16-3-2019
Hôm qua, 15/3/2019 là ngày có nhiều hành động vì khí hậu nhất từ trước đến nay. Hơn 1,5 triệu người (chủ yếu là học sinh sinh viên) tham gia bãi khóa, hơn 2,000 cuộc bãi khóa tại hơn 100 quốc gia. Việt Nam không có tên trong danh sách 100 quốc gia này. (Đương nhiên), nếu không có lẽ tôi cũng không ngồi đây viết được những con số này. https://www.facebook.com/StrikeClimate/
Trong khi đó, hôm nay tại Việt Nam, một rapper bị hàng trăm comment công kích cá nhân, xỉ nhục, lăng mạ khi lên tiếng chia sẻ tình trạng ô nhiễm môi trường đang nghiêm trọng như thế nào thông qua một bài rap. Tất cả những người dùng lời lẽ lăng mạ đều là người Việt, những người cũng đang chịu ảnh hưởng và tác động của vấn đề nước (không) sạch, không khí (không) sạch, thực phẩm (không) sạch.
Tôi không so sánh được lợi ích họ có được khi buông bỏ từng dòng comment thoái mạ đó so với cái tệ hại về sức khỏe do bụi bẩn, nước ô nhiễm, thức ăn độc lại mang tới. Nó có thể lớn hơn, hoặc dễ che mắt hơn nên người ta chọn nó thay vì một cuộc sống an toàn cho họ và những người khác.
Điều đó không quan trọng ở thời điểm này. Bởi quan trọng hơn, tôi nhận thấy các tác động hiện có, tình trạng tệ hại hiện có đối với môi trường chỉ là cái đinh trong tâm trí người Việt, không chỉ của riêng nhóm lợi ích. Hầu hết những người trong hàng trăm người kia có lẽ vẫn chưa cảm nhận được sự đe dọa về sức khỏe, sinh kế mà họ và gia đình họ đang và sẽ gặp phải.
Mọi luận điệu, tôi biết có phần được sắp đặt, hướng đến một đất nước công nghiệp & kinh tế tăng trưởng mạnh. Điều đó là nhu cầu chính đáng của dân Việt mà tôi được dạy phải nghe theo răm rắp từ những ngày đầu tới lớp “Mục tiêu 2020 Việt Nam hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước“.
Quan trọng hơn, nó trở thành một thứ “triết lý ma mị” dẫn dắt cả đất nước này sẵn sàng chà đạp lên những thương tổn cho tự nhiên, cho đồng loại. Nhóm người comment ở kia chỉ là một nhóm nhỏ phản ánh việc lựa chọn quyền lợi cá nhân trước mắt, chủ yếu là tiền, mà không cho mình cơ hội nghĩ về những thứ to tát có ý nghĩa hơn. Nhưng họ không chỉ một mình.
Trong khi những nỗ lực bù đắp phục hồi tự nhiên vẫn còn xa xỉ, thì chí ít sự quay đầu hàn gắn những vết nứt trong xã hội nhỏ này cũng là cần thiết. Tôi thấy đáng thương do dân tộc này, cho chúng ta. Cái quyền cho phép mình đứng đầu chuỗi thức ăn đã là một thứ ngớ ngẩn. Việc cho phép một cá nhân, nhóm người có quyền lực, tiền bạc (không sớm thì muộn) chà đạp lên sức khỏe, sự sống, phẩm hạnh của những đồng loại khác cũng tệ hại không kém.
Dân VT vẫn than khóc ngày đêm, trẻ con đối mặt với nguy cơ sức khỏe từ hàng MG điện sản xuất từ than và chúng mình ở đầu này đất nước vẫn thoải mái tiêu thụ điện, vui vẻ móc hầu bao trả cho doanh nghiệp tiêu thụ/sản xuất hàng tấn ly giấy hộp nhựa đựng trà sữa.
Khi cái não thông minh của loài người đang nghĩ về những giải pháp thay thế nhiệt điện than, khi tấm pin năng lượng mặt trời hay cột gió cần được cải tiến để giảm thiểu nhất tác động trong quá trình sản xuất, thì hành vi tiêu dùng của chính người giáo dục, người truyền thông, người buôn bán các sản phẩm đó mới là cái gương mẫu thuyết phục nhất cho thị trường còn hơn cả những chính sách luôn đi rất chậm.
Đó là chưa kể với dân Việt, hệ thống chính sách & người làm chính sách nếu không đủ tầm thì rất dễ bị biến tướng trong thực thi. Hệ thống quản lý không đủ năng lực kiểm soát thị trường khiến việc sản xuất tạo ra bao nhiêu nilon túi nhựa rẻ tiền (trốn thuế), chất lượng kém, hướng đến kích thích tiêu dùng bậy bạ.
Bởi lẽ tính liên kết và tác dộng qua lại giữa các cá thể-cá thể, cá thể-hành vi-xã hội là một đặc điểm riêng biệt của con người. Vậy nên mới thấy một giải pháp tổng thể là cần thiết. Không có cái nào là ưu việt hơn cái nào trong thế giới này. Mình không cho rằng chính sách là con đường duy nhất. Mình cũng không nghĩ chỉ có truyền thông mới tạo nên sức mạnh. Tương tự, môi trường không phải bài toán hóc búa nhất. Và sự dân chủ, quyền được tham gia cũng không phải cái ưu tiên số một.
Nhắm mặt lại, thấy cần lắm sự nỗ lực của nhiều bên, sự liên kết từ nhiều phong trào khác nhau, và gốc gác cần là sự tự ý thức trong tâm trí của từng con người Việt. Bởi, mỗi một phong trào đều sẽ chỉ như con thuyền đơn lẻ cỡi trên sóng, lênh đênh và dễ bị dập tan bởi chính sóng và gió, nếu mất đi sự nâng đỡ và yêu thương của lòng sông mặt biển.
People power is the key for social movement. (Sức mạnh nhân dân là chìa khóa cho phong trào xã hội.)