Về phát biểu ‘khác biệt’ của ông Lưu Bình Nhưỡng

BBC

10-6-2019

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng được chú ý nhiều trong các lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Ngày 30/5/2019 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có phát biểu ‘khác biệt’ tại kỳ họp 7 Quốc hội khoá 14.

Ông không ít lần ‘gây bão’ trên nghị trường, nhưng lần này ông có cảm nhận khác, rằng ông đã nói ra điều “… rất động chạm, nhưng vì lương tâm, trách nhiệm của ĐBQH trước nhân dân, tôi xin được phép chịu rủi ro này…”.

Bài phát biểu được truyền hình trực tiếp và nội dung sẽ được tóm tắt dưới đây.

‘Không có chỉ đạo từ trên’

Tình trạng tham nhũng và các bực xúc xã hội khiến cho người dân giảm niềm tin vào chế độ. Chiến dịch chống tham nhũng khiến cho họ hiểu rằng nguyên nhân của tình hình là sự tha hoá của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bất kể một tín hiệu về sự trừng phạt quan tham đều thu hút được sự chú ý của dân chúng.

Dân chúng có phản xạ suy đoán rằng mỗi khi Đảng chuẩn bị xử lý cán bộ lãnh đạo biến chất cụ thể nào trong chiến dịch chống tham nhũng thì truyền thông thường có thể được sử dụng như một công cụ dọn đường dư luận.

Tuy nhiên lần này, bài phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng làm tăng sự nghi ngờ từ công luận, khi các báo giấy và mạng của nhà nước có vẻ ‘lờ đi’ sự việc này.

Dư luận thì thầm rằng ‘không có chỉ đạo từ trên’, và nếu là ý kiến riêng, thì vị ‘nghị sĩ’ này có thể gặp rắc rối với ‘cấp trên’ hoặc có thể chịu rủi ro về đạo đức.

Nội dung bài phát biểu dài của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng được ghi lại trong một ‘videoclip’ dài hơn 6 phút có thể tóm lược như sau:

-Trước nhiều bức xúc trong xã hội người dân ‘không còn niềm tin’ với một số lãnh đạo, ‘cơ quan đơn vị’ về cách giải quyết và xử sự của họ;

-Suy thoái về đạo đức và lối sống của họ là nguyên nhân của tình trạng ‘trên bảo dưới không nghe’;

-Một số cán bộ lãnh đạo ‘xử lý vấn đề đại biểu quốc hội đề nghị’ ‘rất hình thức, qua loa’ ‘thì nhân dân ‘thấp cổ bé họng’ còn biết trông cậy vào đâu!’

-Đề xuất ‘Quốc hội tổ chức giám sát chất lượng cán bộ’ và ‘đề nghị cán bộ công chức sai phạm, không được nhân dân tín nhiệm, dư luận lên án nên tự xử để gỡ gạc một chút danh dự, không nên tham quyền cố vị khi người dân không còn tôn trọng’.

Video ghi lại lời phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng là khá ‘gay gắt’, song dù sao vị ĐBQH đã cố gắng sử dụng diễn đàn để phản ánh hiện tình bộ máy cán bộ và sự bất bình của người dân. Hơn thế, những giải pháp đề xuất cũng mang tính chất ‘xây dựng’.

Tuy nhiên, đại bộ phận các đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản, nhiều người trong số họ giữ các cương vị, chức vụ cao trong bộ máy đảng và nhà nước, họ sẽ nghĩ và biểu lộ thái độ thế nào?

Quốc hội giám sát công tác cán bộ của chính phủ là công việc khó khăn. Hơn thế, với tư cách là đại biểu quốc hội, thành viên trong hệ thống chính trị ông có thể gặp rắc rối với những lời phát biểu hoặc bị phán xét về mặt đạo đức?

Có thể gặp rắc rối?

Truyền thông của nhà nước ‘không đồng tình’ được hiểu là Đảng ‘không hài lòng’, nghĩa là ‘có vấn đề’. Nhưng với nội dung của bài phát biểu này thì việc chỉ trích công khai không phải là lựa chọn.

Trong trường hợp này sự rắc rối có thể là các hình thức xử lý nội bộ tổ chức đảng, mà không công khai, có thể là nhắc nhở hay kiểm điểm rút kinh nghiệm – giải pháp mang tính đức trị.

Đảng lãnh đạo toàn diện, đứng trên nhà nước là đặc trưng xuyên suốt của chế độ chính trị hiện hành.

Từ những ngày đầu giành được độc lập thế hệ khai quốc công thần chưa rõ ràng việc dùng luật pháp để cai trị đất nước do ảnh hưởng của “văn hóa phản kháng” với mục tiêu của họ là lật đổ chính quyền thực dân cùng với các chủ thuyết, triết lý của chính quyền đó, bao gồm việc tôn trọng luật pháp, dùng luật pháp làm công cụ quản lý xã hội. Điều đó phần nào giải thích vì sao các nhà lãnh đạo khi đó, và cho đến hiện nay, chọn ‘đức trị’ nhiều hơn là ‘pháp trị’.

Hệ thống chính trị đã và đang chuyển từ ‘pháp chế XHCN’ sang ‘nhà nước pháp quyền XHCN’ do sự ảnh hưởng của mô hình xô viết trước đây.

Khái niệm ‘pháp chế xã hội chủ nghĩa’ cùng bốn nguyên tắc chủ yếu. Đó là ‘đảng lãnh đạo’; luật pháp thể hiện ý chí của giai cấp thống trị’; chính sách đảng cao hơn luật; và cá nhân phục tùng tập thể.

Nay đã sửa đổi, bổ sung. Theo chủ thuyết cai trị ‘nhà nước pháp quyền XHCN’ được ghi nhận chính thức vào Hiến pháp 2013, nhà nước dựa trên luật pháp được tách ra tương đối khỏi đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể đặt ra các mục tiêu kinh tế – xã hội, còn nhà nước thì thực hiện các mục tiêu đó trên cơ sở tuân thủ hiến pháp của chính nó, và dùng luật pháp để quản lý hiệu quả đất nước.

Đảng CS Việt Nam vận hành theo điều lệ đảng, nhưng không nhất thiết bị ràng buộc bởi hiến pháp trong trường hợp hiến pháp và điều lệ đảng mâu thuẫn. Và nhà nước pháp quyền đó phải kiên định ý thức hệ chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những cơ sở cho việc ưu tiên sử dụng công cụ đức trị đối với những vấn đề nội bộ của đảng.

Về nguyên lý, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam được Hiến pháp công nhận là cơ quan lập pháp, quyền lực cao nhất, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ hệ thống chính trị ‘đảng lãnh đạo toàn diện’.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là một phần của hệ thống, ông buộc phải tuân theo ‘nguyên tắc vận hành’ của hệ thống này. Ông phải đặt lợi ích của tổ chức lên trên bản thân. Ngược lại, ông có thể gặp rắc rối.

Rủi ro đạo đức?

Rủi ro đạo đức nảy sinh khi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng có thể được cho là đã ‘sử dụng tình huống diễn đàn’ để diễn đạt với lời lẽ bức xúc thái quá, mặc dù ông có nêu tính đại diện cho cử tri và các kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng, các vị bộ trưởng, trưởng ngành…

Cái cách ông mô tả, được truyền hình trực tiếp rằng ‘cán bộ cao cấp’ mà ‘sống như thái tử, hoàng tử như là chúa rừng xanh, thái độ như là tuần phủ, tri phủ, chánh tổng’, ‘lợi dụng chức vụ vun vén đủ thứ, từ học hàm học vị, bằng cấp, sắp xếp bộ máy toàn cánh hẩu, đệ tử, sống xa hoa, thậm chí thâu đêm, đi nước ngoài ăn chơi bằng tiền ngân sách’ không chỉ ‘đụng chạm’ mà còn làm nảy sinh rủi ro đạo đức cho bản thân.

Ông có thể bị phán xét về mặt đạo đức, kiểu như ‘ăn cây nào rào cây đó’ hoặc ông là một phần của hệ thống, nên chắc ông góp phần và ‘sự yếu kém’ của hệ thống đó. Ông không có quyền lên tiếng, ‘gay gắt’ phê phán hệ thống này…

Gần đây các cử tri nhận thấy mặc dù chất lượng các đại biểu quốc hội chưa đồng đều, nhưng không khí thảo luận trên nghị trường đã cởi mở hơn. Ngày càng có nhiều hơn ý kiến thẳng thắn, tranh luận, các câu hỏi chất vấn ‘trúng vấn đề’ và yêu cầu giải trình trách nhiệm. Đó là tiền đề để giảm bớt những phán xét về đạo đức chung chung, thay vì pháp lý chính xác.

Theo tôi, những cá nhân nêu các ý kiến về những vấn đề cố hữu bên trong hệ thống nên được khuyến khích thay vì phán xét về mặt ‘lập trường, quan điểm’ hay đạo đức. Hơn thế, trên diễn đàn quốc hội những ý kiến như vậy giúp mọi người bên ngoài và bên trong hệ thống nhìn ra vấn đề thực chất hơn.

Trong các chế độ dân chủ ở những nước có tam quyền phân lập và tự do báo chí, thì những phát biểu kiểu như của vị nghị sỹ kia sẽ được phản ánh đa chiều, nhưng sẽ không làm ông ta cảm thấy có rắc rối và rủi ro đạo đức.

Giá như ở nước ta có các điều luật, án lệ, cơ chế hữu hiệu hơn nhằm bảo vệ quyền lợi những người, những ý kiến dũng cảm lên tiếng tiết lộ các hành vi sai trái, phạm pháp của chính các hệ thống, tổ chức, hay đơn vị mà họ là thành viên. Điều đó giúp nhà nước phát hiện và trừng phạt các hành vi phạm pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi chung của các cơ quan, đơn vị.

Đó sẽ là một giải pháp trung gian cần cân nhắc trong thể chế hiện hành.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Các ông bà nghị làm quận công ỉa đồng không cần chôn phân, vấn đề ông Nhưỡng đưa ra kỳ trước dành cho Côn an đại loại là:
    – Không thụ lý tin tố giác 94%
    – Chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%
    – Vi phạm trong tống đạt là 100%.
    Nói xong rồi cũng huề như cộng sản đổi tiền, ông Nhưỡng cũng thỏa mãn không truy cứu thắc mắc gì, vậy thì nói hoài làm gì, vô tích sự.
    Bà Ngân phán sửa luật cho dân nhờ, vụ anh Cà Rê kỳ trước “Ngân xù trắng tay”, rồi cũng tới hồi “bán đứng bến tre”
    ĐM, không nghe những gì CS nói, nhớ kỹ những gì CS làm.

  2. Quốc hội Việt Nam ví như một tờ giấy đỏ. Nếu đó là một màu đỏ đồng nhất thì người ta có thể thấy rõ sự vô vị, nhàm chán trong những động đậy của nó. Cho nên, người ta mới vẩy vào đó một vài giọt nước, một vài giọt dung dịch gì đó giống như cái cách các nhà sản xuất đồ giả cổ vẫn làm. Kết quả là tờ giấy ấy trở nên loang lổ, chỗ đỏ nhiều, chỗ đỏ ít hơn. Cái loang lổ ấy gây một cảm giác tởm lợm hơn là một chút gì đó được coi là nét sinh động của một bức tranh. Càng tô vẽ nó càng bị vấy bẩn, càng bị lố bịch hóa hơn.

Comments are closed.