Hơn Cả Sự Tàn Ác

Lê Xuân Thọ

12-6-2019

Nhân chuyện cá nuôi lồng bè dưới miền Tây chết, tôi nhớ khoảng mươi ngày trước, tôi có ngược lên vùng nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Nơi mà trước đó khoảng nửa tháng, 976 tấn cá của 81 hộ dân bị chết chỉ trong vài chục phút đồng hồ.

Đó là buổi sáng ngày 16.5, khi những người nuôi cá đang đợi người mua đến xúc bán, thì một luồng nước màu đen ngòm, hôi thối lướt ngang. Hậu quả: cá nuôi trong lồng bé chết gần như tức thì, và chết hết!

Một số người dân nói không những đen và hôi thối, luồng nước này còn gây bỏng rát nếu chẳng may để tay, chân chạm phải.

Cá chết, người nuôi mất trắng, thiệt hại toàn trăm triệu. Có rất nhiều người, mất toi tiền tỷ.

Trước đó tầm 1 năm, họ cũng bị cá chết như thế này. Nợ mới chồng nợ cũ, khiến cho họ rơi vào cảnh khốn đốn: có ông già hơn 60 tuổi, bán nhà ở quê lên đây nuôi cá, nay lâm cảnh nợ nần, phải đi phụ hồ nuôi cháu. Có đôi vợ chồng, kẻ quê Đồng Tháp, người trên Đăk Lăk, sau 2 năm cá chết thế này, nợ nần gần 2 tỷ, bèn rao bán bè cá nhưng không ai mua, và họ giờ không biết phải đi về đâu. Có nhiều người, vừa mới từ Campuchia dạt về, vay tiền nuôi cá, cá chết, nợ nặng gánh lưng…

Năm ngoái cá chết, họ chỉ nhận được hỗ trợ khoảng 1/ 10 so với thiệt hại. Nghĩa là nếu thiệt hại 1 tỷ, thì họ nhận được khoảng 100 triệu tiền hỗ trợ. Nhưng số tiền đó, họ vừa ký nhận, là về tay chủ nợ (thường là đại lý bán cá giống, thức ăn cho cá) ngay!

Năm nay, sau vụ này, họ không thể nào vay mượn thêm được nữa. Giá mà nỗi buồn có thể trôi sông!

Bây giờ, là câu chuyện đền bù hay hỗ trợ. Hôm làm việc với UBND huyện Định Quán hồi đầu tháng 6, ông Ngô Tấn Tài – Phó chủ tịch huyện nói chưa xác định rõ nguyên nhân cá chết nên chưa biết sẽ đền bù hay hỗ trợ. Nếu cá chết do thiên tai, thì sẽ hỗ trợ; còn cá chết do nhà máy xả thải, thì sẽ bắt nhà máy đó đền bù cho dân.

Vậy, cá chết do thiên tai hay… nhân tai? Năm ngoái, sau khi cá chết, các cơ quan chức năng nói là do thiên tai nên người nuôi cá chỉ nhận hỗ trợ với mức hỗ trợ tôi vừa đề cập ở trên. Nhưng vấn đề là, dân không phục với nguyên nhân đó, mà họ không biết làm gì ngoài chịu đựng tủi nhục.

Nên năm nay, từ sự mất niềm tin, họ không trông mong gì kết luận nguyên nhân cá chết là do xả thải từ các cơ quan chức năng, dù họ đã cũng nhau đi thu thập chứng cứ. Dù vậy, họ sẽ rất là hụt hẫng khi biết cơ quan chức năng đã có kết luận nguyên nhân cá chết: thiên tai!

Người nuôi cá thì không nghĩ vậy. Chúng ta hãy lưu ý những điểm mà người nuôi cá nói: vào buổi sáng luồng nước độc làm cá chết, họ có lấy mẫu nước đó để giao cho cơ quan chức năng, nhưng sau đó chính họ bị một số cơ quan chức năng nghi ngờ là không phải nước lấy tại chỗ lúc cá chết!

Còn những người được xem là lên lấy mẫu nước để xét nghiệm, kiểm tra, phân tích nguyên nhân thì vài tiếng đồng hồ, thậm chí là vài ngày sau mới về lấy mẫu nước. Trong khi, luồng nước độc làm cá chết thì đã trôi đi mất sau vài chục phút!

Cả hai lần cá chết năm ngoái và vừa rồi, đều xảy ra ở thời điểm một số nhà máy sơ chế biến xoài phía trên dòng chảy đang tiến hành bào xoài. Dọc theo quãng sông đó, là một số nhà máy khác đang gây ô nhiễm khiến người dân phản ứng gay gắt. Thậm chí, có người dân tự bỏ tiền ra và ký chịu trách nhiệm chỉ để yêu cầu cơ quan chức năng khai quật, chứng minh Công ty AB Mauri gây ô nhiễm, xả thải ra sông La Ngà.

Và trong những ngày ấy, rất nhiều xe tải chở đất ầm ầm đổ về hướng các nhà máy để lấp các hố, hồ chứa nước thải gây ô nhiễm dọc sông La Ngà nhằm phi tang trước khi các đoàn kiểm tra về.

Với những dữ kiện đó, kết luận cá chết là do thiên tai có thuyết phục hay không? Sẵn đây, nhờ các cơ quan chức năng trả lời giúp câu hỏi của người nuôi cá: ” Thiên tai sao chỉ có khúc sông này cá bị chết, còn phía trên dòng chảy thì không?”.

Tôi nhớ lời người nuôi cá ta thán: Thiên nhiên không bao giờ tàn ác với chúng tôi như thế!

Và nghĩ, họ đưa ra kết luận cá chết là do thiên tai như vậy, là hơn cả sự tàn ác!

Bình Luận từ Facebook