13-5-2019
Mết cũng nói ngay từ đầu luôn, bàn tay nham nhở của Tập đoàn Sun Group hiện đang gây lở loét hầu khắp ở đất nước mình. Nhưng trong tút này, Mết chỉ zoom vào 2 tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam trước sự tham lam vô độ của Sun, bởi lẽ 2 tỉnh này trước đây cùng chung 1 nhà, nhưng giờ có 2 thái độ khác nhau đối với doanh nghiệp, mà cụ thể là Sun Group.
1. Tại TP.Đà Nẵng, dễ dàng thấy bất kỳ chỗ nào Sun thích, thì Sun sẽ làm được. Mà tiêu biểu là Bà Nà, Sơn Trà, hay gần đây nhất là 2 dự án lấn sông Hàn của Sun.
Cả Bà Nà và Sơn Trà, Sun Group tự cho mình cái quyền cấm người dân lên nếu không bỏ tiền ra. Đó là sự vô lý cùng cực mà Mết hay nhiều người dễ dàng đặt nghi vấn rằng, nếu không có sự giúp sức của một bộ phận quan chức TP.Đà Nẵng, thì Sun có lộng quyền như vậy không?
Cũng giống như 2 dự án lấn sông Hàn là Euro Village và Olalani của Sun cũng vậy, tại sao TP.Đà Nẵng đã yêu cầu dừng tất cả dự án lấn sông Hàn để kiểm tra rà soát từ ngày 24.4 mà dự án Olalani của Sun Group vẫn đang triển khai một cách bình thường?
Ở hội nghị phản biện xã hội về các dự án lấn sông Hàn ngày 7.5, tại sao 2 dự án của Sun không được đả động đến mà chỉ tru tréo gọi tên dự án Marina Complex của Công ty Quốc Cường Gia Lai?
Sẵn đây thì hỏi luôn, quan chức Đà Nẵng nào đã nảy ra ý tưởng đưa ông Đặng Minh Trường – Chủ tịch HĐQT của Sun Group vào danh sách ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng khoá trước và khoá này, để cho hội nghị phản biện xã hội mà UBMTTQ Việt Nam TP.Đà Nẵng vừa tổ chức cố tình lảng tránh 2 dự án của Sun Group?
Với việc có chân trong hệ thống chính trị TP.Đà Nẵng của ông Trường, chúng ta có quyền hồ nghi có những sự thao túng nào đó để mang lại lợi ích tối đa cho Sun Group. Không những thế, ông Trường, từ năm 2016, đã vào BCH Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP.Đà Nẵng, đã khiến cho những phản biện về các dự án của Sun ở khía cạnh khoa học đều trở nên mềm nhũn!
Tổng hợp những dữ liệu trên, chúng ta có quyền đặt câu hỏi: phải chăng chính quyền TP.Đà Nẵng đang phụng sự Sun Goup thay vì người dân của mình?
2. Trong khi đó, tại Quảng Nam, Mết phải có lời khen ngợi cho lãnh đạo tỉnh này vì đã có cách ứng xử cứng rắn hơn với Sun chứ không lãnh đạo TP.Đà Nẵng. Tất nhiên, vẫn còn đâu đó lợn cợn, nhưng thây kệ, đặt trong tương quan chung vẫn đáng được khen ngợi. Còn khi nào có cái sai, Mết phản ánh sau!
Ví dụ cụ thể là Dự án Khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm do công ty thành viên của Sun Group thực hiện, đó là Công ty Cổ phần thương mại du lịch Cù Lao Chàm thực hiện.
Dự án này được cấp phép trước khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2009. Đến năm 2016, khi chủ đầu tư làm dự án, tỉnh Quảng Nam đã có những yêu cầu điều chỉnh về quy mô dự án cũng như ĐTM phù hợp theo quy định của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, mới được phép làm.
Nhưng công ty thành viên của Sun vẫn quen thói con trời trên đất Đà Nẵng và tiến hành làm ẩu, hạ cây rừng, cày cuốc đường núi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ráo riết vào cuộc, yêu cầu Sun tạm dừng và khi nào hoàn thành các điều chỉnh theo yêu cầu mới thì mới được tiếp tục.
Đồng thời, tỉnh này cũng chặt đứt những tham lam vô độ của Sun nhưng đòi làm khúc đường trùng khúc đường quân sự chạy phía trên bãi Hương, làm bãi đổ trực thăng…
Dưới sự cứng rắn đó, Sun buộc phải làm theo dù trong làm còn hậm hực.
Và đến đầu tháng 1.2019, tỉnh Quảng Nam đã ký phê duyệt điều chỉnh đối với dự án này. Trong đó, yêu cầu Sun giảm diện tích dự án từ 2.592.230m2 xuống còn 260.371m2. Đồng thời, yêu cầu dịch chuyển các khu nhà hàng, biệt thự, nhà phục vụ,… đến vị trí khác nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung của Cù Lao Chàm
Thay lời kết: Chúng ta có thể vin vào lý do nào đấy để nói này nọ. Nhưng Mết nghĩ rằng, trên hết, nếu như lãnh đạo tỉnh thật sự có tâm, vì dân, vì tỉnh mình, thì họ sẽ biết cách cùng nhau đấu tranh để bảo vệ những điều đó.
Còn lãnh đạo tỉnh, mà một khi đã luồn cúi, chìa bàn tay dơ bẩn với doanh nghiệp, thì cái họ gọi là phụng sự không còn là dành cho dân của họ nữa rồi.
Với Sun Group, Đà Nẵng và Quảng Nam, cho chúng ta thấy rõ điều đó!