7-5-2019
Thập niên 80 thế kỷ trước Singapour cùng Hồng Kông, Nam Hàn và Đài loan có danh hiệu là “bốn con rồng Châu Á”, là những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhứt thế giới. Cùng với Qatar và Luxembourg, Singapour có mức thu nhập cao nhứt, tính về khả năng mua sắm. Singapour có trường đại học được xếp vào hạng “cao” ở Châu Á.
Chế độ Singapour được các nước Châu Âu gọi là “dân chủ trong độc tài” hoặc “độc tài biết lo cho dân”. Hiến pháp Singapour mô phỏng Hiến pháp của Anh quốc, theo chế độ “Đại nghị”, trong đó thủ tướng đứng đầu chính phủ và tổng thống đại diện cho quốc gia. Từ khi độc lập đến nay đảng “Nhân dân hành động – PAP” độc quyền chính trị. Phong cách lãnh đạo vì vậy gần với “độc tài đảng trị” hơn là “dân chủ đa đảng”. Nhưng dầu vậy quốc gia được xây dựng vững chắc trên nền tảng “the Rule of Law – Pháp trị” và “kinh tế thị trường”. Nhờ kế thừa truyền thống trọng luật và trọng thương của đế quốc Anh. Nền kinh tế thị trường Singapour nổi tiếng thế giời nhờ vào sự “trong suốt” và không tham nhũng.
Đâu là “chìa khóa” phát triển của Singapour?
Vài năm trước tôi có bài nhận định sơ lược cho rằng tất cả các nước “hóa rồng” ở Châu Á, Nam Hàn, Đài loan, Hồng Kông và Singapour, điểm chung của các nước này là nạn tham nhũng bị diệt trừ. Vì vậy tôi có ý kiến cho rằng, VN muốn phát triển trước tiên phải trong sạch guồng máy nhà nước. Phải diệt trừ tuyệt gốc nạn tham nhũng. (Nhưng vụ này xem ra khó thực hiện. Ông Trọng có nói “đánh tham nhũng là mình tự đánh mình”. Diệt hết tham nhũng lấy đâu cán bộ ra lãnh đạo ?
Theo tôi, VN có thể áp dụng mô hình phát triển của Nam Hàn và Đài loan. Văn hóa truyền thống xã hội của dân VN gần giống như dân Đài loan. Trong khi bối cảnh lịch sử của Nam Hàn thì lại giống miền Nam cũ. Mà hai quốc gia (thành rồng) này đều là thuộc địa cũ của Nhật, ảnh hưởng sâu đậm “văn hóa làm việc”, trật tự và kỹ luật. Cả ba quốc gia này đều xây dựng trên mô hình “Etat de Droit” – quốc gia pháp trị”. Đài loan và Nam Hàn đều áp dụng áp dụng mô hình đi trước của Nhật.
Hôm qua tôi có viết rằng VN có thể áp dụng mô hình của Nhật để phát triển. Nam Hàn và Đài loan là hai thí dụ để tôi kết luận như vậy.
Nhưng VN không thể áp dụng mô hình Singapour, nếu ta xem sự phát triển của quốc gia này là một mô hình.
Singapour gọi là “quốc gia” nhưng thực tế nó chỉ là một “thành phố” thuộc dạng “trung bình”. Lý Quang Diệu đã điều hành đất nước như là một “tộc trưởng” đối với đại gia đình. Dĩ nhiên, khi quan niệm “đất nước là nhà, dân chúng là người trong gia đình” (yêu nước như yêu nhà, thương dân như thương thân) thì mọi nỗ lực của lãnh đạo đều nhằm vào việc phục vụ cho quyền lợi của đất nước, cho lợi ích của gia đình. Mà yếu tố làm cho gia đình gắn bó, ngoài huyết tộc (mà Singapour không có) là quyền lợi được chia sẻ công bình và không có sự gian trá giữa những người trong gia tộc.
Trung quốc thời kỳ Đặng Tiểu Bình là áp dụng mô hình Singapour để “dò đá qua sông”. Nhưng sang thời các lãnh đạo khác, rõ rệt dưới thời Tập Cận Bình, mọi quan hệ trong quốc gia đều được “định chế hóa”.
VN chỉ có thể áp dụng mô hình Singapour cho Sài gòn (và các tình vệ tinh). Muốn vậy VN phải thay đổi chế độ chính trị áp dụng mô hình “liên bang”, trong đó phải để cho các tiểu bang quyền tự trị.
VN không thể áp dụng mô hình Singapour, trước hết là “nhân sự” trong đảng. Nếu công chức ở Singapour chỉ có bổn phận giúp dân trong những vấn đề hành chính thì ở VN mỗi cán bộ đảng viên là mỗi “gút thắt”, là nơi ăn chặn mọi tiềm lực của người dân. Những dự án tầm cỡ quốc tế Vinashine, Vinalines… đều bị thất bại mà nguyên nhân đến từ sự hư hỏng cán bộ nhân viên trong xí nghiệp. Công chức Singapour là những người thợ xây dựng quốc gia. Công chức VN là những con mối đục khoét phá hoại đất nước.
Thứ hai, VN quá lớn để có thể áp dụng mô hình “gia tộc” của Singapour. Nhưng VN có thể bắt chước tinh thần trọng luật ở nơi đây để tiêu diệt tham nhũng và làm trong suốt nền kinh tế thị trường của mình.
Theo tôi, nếu VN muốn níu kéo đảng CSVN, xem đảng này là đảng “lãnh đạo”. Việc phát triển vẫn có thể đến, nhưng sẽ không lâu bền.
Giả sử bây giờ ông Trọng đặt ra “cảnh sát đảng – đảng cảnh”, tương tự “quân cảnh” tức cảnh sát riêng cho quân đội (ở Mỹ, Pháp v.v…). Nhân viên “đảng cảnh” có thẩm quyền truy bắt đảng viên hư hỏng, ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ trường hợp nào và ở cấp độ nào. Thông thường, quân cảnh đi kèm với cảnh sát. Quân cảnh có thẩm quyền đối với quân đội. Sau khi viên quân cảnh “truất quyền miễn trừ của quân đội”, người lính này sẽ bị cảnh sát buộc tội tùy theo mức độ vi phạm luật.
Tương tự vậy, nhân viên “đảng cảnh” đi tuần chung với cảnh sát. Những đảng viên nào phách lối chạy xe phạm luật, ăn hối lộ, hống hách với dân… nếu bị bắt được tại trận, thì người đảng viên này sẽ bị đảng cảnh “tước đảng tịch” và giao tức thời cho cảnh sát xử lý, áp dụng luật.
Việc này có thể có hiệu quả trong nhứt thời. Nhưng về sau thì sẽ tạo ra một lực lượng “đảng đứng trên đảng”, việc lạm dụng quyền lực sẽ trở lại mà lần này sẽ không có cách nào để trị.