2-5-2019
Có những điều khi mất đi rồi mới biết quý và tiếc, dù trong tâm trạng nào thì cũng không thể làm lại. Nhưng cũng có những điều mình tiếc khi chưa mất, bởi biết rằng nó sẽ mất.
Ngôi Thánh đường Trà Cổ này là một ví dụ. Khi nghe tin bị đập đi, mình gọi cho một vị chức sắc, nhận được trả lời rằng ngôi nhà thờ này đã quá lâu và nhỏ không đủ nhu cầu phục vụ, xây nơi khác thì đó là điều vô vọng vì làm gì có chuyện nhà nước cấp đất hoặc cho mua nên phải đập bỏ.
Tiếc rằng có một số người họ không biết để mà tiếc những giá trị ẩn sâu đằng sau sự xấu xí, mốc rêu và hoen rỉ trơ trụi của sự vật. Họ cứ nghĩ rằng cứ mới, bóng bẩy, to lớn và hoàng tráng thì sẽ tốt hơn.
Thật ra tâm hồn và giá trị con người nó không phụ thuộc vào cái xác nặng 35 kg hay 150 kg, mặc áo rách cũ hay gấm bào mà nó còn phụ thuộc nhiều điều không nhìn thấy khác nữa.
Nhiều khi, ngoài những động cơ phục vụ cộng đồng, người ta không khỏi nghi ngờ đằng sau đó những sự ẩn khuất mà bất cứ khi nào, chỗ nào trong đời sống cũng có thể len lỏi đến. Và nhiều khi, chỉ có như vậy mới có thể giải thích được những hành động kỳ quặc của một số người có thế lực, có chức có quyền.
Thánh đường Bùi Chu sắp bị dỡ bỏ để xây lại. Nếu thông tin này là chính xác, và việc này được thực hiện, thì Đức Giám mục Hiệu sẽ là người được ghi vào sử sách không chỉ của Giáo hội, trong lòng những người Công giáo mà cả nhiều người hiểu biết khác bằng một sự thiếu kính trọng như đáng có.
Nhiều người đã lên tiếng, cần ghi nhận sự nhiệt tình, hăng hái hy sinh của họ. Nhưng việc gửi thư lên Thủ tướng hay TBT khi nói về việc xây dựng nhà thờ, là điều mà cha ông nói từ lâu là “Phúc thống phục nhân sâm”. Bởi những người đó không hề hiểu đảng, nhà nước muốn và đã, sẽ làm gì với công giáo nói chung và nhà thờ nói riêng.
Nhiều người thắc mắc rằng sao có những công trình tôn giáo đẹp như vậy mà không đưa vào di tích lịch sử văn hóa quốc gia nọ kia. Điều này họ không hiểu. Bởi nhà nước VN xưa nay, nói đến Công giáo và nhà thờ là điều cấm kỵ, không phá được thì thôi chứ làm gì có bảo tồn, tôn tạo hay ưu ái.
Nhiều nhà thờ buộc phải đập bỏ, chỉ đơn giản vì không có đất đai xây mới để đáp ứng nhu cầu giáo dân phụng vụ. Xin cấp thì không bao giờ có, nhà nước không cướp thì thôi chứ làm gì có chuyện cấp đất xây nhà thờ, chỉ chiếm, cướp bớt đi thôi chứ làm gì có cho mở rộng thêm. Thậm chí, nhiều nhà thờ muốn bỏ tiền ra mua đất của dân, nhà nước cũng can thiệp để ngăn chặn bằng được. Đó là thực tế.
Đó là sách lược cách mạng xưa nay. Xây chùa thì được, vì chùa dễ quản lý bởi nhà nước, đại gia và công an. Đặc biệt là chùa thì ra tiền, còn nhà thờ thì không.
Ngay cả nhà thờ, được xây dựng bằng xương máu, công sức mồ hôi nước mắt của giáo dân, từ bữa ăn của em bé, bớt đi một miếng, từ bữa chợ của bà nông dân bớt đi một bó rau… tất cả để xây nhà thờ phụng sự Chúa.
Thế nên, chẳng bao giờ họ muốn nhà nước quản lý hoặc xếp hạng di tích nọ kia. Bởi như vậy, thì nhà nước sẽ thêm công cụ để căn cứ vào cái gọi là quy định mà bóp nghẹt người dân hơn trong đời sống tôn giáo. Ai chưa quan tâm hoặc hiểu về chính sách của cộng sản với tôn giáo, sẽ rất khó hiểu điều này.
Xây, phá, bảo tồn, xây lại… là một chủ đề muôn thuở. Mình đã gặp nhiều trường hợp và đã chiến đấu với những trường hợp bảo tồn này. Khá gay go chứ không dễ dàng.
Có lẽ khi có thời gian lại phải trở lại đề tài này.