20-5-2019
Theo lời kể của bố tôi-khi ông còn là Bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch một xã điểm của tỉnh Hà Tây lúc ấy, thì trong lần về thăm và nói chuyện tại huyện Chương Mỹ, ông Trường Chinh đưa ra dự đoán sau 18 năm kể từ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, miền Bắc sẽ hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo những gì tôi được học, thì sau giai đoạn đó sẽ là thời kỳ giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản!
Năm 1978, đúng cái mốc ông Trường Chinh đặt ra, cả nước chỉ còn thoi thóp vì đói. Đám sinh viên chúng tôi thì gần chết đói, nếu không có hạt bobo nguyên vỏ viện trợ từ nước ngoài. Loại mạch này ăn vào chỉ vài tiếng là buồn đi ỉa, vì nó quá nhiều bã.
Năm 1976, ông Lê Duẩn công bố chiến lược phát triển đất nước, với mục tiêu lớn là 21 triệu tấn lương thực (cho khoảng gần 40 triệu người dân), phấn đấu mỗi nhà có một cái ti vi và tủ lạnh. Thời điểm đó dự tính là vào năm 1980. Đó cũng là năm, nói như bố tôi, đến cái quần đùi cũng không có mà mặc. Ở Hòa Bình, tôi và ba thằng bạn học khác bắt thăm được quyền mua rẻ một cái váy của bà đầm hảo tâm nào đó. Chắc đang mặc bà tụt ra ném vào thùng của nhóm quyên đồ từ thiện cho Việt Nam khi họ đi qua, vì thế vẫn còn nguyên mùi da thịt… Tây!
Bốn thằng tôi hăm hở bán lại cho một hiệu may, được số tiền chênh lệch mua đủ một con gà. Nhưng môi chưa kịp hết nhờn mỡ gà, thì cả bốn thằng bị gọi lên Ban giám hiệu, bắt nộp lại cái váy, vì có đơn kiện xuất váy đó quá sộp! Kết quả chúng tôi phải lao động lấy củi một tuần đề bù thiệt hại cho những người không may như chúng tôi.
Khoảng đầu những năm 1980, ông Phạm Văn Đồng đầy tự tin bảo các vị khách Mỹ vô cùng hiếm lúc ấy là năm 2000 mời các ngài trở lại đây, để chứng kiến sự ưu việt mô hình của chúng tôi. Cụ Đồng đúng là người có máu hài hước, bởi năm 2000 chúng ta đứng gần cuối bảng thế giới về thu nhập, vẫn thuộc nhóm quốc gia đói rách.
Trong Hội nghị vừa diễn ra, Giáo sư Trọng rất thẳng thắn bảo rằng, năm 2001 nghị quyết đề ra nước ta cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020 (tức là sang năm), nhưng giờ thử nhìn xem? Ý Giáo sư (dù ngài không nói ra) là nghị quyết nói tào lao, ảo tưởng đến mức hoang tưởng! Đến cái đinh ốc đạt chuẩn còn phải loay hoay, công nghiệp nỗi gì!
Giờ là “tập trung trí tuệ” bàn đến tầm nhìn năm 2045! Khi đó nước ta thành cái nước gì? Có thể Giáo sư Trọng đã có câu trả lời, nhưng rút kinh nghiệm, Ngài không nói ra, mà hỏi đám ngồi bên dưới? Các anh trả lời đi, năm 2026, năm 2030 rồi năm 2045 nước ta hình dung nó thế nào? Xin thưa, Ngài đang hỏi nhầm đối tượng? Cái đám già nua cũ kĩ ngồi vờ vịt nuốt từng lời Ngài, được đào tạo không phải để lo cho tương lai, mà chỉ đủ sự khôn lỏi để tính chuyện họ sẽ chết thế nào, cất giữ tiền bạc ra sao, mồ mả nên giấu ở đâu?
Cả cái đám đang được quy hoạch, là nguồn của đại hội tới cũng không phải là đối tượng để Ngài có thể trông đợi. Họ còn lại sau khi cái quy trình tuyển chọn của chế độ đã lọc hết sạch người tài, từ những vòng ngoài. Ngài sẽ vô cùng khó khăn để tìm được trong số đó, dù chỉ một vài người có tấm lòng lớn với xã tắc. Họ được lập trình để không còn cái phẩm giá linh thiêng ấy.
Họ được đòi hỏi là chỉ cần và chỉ biết yêu đảng. Họ chỉ phải nhớ còn đảng còn họ! Riêng năng lực cho chuyện đó thì họ có thừa, bởi vì yêu đảng thì chỉ cần hô lên là xong, sụt sịt vung tay thề bồi là xong, luôn miệng nói tuyệt đối trung thành là xong. Nhưng yêu nước cần gấp một ngàn lần những phẩm chất mà đảng của Ngài đòi hỏi ở một đảng viên. Yêu nước khó gấp một vạn lần yêu đảng. Sự dối trá đang tàn phá đất nước đến tận móng và sẽ chưa dừng lại, chừng nào vẫn còn cách thức đánh giá năng lực cán bộ như hiện nay.
Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi của Ngài (và cũng là hy vọng của tôi) thuộc về những đứa trẻ giờ này đang học “Bức tranh của em gái tôi”*, trước hết để chúng biết yêu người bên cạnh mình, yêu ông bà cha mẹ anh em ruột thịt mình, hoặc ít nhất thì cũng biết yêu hoa lá trong vườn, con vật nuôi trong nhà, chứ không phải thứ tình yêu nhân loại chung chung. Đã quá đủ thời gian và sự trải nghiệm để Ngài rút ra những bài học cay đắng và đưa đất nước rẽ nhanh sang một con đường khác. Sứ mệnh đó đang được trao cho Ngài với thời gian chỉ còn rất ít! Một sự thay đổi trong hòa bình là thượng sách cho tương lai của dân tộc này. Nếu Ngài né tránh hiện thực đó, công sức và tâm huyết của Ngài đang đổ ra sẽ chẳng khác nào dã tràng xe cát.
—–
*“Bức tranh của em gái tôi”, tác phẩm của Tạ Duy Anh, trong chương trình sách ngữ văn lớp sáu.
Hàn Lệ Nhân,đáp lại lời ông Lê Duẩn,dân họ nói “ thằng Bờm mày cứ cày đi,anh Ba đã có tỉ vi cho mày,Bờm rằng Bờm chẳng muốn cày,anh Ba lại hứa cho mày “phi đe”.Phi đe Bờm cũng chẳng nghe.Anh Ba giơ nắm mì que ( mì sợi ) Bờm cười! ( khi ấy đói lắm,chỉ mong có mì sợi mà ăn là thích rồi,còn tỉ vi,tủ lạnh chả ai cần).