18-3-2019
Khi Vân Đồn được quy hoạch thành đặc khu, không chỉ có nhiều người dân Việt Nam bị bắt do phản đối chiến lược “vành đai con đường” của Trung Quốc, mà ngay tại Vân Đồn, cơn sốt đất đã khiến cho nhiều gia đình đổ máu, anh em ruột chém giết lẫn nhau.
Ngày hôm qua, con gái ông Nguyễn Mạnh Hồng – người bị em ruột, nguyên đại tá công an Nguyễn Anh Tuấn dùng búa đập đến chết – có nhờ tôi lên tiếng, chị bày tỏ sự bức xúc vì những kẻ làm bố mình chết được hưởng án treo.
Theo chị, nguyên nhân được cho là đất “đặc khu” Vân Đồn tăng giá, sau nhiều năm biền biệt không trở về quê hương thăm nom bố mẹ già, thì nay, đúng đợt sốt đất, nguyên đại tá công an Nguyễn Anh Tuấn (trú tại phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) trở về xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh thăm nom bố mẹ, đoàn tụ cùng gia đình.
Sau khi hứa hẹn đủ kiểu, nguyên đại tá xây nhà từ đường trên mảnh đất ông Hồng đang sinh sống, nhưng cuối cùng trở mặt, cầm chìa khóa, không cho vợ chồng anh trai vào.
Lần cuối trở về, nguyên đại tá lên giọng hỏi vợ chồng anh mình là ai dám tự tiện mở khóa nhà từ đường, bát hương vứt đi đâu? Chưa kịp trả lời thì nguyên đại tá đã tát vào mặt chị dâu, sau đó cùng với con trai là Nguyễn Đức Bình dùng búa đinh gõ nhiều nhát vào người anh ruột, đóng cửa đánh đập 2 vợ chồng anh mình.
Đại tá Tuấn còn viết giấy nhận nợ với nội dung phải thanh toán cho Tuấn 3,6 tỷ đồng thì vợ chồng ông Hồng mới được sử dụng ngôi nhà từ đường và yêu cầu vợ chồng ông Hồng ký nhận.
Cấp cứu ngay sau đó, nhưng cuối cùng ông Hồng không qua khỏi.
Tôi có đến Vân Đồn hỏi thăm vài người hàng xóm của ông Hồng, họ cho biết ông Hồng là người rất tử tế, nhưng họ không biết ông Hồng có em ruột là đại tá công an.
Cuối cùng, TAND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) tuyên 2 cha con nguyên đại tá công an 60 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, 2 kẻ lạ mặt đi cùng được tha, biết anh trai, bác ruột bị bệnh nhưng vẫn cố tình dùng búa tấn công tàn bạo, phải được coi là hành vi cố ý giết người nhưng… bố con đại tá vẫn được hưởng án treo, gia đình nạn nhân đang kháng cáo.
Cho đến nỗi đau chung
Thật khó để có một thống kê đầy đủ trong việc xác định có bao nhiêu thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên… không tham gia chạy án, biến công lý thành trò hề.
Nhưng, nhìn vào mức lương bèo bọt cùng khối tài sản kếch xù của họ cũng tự hiểu.
Các luật sư cũng vậy, họ biết vai trò của mình còn không bằng những người kể trên, thậm chí sự va chạm còn không bằng các phóng viên điều tra nhưng vẫn luôn tỏ ra đầy quyền lực, hứa cho cố, biết không giúp được gì nhưng vẫn ra sức “chặt chém” khách hàng, phí soạn vài lá đơn cũng tiền triệu, hơi một tí lại tiền tiền nhưng kết quả bằng không, một số còn dùng mọi quan hệ, thủ đoạn để chạy án, bán đứng thân chủ, biến có thành không…
Tất nhiên, cũng có vài luật sư tâm huyết, nhưng cuối cùng thẩm phán cho bào chữa, cãi lý chán chê, cuối cùng số phận thân chủ của họ vẫn phải phụ thuộc vào thẩm phán.
Thẩm phán “ăn” còn dã man hơn, thậm chí “ăn” của cả nguyên đơn lẫn bị đơn, kéo dài thời gian thụ lý vụ án để làm tiền, trong nhiều vụ thẩm phán nghe theo sự chỉ đạo của những kẻ có thế lực trong bộ máy chính quyền, không thuộc mảng tư pháp.
Còn ở bên ngoài, có nhiều người nổi tiếng chống tham nhũng nhưng họ vẫn tung hô trùm tham nhũng, thiên hạ coi họ như anh hùng.
Nhưng sự nổi tiếng này cũng chỉ xem như một hiện tượng dễ thấy trong xã hội Việt Nam, như bà Tưng, ca sĩ Lệ Rơi…, nổi tiếng nhưng chưa chắc đã trưởng thành và tử tế.
Mặt khác, nó phản ánh phần nào về thực trạng dân trí ở Việt Nam, cũng giống như một đàn cừu dễ dàng bị chăn dắt.