Bế mạc Quốc hội: Phóng viên báo chí bức xúc vì bị coi thường

Chất Lượng Sống

14-6-2019

Chiều nay 14/6, kỳ họp thứ 7, khó XIV chính thức bế mạc. Nhiều phóng viên vô cùng bức xúc vì cách thức, thái độ và chất lượng phục vụ báo chí của Quốc hội kỳ này (kỳ họp thứ 7, khóa XIV).

Theo đó, tại cuộc họp báo bế mạc kỳ họp tổ chức vào cuối giờ chiều, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, đây cũng là dịp để Quốc hội gặp gỡ, tri ân báo chí nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Trước khi bước vào cuộc họp, bộ phận phụ trách báo chí tổ chức phát quà cho báo chí (mỗi phần quà 500.000 đồng). Phóng viên tên H. của một tờ báo lớn kể lại: Cả mấy chục phóng viên trong và ngoài nước phải chen nhau như chen tàu chợ để nhận quà. Tới lượt anh này, nhân viên phụ trách báo chí tên Lan đóng huỵch quyển sổ lại, mặt cau có: “Thôi chị không phát nữa đâu, em vào họp báo đi”.

Kết thúc họp báo, cả mấy chục phóng viên lại phải chen lấn, xô đẩy, “trèo” lên nhau như cảnh phát tem phiếu thời bao cấp, để nhận phong bì của Ban tổ chức. Một số phóng viên ngại giành giật đứng lùi phía sau. Tuy nhiên, khi đám đông giãn bớt, thì cũng là lúc ban tổ chức thông báo: hết tiền.

Nữ phóng viên tên N. nhớ lại: nhân viên phụ trách báo chí yêu cầu chị ghi lại số tài khoản để ban tổ chức chuyển khoản. Tuy nhiên, khi chị đọc số tài khoản, nhân viên này thốt lên: “Ôi, nhiều người như thế này, không ghi nữa” rồi yêu cầu chị thứ hai tới Trung tâm báo chí để nhận lại “chế độ”.

“Tôi không đi xin nên sẽ không đến nữa”. Chị N. bức xúc và cho biết thêm, có phóng viên trước đó kịp ghi số tài khoản, thì nhân viên phụ trách báo chí Quốc hội lại khó dễ: nhưng chuyển qua tài khoản thì phải mất phí. Phóng viên này bực quá bảo vậy trừ phí trên số tiền chế độ đi!

“Các cán bộ phụ trách báo chí của Văn phòng Quốc hội quá coi thường, xúc phạm phóng viên”, chị N. lên tiếng.

Không chỉ với cuộc họp báo chiều nay, nhiều phóng viên Quốc hội kể hàng loạt những bức xúc trong suốt quá trình theo dõi kỳ họp Quốc hội vừa qua!

– Wife quá yếu, khiến một tỷ lệ lớn phóng viên phải dùng 3g từ điện thoại của mình. Mặc dù Văn phòng Quốc hội đã có danh sách phóng viên đăng ký, song theo phản ánh của các phóng viên, dung lượng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Khi phóng viên phản ánh, nhân viên phụ trách báo chí trả lời tỉnh bơ: “Dung lượng chỉ có thế thôi; Tại anh/chị đến sau nên không có mạng”?! Và tất cả những phản ánh của báo chí về vấn đề wifi đều không được tiếp thu, sửa đổi trong suốt kỳ họp.

– Chế độ ăn trưa: Mặc dù đã tăng giá từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/người/suất ăn trưa (tăng giá từ kỳ họp trước – tháng 11/2018), song thức ăn chủ đạo hằng ngày thường chỉ có cá biển, đậu và lạc rang. Phóng viên nào mải làm tới sau, thường xuyên phải đối mặt với cảnh khay cơm trơ trọi có hôm chỉ một con cá diếc, có hôm vài miếng đậu.

“Bực nhất là dù thức ăn đã hết, nhưng ban tổ chức vẫn bán, thu vé như thường. Thật không bằng cơm công nhân”, một nữ PV cho biết.

– Phiên giải lao giữa kỳ họp, ban tổ chức cũng bố trí lèo tèo vài đĩa hoa quả. Phóng viên thì đông, ai cố gõ nốt mấy dòng ra tới nơi, chỉ còn đĩa không, thậm chí nước chè cũng hết.

“Nói chung, tưởng đi Quốc hội hoành tráng lắm. Nhưng kỳ thực phóng viên theo dõi Quốc hội cực vô cùng. Khối lượng công việc dồn dập đã đành, lại còn phải căng thẳng, bức xúc vì cách thức làm việc quan liêu, cửa quyền,coi thường phóng viên của cán bộ phụ trách báo chí của Văn phòng Quốc hội. Kỳ sau tôi nhất định không nhận nhiệm vụ theo dõi Quốc hội nữa”, nữ phóng viên N. than thở!

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Đọc bài viết của bạn, nhớ lại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch nước Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong hai ngày 27-28/2/2019 tại Hà nội, thấy các phóng viên nc ngoài sướng quá. Được phục vụ ăn uống đặc sản VN miễn phí, dư thừa; sóng wifi mạnh; …Chắc vì họ là ng nc ngoài, còn dân Việt thì Đảng bảo sao phải nghe vậy, nên phục vụ vậy là quá tốt rồi, còn ý kiến, ý cò gì nữa???!!!. Chuyện bạn kể là những chuyện nhỏ, nhưng kể ra cho giảm stress cũng tốt thôi vì là quyền của bạn mà. Nhưng sống với CS phải hết sức bình tĩnh, thần kinh yếu là dễ bị trầm cảm, điên, nhảy lầu lắm. CS dối trá có bao lực bảo kê, đạo đức giả, ích kỷ, nhỏ nhen, thù vặt, thù dai,…nếu ko vững tinh thần thì ko đi đường dài dc đâu.
    “Ng chính nghĩa ko bị khuất phục bởi bạo lực mà chỉ khuất phục bởi đạo đức”

  2. Phóng viên của báo đảng thì phải vậy thôi. Đã hèn truyền thống lâu rồi…Bây giờ mới biết hả?

  3. “Kỳ sau tôi nhất đinh không nhận nhiệm vụ theo dõi quốc hội nữa “ thế thì càng tốt,họ chỉ mong có thế! Chả lẻ pv không hiểu à ?Đến để nhận quà hay để “đưa tin” thì cũng là NHIỆM VỤ của phần lớn BÁO QUỐC DOANH !

  4. Tiền này là tiền của dân chứ của gì của QH. Phóng viên viết tin thì đã có nhuận bút, còn mơ cấu véo gì vào đây mà than thở. Đúng là bọn bồi bút quen ăn theo.

Comments are closed.