26-4-2019
Giá điện thực tế mà người dân phải trả tăng vọt so với mức tăng tính theo bậc thang lòng vòng mà ngành điện thông báo. Dư luận đang phản ứng gay gắt, nhưng người dân phải bấm bụng chấp nhận mình nghèo đi vì không có lựa chọn nào khác.
Thà rằng các cơ quan nhà nước không nói gì thì người dân có thể nuốt giận mà chịu đựng, đằng này lại lên tiếng giải thích, rằng giá điện nước ta đang thuộc loại thấp nhất thế giới, rằng phải tăng cho “bằng giá thị trường”, rằng không tăng giá điện thì không thu hút được vốn đầu tư, không mở rộng được nguồn cung điện … Người dân đã quen bị các ngành kinh doanh độc quyền lừa gạt nên không chấp. Nhưng nghe một số “chuyên gia” cùng một số nhà báo kinh tế lên tiêng phụ họa thì tôi thấy ngứa mắt, nên phải viết mấy dòng này.
1- Mang giá điện của Việt Nam quy ra đô la Mỹ rồi so sánh với giá điện các nước, nói rằng giá điện Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới để giải thích cho việc tăng giá điện là ngụy biện. Vì sao vậy ? Vì đồng đô la tại Việt Nam khi đổi ngược lại thành tiền Việt có sức mua khác với đồng đô la tại Mỹ và các nước khác. Do đó mà người ta mang một rổ hàng hóa và dịch vụ để tính sức mua tương đương (purchasing power parity – PPP) tại từng thời điểm. Tại thời điểm năm 2018, giá trị đồng đô la tại Việt Nam tính theo PPP cao gấp hơn 3 lần đồng đô la tại Mỹ. Nói cho dễ hiểu, nếu mang 10 ngàn đô la ra đổi thành tiền Việt để tiêu dùng ở Việt Nam thì sẽ có một mức sống tương đương với 30 ngàn đô la nếu tiêu dùng tại Mỹ (vì lẽ đó mà GDP đầu người của Việt Nam năm 2018 tính theo tỷ giá hối đoái chỉ có 2.540 USD, nhưng tính theo PPP thì lên tới 7.640 USD). Nhưng cái sức mua tương đương đó cũng chỉ là tình bình quân tương đối, vì đối với các loại hàng hóa khác nhau thì mức chênh lệch rất khác nhau. Bởi vậy, không những không thể so sánh giá điện giữa Việt Nam quy ra đô la theo tỷ giá hối đoái với giá điện của thế giới, mà cả việc quy theo PPP để so sánh cũng cũng không chính xác. Nói chung là không thể quy ra đô la để so sánh. Ấy là chưa nói đến chính sách thuế đối với điện ở mỗi nước là rất khác nhau, chưa nói đến giá nhân công giữa Việt Nam và một số nước có sự chênh lệch gấp hàng chục lần… Không có một chuyên gia kinh tế lương thiện nào làm cái chuyện so sánh ngụy tạo như vậy cả.
2- Giá điện do cơ quan nhà nước ấn định theo đề xuất của ngành điện, trong khi nhà nước không kiểm soát được chi phí. Thiết bị, vật tư nguyên liệu được mua với giá nào, cái nào đấu thầu cái nào không và vì sao không, cơ cấu giá thành ra làm sao, bao nhiêu vốn của nhà nươc mang đi đầu tư vung vít ngoài ngành lời lỗ như thế nào, bao nhiêu khoản lỗ được đưa vào giá thành điện, bao nhiêu đoàn cán bộ ra nước ngoài tham quan giải trí và bao nhiêu chi phi chơi bời kia được đưa vào giá thành, bao nhiêu trụ sở hoành tráng được xây dựng để phục vụ cho việc làm sang rồi đưa vào giá thành, trong tỷ lệ thất thoát điện có bao nhiêu phần trăm do thiết bị lạc hậu, bao nhiêu phần trăm do tắc trách … ? Cơ quan định giá điện có kiểm soát được những thứ đó không ? Câu trả lời là không. Không kiểm soát được chi phí thì biết cái gì mà áp đặt giá bán ? Không kiểm soát được chi phí thì biết cái gì mà nói giá cao giá thấp ?
3- Điện ở Việt Nam là sản phẩm độc quyền, giá cả do nhà nước áp đặt, nó có liên quan gì đến thị trường đâu mà cứ ra rả nói giá thị trường. Là sản phẩm độc quyền, giá do nhà nước áp đặt nhưng nhà nước không kiểm soát được chi phí, báo cáo tài chính cũng không được kiểm toán định kỳ như các công ty đại chúng thì việc lời hay lỗ, lời ít hay lời nhiều, lỗ ít hay lỗ nhiều chỉ có Tập đoàn Điện lực biết mà thôi. Các “chuyên gia” và các nhà báo kinh tế lấy căn cứ nào để nói giá điện thấp không có lời nên không thu hút được vốn đầu tư? Chỉ có một cách duy nhất là phá thế độc quyền của Tập đoàn Điện lực thì thị trường mới cho biết giá điện như thế nào là hợp lý.
Tất nhiên điện là lĩnh vực kinh doanh đặc thù với hạ tầng và dây nhợ, việc phá thế độc quyền để chuyển sang cạnh tranh là rất khó, nhưng thiên hạ vẫn làm được, tại sao Việt Nam thì không ? Nước Mỹ từng duy trì tình trạng độc quyền kinh doanh điện trong một thời gian dài kìm hãm sự phát triển của ngành này trong suốt 50 năm, nhưng họ vẫn phá được độc quyền đưa vào cạnh tranh để tạo sự phát triển ngoạn mục sau đó. Tất nhiên độc quyền ở Mỹ không phải là độc quyền nhà nước. Sao không học cách làm của họ ? Và học cả nước Anh, nước Anh từng quốc hữu hóa để giữ độc quyền nhà nước về điện, nhưng họ vẫn phá vỡ được.
Cuối cùng, các “chuyên gia” và các nhà báo kinh tế đừng lập lờ đánh lận con đen, mà hãy nhớ cho rõ : Người dân không phản ứng giá điện cao hay thấp, mà chỉ phản ứng việc tăng giá điện bằng sự áp đặt thiếu minh bạch và các thủ thuật lừa gạt mà thôi. Mục đích của người dùng điện là được lựa chọn mua điện của ai họ thấy giá cả hợp lý.
Cái chi mà chúng nó không dám làm, chắc chắn rằng tương lai Tổng và Chủ sẽ được ăn 2 sổ hưu, ưu tiên sổ hưu con cháu ba đời được thừa kế.
Đúng là tiền dân đi cúng nhà chùa, nhà chùa đi cúng nhà quan.