Bản tin ngày 14-5-2019

Tin Biển Đông

Mỹ tập hợp đồng minh đẩy lùi thế lực ‘bắt nạt’ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, báo Thanh Niên đưa tin. Phát biểu tại buổi tiệc nhân dịp 40 năm thành lập Viện Claremont ở Beverly Hills, bang California, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố:

“Chúng tôi đang tập hợp các nước có cùng chung chí hướng như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc để đảm bảo rằng mỗi quốc gia tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể bảo vệ chủ quyền của mình trước hành vi bắt nạt”. Ông Pompeo sau đó nói thẳng, thế lực “bắt nạt” chính là Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc đóng tàu tuần tra Hoàng Sa, theo VOA. Cục thực thi Luật pháp Quản lý Hải dương Tam Sa đóng trên đảo Vĩnh Hưng,  thông báo đã đặt Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc, xây dựng một chiếc tàu nặng 1.900 tấn, nhằm phục vụ mục đích tuần tra quần đảo Hoàng Sa.

Tam Sa chính là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hải Nam, do Trung Quốc thiết lập, để quản lý các quần đảo mà họ có tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông. Đảo Vĩnh Hưng là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm. Thành phố Tam Sa được đặt trên hòn đảo này.

Mời đọc thêm: Mỹ tuyên bố giúp bảo vệ chủ quyền các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương (DT). – Mỹ cam kết bảo vệ chủ quyền các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương (MTG). – Hé lộ báo cáo quân sự của Mỹ khiến Trung Quốc bực tức (GT/Soha). – Tàu hộ vệ Việt Nam diễn tập cùng chiến hạm 11 nước ở Singapore (VNE). – Tàu hộ vệ VN diễn tập cùng chiến hạm 11 nước (Zing).

Con voi chui lọt lỗ kim

Báo Thanh Niên đưa tin: Dự án nhà máy vải của Trung Quốc thi công trái phép tại Quảng Ninh. Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cấp phép, Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh cũng chưa đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng nhà máy vải không dệt thuộc Công ty KCN Texhong của Trung Quốc đã ồ ạt thi công.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp phải dừng thi công và báo cáo UBND tỉnh vì đây là dự án có yếu tố nước ngoài. Cách đây vài ngày tôi cũng đã nhận được thông tin rồi và đang phối hợp với các cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công trái phép“.

Facebooker Đoàn Hòa viết: Người dân dựng một cái chuồng gà ‘trái phép’ thì cả một lũ khuyển cẩu ào đến bắt dỡ, nhưng công ty nước mẹ xây dựng nhà máy trái phép trên cả 12.000 m2 thì chẳng thằng nào dám mò đến cưỡng chế“.

Nhà báo Mai Quốc Ấn bình luận: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Còn những kẻ phạm pháp ‘có yếu tố nước ngoài’ thì bình đẳng hơn? UBND tỉnh Quảng Ninh chính là đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ của người dân cả tỉnh. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng là đại diện nhà nước chính danh Viêt Nam hiện hữu ở địa phương. Vậy mà UBND tỉnh Quảng Ninh bị một nhà đầu tư dạng chưa phải to của Trung Quốc coi không ra gì.

Đó là thái độ coi thường luật pháp Việt Nam. Điều này khiến tôi nghĩ về cao tốc Bắc – Nam và rất nhiều dự án Tàu khác mà thực sự vô cùng lo lắng. Nhất là các đặc khu dự kiến, bao gồm cả Vân Đồn. Phải kìm cơn phẫn nộ và sự uất ức để thốt lên: Đất nước này của ai?

Mời đọc thêm: Vốn đầu tư Trung Quốc cao kỷ lục, Việt Nam nhận được gì? (NCĐT). – Báo Trung Quốc: Nếu không nhanh chân, các công ty “chạy nạn” sẽ khó vào Việt Nam vì đã hết chỗ (Sputnik). – Cảnh giác hàng Trung Quốc tìm cách “khoác áo” hàng Việt Nam để né thuế (VTV). – Tour 0 đồng: ‘Không để doanh nghiệp Trung Quốc thao túng’ (PLTP).

Thái Nguyên: UBND xã lập BOT thu tiền dân qua cầu

Cầu Làng Vòng bắc qua sông Công, nối liền hai xã Bản Ngoại và Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, sau khi xây dựng, đã bị UBND xã Phú Lạc lập trạm BOT thu phí. Theo bản giá, người dân phải trả phí cho xe 4 chỗ là 10.000 đồng/ lượt, xe máy 2.000 đồng/ lượt. Mỗi người dân địa phương phải tốn vài trăm ngàn mỗi tháng để trả cho BOT này.

Facebooker Nông Thị Thùy đăng tải hai video clip, cho thấy, đông đảo người dân phản đối việc thu phí, gây kẹt xe tại cầu:

 

Mời đọc thêm: Sau clip bị tố lập bốt “tận thu”: Bệnh viện K đã phân làn cho taxi (Infonet). – Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cho Trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại (NLĐ). – Bộ Giao Thông- Vận Tải đề nghị thu phí trở lại ở BOT Cai Lậy (RFA). – Bộ Giao thông chính thức xin cho BOT Cai Lậy thu phí trở lại (KTĐT).

Tin nhân quyền

Nhà hoạt động Hoàng Dũng đưa tin, anh Trịnh Viết Bảng, cư dân phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, đã bị bắt. Ông Dũng viết: “Anh Bảng được biết đến là người kiên trì lên tiếng tố cáo Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tiên Du và NHCSXH tỉnh Bắc Ninh tham nhũng. Anh tố cáo với CA tỉnh Bắc Ninh nhiều năm nay. Kết quả là hôm nay anh đã bị bắt“.

Đầu năm nay, anh Trịnh Viết Bảng đã gửi đơn tới lãnh đạo đảng và nhà nước, tố cáo các cán bộ công an Bắc Ninh bảo kê cho tham nhũng. Nội dung đơn như sau:

Công an Việt Nam chặn một số nhà hoạt động, chức sắc gặp Phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, RFA đưa tin. Một trong những người bị ngăn cản là ông Hứa Phi, Chánh trị sự đạo Cao Đài, cho biết: “Bốn ngày nay, tôi bị Công an cộng sản Việt Nam ở Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng canh tôi liên tục và liên tục cho nên tôi không thể xuống Sài Gòn gặp Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng như Cục Dân chủ Nhân quyền mời. Công an chặn quanh nhà tôi, tôi ra đi thì công an đem những vật cản đến chặn cửa nhà tôi như giường bố, bàn ghế”.

Amnesty nói VN tăng mạnh việc trấn áp tiếng nói đối lập, theo BBC. Tổ chức Ân xá Quốc tế lưu ý, con số các tù nhân lương tâm bị tống giam đã tăng vọt lên một phần ba. Theo thống kê của tổ chức này, chính quyền VN hiện đang giam giữ ít nhất 128 người. Con số này hồi năm ngoái là 97 trường hợp, hầu hết những người này bị giam giữ trong điều kiện tồi tàn.

Mời đọc thêm: Ân Xá Quốc tế công bố danh sách 128 tù nhân lương tâm, thúc giục Mỹ áp lực Việt Nam về nhân quyền (RFA). – Ân xá Quốc tế hối thúc VN tôn trọng nhân quyền trước đối thoại Việt-Mỹ (VOA). – Vụ án Lê Anh Hùng: không chỉ kết luận tâm thần mà xong (VNTB).

Xử phúc thẩm BS Hoàng Công Lương

Báo Thời Đại đặt câu hỏi: Vì sao tòa hoãn xét xử phúc thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương? Sáng 13/5, TAND tỉnh Hoà Bình mở phiên xét xử phúc thẩm BS Hoàng Công Lương, ông Trương Quý Dương, cựu GĐ BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Đình Khiếu, cựu PGĐ BV, ông Trần Văn Thắng, cựu Trưởng phòng vật tư và ông Đỗ Anh Tuấn, GĐ Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn.

Tuy nhiên, BS Lương cho biết, ông Hoàng Văn Hướng, luật sư bào chữa cho mình nộp đơn xin hoãn phiên tòa và xin vắng mặt. HĐXX đã hội ý khoảng 20 phút, quyết định dời phiên xét xử phúc thẩm sang ngày 12/6/2019.

Trang Phụ Nữ Sức Khỏe có bài: Bị cáo Hoàng Công Lương lý giải việc từ chối nhiều luật sư bào chữa. Cuối tháng 3, BS Hoàng Công Lương có đơn từ chối 9 luật sư bào chữa, còn 1 luật sư chưa sẵn sàng tham gia. BS Lương cho biết, một số luật sư có việc bận không tham gia được. Hơn nữa, với tính chất, mức độ của vụ án này chỉ cần một người là có thể giải quyết được.

Mời đọc thêm: Hoãn xét xử phúc thẩm Hoàng Công Lương tới 12/6 (Viet Times). – Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án Hoàng Công Lương do luật sư vắng mặt (TN). – Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Tiết lộ lý do Hoàng Công Lương từ chối 9 luật sư (NĐT). – Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án Hoàng Công Lương, bị cáo nói lý do từ chối 9 luật sư (PLN).

Cố ý làm trái

Công an tỉnh Bình Thuận vừa bắt nguyên Trưởng phòng Tài chính Trung tâm Y tế tham ô 6 tỉ, Zing đưa tin. Ngày 13/5, cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Duy Hiển, cựu Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Trung tâm Y tế TP Phan Thiết. Ông Hiển đã làm giả nhiều chứng từ, hồ sơ để tham ô ngân sách Nhà nước hơn 6 tỉ đồng.

Vụ 5 cán bộ thanh tra Thanh Hóa nhận hối lộ: Giám đốc đưa hối lộ là Đại biểu HĐND huyện, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Bài báo đưa tin, ông Trần Ngọc Tài, người vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giam 3 tháng để điều tra hành vi đưa hối lộ cho 5 cán bộ Thanh tra tỉnh, là đại biểu HĐND huyện Thiệu Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Trần Ngọc Tài, GĐ doanh nghiệp Cường Quý là Đại biểu HĐND huyện Thiệu Hóa nhiệm kỳ 2016- 2021. Nguồn: TN&MT

Chủ tịch HĐND huyện Thiệu Hóa vừa tạm đình chỉ đại biểu HĐND huyện nghi hối lộ đoàn thanh tra, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Hoàng Văn Toản cho biết, Thường trực HĐND huyện đã họp và xác định sai phạm và ra quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu của ông Trần Ngọc Tài: “Các thủ tục liên quan đến việc ông Trần Ngọc Tài đã làm xong. Sau này sai phạm của ông Tài thế nào phải theo quyết định của cơ quan điều tra và của Tòa án nhân dân”.

Mời đọc thêm: Cựu Trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Phan Thiết bị bắt (PLTP). – Cán bộ y tế ở Bình Thuận làm giả chứng từ chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng (VTC). – Giám đốc đưa hối lộ cho 5 cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa là đại biểu HĐND huyện (NLĐ). – Đình chỉ tư cách đại biểu HĐND huyện với chủ doanh nghiệp đưa hối lộ cho đoàn thanh tra (NĐT).

Xăng dầu độc quyền ở VN: Người dân tiếp tục bị “móc túi”

Trang Đầu Tư Tài Chính VN bàn về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì ‘khiến người tiêu dùng thiệt hơn là lợi’. Theo đó, Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, cho rằng việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300đ/ lít theo quy định tại Nghị định 83,  khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi.

VINPA phân tích thêm, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu, khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu ở VN không theo cơ chế thị trường, trái với xu hướng giá thế giới.

Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Bất thường cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu? Các tính thuế khiến người tiêu dùng bị “móc túi” nặng nề chủ yếu đến từ cơ chế độc quyền xăng dầu ở VN. PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ chế độc quyền của ngành xăng dầu đang bộc lộ quá nhiều bất cập, dù ngành xăng dầu nói rằng đã mở cửa cho các doanh nghiệp tham gia theo cơ chế thị trường, nhưng chủ yếu chỉ có 6-7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trực thuộc sự quản lý của ngành công thương.

Hậu quả xăng, dầu tăng giá: Ngư dân và doanh nghiệp gặp khó, theo báo Công An TP Đà Nẵng. Lãnh đạo Phòng Khai thác dịch vụ của Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang thừa nhận, từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 4.500 lượt tàu cá vào cảng, giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng trong khi nguồn lợi thủy sản có phần suy giảm, nên thu nhập của ngư dân giảm đi rất nhiều.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Đà Nẵng cho biết: “Hỏi thăm các đơn vị vận tải thành viên, ai cũng thở dài ngao ngán vì chi phí tăng mạnh, nhất là chi phí nhiên liệu nhưng giá vận tải vẫn không tăng được, khách hàng không có”.

Mời đọc thêm: Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu (VNE). – Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì làm “người tiêu dùng thiệt hơn” (VOV). – Giá xăng dầu trong nước “lỗi nhịp” với thế giới: Ai thiệt? (KTĐT). – Xăng liên tục lên giá, lợi nhuận quý 1 của Petrolimex tăng (TBKTSG). – Công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng (Tin Tức). – Tàu cá thua lỗ vì giá cá ngừ giảm sâu, giá xăng dầu tăng mạnh (VOV). – Phương án giảm chi phí vận tải khi xăng dầu tăng giá (GT).

Kiếp làm nông

Báo Một Thế Giới có bài: Hơn 6.600ha hồ tiêu bị chết, nông dân ‘khóc ròng’ vì khó trả nợ ngân hàng. Thời gian qua, cây hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên, đặc biệt tại tỉnh Gia Lai, chết hàng loạt. Hàng ngàn hecta hồ tiêu tại Gia Lai bị nhiễm bệnh chết đồng loạt, khiến nhiều nông hộ trồng tiêu phải bỏ xứ. Nông dân trồng tiêu gửi đơn thư đến chính quyền địa phương, NHNN kêu cứu, hỗ trợ về việc giảm lãi, gia hạn nợ, cơ cấu nợ và khoanh nợ vốn vay.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, số khách hàng còn dư nợ là 18.888 khách hàng. Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại là 6.490 ha, số tiền thiệt hại là 2.653 tỉ đồng của 11.056 khách hàng. Nợ xấu là 451 tỉ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay hồ tiêu.

VOV bàn về tình cảnh nông nghiệp Tây Nguyên: Phá sản trên ngôi vị số 1. Ngành nông nghiệp Tây Nguyên đang chìm trong khó khăn khi các ngành chủ lực bị giảm. Đây từng là vùng cà phê robusta và hồ tiêu lớn nhất nước, thậm chí đứng nhất, nhì thế giới về năng suất và sản lượng, nhưng cách làm nông cuốn theo vòng luẩn quẩn trồng-chặt… khiến hàng loạt nông dân phá sản, nợ xấu ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Một người từng là tỉ phú nhờ hồ tiêu cho biết: “Xóm tôi đêm đi, ngày đi. Tôi có 9 đứa con, thì 1 đứa phải bán đất, bán nhà trả ngân hàng. 2 đứa cháu ngoại học lớp 12 phải bỏ đi làm nghề, còn mấy đứa cháu nội về quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh làm thuê”.

Báo Hà Tĩnh viết: Lúa “tụt” từ 5 – 6 giá, nông dân Hà Tĩnh như… “ngồi trên lửa”! Một nông dân ở xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, cho biết: “So với thời điểm cao nhất của năm ngoái, giá lúa năm nay ‘tụt’ khoảng 6 giá, trong đó, các loại nếp là khó bán nhất. Hiện tại, gần 8 tấn lúa của gia đình thu hoạch trong vụ xuân vẫn đang nằm yên trong kho. Tôi chờ giá lên thêm chút nữa mới xuất bán chứ với giá này, trừ tiền máy cày, tiền giống, thuê máy giặt, tiền phân bón… thì không có lãi”.

Mời đọc thêm: Đầu tuần: giá cà phê, cao su tăng; lúa gạo và hồ tiêu cùng giảm (TGTT). – Giá hồ tiêu hôm nay 13/5: Giá thấp nhất tại tỉnh Gia Lai (ĐSVN). – Hồ tiêu Tây Nguyên chết hàng loạt, người trồng rơi vào vòng xoáy nợ nần (GT). – Trồng nhiều lúa vẫn nghèo: Tổ chức lại liên kết sản xuất, tiêu thụ (DV). – Giúp nông dân tiêu thụ nông sản bền vững (KTĐT).

Tin giáo dục

Báo Lao Động dẫn lời giải thích gây bất bình của Bộ GDĐT: Không tuyển bổ sung thí sinh bị trượt oan vì sợ gây xáo trộn! Từ khi vụ gian lận điểm thi THPT 2018 ở một số tỉnh miền Bắc bị phanh phui đến nay, đã có 82 thí sinh gian lận rời giảng đường đại học vì “ngồi nhầm chỗ”. Tuy nhiên, hàng chục thí sinh đã bị đánh cắp cơ hội vẫn không được trả lại vị trí đáng lẽ họ xứng đáng được nhận. Bộ GD&ĐT đưa ra lý do, “nếu tuyển bổ sung, sẽ gây xáo trộn lớn”.

Một lần nữa, Bộ GD&ĐT lại có quyết định và cách giải thích phi giáo dục. Riêng vụ gian lận điểm thi và hậu quả của nó đã gây xáo trộn rất lớn, khiến lòng tin của người dân càng bị xói mòn. Bộ GD&ĐT đã để một cuộc khủng hoảng niềm tin diễn ra, không giải quyết triệt để hậu quả, rồi giờ lại… sợ xáo trộn.

Infonet đặt câu hỏi: Suất ăn của học sinh có giòi, Trường dân lập quốc tế Việt Úc nói gì? Sau khi phụ huynh và học sinh phản ánh chuyện có giòi trong suất ăn của một học sinh lớp 10S4A, cơ sở Sunrise, Ban điều hành Trường dân lập quốc tế Việt- Úc thừa nhận sự việc và cho biết, nhân viên phụ trách tại bếp ăn Sunrise đã đổi suất ăn mới cho học sinh K.V. Trường cũng tiến hành truy xuất, xác minh nguồn gốc của món cà chua cũng như quy trình kiểm tra, chế biến thực phẩm.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Cô giáo bắt học sinh quỳ trước lớp bị đình chỉ giảng dạy. ông Phạm Như Ý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết cô Lê Thị Quy, GV chủ nhiệm lớp 9, trường THCS Tô Hiệu, đã bị đình chỉ công tác một tuần để làm rõ vụ phạt học sinh quỳ, sau đó sẽ trình các cấp thẩm quyền xem xét. Ông Ý nói: “Mặc dù cô Lê Thị Quy đưa ra lý do bắt học sinh quỳ là làm theo đề nghị của phụ huynh. Thế nhưng, hành vi này không đúng với quan điểm giáo dục và phương pháp sư phạm”.

Học sinh bị cô giáo Quy bắt quỳ tại lớp. Nguồn: PLTP

Báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Phạt học sinh quỳ trong lớp, cô giáo vi phạm gì? LS Nguyễn Thế Truyền phân tích, trong các hình thức kỷ luật học sinh không có hình thức nào bắt quỳ hay đuổi ra khỏi lớp. Việc buộc học sinh không được tiếp tục theo học phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền là hiệu trưởng thực hiện, theo quy định của Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về hình phạt học sinh quỳ gối: Dạy hay làm nhục? Mặc dù cô Quy cho rằng hình phạt quỳ là do “đề nghị của phụ huynh”, nhưng phụ huynh của nam sinh bị bắt quỳ đã làm đơn gửi lên UBND huyện Thường Tín và Phòng GD&ĐT, cho biết cách đối xử của cô giáo với con của họ là không thể chấp nhận được.

Bà Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường bình luận: “Việc bắt học sinh quỳ là quá phản cảm, nhất là với học sinh cuối cấp THCS, đầu cấp THPT. Độ tuổi dậy thì của trẻ luôn là giai đoạn giáo dục khó khăn của cả phụ huynh và nhà trường. Ở tuổi này trẻ đã ý thức được lòng tự trọng, thậm chí cái tôi của trẻ rất lớn”.

Mời đọc thêm: Xử lý thí sinh gian lận: Trường đại học không thụ động ngồi chờ Bộ (TTXVN). – 82 sinh viên gian lận vừa bị buộc thôi học: Vì sao Bộ GD&ĐT không gọi bổ sung thí sinh? (NĐT). – Bộ GD-ĐT nói gì về những thí sinh bị trượt oan do vụ gian lận điểm thi ĐH? (ĐSVN). – Suất ăn của trường quốc tế Việt Úc có giòi, phụ huynh yêu cầu làm rõ (VOV). – Dòi bò trong thức ăn của học sinh trường quốc tế ở Sài Gòn (Zing).

Yêu cầu làm rõ vụ việc cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp (Tin Tức). – Hà Nội: Yêu cầu làm rõ việc cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp (ĐĐK). – Quỳ (NLĐ). – Bộ GD&ĐT không quy định hình thức phạt học sinh quỳ trong lớp (PL Plus).  – Phạt học sinh quỳ: Đừng đổ tại bây giờ học sinh hư (PNVN). – Đề nghị công an xử lý 2 thiếu nữ túm tóc, tát tới tấp nữ sinh lớp 10 (VTC). – Hiệu trưởng trường chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa nộp đơn xin từ chức (VOV).

***

Thêm một số tin: Hiệp định Paris: Khuất tất và khả năng tái hợp (RFA). – Việt Nam: Vì sao bệnh tình ông Trọng thành ‘‘đại sự’’? (RFI).- Dân mạng lo ngại Việt Nam trở thành ‘thiên đường của kẻ ấu dâm’ (VOA). – Việt Nam có tỷ lệ tiêu thụ đồ có cồn tăng nhanh nhất thế giới (TTXVN).

“Việt Nam không theo đuổi chính sách phá giá nội tệ để giành lợi thế thương mại” (BizLive). Vụ Giám đốc Bệnh viện đa khoa Yên Dũng dính nhiều sai phạm: Sở Y tế Bắc Giang có “giơ cao đánh khẽ”? (PL Plus). – Người bị đuổi khỏi nhà ở Phú Quốc tiếp tục tố giác (PLTP).

Bình Luận từ Facebook