ở đây là chúng ta đang nói với nhau và tôi muốn nói rằng sự nhận thức của người dân trong việc quan tâm tới chính sách, cách vận hành của bộ máy chính trị và cất tiếng nói thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình là điều quan trọng. Sẽ không có một sự thay đổi tích cực nào, mà ngược lại sự tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước chính là bởi số người dân quan tâm tới những vấn đề chung còn quá ít.

Bình Luận từ Facebook