22-4-2019
Trong nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu thường dựa vô những bài báo được đăng trên những tạp chí chuyên ngành để làm nơi tham khảo. Để đăng trên những tạp chí chuyên ngành như vậy các bài báo khoa học phải được sự đồng ý và thông qua bởi một hội đồng các nhà khoa học nhiều kinh nghiệm hoạt động trong chính lĩnh vực ấy.
Tuy nhiên, mỗi năm cũng không ít các công trình nghiên cứu này bị phát hiện gian dối (fraud) hoặc vi phạm đạo đức (ethical violations) phải tháo xuống. Chắc các bạn còn nhớ một vụ xì căng đan trong lĩnh vực tế bào gốc hồi năm 2014 ở Nhật Bản, Haruko Obokata và nhóm của mình đã phải rút lại hai bào báo công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học danh giá Nature vì “kết quả không trung thực” hay nói cách khác là kết quả này không thể lặp lại được bởi người khác và thậm chí chính cả cô ta. Vụ việc này đã khiến Yoshiki Sasai là giáo sư hướng dẫn trực tiếp của cô và cũng là đồng tác giả trong bài báo này đã tự tử! Việc loại những công trình khoa học “rác” như thế này ít nhiều gây những cú sốc lớn nhỏ cho chính nhóm nghiên cứu, cũng như cộng đồng các nhà khoa học.
Tuy nhiên, điều này rất cần thiết và vẫn liên tục được thực hiện ngày càng mạnh mẽ hơn với mục đích là muốn giữ được sự trong sạch, tin cậy của một nền tảng kiến thức khoa học nhân loại, để từ đây các nhà khoa học khác có thể xây dựng tiếp những kiến thức khoa học mới sau này!
Vậy đối với báo phổ thông cho người bình dân đọc thì như thế nào? Có nên coi trọng sự trung thực hay không? Khi có những sự “không trung thực” xảy ra dù là cố ý hay vô tình được người đọc phát hiện thì nên làm như thế nào? Theo mình thì dù rằng báo phổ thông không chịu nhiều áp lực như báo khoa học nêu trên nhưng vẫn cần giữ được sự “trung thực” trong nội dung bài viết vì điều đó sẽ giúp người đọc có cái nhìn rõ hơn, chính xác hơn về xã hội quanh họ, cái gì chưa tốt sẽ phải thay đổi, cái gì tốt thì vun đắp thêm… để từ đó cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Đây là lý do mà mình nhận lời anh Hoàng Tư Giang, người sắp xếp cho bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng giám đốc Innedu, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft viết bài “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” đăng trên báo vietnamnet ngày 10 tháng 4 năm 2019, để viết bài phản biện khoa học về những lập luận sai khoa học trong bài này.
Từ ngày mình gửi bài phản biện cho anh Giang và tòa soạn cũng đã có rất nhiều bạn bè liên tục hỏi thăm tiến trình đăng bài và mong muốn xem bài phản biện này trên báo… tuy nhiên cho đến hôm nay là hơn 5 ngày từ ngày mình gửi bài phản biện và hơn 4 ngày từ khi mình hồi đáp email cuối cùng, thì mình vẫn không nhận được thêm bất cứ phản hồi nào từ phía anh Giang hoặc người nào khác trong tòa soạn! Do vậy, hôm nay mình sẽ không đợi chờ thêm nữa và mình sẽ post lại nội dung email trao đổi qua lại của mình với anh Giang và nội dung bài phản biện cũng để những người đang thắc mắc có thể biết rõ. (Nội dung khá dài, nếu các bạn thực sự quan tâm thì hãy đọc vì sợ mất thời gian của các bạn!)
Mình không phải là một người có nhiều thời gian rảnh, việc mình dành thời gian để phản biện khoa học cho một bài báo có các chi tiết sai khoa học là do mình nghĩ đó là điều cần thiết và lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên mình khá thất vọng với cách làm việc của anh Giang nói riêng và Vietnamnet nói chung về cách làm việc như thế này!
—– Nội dung Email trao đổi —–
>>> Email 1 từ Vũ (Apr 16, 2019, 1:38 PM)
Chào anh Giang và tòa soạn báo Vietnamnet,
Như đã trao đổi mấy hôm nay trên Facebook được biết anh là người sắp xếp cho bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng giám đốc Innedu, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft viết bài “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” đăng trên báo vietnamnet ngày 10 tháng 4 năm 2019.
Là một nhà khoa học, tôi đã nhận ra nhiều điểm “sai” và “suy luận vô căn cứ” để đưa ra ý kiến chủ quan của tác giả trong bài viết. Thiết nghĩ mọi người cần có cái nhìn chính xác hơn về sự việc này và không nên để một bài viết “với các thông tin khoa học không chính xác” như vậy làm ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sức khỏe. Do vậy, tôi đã viết một bài phản biện cho bài viết trên với các nội dung như trong file đính kèm theo email này.
Mong anh và tòa soạn xem xét đăng bài phản biện để rộng đường dư luận với tinh thần “tôn trọng khách quan, sự thật, công bằng”, chính những điều này là đòn bẫy cho xã hội phát triển.
Thân ái,
>>> Email 2 từ A. Giang (Apr 16, 2019, 11:56 PM)
Cám ơn anh đã gửi bài phản biện. Chúng tôi đang xem xét, cân nhắc bài viết nhé. Có gì chúng tôi thông báo sau.
Một lần nữa cảm ơn anh.
Tư Giang
Tkts Tuần Việt Nam/VietNamNet
>>> Email 3 từ A. Giang (Apr 17, 2019, 1:38 AM)
Cám ơn anh Vũ đã gửi bài phản biện với bài báo đã đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet. Tôi còn băn khoăn một số điểm mà trong bài của anh chưa đề cập hoặc chưa làm rõ. Xin anh làm rõ những ý này nhé.
1. Cà chua và ớt khi làm tương đều phải nấu rất kỹ, tức là không còn còn vitamin C nữa. Vậy acid Benzoic kết hợp với chất gì để tạo ra benzene (để có thể gây ung thư)?
2. Hàm lượng benzene trong tương ớt là bao nhiêu để có thể gây ung thư?
1. Vì sao Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) lại cho sử dụng benzene ở 198 quốc gia?
2. Codex có biết về benzoic acid trong tương ớt gây ung thư không?
3. Vì sao Nhật Bản Nhật Bản cho phép dùng Acid benzoic trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn?
4. Bộ Y tế Việt Nam cho rằng, Nhật Bản chưa có quy định về Acid benzoic trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa Acid benzoic là chất cấm trong sử dụng thực phẩm tại Nhật Bản. Anh Vũ giải thích điều này ra sao?
5. Tóm lại, người tiêu dùng Việt Nam ăn tương ớt Chinsu nói riêng và tương ớt nói chung có acid benzoic có thể bị ung thư không?
Tôi là người làm báo, không có chuyên môn sâu. Mong anh Vũ giải đáp thêm cho những vấn đề trên.
Cám ơn anh lần nữa.
Trân trọng
Hoàng Tư Giang
TKTS Tuần Việt Nam/VietNamNet
>>> Email 4 từ Vũ (Apr 17, 11:19 AM)
Chào anh,
Tôi trả lời từng thắc mắc của anh như sau:
1. Cà chua và ớt khi làm tương đều phải nấu rất kỹ, tức là không còn còn vitamin C nữa. Vậy acid Benzoic kết hợp với chất gì để tạo ra benzene (để có thể gây ung thư)?
Điều gì đã giúp anh đưa ra kết luận “không còn Vitamin C nữa”? Chắc đây là câu hỏi của bạn “Kien Tran” comment trong bài đăng trên Facebook của tôi, tôi có trả lời rồi và tôi xin trả lời lại ở đây 1 lần nữa là theo nghiên cứu khoa học thì Vitamin C không bị phân hủy ở nhiệt độ trong quá trình làm tương ớt. Tôi trích lại một phần của bài báo khoa học khảo sát sự ảnh hưởng của Vitamin C dựa theo nhiệt độ xử lý… thậm chí với mẫu chanh bị cắt mỏng lượng Vitamin C còn tăng ở nhiệt độ 100oC, trong khi đó các mẫu không cắt, cắt phân nữa hoặc 1/4 thì vẫn giữ nguyên.
Link bài báo khoa học: https://www.ijarse.com/…/1412938972_52_EFFECT_OF_DRYING_TEM…
2. Hàm lượng benzene trong tương ớt là bao nhiêu để có thể gây ung thư?
Trong bài tôi đăng trên Facebook ngày 9 tháng 4 có đưa ra một dẫn chứng khoa học “một người liên tục “tiếp xúc với môi trường” có nồng độ Benzen khoảng 1-2 ppm (part per million – phần triệu) trong suốt 40 năm có thể tăng nguy cơ ung thư bạch cầu (leukemia)”. Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trước nguy cơ Benzen, WHO, Mỹ và Châu Âu lại có quy định khắc khe đến về hàm lượng Benzen trong nước ngọt. (WHO) là 10 ppb (part per billion, phần tỉ, 1 microgram/kg), của Mỹ là 5 ppb và của châu u là 1 ppb. Do vậy với lượng Axit Benzoic thêm vào trong chai tương ớt nếu chuyển hóa ra thành Benzen trong điều kiện có Vitamin C và các ion kim loại là hơn mức này, do vậy nên cẩn trọng. Nhiều sản phẩm tương ớt khác trên thế giới đã thay đổi công thức chế biến và không bỏ axit Benzoic như thành phần bảo quản.
Link bài viết trên Facebook của tôi: https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/2591679034179785
1. Vì sao Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) lại cho sử dụng benzene ở 198 quốc gia?
Không một quốc gia nào cho sử dụng Benzene trong thực phẩm.
2. Codex có biết về benzoic acid trong tương ớt gây ung thư không?
Axit Benzoic không gây ung thư nhưng sự hình thành Benzen từ axit Benzoic là điều lo ngại dẫn đến tăng nguy cơ ung thư, dĩ nhiên Codex biết điều này.
Các quy chuẩn về thực phẩm của các nước là khác nhau. Dựa trên các kiến thức khoa học, các nghiên cứu về độc tố, độ an toàn của các chất/hợp chất mà hội đồng khoa học của từng nước ở các tổ chức chính phủ phụ trách về an toàn thực phẩm sẽ đưa ra tiêu chuẩn riêng cho nước mình.
Luật có thể khắt khe hơn ở nước này nhưng dễ hơn ở nước khác là chuyện bình thường, do vậy khi nhập khẩu sang nước nào đó thì nhà sản xuất phải chấp hành luật về an toàn thực phẩm của nước đó.
3. Vì sao Nhật Bản Nhật Bản cho phép dùng Acid benzoic trong sản phẩm trứng cá muối, bơ thực vật, nước tương, đồ uống không cồn?
Các sản phẩm đó có chứa lượng Vitamin C thấp, không đáng lo ngại khi axit Benzoic được sử dụng trong ngưỡng cho phép.
4. Bộ Y tế Việt Nam cho rằng, Nhật Bản chưa có quy định về Acid benzoic trong tương ớt nhưng điều đó không có nghĩa Acid benzoic là chất cấm trong sử dụng thực phẩm tại Nhật Bản. Anh Vũ giải thích điều này ra sao?
Đúng là Axit Benzoic không phải là chất cấm trong thực phẩm tại Nhật Bản, cụ thể là câu trên đã cho thấy họ sử dụng axit Benzoic cho nhiều loại thực phẩm khác nhưng không cho trong tương ớt.
5. Tóm lại, người tiêu dùng Việt Nam ăn tương ớt Chinsu nói riêng và tương ớt nói chung có acid benzoic có thể bị ung thư không?
Dựa vào các chứng cứ khoa học hiện nay thì việc hình thành Benzen trong thực phẩm có chứa Axit Benzoic và Vitamin C là điều có thể xảy ra. Vì thế, người tiêu dùng Việt Nam ăn tương ớt Chinsu nói riêng và tương ớt nói chung có chứa axit Benzoic có thể bị tăng nguy cơ mắc ung thư. Do vậy việc hạn chế/thay thế Axit Benzoic trong các thực phẩm mà thành phần tự nhiên chứa Vitamin C cao như trong ớt là điều nên làm và đã được làm bởi nhiều doanh nghiệp. Trong trường hợp Chinsu, nhà sản xuất còn cho thêm Vitamin C như thành phần chất bảo quản chống oxi hóa với mã số 300 là điều không nên làm khi có sự hiện diện của axit Benzoic trong sản phẩm, điều này có thể làm gia tăng thêm khả năng hình thành Benzen trong sản phẩm.
Hy vọng những câu trả lời trên của tôi có thể làm sáng tỏ hơn các vấn đề mà các bạn còn đang thắc mắc. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta đang bàn về nội dung bài phản biện cho bài viết “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” của bà Tô Thụy Diễm Quyên với các điểm “sai” và “suy luận vô căn cứ” của tác giả, thì việc đưa thêm những câu hỏi như trên là không phù hợp lắm vì sẽ làm người đọc mất tập trung vào nội dung phản biện là các điểm “sai” trong bài đang được phản biện và sẽ làm “lạc đề” cho tiêu chí của một bài phản biện. Sẽ tốt hơn nếu các câu hỏi tiếp theo (nếu có) dựa trên các ý phản biện và cần phản biện trong bài viết “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” của bà Tô Thụy Diễm Quyên.
Thân ái,
Nguyễn Hồng Vũ
>>> Email 5 từ anh Giang (Apr 17, 4:15 PM)
Cám ơn anh Vũ đã trả lời nhanh.
1. Cho tôi hỏi lại câu hỏi 2 thành là: “Vì sao Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) lại cho sử dụng benzoic acid ở 198 quốc gia?”
2. Anh có bằng chứng để khẳng định điều này không: “Trong trường hợp Chinsu, nhà sản xuất còn cho thêm Vitamin C như thành phần chất bảo quản chống oxi hóa với mã số 300 là điều không nên làm khi có sự hiện diện của axit Benzoic trong sản phẩm, điều này có thể làm gia tăng thêm khả năng hình thành Benzen trong sản phẩm?”
Những vấn đề anh bàn như trên là khoa học chuyên sâu và có thể tác động lớn không chỉ đến DN mà còn ngành sản xuất thực phẩm, nên chúng tôi cần thận trọng. Mong anh Vũ hiểu.
Cám ơn anh.
Tư Giang
>>> Email 6 từ Vũ (Apr 17, 2019, 7:18 PM)
Chào anh,
Tôi tiếp tục trả lời như sau
1. Cho tôi hỏi lại câu hỏi 2 thành là: “Vì sao Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) lại cho sử dụng benzoic acid ở 198 quốc gia?”
Bởi vì axit Benzoic không độc, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu được sử dụng làm chất bảo quản trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên từ năm 1993, sự hình thành Benzen do axit benzoic và vitamin C đã được phát hiện và có một loạt các nghiên cứu khác được thực hiện để làm rõ hơn. Từ những nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác liên quan, năm 2006 hiệp hội đồ uống của Mỹ (American Beverage Association) đã đưa ra các hướng dẫn để giúp các nhà sản xuất giảm hàm lượng Benzen trong thực phẩm như sau:
1/ Thay thế, giảm lượng axít Ascorbic (và các muối của nó) bằng các chất chống oxi hóa khác trong việc bảo vệ thực phẩm.
2/ Thay thế, giảm lượng axít Benzoic (và các muối của nó) bằng các chất chống sự phát triển của vi sinh vật khác trong việc bảo vệ thực phẩm.
3/ Thêm EDTA hoặc sodium polyphosphates để giam giữ ion kim loại, không cho xúc tác phản ứng tạo Benzen.
4/ Kiểm tra điều kiện kho bãi lưu trữ sản phẩm, đảm bảo không giữ trong nhiệt độ cao cũng như bị chiếu bởi ánh sáng có tia UV.
Từ đó đến nay đã có nhiều nhà sản xuất tự chỉnh sửa lại thành phần, công thức sản xuất các sản phẩm của mình để bảo đảm giảm lượng Benzen xuống dưới mức cho phép của cơ quan chính phủ ở nước sở tại.
2. Anh có bằng chứng để khẳng định điều này không: “Trong trường hợp Chinsu, nhà sản xuất còn cho thêm Vitamin C như thành phần chất bảo quản chống oxi hóa với mã số 300 là điều không nên làm khi có sự hiện diện của axit Benzoic trong sản phẩm, điều này có thể làm gia tăng thêm khả năng hình thành Benzen trong sản phẩm?”
Thành phần thành phần chất bảo quản chống oxi hóa với mã số 300 được ghi rõ trên vỏ hộp chai tương ớt Chinsu (ngay trên hình nền của bài viết trên FB của tôi). Chuyện thêm tác chất phản ứng thì sẽ có nhiều sản phẩm hơn được tạo ra đó là lý thuyết cơ bản trong hóa học.
Mong đã giải đáp được hết các thắc mắc của anh,
Nguyễn Hồng Vũ
—– Kết thúc chuỗi email trao đổi —–
—– Nội dung bài phản biện gửi cho báo Vietnamnet —–
Phản biện khoa học bài viết “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” của bà Tô Thụy Diễm Quyên
Hôm trước, tôi đọc được nội dung của bài “Đi tìm sự thật về chai tương ớt Chinsu” của bà Tô Thụy Diễm Quyên, Tổng giám đốc Innedu, Chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft đăng trên báo vietnamnet ngày 10 tháng 4 năm 2019. Là một nhà khoa học, tôi đã nhận ra nhiều điểm “sai” và “suy luận vô căn cứ” để đưa ra ý kiến chủ quan của tác giả trong bài viết. Thiết nghĩ mọi người cần có cái nhìn chính xác hơn về sự việc này và không nên để một bài viết “với các thông tin khoa học không chính xác” như vậy làm ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến sức khỏe. Do vậy, tôi xin trình bày một số ý kiến phản biện của tôi cho bài viết trên với các nội dung sau đây:
1/ Trong phần 2 bà nói “Benzene được xác nhận là gây ung thư cho người, theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Tuy nhiên, phát hiện trên chỉ từ một nghiên cứu độc lập, thực tế chưa có báo cáo lâm sàng”
Tôi xin phản biện: có thể nghiên cứu độc lập tại Mỹ về sự sinh ra Benzen mà Phó giáo sư Trần Hồng Côn nhắc đến trong bài viết của bà là nghiên cứu của Gardner & Lawrence (viết năm 1993). Tuy nhiên việc bà cho là phát hiện trên “chỉ từ một nghiên cứu độc lập là sai”, từ sau nghiên cứu “nền tảng” này thì hàng loạt các nghiên cứu độc lập khác đã được tiến hành để tìm hiểu kỹ hơn về cơ chế, điều kiện tạo ra Benzen trong sản phẩm. Hơn nữa, đây là các nghiên cứu về cơ chế sự hình thành Benzen trong thực phẩm/nước uống, những nghiên cứu này không có mục đích để khảo sát trên lâm sàng do vậy bà phát biểu “chưa có báo cáo lâm sàng” là sai mục đích.
2/ Trong phần 2 bà nói “Nghiên cứu này cũng chỉ dừng lại ở việc ghi nhận có báo cáo mà không cụ thể kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện gì cũng như khả năng sinh ra benzene”.
Tôi xin phản biện: Bà đã thiếu thông tin khoa học khi kết luận như vậy. Tôi có thể dẫn chứng 2 nghiên cứu độc lập khác (và còn nhiều hơn nữa khi xem bài review của Santos viết năm 2015 đăng trên tạp chí International Journal of Food Science). Ngoài nghiên cứu của Gardner & Lawrence, sau đây là 2 nghiên cứu khác cũng trong năm 1993 để phản biện cho việc bà nói là “không cụ thể kết hợp như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong điều kiện gì”:
+Nhóm nghiên cứu của McNeal đã dựng mô hình thực phẩm dạng lỏng có chứa 0,025% axít Ascorbic và 0,04% Sodium Benzoate. Sau 20 giờ trong điều kiện nhiệt độ 45°C và chiếu tia UV thì lượng Benzen tạo ra trong sản phẩm là 300 ppb (phần tỉ). Còn trong điều kiện phòng tối và nhiệt độ phòng thì sau 20 giờ lượng Benzen là 4 ppb. Tuy nhiên, lượng Benzen cũng tăng lên từ từ đến 266 ppb sau 8 ngày trong điều kiện phòng tối và nhiệt độ phòng.
+Nhóm nghiên cứu của Chang & Ku cũng có thiết kế thí nghiệm tương tự như nhóm của McNeal nhưng khảo sát sự ảnh hưởng của ion kim loại đồng và sắt có trong sản phẩm. Họ cố tình không bỏ các ion kim loại này vào sản phẩm và để trong tối, nhiệt độ phòng trong 8 ngày và ghi nhận lượng Benzen tạo ra là 176 ppb. Điều này cho thấy sự hiện diện rất nhỏ (trace) của các ion kim loại này có trong thành phần tự nhiên cũng đủ để xúc tác phản ứng tạo Benzen từ axít Ascorbic và Natri Benzoate.
3/ Bà dẫn lời ông Seiichi Kuriki, đang làm việc tại đài truyền hình NHK World với phát biểu không rõ ràng “không phải là “ở Nhật Bản cấm sử dụng chất axit benzoic vì có thiệt hại cho sức khỏe” mà chỉ là tương ớt không phải là đối tượng cho phép sử dụng chất axit benzoic mà thôi”.
Tôi xin phản biện: tôi không đồng tình với việc bà đưa ra một nhận định chung chung, không rõ ràng vì cuối cùng axít Benzoic cũng bị cấm hiện diện trong chai tương ớt ở Nhật Bản.
4/ Khoa học càng tiến bộ thì người ta sẽ càng hiểu rõ hơn các hiện tượng trong tự nhiên… FDA đã từng không biết tại sao Benzen lại có trong nước giải khát cho đến năm 1990 khi nước uống đóng chai của hãng Perrier đang bán ở Mỹ bị ghi nhận là có hàm lượng thấp Benzen, khiến nó bị thu hồi trên toàn nước Mỹ. Sau đó, mọi người đổ dồn vô nghiên cứu thì mới làm sáng tỏ ra cơ chế sinh Benzen và sau đó họ xây dựng tiêu chuẩn cho Benzen có trong nước uống/nước giải khát của tổ chức y tế thế giới (WHO) là 10 ppb (part per billion, phần tỉ), của Mỹ là 5 phần tỉ và của châu Âu là 1 phần tỉ, với mục đích tạo ra sản phẩm dùng cho người an toàn hơn.
5/ Bà viết “cực kỳ thận trọng bởi đôi khi tình huống khiến bạn giận dữ đó lại được thêu dệt nên từ những người có chủ ý muốn phá hoại nền kinh tế và đạo đức của xã hội của chúng ta” là rất thiếu khách quan và có ý đe dọa, chụp mũ cho những ý kiến trái chiều! Điều cần ở đây là những ý kiến trái chiều ấy “nếu sai” cần được phản biện một cách khoa học và thuyết phục chứ không phải gán cho ý đồ “phá hoại nền kinh tế và đạo đức của xã hội”
Lời kết:
Dù rằng, hiện nay theo quy chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam, thành phần trong chai tương ớt Chin-su của công ty Masan vẫn thỏa mãn được nhưng với các bằng chứng khoa học hiện nay cũng như sự lo ngại về vấn đề an toàn từ phía Nhật Bản thì công ty nên xem lại việc thay đổi công thức của sản phẩm, đặc biệt là các chất phụ gia như axít Benzoic và vitamin C để tăng độ an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hiện nay trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, chúng ta rất dễ tiếp nhận thông tin từ khắp nơi, việc người tiếp nhận thông tin biết lựa chọn thông tin đúng để tin là rất quan trọng, đôi khi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và người chung quanh. Thông tin “sai sự thật” có thể là từ người viết vô ý do “thiếu kiến thức” hoặc cố ý do “lợi ích riêng tư”… một lần nữa xin nhắc các bạn hãy cẩn thận hơn trong việc tiếp nhận thông tin!
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA. Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
—– Kết thúc nội dung bài phản biện —–
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA. Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Link các bài liên quan
https://www.facebook.com/anhthianna/posts/2275566882522816 (bài viết có chứa nội dung tranh cãi bên tường nhà chị Hậu)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2602178423129846 (Bài viết trên tường nhà mình về vấn đề này và đã nhận lời anh Giang viết phản biện ở đây)
Cám ơn bác Nguyễn Hồng Vũ, bbt Tiếng Dân đã đăng bài để người đọc có cái nhìn đầy đủ, rõ ràng hơn.
Chúng ta – những người tiêu dùng vẫn đáng trách hơn cả vì Masan đã cảnh báo trước rồi: CÁC BẠN SẼ ĐƯỢC XÂY LĂNG, ƯỚP LẠNH giống mô hình chúng tôi đã dựng KHI DÙNG TƯƠNG ỚT CHINSU
Bà Tô Thụy Diễm Quyên viết : “cực kỳ thận trọng bởi đôi khi tình huống khiến bạn giận dữ đó lại được thêu dệt nên từ những người có chủ ý muốn phá hoại nền kinh tế và đạo đức của xã hội của chúng ta”.
Kinh thật !!
Có ai từng bị “làm việc” tại cơ quan Công An Nhân Dân chắc chắn là đã từng nghe các đồng chí công an “nhắn nhủ” những câu với ý nghĩa tương tự ? và khi nghe các đồng chí công an “nhắn nhủ” như thế thì người “được” nhắn nhủ ắt là phải sợ đến ….vãi đái.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên mà làm “công an nhân dân” thì hợp hơn là làm khoa học.