29-4-2019
Chiến tranh là hành động phi lý nhất của con người. Đúng như có người đã nói: “trong chiến tranh, ngoại trừ chiến bại ra, không có gì buồn cho bằng chiến thắng”.
Thật vậy, khi cuộc chiến kết thúc, con đường đi đến đài vinh quang của kẻ chiến thắng trải bằng thân xác của đồng bào, đồng loại anh ta, vòng nguyệt quế anh ta choàng qua cổ được kết lại bằng vành khăn tang của bao nhiêu những bà mẹ, những người quả phụ đang gục khóc bên đèn.
Chiến tranh là như thế. Nó là sự xấu hổ, là niềm tủi nhục của loài người. Thế kỷ XX, nhân loại trải qua hai cuộc đại chiến tàn khốc, người Việt Nam vừa thoát khỏi ách thực dân đã chìm đắm trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Rất nhiều những bà mẹ, những người vợ, những thiếu nữ đang yêu của cả hai miền Nam-Bắc đã quấn vội lên đầu vành khăn tang trắng khóc cho đứa con đã vội lìa đời khi tóc còn xanh , khóc cho người chồng vừa đượm lửa yêu đương đã ra đi và vĩnh viễn không về, khóc cho người yêu chỉ mới vừa trao nhau nụ hôn đầu e ấp.
Chính trong những nỗi đau ngút ngàn của chiến tranh, con người tìm đến thơ và nhạc như một sự an ủi, như sự giãi bày niềm u ẩn của tâm hồn. Những năm đầu thập niên 1970, tại miền N am, bài thơ “Tưởng như còn người yêu” của nữ sĩ Lê Thị Ý được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc đã gây ra một sự xúc động lớn lao cho thế hệ trẻ miền Nam đang quay cuồng trong guồng máy chiến tranh. Bài thơ viết về tâm trạng người vợ trẻ một chiều nao nhận được tin báo ngày hôm sau đi đón nhận xác người chồng thương yêu được máy bay từ chiến trường chuyển về hậu phương.
Hung tin như tiếng sét ngang tai, em đã không tin vào mắt mình nữa. Anh không còn nữa ư? Ôi, ngày mai không phải là cuộc đoàn viên mà em hằng mong đợi đêm đêm, anh sẽ trở về với xác thân lạnh giá trong chiếc áo quan phủ lá cờ Tổ quốc:
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Em cạn chén rượu này, không phải là rượu giao bôi của ngày hợp cẩn, mà là chén rượu biệt ly của nghĩa vợ tình chồng đời đời cách biệt nhau. Trong cái chếnh choáng hơi men, em nhìn thấy người đàn ông cuồng si của em độ nào nay chỉ còn là hình bóng lãng đãng, như khói, như sương. Anh hiển linh về trên đầu cây ngọn cỏ, anh đã trở thành sự bất tử.
Từ nay trên cao nguyên lạnh buốt ngàn đời, những Kontum, Pleiku, Dakto, Daksut, đang có bao nhiêu người thiếu phụ tóc rối ơ hờ, son chẳng bao giờ bén đến bờ môi. Đã không thể đi chung với nhau trọn vẹn con đường đời thì thôi ngụm rượu này mang lại cho lòng niềm ảo tưởng của một lần gặp gỡ, như còn thấy em trong vòng tay chắc nịch của anh:
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Nhưng rồi thực tế trước mắt không là mơ tưởng. Giữa buổi chiều tà, anh rời bỏ đồng đội tiếc thương anh, rời bỏ những chiến hào còn vương mùi khói súng, chiếc phi cơ đưa anh về thành phố cũng hoang tàn những vết đạn chiến tranh.
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Giữa cái chập choạng của hoàng hôn, người thiếu phụ trong chiếc áo chùng đen lặng lẽ gục đầu bên khung cửa. Từ nay, mỗi lần nhớ đến những nụ hôn nồng cháy mình đã trao nhau, em sẽ thắp lên ngọn đèn thương nhớ để chờ đợi anh về:
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Đó là nỗi chờ đợi thiên thu, nỗi chờ đợi của người đàn bà Việt Nam khi cuộc chiến đã kết thúc nhưng người chồng, người yêu vẫn còn ở một chân trời nào. Ta ứa nước mắt khi tưởng đến hình ảnh người quả phụ ngồi lặng lẽ giữa đêm khuya, nghe đâu đó một mùi hương, cứ tưởng là mùi hương quen thuộc của chồng.
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu…
Cảm ơn nữ sĩ Lê Thị Ý, cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy, cảm ơn ca sĩ Ý Lan. Bình sinh tôi không thích giọng ca của chị, nhưng trong bài hát này, chị đã có một phong cách trình diễn tuyệt vời.
Lê Nguyễn
30.4.2019
____
TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.”
LÊ THỊ Ý