Từ vụ xâm hại tình dục, nhìn tới tương lai đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Vi Yên

19-4-2019

1. THẤT BẠI TRONG VIỆC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH KỊP THỜI

Sau vụ việc em bé trong thang máy bị xâm hại nổ ra, chính quyền đã im lặng quá lâu. Cho tới nay, họ vẫn chưa tuyên bố về hướng điều chỉnh pháp luật về phòng chống bạo lực tình dục.

Những người làm chính sách đâu phải không có mắt. Họ hẳn đang nhìn thấy cơn nóng giận của xã hội. Báo đài, từ lề phải tới lề trái, từ lề đảng tới lề dân, đều đã lên tiếng. [1] Khắp nơi người ta viết, nói, vẽ, châm biếm, về ông “Linh nựng” và kêu gọi một nền pháp luật công tâm.

Họ thấy, nhưng lại sao họ vẫn chần chừ chưa chịu ra quyết định, trong một vụ việc tưởng chừng rất dễ giải quyết, vốn không quá nhạy cảm về mặt chính trị?

Nếu không phải do năng lực của giới chức chính quyền quá kém cỏi, thì chỉ có thể là do bộ máy chính quyền bị xơ cứng.

Hãy tưởng tượng các bộ phận trong chính quyền Việt Nam vận hành như một hệ thống các bánh răng cưa, mà mỗi một chuyển động dù nhỏ của một bộ phận cũng sẽ kéo cả bộ máy phải chuyển động theo. Trong rất nhiều vụ việc từ trước đến nay, giới lãnh đạo cấp dưới tuy có thẩm quyền nhưng không dám đứng ra chịu trách nhiệm để tự giải quyết, mà phải đợi chỉ thị của cấp trên. Do giới lãnh đạo bên trên phải xử lý khối lượng công việc lớn, bận rộn với các cuộc đấu tranh phe nhóm, cộng với các biến cố xã hội liên tục xảy ra, khiến cho tiến trình bàn thảo trở nên trì trệ, thậm chí nhiều vụ việc còn bị phớt lờ.

Bộ máy xơ cứng này, rõ ràng, đã thể hiện sự kém cỏi của nó trong việc kịp thời điều chỉnh chính sách, và đây chính là nguyên nhân dẫn tới một phong trào đa tâm đang lên.

2. PHONG TRÀO ĐA TÂM

Từ xưa tới nay, vấn đề lớn của các thể chế chính trị độc tài là giới cầm quyền luôn tìm cách che giấu thái độ của người dân. Sẽ không có một công cụ nào có thể đo nhiệt xã hội. Sẽ không có một thống kê nào trung thực chỉ ra bao nhiêu người dân đang chán ghét chế độ. Sẽ không có một tỷ lệ phiếu bầu nào dưới 50% dành cho các vị lãnh đạo tối cao, nếu không nói là 90%.

Lý do là vì giới cầm quyền rất sợ hãi việc công khai rằng có những người không ủng hộ chế độ. Họ sợ đánh mất tính chính danh, rằng người dân sẽ mất lòng tin vào “Đảng và Nhà nước”. Một lý do sâu xa hơn, có thể đến từ việc các cấp hành chính bên dưới luôn muốn lấy lòng giới chức cấp trên bằng các số liệu thống kê giả.

Một khi không nắm bắt được khuynh hướng chuyển động của xã hội, giới cầm quyền sẽ không có ý thức rõ ràng về việc tự cải tổ để tìm đường sống cho chính mình.

Đây chính là quả bom âm ỉ của những bất mãn xã hội chìm, và nó sẽ dẫn tới một phong trào đa tâm.

Phong trào đa tâm là một cuộc vận động ngầm trong xã hội ở đủ các lĩnh vực xuất phát từ đủ các giới, từ giới công nhân tới giới trí thức, từ vấn đề môi sinh cho tới quyền phụ nữ, từ các đòi hỏi cắt giảm phí cầu đường cho tới kêu gọi thay đổi luật chống ấu dâm. Không có một lãnh đạo nào nổi bật hẳn lên trong phong trào này, và các vụ việc tiếp nối nhau khiến cho chính quyền không thể kiểm soát.

Đặc biệt, Internet giúp thông tin lan truyền nhanh chóng như hiện nay, không ai có thể biết được các vụ việc sẽ bị đẩy lên tới đâu và lan xa tới mức nào. Chính ra, giờ đây các vận động trong xã hội không do một lực lượng cụ thể nào dẫn dắt, mà hầu hết đều tự phát và bùng nổ nhờ thời đại công nghệ thông tin.

Chính sự nở rộ này sẽ làm co ngắn thời gian nổ ra một biến động lớn trong xã hội. Không mấy ai biết được biến động trên quy mô lớn sẽ diễn ra vào lúc nào, kể cả khi tưởng chừng như xã hội đang rất ổn định. Điều kiện cần chính là một ‘điểm bùng phát’ vào thời điểm các bất mãn tích tụ đủ lâu – mà không ai biết rõ bao lâu là đủ. [2]

Một cậu sinh viên bị đánh chết đã khiến chính quyền Lý Thừa Vãn sụp đổ. Vụ tự thiêu của người thanh niên bán hàng rong đã khiến Mùa Xuân Ả Rập nổ ra, khiến một loạt các quốc gia lâm vào cảnh bất ổn chính trị. Một nữ công nhân nhà máy bị giết chết khiến đế chế Phác Chính Hy chia năm xẻ bảy và rồi tan vỡ.

Đó là những ví dụ thực tế điển hình mà chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam nên biết trông vào mà lo ngại.

3. ĐIỂM BÙNG PHÁT

Vụ việc biểu tình chống Luật Đặc khu vào ngày 10/6 năm ngoái (2018) đã làm chính quyền rúng động, khiến họ mạnh tay ra quân đàn áp và tra tấn người biểu tình một tuần sau đó.

Tuy nhiên, sự kiện này vẫn chưa đủ lớn để tạo nên một cuộc bùng nổ. Sở dĩ như vậy là vì một bộ phận lớn người dân vẫn còn chịu đựng được các bất mãn xã hội, khi mà nền kinh tế tăng trưởng đang đảm bảo cho họ một cuộc sống tương đối ổn định.

Kinh tế vẫn đang phát triển, đời sống cá nhân của nhiều người vẫn đang tốt lên, và họ sợ hãi sự bất ổn xảy đến, dù rằng họ cũng đang phải hứng chịu các vấn nạn xã hội dù ít hay nhiều (ví dụ như nạn kẹt xe, giáo dục tồi tệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, v.v…).

Tuy nhiên, không có một nền kinh tế nào liên tục giữ mức tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Sơ đồ tăng trưởng kinh tế thời Lý Quang Diệu, Tưởng Giới Thạch, Phác Chính Hy là các minh chứng thực tế nhất và rõ ràng nhất. [3]

Một khi nền kinh tế Việt Nam chững lại, hoặc tăng trưởng âm, trong một vài năm, thì không còn lý do gì để giữ chân người dân ngồi im trong nhà đọc báo Nhân Dân khi các vụ việc xã hội nổ ra.

4. BA HƯỚNG CẢI TỔ CHÍNH TRỊ

Trong cuốn “Làn sóng Dân chủ hóa thứ ba” và trong bài luận “Dân chủ hóa ở các nước diễn ra như thế nào”, Samuel Huntington đã chỉ rõ ra ba hướng dân chủ hóa chính: (i) từ trên xuống (một lực lượng trong chính quyền tự đứng ra cải tổ trước các áp lực xã hội), (ii) từ dưới lên (bạo loạn lật đổ, thay thế bằng chính quyền mới), và (iii) thương lượng (giới lãnh đạo – thường là quân sự – buộc phải thoái lui để trao trả lại quyền lực cho nhóm đối lập chính, tức chính quyền dân sự). [4]

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc diễn ra bạo loạn là điều khả thi song không đáng mong muốn, nhất là khi (theo thiển ý của người viết) nền tảng và văn hóa dân chủ chưa đủ vững để ngăn cản các xáo trộn xã hội lớn, đặc biệt với một Trung Quốc đang lăm le ngay bên cạnh. Các cuộc nổi dậy của Mùa Xuân Ả Rập, hay Cuộc cách mạng Nhân Dân Philippines, đã diễn ra như vậy.

Giới quyết sách bảo thủ ở Việt Nam hầu như không thể hiện được sự tự chủ về đường hướng chính sách. Họ đang bị thâu tóm và kiểm soát bởi phe nhóm và các giới thân hữu đứng sau, nên mối quan tâm đến chính sách công bị suy giảm. Tuy nhiên, nếu những người cấp tiến trong chính quyền sớm nhìn thấy được các mối hiểm họa có thể xảy đến với sinh mạng chính trị của bản thân, và trước các áp lực của một phong trào đa tâm đang nở rộ, nhất là khi hệ thống dần đến chỗ tê liệt, rất có thể phe cấp tiến sẽ buộc phải đứng ra cải tổ, thay thế phe bảo thủ trong dòng chính chính trị. Đài Loan đã cải tổ và dân chủ hóa theo hướng này.

Một hướng khả thi khác, là phong trào đấu tranh dân chủ có sự liên minh đủ mạnh để hình thành một giới lãnh đạo dân sự, buộc nhà cầm quyền phải tuân theo các yêu cầu của mình trong cuộc thương lượng hai bên, điều đã diễn ra tại Hàn Quốc năm 1987. Riêng đối với giới đấu tranh đối lập, nếu thiếu sự chuẩn bị và thiếu độ nhạy để nắm bắt thời cơ khi khoảng trống quyền lực xảy ra, thì họ cũng chỉ là người đứng ngoài lề, và xã hội lúc này rất dễ rơi vào hỗn loạn.

Như vậy, vận mệnh chính trị đang tùy thuộc nhiều vào (i) sự phát triển kinh tế quốc gia, (ii) quan điểm cải tổ của các phe nhóm trong giới cầm quyền, và (iii) năng lực của giới đấu tranh dân chủ.

Song, dù có thay đổi theo hướng nào, thì việc Đảng Cộng sản Việt Nam bị lay động và buộc phải cải cách chính trị là điều sớm muộn sẽ xảy ra.


CHÚ THÍCH

[1] Vụ việc trên phóng sự VTV: https://www.facebook.com/isdsvn/videos/608475356301223

[2] Granovetter, M. (1978). “Threshold Models of Collective Behavior”. American Journal of Sociology.

[3] Frank S. T. Hsiao, Mei-Chu Wang Hsiao (2017). “Economic Development of Emerging East Asia: Catching Up of Taiwan and South Korea”. Anthem Press.

[4] Xem: tinhthankhaiminh.org/tu-dcvpq-quyen-4-dan-chu-va-dan-chu-hoa/

Bình Luận từ Facebook