15-4-2019
Trước một thế lực mưu toan thống trị toàn thế giới, rất tiếc là chúng ta quá bận rộn về thuyên chuyển cán bộ, nặng về quyền lực đối nội, mà ít tập trung trí tuệ dành cho sự cường thịnh đất nước, để không bị o ép trên trường đối ngoại.
1. “Đại ma đầu” Dongfang 13-2 CEPB có trọng tải hơn 17247 tấn, rộng bằng cả chiếc sân vận động, xuất quân tiến về Bồn trũng sông Hồng trong Vịnh Bắc Bộ từ hôm 6/4/2019. Giàn khoan Dongfang 13-2 do Công ty Kỹ thuật Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc và Công ty Fluor Heavy Industries sản xuất tại cảng Cao Lan (Chu Hải) – là tổ hợp chế biến dầu mỏ và khí đốt toàn diện. Dongfang 13-2 CEPB sẽ sản xuất 43400 thùng dầu mỗi ngày, với ước tính lượng khai thác khí đốt hàng năm khoảng 2,6 tỷ mét khối. Lượng khí đốt này sẽ cung cấp đủ năng lượng sạch cho Khu vực Quảng Đông – Hồng Kông – Macao.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam Trung Quốc hôm 3/4/2019 đã thông báo rằng từ 6-10/4/2019, giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB sẽ được triển khai ở Bồn trũng sông Hồng vịnh Bắc Bộ (phía Trung Quốc gọi là Bồn trũng Oanh Ca Hải – Yinggehai Basin). Khí và dầu từ giàn khoan sẽ được vận chuyển lên bờ bằng bốn đường ống ngầm dưới biển có tổng chiều dài 223,8km. Trong đó, đường ống dài nhất lên đến 195km – cũng là đường ống ngầm dài số 1 của Trung Quốc đặt ở ngoài khơi.
2. Đường đi của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB được cộng đồng mạng thông báo biểu đồ gần cả tuần, mà báo chí quốc doanh mới đưa tin từ hôm 11/4/2019. Thêm một lần, như ông Võ Văn Thưởng từng lưu ý, báo chí quốc doanh đã chậm chân hơn mạng xã hội.
3. Ở mặt khác, trả lời báo giới về câu hỏi giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam hay không, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại không khẳng định là có hay không, mà lại chỉ phát biểu là Việt Nam đang theo dõi và kêu gọi: “Hai nước có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc quy định của Hiệp định trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông”.
Có nguồn tin nói rằng giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB đã vượt qua đường trung tuyến phân chia Vịnh Bắc Bộ và đã sang phần biển Việt Nam. Lại có nguồn tin cho rằng giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB đang thuộc phần biển phía Trung quốc, và chỉ cách cách đường trung tuyến 5 km.
Tại sao lại không thể khẳng định chính xác vị trí giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB? Nếu có được vị trí chính xác của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB thì sao không công bố ngay từ đầu, để loại bỏ những nguồn tin nhiễu?
4. Như vậy, vào thời đại định vị vệ tinh toàn cầu, mà Việt Nam không xác định ngay được đường đi từng giây phút của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB thì đây là một sự tụt hậu rất đáng lo lắng. Kết luận quan trọng rút ra qua sự vụ Dongfang 13-2 CEPB là Việt Nam không thể đứng một mình đối đầu với Bắc Kinh trên biển. Điều đó đồng nghĩa với Việt Nam nhất thiết phải hợp tác với các nước có công nghệ vệ tinh. Lúc đó thì nhất cử nhất động của giàn khoan Dongfang 13-2 CEPB không thể thoát khỏi sự theo dõi từng giây phút qua màn hình. Chưa nói đến là bị bám đuổi trên thực địa.
5. Ngoài lý do chưa có khả năng theo dõi vệ tinh, còn một lý do khác nữa khiến nhà chức trách Việt Nam im hơi lặng tiếng. Đó là quyền tự do hàng hải. Rất có thể Dongfang 13-2 CEPB đã di chuyển qua đường trung tuyến phân chia Vịnh Bắc Bộ, sang phần biển Việt Nam, nhưng chưa neo cố định, nên Việt Nam khó phản đối vì quyền tự do hàng hải.
Nhưng đừng quên rằng, tự do hàng hải áp dụng cho các tàu không như nhau. Dongfang 13-2 CEPB là dàn khoan khai thác và chế biến dầu, nên nó không có nhiệm vụ gì để đi sang phần biển Việt Nam. Nó không được áp dụng quyền tự do hàng hải thông thường.
Nếu Dongfang 13-2 CEPB vượt qua đường trung tuyến thì điều mà phía Việt Nam phải làm là phái tàu bám sát Dongfang 13-2 CEPB, không cho dừng bất cứ ở đâu trên phần biển Việt Nam, xua đuổi nó khỏi lãnh hải Việt Nam.
6. Để tránh các thông tin gây sự hiểu lầm, làm người dân lo lắng, cách tốt nhất là nhà chức trách Việt Nam hãy công khai hải đồ của Dongfang 13-2CEPB cho toàn dân được biết. Tốt hơn nữa là định vị vệ tinh rồi đưa lên internet để mọi người dân Việt Nam được theo dõi sự di chuyển của Dongfang 13-2 CEPB từng giây phút. Phải để cho Dongfang 13-2 CEPB biết rằng, mọi centimet di chuyển của nó có hàng triệu người dân Việt Nam theo dõi. Như vậy nó thể bị trừng trị bất cứ lúc nào nếu vi phạm lãnh hải Việt Nam.
7. Để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, thì Việt Nam nên công bố toàn văn thoả thuận phân chia Vịnh Bắc trên phương tiện thông tin đại chúng. Ở đây không có điều gì phải giữ bí mật cả.
8. Trung Quốc sẽ còn tiếp tục chế tạo ra nhiều “đại ma đầu” Dongfang khác. Để đối phó với các “đại ma đầu” Dongfang của Bắc Kinh đứng trên mép đường trung tuyến thò mũi khoan xuống đáy biển, rút dầu và khí từ phía Việt Nam, thì Việt Nam phải hợp tác ngay với các nước khác có trình độ công nghệ cao, tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí từ bên này đường trung tuyến, phía biển của mình, nơi thoả thuận hai bên không thể bắt bẻ. Để đối phó với Bắc Kinh thì tốt nhất làm trước điều họ nghĩ sẽ làm.
9. Thực ra, Dongfang 13-2 CEPB không phải là “đại ma đầu” mà chỉ là “bí kíp” của “đại ma đầu” Bắc Kinh. Đối phó với “đại ma đầu” Bắc Kinh không thể chỉ có một nước, dẫu đó là Hoa Kỳ. Đơn giản bởi Bắc Kinh đang mưu toan thống trị toàn thế giới.
10. Trước một thế lực mưu toan thống trị toàn thế giới, rất tiếc là chúng ta quá bận rộn về thuyên chuyển cán bộ, nặng về quyền lực đối nội, mà ít tập trung trí tuệ dành cho sự cường thịnh đất nước, để không bị o ép trên trường đối ngoại.