9-4-2019
Muốn giải quyết triệt để vấn nạn bạo lực học đường, cũng như chấn hưng nền giáo dục, chỉ có cách duy nhất là xây lại nhà mới.
1. BÙNG NỔ BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG NỮ GIỚI CHƯA CÓ ĐIỂM DỪNG
Bạo lực học đường đang gia tăng tỷ lệ thuận cùng với sự gia tăng bạo lực trong xã hội. Điều khác biệt mang tính bước ngoặt là bạo lực học đường nữ giới. Chưa bao giờ trong lịch sử học đường Việt Nam bạo lực nữ giới trong trường học lại “ rầm rộ đâm hoa kết trái được mùa” như bây giờ. Bạo lực học đường nữ giới đang bùng phát thành dịch bệnh lây lan trong cả nước mà chưa thấy có điểm dừng.
2. TÍNH CHẤT CỦA BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG NỮ
Chuyện đánh nhau trong trường học có từ xưa, không bao giờ hết. Nhưng đánh nhau trong trường học bây giờ đã trở thành dịch bệnh với tính chất khác biệt. Riêng tính chất bạo lực học đường nữ giới trở nên đột biến.
a/. Không đơn thuần là sự mâu thuẫn cá nhân bột phát, mà còn là sự hạ nhục nhân cách có chuẩn bị. Nên không chỉ đấm đá mà chọn thời gian địa điểm xé quần áo để bêu xấu.
b/. Không đơn thuần là xung đột địa phương đóng kín, mà có chủ đích truyền thông quảng bá cho đại chúng biết. Cho nên đã không che dấu thông tin lại còn quay video phát tán hạ nhục đối phương trước quảng đại công chúng. Hả hê trên ê chề tủi nhục của người khác.
c/. Bạo lực mỗi ngày một đậm đặc hơn tính cách thú vật mà giảm đi tính người.
d/. Bạn bè thờ ơ đứng xem như là một màn kịch. Quay phim chụp ảnh như là một trò vui. Phát tán thông tin công khai như là sự đương nhiên mà không mảy may để tâm đến hậu quả. Không can ngăn ngay cả khi bạo lực đi vào chiều thú tính an nguy đến sinh mạng.
e/. Thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường thì tìm cách che dấu, hạ thấp mức độ, tất cả vì sợ ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và trách nhiệm cá nhân. Họ tự trở thành kẻ bao che tội phạm, rồi trở thành kẻ dung túng tội phạm, và tiến xa hơn là kẻ khuyến khích tội phạm học đường.
f/. Vai trò đoàn thanh niên mỗi ngày không chỉ lu mờ mà còn tiêu cực. Đã không khuyến khích học tập, đã không ngăn chặn được bạo lực học đường, nhiều nơi lại còn tổ chức những trò chơi đú đởn, khuyến khích học sinh đi vào chiều tha hóa.
3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỨC THỜI NGĂN CHẶN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Giáo dục là nền tảng và động lực phát triển của quốc gia. Giáo dục bị suy đồi là quốc gia lụn bại. Bạo lực học đường nữ giới bùng nổ là hệ quả của nền giáo dục bị suy đồi. Không thể không tìm cách chấn hưng.
Để ngăn chặn sự bùng nổ bạo lực học đường cần có nhiều biện pháp phối hợp. Ở đây chỉ đề cập đến các biện pháp hành chính từ phía cơ quan giáo dục. Chưa nói đến biện pháp giáo dục. Chưa nói đến gia đình. Chưa nói đến xã hội. Càng chưa nói đến nguyên nhân gốc rễ.
Dưới đây là các biện pháp gợi ý cho Bộ Giáo dục và Đào Tạo để chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường. Các biện pháp dưới đây mang tính hạn chế về thời gian. Và sẽ gỡ bỏ ngay sau khi tình hình bạo lực học đường nằm trong tầm kiểm soát. Khi loạn lạc thì phải ban thiết quân luật. Khi bệnh nặng thì cần tăng cường thuốc đặc trị.
Trước hết, nhất thiết phải định nghĩa mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường. Tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo luật pháp, bao gồm cả xử lý hình sự: bắt giam và tuyên xử. Các biện pháp hành chính sau dành cho người có trách nhiệm quản lý giáo dục mà để xảy ra bạo lực học đường ở mức độ nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng – chẳng hạn: là những bạo lực mà cảnh quay video gây ra sự căm phẫn của công luận như những clip video đã xuất hiện trong thời gian qua. Khi nói đến bạo lực học đường dưới đây được hiểu là bạo lực học đường ở mức độ nghiêm trọng.
CẤP ĐỘ NHÀ TRƯỜNG
Khi để xảy ra bạo lực học đường:
– Thầy cô giáo chủ nhiệm bị giảm một bậc lương; thôi chủ nhiệm lớp;
– Hiệu trưởng bị cách chức.
CẤP PHÒNG GIÁO DỤC
Trong huyện xảy ra một vụ bạo lực học đường, Trưởng phòng Giáo dục buộc phải từ chức.
CẤP SỞ GIÁO DỤC
Trong tỉnh xảy ra một vụ bạo lực học đường, Giám đốc Sở Giáo dục bị giảm một bậc lương. Nếu xảy ra vụ bạo lực học đường thứ 2 trong tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục buộc phải từ chức.
CẤP BỘ GIÁO DỤC
Trong nước có một tỉnh xảy ra bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục bị hạ một bậc lương. Trong nước có 2 tỉnh xảy bạo lực học đường hoặc xảy ra vụ bạo lực học đường thứ 3 thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục buộc phải từ chức.
HỌC SINH
Ngoài xử lý theo pháp luật, học sinh tham gia bạo hành bạn bị nghỉ học một năm.
THỰC THI
Muốn biện pháp trên được thực hiện triệt để thì mỗi học sinh, mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, tất cả các Hiệu trưởng, Trưởng phòng Giáo dục, các Giám đốc sở Giáo dục, và đích thân Bộ tưởng Bộ Giáo dục phải ký vào văn bản có các biện pháp trên, rằng đã đọc, đã hiểu, và tuân thủ theo văn bản.
Sẽ rất có nhiều bạn tranh luận về tính chưa hợp lý, khắc nghiệt, thiếu sót hay sai lầm của đề xuất trên. Nhưng như đã đề cập từ ban đầu, trên đây chỉ là biện pháp cấp bách có thời hạn, và là một trong tổng hòa các biện pháp khác chưa nói ra trong khuôn khổ bài viết này.
Biết rằng, ngay cả cấp bách tạm thời, hay cả tổng hòa trăm vạn phương kế, thì cũng không giải quyết triệt để được vấn nạn bạo lực học đường. Đơn giản vì nhà dột từ nóc. Muốn giải quyết triệt để vấn nạn bạo lực học đường, cũng như chấn hưng nền giáo dục, chỉ có cách duy nhất là xây lại nhà mới.
Nhưng không thể vin vào chờ xây lại nhà mới mà không hành động. Càng không thể vin vào chưa hoàn hảo mà không có biện pháp.
Học sinh bị nghỉ một năm không có nghĩa là không tiếp tục thu nạp kiến thức trong năm đó. Có nhiều phương thức thu nạp kiến thức. Chậm 1 năm không thể là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng đến sự nghiệp. Hành động độc ác thiếu nhân tính cần phải bị trừng phạt. Hình phạt đã được biết trước có cam kết thì đừng viện dẫn lý do bào chữa.
Trưởng phòng này thôi chức sẽ có Trưởng phòng khác. Giám đốc này phải từ chức thì sẽ có Giám đốc khác. Bộ trưởng này phải từ chức thì sẽ có Bộ trưởng khác. Thay 3 lần Bộ trưởng tất hết vấn nạn bạo lực học đường.
Biết rằng, biện pháp trên không bao giờ được bộ trưởng đương nhiệm chấp nhận. Biết rằng biện pháp trên là chưa hoàn hảo, là khắc nghiệt, là bất đắc dĩ. Nhưng không thể không đề xuất. Nếu bạn thấy chưa hợp lý, bạn có thể đề xuất phương án của bạn. Hãy cùng lên tiếng, cùng hành động. Không thể khoanh tay ngồi nhìn nền giáo dục nước nhà mãi tụt dốc.
Bạo lực học đường được sinh ra từ “bạo lực cách mạng” và nằm trong kế sách “bách niên thụ nhân” của Hồ Chí Minh.
“Bách niên chi kế mạc như thụ Nhân” mà Hồ Chí Minh một đời theo đuổi đã Đơm bông kết trái, thành công rực rỡ dưới triều đại của Nguyễn Phú Trọng.