Nguyễn Trung
7-4-2019
Dư luận rộng rãi trong cả nước đang lo lắng quan tâm đến việc có thể mời nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam.
Nơi này nơi khác trong cả nước đã có những tiếng nói quyết liệt: Nếu Chính phủ để TQ tham gia xây dựng cao tốc Bắc Nam, chúng tôi sẽ xuống đường biểu tình phản đối!
Trên một số phương tiện truyền thông đã có nhiều ý kiến bình tĩnh, phân tích thấu đáo, đầy thện chí của những người am hiểu vấn đề và nặng lòng vì đất nước – với kết luận: Không nên để nhà thầu TQ tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc Nam, vì VN đã có quá nhiều kinh nghiệm cay đắng với nhà thầu TQ, vì nguy cơ can thiệp sâu vào nội bộ nước ta, vì sẽ chỉ gây thêm nỗi bất bình của nhân dân rất không có lợi cho chính quyền, sẽ thêm ngờ vực chính quyền, và sẽ chỉ tích tụ thêm bất lợi mới cho quan hệ Việt – Trung v.v…
Không thể xếp những tiếng nói yêu nước, có lý có lẽ, cảnh báo trước và rất xây dựng nêu trên là của những thế lực thù địch được. Nếu cố tình gán ghép như vậy sẽ có nghĩa coi nhân dân là thù địch, hoặc tự mình biến thành thù địch của nhân dân. Làm như thế, đất nước sẽ chỉ thêm rối bời những chuyện lẽ ra nên tránh. Làm như thế chỉ tạo thêm mối nguy mới cho đất nước, còn ai được lợi?
Vậy Đảng và Nhà nước – gọi tắt ở đây là lãnh đạo – nên nhìn lại đầu đuôi của sự việc, với ý thức tiên trách kỷ hậu trách nhân, rồi dựa vào đấy lo liệu công việc.
Trước hết phải nói nỗi đau hay nỗi buồn lớn: Đất nước độc lập thống nhất 43 năm, tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa đã 30 năm, mà đến hôm nay vẫn chưa có một hệ thống giao thông vận tải phát triển, chưa tự xây được một con đường sắt Bắc – Nam đáp ứng đòi hỏi một nước công nghiệp hóa, chưa có một đường bộ cao tốc Bắc – Nam như thế…
Trong khi đó mọi nguồn lực trong ngoài và mọi của cải nước ta huy động được cho 30 năm CNH-HĐH (1986-2016) không thể nói là nhỏ, riêng kiều hối đã lên tới hàng trăm tỷ USD… Cách đây đã lâu, lục lọi số liệu thống kê của các nơi, của UNDP, UNCTAD, của Hàn Quốc… tôi đã đi đến kết luận: Nguồn lực huy động được cho 30 năm công nghiệp hóa của VN tính theo đầu người nhiều hơn của Hàn Quốc thời 1960-1988 với cùng cách tính như vậy chí ít là khoảng gấp đôi, hoặc là hơn – đáng chú ý là thời kỳ này Hàn Quốc rất dè dặt trong việc huy động FDI, có thể vì ý chí tự lực tự cường, hoặc vì những nghi ngại nào đó.
Hàn Quốc từ 1988 trở thành NIC (nước mới công nghiệp hóa) với đúng nghĩa.
Còn nước ta hôm nay vẫn chưa thể trở thành NIC. Một trong những dẫn chứng cụ thể là đến hôm nay ta vẫn chưa tự làm nổi đường sắt Bắc – Nam và đường cao tốc Bắc – Nam! Cái gốc của yếu kém này không phải vì nước ta nghèo và lạc hậu, mà trước hết vì lãnh đạo làm việc theo nhiệm kỳ, nên không thể có cái nhìn công việc của đất nước là trường kỳ! Bây giờ thật khó quy kết cho ai là người phải chịu trách nhiệm về yếu kém này – vì chế độ chính trị của nước ta không có “trách nhiệm giải trình” theo luật định. Vậy chỉ còn cách Đảng là người lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, nên phải đứng ra nhận lỗi về mình trước đất nước, để rút kinh nghiệm ngay tức khắc.
Ngay trong quyết định xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam như đang xúc tiến (được hiểu là quyết định của Bộ Chính trị), đã được Quốc hội phê duyệt, vì không có đủ thông tin, nên tôi chia sẻ với nhiều phân vân của bạn bè mình về chủ đề này (nhiều ý kiến cụ thể đã được đưa lên các phương tiện truyền thông), bản thân tôi cũng đang lo lắng nhiều điều. Nhất là nước mình đang có nhiều nợ, làm ra không đủ chi, ngân sách thường xuyên bội chi và thuộc vào nhóm nước đang phát triển có tỷ lệ cao nhất về thu ngân sách so với GDP (nghĩa là tận thu), ngoại thương thường xuyên nhập siêu lớn hàng chục năm nay, khả năng trả nợ rất ngặt nghèo, cứ đi vay tiếp để làm cái này cái kia có ổn không? Có còn cách nào khác không?
Làm đường cao tốc Bắc – Nam như đã duyệt không biết đã được tính toán thấu đáo mọi bề không, hay là bây giờ thấy cần (hay muốn) đường cao tốc là quyết luôn, mọi việc khác tính sau!? Vốn ở đâu, vay trả thế nào? Đoạn nào trước, đoạn nào sau, xắp xếp thế nào là kinh tế nhất và hợp lý nhất, đã tận dụng được những đoạn cao tốc hay những con đường khác sẵn có hay chưa, những cảng biển suốt chiều dài đất nước, v… v…? Quy hoạch đường cao tốc như hiện có đã tính đến quy hoạch đường sắt Bắc – Nam hay chưa, hay là quy hoạch nọ sẽ lại đè lên quy hoạch kia? Hệ thống đường xá toàn vùng Nam Bộ hiện nay nói chung là bức bách nhất so với sức phát triển kinh tế năng động nhất đất nước của vùng này, có nên ưu tiên tập trung sức vào đây không, nơi nào có thể dãn được (kể cả phần nào của dự an cao tốc Bắc – Nam) để tập trung cho ưu tiên này? Vân vân…
Tại sao đến bây giờ vẫn chưa nhìn lại đã CNH sai như thế nào, tổn thất và lãng phí ra sao? Tại sao đến bây giờ hãy còn quá thiếu những chủ trương chính sách cởi trói, phát huy mọi sức lực – dù là chất xám hay vật chất – của đất nước để ngày càng tự làm được nhiều công trình…
30 năm công nghiệp hóa rồi mà hôm nay vẫn cứ phải đi xin ODA. 30 năm CNH-HĐH rồi mà kinh tế đất nước chủ yếu vẫn do FDI và ảnh hưởng của bên ngoài dẫn dắt, ta chưa thể hình thành được một nền công nghiệp của chính mình, tự ta chưa làm chủ được con đường phát triển của mình. 30 năm CNH-HĐH rồi mà đất nước vẫn phải lo cho dân mình càng đi làm thuê được ở nhiều nơi càng đỡ căng thẳng cho trong nước, về nhiều mặt đất nước đang biến thành nước cho thuê để hứng lấy những thứ biến nước ta thành “bãi thải công nghiệp” cho các bên nước ngoài; loại doanh nghiệp FDI công nghệ cao ở nước ta có lẽ chưa đếm hết đầu các ngón tay, và ở đây ta cũng vẫn đi làm thuê là chủ yếu! v.v…
Trên hết cả, vì sao 30 năm CNH-HĐH rồi mà ở nước ta vẫn còn quá nhiều tính ỷ lại, thụ động, thái độ / tâm lý phải cầu cạnh thiên hạ, trong khi đó quá thiếu trí tuệ, ý chí và bản lĩnh để đất nước tự lực tự cường như những nước NICs đã làm được? Đây chính là câu hỏi Đảng và Nhà nước phải tự hỏi mình! Và phải hỏi cả nhân dân, để Đảng và Nhà nước tìm ra được câu trả lời chuẩn xác cho chính mình.
Chịu khó và nghiêm túc nhìn lại mình như nêu trên, có thể sẽ có thêm được những suy nghĩ cần thiết cho việc xem xét nên xúc tiến dự án đường cao tốc Bắc – Nam hiện nay như thế nào. Nếu cần thì duyệt lại!
Tôi còn dám đi xa tới mức: Trả lời được những câu hỏi nói trên, có lẽ chỉ trong vòng 3 – 5 năm tới nước ta sẽ hoàn toàn có thể tự mình có nguồn lực đủ cho xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam và đồng thời cũng có trong tay quy hoạch đường sắt Bắc – Nam hiện đại – có thể bằng một phần rất lớn vốn huy động trong nước. Hơn thế nữa, làm được như thế, Đại hội XIII sắp tới của ĐCSVN sẽ có được gợi ý và một sức sống hoàn toàn khác như ĐCSVN hôm nay đang là.
***
Bây giờ xin có đôi điều về nhà thầu TQ đối với đường cao tốc Bắc – Nam.
Cả 2 nước cùng nhau hội nhập quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới bao nhiêu năm nay rồi, bây giờ VN nói:
– Mong các nhà thầu TQ đứng ngoài và thông cảm cho!
Nói như thế không sao lọt tai được, vừa phi lý, vừa chẳng khớp gì với quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện giữa 2 nước – mà về nhiều mặt so với các đối tác khác của nước ta có được thì TQ đang giữ vị trí số 1, thậm chí còn trên cả số 1 – vì cho đến nay chưa có đối tác chiến lược và toàn diện nào được VN ưu đãi nhiều khi quá mức cho phép như đối với TQ!
Làm sao bây giờ?
Hơn nữa, Tuyên bố chung giữa 2 Tổng bí thư của 2 nước ngày 13-11-2017 ghi: “…5. Hai bên cho rằng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng và đối tác hợp tác quan trọng của nhau, đều đang trong giai đoạn then chốt của cải cách phát triển, sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia… … … … 5.4.(i) Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, liên kết kinh tế giữa các nước và kết nối khu vực, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới; sẵn sàng cùng Trung Quốc thực hiện tốt văn kiện hợp tác về kết nối “hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường” đã ký kết, sớm xác định các lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với lợi ích, khả năng và điều kiện của mỗi nước, thúc đẩy kết nối về chính sách, hạ tầng, thương mại, vốn và con người, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước…. … Phía Việt Nam tuyên bố chấp thuận nguyên tắc thành lập Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Hà Nội, khuyến khích các tổ chức tài chính của hai bên ủng hộ việc huy động vốn cho các dự án hợp tác đủ điều kiện. Triển khai tốt các khoản tín dụng Trung Quốc cung cấp, tạo điều kiện để sử dụng các nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) để triển khai các dự án kết nối cơ sở hạ tầng. … … Phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc và các nguồn vốn khác theo các quy định liên quan…”
Vậy làm sao mời nhà thầu TQ đứng ngoài được?
Xin nhắc lại chuyện cũ: Việc khai thác bauxite Tây Nguyên bị cả nước phản đối, thế nhưng đề tài này đã được ghi vào Tuyên bố chung và Thông cáo chung của 2 Tổng bí thư 2 nước, nên không thể rút lại được. Phía ta vẫn phải thực hiện – dù mới ở mức thí điểm 2 nhà máy alumina, nhưng đã mang thêm nợ mới trên 1 tỷ USD (ước khoảng 1,2 – 1,5 tỷ USD nếu tính đủ, đội giá lên rất nhiều so với duyệt thầu lúc đầu), đang thua lỗ, nghiêm trọng hơn nữa là Tây Nguyên phải thường trực treo trên đầu mình quả bom môi trường nổ chậm “bùn đỏ”, uy hiếp cả vùng đồng bằng dưới chân núi!
Xin lưu ý, nói năng lôi thôi gạt nhà thầu TQ trong vụ đường cao tốc Bắc – Nam, nếu muốn, TQ có thể trả đũa, ta có chạy đằng trời cũng không thoát!
Hãy thử tính nợ đã vay và tình hình ta từ hàng chục năm nay liên tục nhập siêu từ TQ! Hãy thử suy nghĩ 60 – 70% nguyên liệu cho công nghiệp gia công của nước ta hiện nay là nhập từ TQ. Xin đừng quên TQ cũng là 1 trong những nước nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Chỉ cần TQ vì lý do kỹ thuật thông quan với tốc độ chậm một chút, là xe tải chở nông phẩm xuất khẩu của ta sẽ chết dí nhiều ngày hoặc thậm chí cả tuần vài chục cây số trước cửa khẩu! Bây giờ ta còn phải nhập cả điện từ TQ nữa! Còn ngoài Biển Đông? v.v… Còn nhiều thứ khác nữa, hữu hình và vô hình v.v…
Nếu TQ muốn trả đũa, trong trường hợp này nhân dân VN mới là người có tiếng nói cuối cùng, sẽ quyết định tất cả, sẽ thay đổi tất cả!
Hôm nay mới nói lên những thách thức kể trên là quá chậm, nhưng đấy là sự thật. Lẽ ra phải làm cho toàn dân thấy được từ mấy chục năm nay rồi! Lẽ ra từ mấy chục năm nay lãnh đạo phải đưa thêm vào những tính toán khác, chiến lược khác bảo tồn cuộc sống của đất nước!
Mấy chục năm nay Đảng và Nhà nước cứ một bề chịu để cho đất nước ta sống thụ động, và một bề cam chịu đựng những thách thức như thế để sống, – nhẹ thì phải nói là thất sách! Đúng tầm của sự thật thì phải nói: Không thể chấp nhận được!
Mà chấp nhận cho nhà thầu TQ tham gia cao tốc Bắc – Nam thì mất dân, lỡ tay sẽ còn dẫn tới mất nước, càng không được!
Cứ chấp nhận nhà thầu TQ, nếu dân phản đối thì sẽ trấn áp đến cùng để làm bằng được? – xin cứ nghĩ đi! Giả thử làm được như thế, sớm muộn, cuối cùng cũng sẽ dẫn đến mất dân lớn hơn, rồi cũng mất nước, và chung cuộc vẫn là sẽ mất tất cả trong ô nhục!
Làm sao bây giờ? Tại sao nhất thiết cứ phải có con đường cao tốc Bắc – Nam vào lúc này để tự gây khó muôn bề cho đất nước mình như thế này? Có khác gì tự sát không? Chậm vài ba năm nữa, dăm năm nữa, chục năm nữa đất nước có vì thiếu cao tốc này mà chết được không? Nếu chưa có cao tốc này thì ai chết? Không có cách nào hoãn lại được hay sao?..
Đề nghị lãnh đạo hãy cân nhắc thấu đáo.
Hay là ta chỉ thực hiện cao tốc này từng phần bằng cách tự làm lấy, theo nguồn vốn trong nước và nước ngoài ta tự huy động được, chẳng phải mời ai tham gia đấu thầu cả! Chậm một tý nhưng chậm chắc, và ta sẽ trưởng thành lên nhanh hơn, nhất là tránh được chắc chắn họa lớn cho đất nước. Thực ra đã đến lúc nước ta phải tự đứng lên làm các công trình loại này, cái gì biết chưa đủ thì học thêm, mua thêm know how, công nghệ mới, kỹ thuật mới! Làm thân phận cây tầm gửi như 30 năm CNH-HĐH vừa qua là quá đủ rồi! Thay đổi các thể chế cần thiết để ta tự đứng lên làm bằng được như vậy!
Ai cho vay cũng được, kể cả vốn của TQ; vay nước nào cũng phải cho đúng các chuẩn mực quốc tế, và đúng với nghĩa: Vay để ta tự làm lấy từ A-Z, và ta phải đủ năng lực quản lý nguồn vay này bằng luật pháp và các quyền thuộc chủ quyền của ta, không để cho tiền vay này thao túng nước ta về bất kỳ phương diện nào, thực hiện bằng được công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình để ngăn chặn mọi can thiệp của mọi quyền lực khác nhau!
Cũng nên vận động trí tuệ của nhân dân có hiến kế nào khác nữa không!
Để ngăn chặn mọi ác ý – không loại trừ bất kỳ từ bên nước ngoài nào, kể cả TQ, nước ta nên nhân dịp này nói thật với TQ tất cả những điều tôi đã viết ra trên đây, để làm cho TQ hiểu tại sao ta phải lựa chọn con đường tự quyết định làm lấy cao tốc này, hoàn toàn không phải vì lý do chống TQ, mà chỉ vì không muốn có thêm những sự việc làm tổn thương mối quan hệ này rất quan trọng đối với VN.
Nói rõ, nói thật, không giấu diếm những bài học, những kinh nghiệm đau đớn trong hợp tác Việt – Trung, nói thẳng thắn những sai lầm và thiếu sót của cả hai bên (chủ yếu phía ta là nhân nhượng quá đáng, phía TQ là lấn tới quá đáng) – vì thực tế tiêu cực này chẳng mảy may đúng với nghĩa đối tác chiến lược toàn diện mà 2 nước đang muốn thiết lập. Nhất là phải nói cho phía TQ biết rõ là phía ta đã kiên trì, đã nhẫn nhục hết mức có thể, chỉ vì muốn gìn giữ đại cục quan hệ Việt – Trung. Nhưng nếu các doanh nghiệp TQ vẫn giữ cách làm ăn với ta như hiện nay, nhà nước TQ cứ uy hiếp nước ta trên Biển Đông như thế này, thì không thể đem lại kết quả cả 2 bên mong muốn. Nói cho phía TQ biết nhân dân ta rất kiên trì chịu đựng, nhưng sự thật là sự bức xúc rất chính đáng của nhân dân VN về những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ 2 nước phải được nhìn nhận đúng đắn, vì ở cả 2 nước: Nhân dân mới là người trực tiếp xây dựng nên quan hệ 2 nước bền đẹp. Ta cũng nên công khai hóa những quan điểm của lẽ phải này của ta nói với TQ cho cả thế giới biết. Bởi vì không có gì đúng đắn hơn, mạnh mẽ hơn và đi được vào lòng người hơn sự thật.
Cũng nhân dịp này, trong thế giới sang trang hôm nay, có lẽ Việt Nam nên dựa vào nhân dân mình xây dựng nên một nền ngoại giao và mọi mối quan hệ quốc tế dựa trên tính đúng đắn của sự thật! Một con người, một quốc gia có trí tuệ và mạnh mẽ mới có thể xử sự như vậy với sự thật!
***
Xin nhắc lại câu chuyện mọi người đều biết: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giữa lúc chuẩn bị đi Hà Lan để tìm hiểu việc quốc gia này trong những điều kiện rất ngặt nghèo của tự nhiên chung sống với biển như thế nào; bạo bệnh đã cản trở công việc của ông!
Người dân, nhất là dân Nam Bộ hàng năm phải chung sống với lũ, vô cùng thương tiếc con người vì nước vì dân này đã đành, song cảm phục ông hơn nữa vì tấm lòng của ông lo cho dân không phải chỉ có tình yêu thương, mà còn bằng cả tầm nhìn ông luôn tìm cách rộng mở cho mình, không bao giờ chịu dừng lại ở những gì ông đã biết.
Sự thật là hàng chục năm trước khi chuẩn bị cho chuyến đi Hà Lan, Võ Văn Kiệt đã bị kỳ tích chung sống với biển của quốc gia này hớp hồn! Nhất là khi ông được nghe – chứ chưa được đến tận nơi để thấy – những thành tựu trị biển Hà Lan có được hôm nay là công sức của trí tuệ và lao động hàng trăm năm mới tạo nên được, ông càng nóng ruột – giữa những lúc ông tranh luận tại chỗ, nhễ nhại mồ hôi ngoài trời dưới cái nắng đồng bằng Nam Bộ, với các chuyên gia: xây hay không xây các đập chặn nước mặn, làm nhà chống lũ cho dân theo mẫu nào…
Nhân nói về đường cao tốc, kỳ lạ, chính Võ Văn Kiệt chứ không phải chuyên gia cầu đường nào là người khởi xướng việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh thành con đường cao tốc ở vùng này… Ông còn nhiều công tích khác nữa trong những lĩnh vực quan trọng khác…
Không phải nhiều lời, có thể thấy ngay: Yêu nước, yêu dân và tầm nhìn – những phẩm giá này làm nên con người Võ Văn Kiệt không có tư duy nhiệm kỳ! Quan trọng hơn thế nữa, những phẩm giá này làm nên Võ Văn Kiệt của mọi tình huống đất nước bị thách thức quyết liệt nhất!
Đất nước trong thế giới sang trang hôm nay đang đứng trước những thách thức quyết liệt nhất! Đất nước cần hơn bao giờ hết những phẩm giá Võ Văn Kiệt như vậy ở mỗi người được dân nuôi bằng tiền thuế của mình, và được dân gửi gắm những công việc phải làm vì nhân dân, vì đất nước!
Hà Nội – Võng Thị, ngày 07-04-2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-4-19