16-4-2019
Có rất nhiều đồng nghiệp thắc mắc, rằng AVG đã thối lại tiền cho Nhà nước, vậy sao vẫn bắt em đồng chí Vova? Xin lỗi, đồng nghiệp hỏi vậy thì cũng ngại lắm đó…
Trước hết, câu chuyện Mobifone mua AVG là câu chuyện quái đản nhứt trong nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội”.
Kể từ năm 2005, nhà nước bắt đầu tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đây là tiến trình đúng đắn, nghĩa là nhà nước thôi không kinh doanh tàm xàm nữa, trở lại đúng nghĩa là vai trò quản lý, nhà cái thu tiền xâu, chuyện kinh doanh để dân lo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như đảm bảo giá thiết yếu các sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ dân sinh, nhà nước tiếp tục nắm quyền kinh doanh để vì mục đích này.
Mobifone đang trong tiến trình chuẩn bị cổ phần hóa nghĩa là nhà nước sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Thế nhưng, doanh nghiệp này làm một cái điều chưa có trong tiền lệ, đó là đi mua lại một doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ không thuộc lĩnh vực an ninh hay công ích. Mua trước khi cổ phần, nghĩa là dùng vốn nhà nước để mua một công ty tư nhân. Tới đây sẽ có mấy vấn đề như sau:
1. Việc dùng vốn nhà nước để đầu tư ra ngoài (lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh, đầu tư vốn…) đều buộc phải tuân thủ các quy định pháp luật riêng về quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối.
2. Vì sao Mobifone có thể thực hiện được chuyện đó? Có nghĩa là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Mobifone đã quyết định? Vậy quyết định của họ là đúng hay sai?
3. Vấn đề thẩm định giá. Thật ra rất khó nói, vì khi đơn vị thẩm định đưa ra kết quả, nó sẽ phải chịu trách nhiệm về kết quả đó.
Từ các vấn đề trên, ta khoan suy nghĩ, hãy nhớ là một trong những hình thức tham ô, tham nhũng tài sản nhà nước theo lối truyền thống là thông qua mua trang thiết bị, tài sản, dịch vụ… bên cung cấp sẽ kê giá cao hơn, sau đó sẽ lại quả tính theo phần trăm cho quan chức thuận duyệt giao dịch đó. Trường hợp Mobifone và AVG tiến hóa hơn rất nhiều, quan chức dùng doanh nghiệp nhà nước để mua doanh nghiệp tư nhân với gia cao rất nhiều lần. Đương nhiên vốn Mobifone là tiền nhà nước, lúc này, sẽ rõ 2 chuyện:
– Một là, để duyệt mua, đại diện chủ sở hữu sẽ bỏ qua các quy định về đầu tư vốn nhà nước để mà phê duyệt giao dịch Mobifone mua AVG với giá cao chót ngót.
– Hai là, mục đích làm chuyện đó phải có lợi, những người tham gia phải có lợi. Nếu không có lợi thì làm để làm gì?
Chính vì vậy, khi AVG trả lại tiền cho Mobifone thì hóa giải được chuyện làm sai số một. Nhà nước ko bị thiệt hại, thu hồi lại vốn của mình.
Vậy thì, câu chuyện số hai, người ta tiếp tục đào, tại sao những người có thẩm quyền làm vậy? Cho nên khi có quan chức khai đã nhận hối lộ, tất nhiên có người đưa hối lộ. Đương nhiên khoản tiền gần 9000 tỷ đồng người bán đâu thể ăn một mình. Vậy nên theo lời người khai nhận hối lộ, người ta mới khởi tố em đồng chí Vova về hành vi đưa hối lộ.
Do đó, dù là chuyện đã thối lại tiền, nhưng có sai phạm khác thì vẫn phải xử lý. Rất nhiều bạn thắc mắc, thị trường mà, thuận mua vừa bán. Xin thưa, đây là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiền nhà nước, thực chất là tiền dân phải được quản lý, giải ngân theo đúng quy trình.
Vấn đề, không chỉ dừng lại ở nhận hối lộ-đưa hối lộ, mà ai là người đã thiết kế ra kế hoạch rút tiền nhà nước một cách đầy “chất xám” như vậy? Đó là mục tiêu cuối cùng mà người làm án, chỉ đạo làm án phải tìm ra.
Đe dọa bán AVG cho “đối tác nước ngoài” để bắt doanh nghiệp nhà nước phải thu mua, ông Phạm Nhật Vũ còn có thể bị buộc tội âm mưu tống tiền.
Các lãnh đạo cộng sản xưa nay vốn sống trên những nỗi sợ hãi do chính họ tạo ra hoặc do thuộc cấp sản xuất ra để cung cấp theo nhu cầu của họ. Họ đặc biệt dễ bị tống tiền cách này. Một cách trớ trêu, Bộ Thông tin – Truyền thông có lẽ là cơ quan thường sản xuất ra nhiều nỗi sợ hãi nhất để áp đặt lên người dân và cống nạp lên lãnh đạo. Một âm mưu kiểu này xem ra đã đi trót lọt vì quá phù hợp với bộ não một quan chức Bộ 4T như ông Nguyễn Bắc Son.