Nguyễn Quang Dy
14-3-2019
Vào cuối thập niên 1980, người Thái đã khôn ngoan đề ra khẩu hiệu là “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” (to turn Indochina from a battlefield into a marketplace). Điều đó nay đã thành sự thật: Ít nhất là người Thái đang mua lại các công ty hàng đầu của người Việt, dù đứng sau họ có phải là người Tàu hay không. Điều đáng nói tuy không phải là người Thái khôn ngoan hay người Việt dại dột, nhưng dường như người Việt không thể hòa thuận với nhau, nên họ có thể “biến Việt Nam từ thị trường thành chiến trường”.
Mặt trái của tấm huy chương
Nếu trong đầu người Thái thường tồn tại “tâm thế thị trường”, thì trong đầu người Việt thường tồn tại “tâm thế chiến trường”, kể cả khi họ kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong một bài viết gần đây, bà Vũ Kim Hạnh (giám đốc BSA) đã cảnh báo: “Cái quyết liệt của đồng tiền đi hủy diệt đối thủ mạnh lắm, nhưng ý chí quyết phải sống còn của những kẻ bị săn đuổi đến cùng còn mãnh liệt hơn gấp trăm lần”. (Tiếng kêu của cô gái khi nghề gia truyền sắp bị bức tử, Vũ Kim Hạnh, Sài Gòn Giải phóng, 10/3/2019).
Bà Kim Hạnh nói như vậy không phải về đấu tranh giai cấp hay chống ngoại xâm vì lợi ích dân tộc (để sống còn), mà về cạnh tranh trên thị trường nước mắm (vì lợi ích kinh tế). Nhưng nó làm nhiều người đau lòng và nghĩ ngợi liệu khẩu hiệu “hòa hợp và hòa giải dân tộc” có cơ hội nào không, hay “chính phủ kiến tạo” hiện nay có làm được gì không. Tuy đây chỉ là câu chuyện cạnh tranh về nước mắm, nhưng nó động đến vết thương của dân tộc.
Tôi viết bài này để góp phần ủng hộ nước mắm “truyền thống”, nhưng không phải để chống nước mắm “công nghiệp” (hay nước chấm), nếu họ cạnh tranh sòng phẳng (fair play). Nhưng nếu cơ quan chức năng nào dự thảo tiêu chuẩn quốc gia nhằm làm lợi cho bên này và làm hại cho bên kia một cách không liêm chính, thì chúng ta phải lên tiếng phản đối vì đó chính là “tham nhũng chính sách” của một nhóm lợi ích nhằm độc quyền thị trường. Cơ chế độc quyền để thao túng chính sách cản trở đổi mới thể chế và phát triển bền vững.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) cho rằng rủi ro về kinh tế của Việt Nam chủ yếu đến từ “một số doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, trở thành thân hữu và lợi ích nhóm”, như một hiện tượng tiêu cực (xuất hiện từ cuối những năm 2000). Tuy thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính, nhưng ông Du muốn nói đến mặt trái của “tấm huy chương kinh tế tư nhân”. (Rủi ro của kinh tế Việt Nam nằm ở các doanh nghiệp tư nhân lớn nhanh bất thường, VNF, 12/3/2019).
Khủng hoảng truyền thông
Gần đây, dư luận lại dậy sóng, như một cuộc khủng hoảng truyền thông (lần thứ 2) để phản đối “Dự thảo TCVN 1260: 2019 về Quy phạm Thực hành Sản xuất Nước mắm”. Theo Người Đô Thị (8/3/2019), Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã gặp báo chí để trao đổi về nội dung Dự thảo. Nhưng dư luận cho rằng dự thảo này có quá nhiều điểm không phù hợp.
Theo báo Giao Thông (8/3/2019), tiến sĩ Trần Thị Dung (chuyên gia về nước mắm) đã hai lần giơ tay xin phát biểu về dự thảo “Quy phạm Thực hành Sản xuất Nước mắm” nhưng bị chủ tọa từ chối và đuổi ra ngoài (trong ngày Phụ nữ Quốc tế). Bà Dung nguyên là cán bộ Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay là bộ NN&PTNT), và là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị vu oan nhiễm arsen (cách đây 2 năm). Bà Dung đã phải hét lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”.
Theo bà Dung, mặc dù quy phạm đó là không bắt buộc nhưng là cơ sở cho cơ quan quản lý làm chính sách… “Tôi lo ngại họ đang có ý định dùng thẩm quyền của cơ quan nhà nước để đưa ra định nghĩa xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế. Đây cũng chính là điều lo ngại của hơn 2.800 doanh nghiệp và các hộ sản xuất nước mắm. Tôi là người đã gắn bó mấy chục năm nay với quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Tất cả các cơ sở này đều được cấp phép, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được hoạt động. Do đó đừng có đem những thông tin vớ vẩn để xuyên tạc sự thật”. (Tiến sĩ ‘mắm’ bị mời ra khỏi phòng họp vì muốn ‘kêu oan’ cho nước mắm, Người Đô Thị, 08/03/2019).
Ngày 11/3/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ NN & PTNT nghiên cứu kỹ ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về nước mắm để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống. Trước sức ép dư luận, ngày 12/3/2019, thứ trưởng Bộ KH & CN Phạm Công Tạc cho biết Bộ tạm dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về “Quy phạm Thực hành Sản xuất Nước mắm” để tiếp tục xin ý kiến của các tổ chức, hiệp hội bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói đã thẩm định lại dự thảo, thấy không đảm bảo 3 nguyên tắc: (1) đáp ứng trình độ phát triển của xã hội, (2) bảo đảm sự đồng thuận của xã hội, và (3) đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các hiệp hội.
Còn nhớ cách đây hơn hai năm, dư luận báo chí đã ồn ào dậy sóng như một cuộc khủng hoảng truyền thông về nước mắm (lần đầu). Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người Tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố có 67,33% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu arsen (thạch tín) mà không nói rõ arsen hữu cơ (vô hại) hay vô cơ (độc hại). Nhưng trước phản ứng của dư luận, Vinastas phải xin lỗi, Bộ TT & TT đã phạt 50 cơ quan báo chí vì đưa tin sai, và chính phủ phải lập một đoàn kiểm tra liên ngành (gồm 5 bộ và cơ quan hữu quan) để làm rõ vấn đề.
Khủng hoảng nước mắm
Theo ông Vũ Thế Thành (chuyên gia an toàn thực phẩm), “Codex quốc tế không biết gì về sản xuất nước mắm, nên giao cho Việt Nam và Thái Lan biên soạn tiêu chuẩn để Codex thông qua. Tiêu chuẩn này là bất hợp lý khi đề ra chỉ tiêu histamine trong nước mắm dưới 400 ppm. Chỉ tiêu về histamine thấp như thế chỉ có nước mắm công nghiệp mới đáp ứng được. Thái Lan là ‘vương quốc’ của nước mắm công nghiệp (đạm thấp từ 10 đến 20 độ). Không hiểu sao đại diện Codex Việt Nam lại gật đầu để Codex quốc tế thông qua tiêu chuẩn đó”.
Theo ông Thành, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sản xuất nước mắm truyền thống (đạm cao từ 30 độ trở lên). Do đó, tiêu chuẩn Codex hiện nay gây rất nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu nước mắm truyền thống của Việt Nam, do quy định về histamine, mà theo ông Thành là bất hợp lý, vì ‘mình tự chặt chân mình’. “Chúng ta phải biết bảo tồn di sản của cha ông để lại, chứ không thể nấp dưới cái áo ‘an toàn thực phẩm’ để đưa ra quy định trên trời, vô tình hay hữu ý đẩy nước mắm truyền thống vào cửa tử”. (Đừng nấp dưới cái áo ‘an toàn thực phẩm’ để đẩy nước mắm truyền thống vào cửa tử! Người Đô Thị, 07/03/2019).
Theo bà Vũ Kim Hạnh, cô Thanh Thùy (con của chủ doanh nghiệp nước mắm Thanh Quốc, tại Phú Quốc) đã bức xúc kêu cứu: “Ban ngành đi với họ hết rồi cô ơi!”… “Kỳ này họ làm bài bản, có kế hoạch từng bước để xóa sổ nước mắm truyền thống, hơn vụ Arsen đợt trước, chắc chết thiệt cô ơi!”… “Con thấy bí quá. Họ đã quyết đánh đến cùng, cạnh tranh hủy diệt mà cô cứ nói luật pháp, lẽ phải, đạo đức với quyền lợi người tiêu dùng là thua hết, thua một thứ mạnh nhất và duy nhất là Tiền… Nhưng lần này có bàn tay nhà nước nữa… Con ức đến chết đi được, sao nhà nước không bênh vực người làm ăn tử tế mà còn tiếp tay cho họ?”
Bà Kim Hạnh nói: “Liên minh châu Âu đã cấp chứng nhận bảo hộ của EU cho nước mắm truyền thống Phú Quốc từ 2012, nhưng từ bấy đến giờ, ta đã làm được gì để giúp các nhà sản xuất?” Tỉnh Kiên Giang có giúp nhưng lực có hạn, trong khi những cú đánh vỗ mặt liên tiếp, từ Arsen, histamine, nay lại đến Quy phạm… “Tôi không thấy ở xứ nào mà cứ có từng đợt tấn công thẳng thừng, bền bỉ, truy cùng đuổi tận đối thủ như vậy”… “Chỉ có bọn tư bản hút máu người mới cạnh tranh kiểu ấy”… “Nó giống y chang hồi năm 2016 khi Vinastas tay thì đút tiền khủng vào túi, miệng thì khạc ra toàn những kết quả điều tra và kết luận giết người”.
Các doanh nghiệp nước mắm truyền thống vẫn tự biết phải tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. “Họ biết luật làm ăn của thị trường trong nước và thế giới nên đã dám lấy tiêu chuẩn HACCP thì sợ gì tiêu chuẩn Việt Nam. Vậy mà khi đọc Dự thảo Quy phạm này, họ phải kêu trời vì thấy toàn những quy định lơ mơ, tào lao nhưng đầy uy quyền, mà có đến 50 nội dung không phù hợp, rất nặng mùi hoặc sặc mùi tiền, mùi arsen hoặc mùi sa-lông phòng lạnh…Họ đã nhận ra ngay đó là cái bẫy đang xiết dần lại như những cái dây thòng lọng để xiết chặt lấy cổ tất cả nước mắm truyền thống”.
Bà Kim Hạnh cho rằng sau Dự thảo Quy phạm này chưa biết sẽ là cái gì nữa. “Xem ra quyết tâm của họ chưa có điểm dừng, vì 10 năm trước, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước tương đã bị họ diệt bằng “vụ 3 MCPD” (được ghi lại trong ‘lịch sử doanh thương Sai Gòn’). Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Đăng Quang không ngừng giàu lên, tài sản chắc tới hơn 1,2 tỷ USD rồi, trong khi gần 3000 doanh nghiệp nước mắm truyền thống và hơn 10 làng nghề đang bị tàn lụi dần với những chiến dịch arsen, histamine, dường như không có điểm dừng”.
Nước mắm và quyền lực mềm
Thiên hạ thường cạnh tranh bằng chính năng lực của họ, chứ không tìm mọi cách tận diệt đối thủ như người Việt, nhất là diệt mất một bảo vật “quốc hồn quốc túy” như nước mắm truyền thống. Ai là người Việt chắc đều biết tới nước mắm, như một loại đặc sản không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của hầu hết người Việt (và một số người nước ngoài). Vì vậy, đừng nên tìm mọi cách xóa nhòa ranh giới tự nhiên giữa nước mắm truyền thống (đã có lịch sử hàng trăm năm) và nước mắm công nghiệp (được pha chế như nước chấm). Cũng đừng nên tìm mọi cách tận diệt đối thủ để độc chiếm thị trường, và biến thị trường thành chiến trường.
Trong mỗi bữa cơm Việt Nam, thường phải có một ly nước mắm. Không phải chỉ nhiều người Việt mà một số người nước ngoài cũng thích nước mắm (nhất là từ Phú Quốc hoặc Phan Thiết). Tôi nhớ có lần ở Bangkok, nhà báo kỳ cựu người gốc Canada là Alan Dawson (chuyên bình luận trên báo Bangkok Post) đã bảo tôi lúc nào về Việt Nam thì nhớ mua cho ông chai nước mắm Phú Quốc, vì ông ấy nhớ lắm. Tôi nói trong siêu thị ở Bangkok thiếu gì nước mắm, nhưng Dawson cười: “đó không phải là nước mắm thật”. Ông ấy nói đã nghiện nước mắm Phú Quốc từ khi còn làm UPI bureau chief ở Sài Gòn (trong thời kỳ chiến tranh). Trong thế giới ngày càng đa dạng về văn hóa, những người như Alan Dawson ngày càng nhiều.
Theo một tài liệu, viện Pasteur đã từng lên tiếng bảo vệ nước mắm truyền thống từ năm 1920. Một số tạp chí nổi tiếng đã ví von rằng nói đến nước Pháp thì người ta nhớ ngay tới rượu vang, nói đến nước Ý thì người ta nhớ tới ôliu, nói đến Việt Nam thì người ta nhớ tới nước mắm, như một đặc sản trong văn hóa ẩm thực của người Việt… New York Times còn nói tới một loại nước mắm Phú Quốc mà người ta “thử nước mắm như thử rượu vang”. Không biết thực hư thế nào, nhưng tại các buổi chiêu đãi chính thức hay tại các quán ăn Việt Nam ở nhiều nước, món nem (spring rolls) không thể thiếu món nước chấm làm từ nước mắm cốt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã gọi nước mắm là “hồn cốt của dân tộc”. Trong dòng chảy ngầm của năng lượng quốc gia, vẫn có những người âm thầm gìn giữ và bảo vệ hồn cốt của dân tộc. Đó chính là bảo vệ bản sắc dân tộc và chủ quyền quốc gia. Để mất hồn cốt của dân tộc chính là đánh mất bản sắc dân tộc. Nếu nhẹ thì đánh mất khả năng cạnh tranh trong thế giới ngày càng phải dựa vào đặc trưng văn hoá riêng biệt. Nặng hơn thì dễ bị tổn thương trước sự “xâm lược mềm” hay “xâm lược cứng”. Đó là nguy cơ đánh mất sinh kế của các làng nghề truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc. Không giữ được nước mắm truyền thống chính là đánh mất một “quyền lực mềm” không thể thiếu của cộng đồng và dân tộc mình.
Vì vậy, vụ Dự thảo Quy phạm sản xuất nước mắm đang bị dư luận phản đối. Tại sao họp báo về nước mắm mà họ lại cấm cửa chuyên gia về nước mắm và các hội nước mắm? Tại sao dự thảo quy phạm sản xuất nước mắm mà họ không hiểu gì về quy trình sản xuất đã có từ bao đời nay? Tại sao nguyên liệu là cá biển mà phải kiểm tra thuốc thú ý và thuốc bảo vệ thực vật? Tại sao phải đựng nước mắm trong thùng đựng màu sáng? Thật ngu xuẩn nếu bắt các nhà sản xuất rượu vang Pháp phải dùng thùng đựng rượu màu sáng thay cho thùng gỗ sồi! Những quy phạm ngớ ngẩn đó còn phủ nhận và chà đạp lên các giấy phép đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (như HACCP) cấp cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống để có thể cạnh tranh quốc tế. Tại sao họ phải cố làm ra những quy phạm này để làm gì?
Theo ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết đã được Bộ NN & PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm, vào tháng 2/2018, không biết vì lý do gì, nội dung cuộc họp đầu tiên mà ông Đức tham gia đã hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của tập đoàn Masan. Trong cuộc họp sau đó, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp mà ông Đức đã tham gia trước đó. Nếu đúng vậy, khủng hoảng nước mắm chắc còn kéo dài, và tham nhũng chính sách còn tiếp tục.
Nén bạc đâm toạc tờ giấy
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN & PTNT) đã phân trần về “Dự thảo TCVN 12607:2019” rằng mục tiêu của Dự thảo này chỉ nhằm “xác định tiêu chuẩn về quá trình chứ không đặt ra yêu cầu kỹ thuật của nước mắm, cũng không ấn định các chỉ tiêu và giới hạn phải tuân thủ đối với nước mắm trên thị trường hiện nay”. Trong khi đó ông Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng) lại khuyên mọi người “Đừng phân biệt nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp mà MẤT ĐOÀN KẾT trong ngành này”. Dư luận cho rằng đây là cách định bóp cổ người khác cho chết nhưng cấm kêu, vì kêu như vậy làm “mất đoàn kết”, nên nạn nhân phải câm lặng chết dần để không “mất đoàn kết”.
Nước mắm công nghiệp đang đẩy nước mắm truyền thống đến chỗ chết, không chỉ vì cạnh tranh bất bình đẳng về giá mà còn không thể kháng cự được vì bị chèn ép bởi các chiến dịch truyền thông bẩn thỉu, có hệ thống công quyền đứng sau hỗ trợ. Năm 2016, trước phản ứng quyết liệt của dư luận, Bộ TT & TT đã phải xử phạt 50 cơ quan truyền thông báo chí vì đã tuyên truyền “nước mắm nhiễm arsen”. Ai là bên được lợi trong vụ này chắc phải bỏ ra nhiều tiền để chi trả. Dự thảo TCVN 12607: 2019 mà Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN & PTNT) vừa giới thiệu, bị nhiều người coi là phần tiếp theo của kế hoạch dài hạn nhằm tận diệt nước mắm truyền thống bằng qui phạm pháp luật (đầy bất minh).
Theo ông Vũ Thế Thành (chuyên gia về an toàn thực phẩm), “Dự thảo TCVN 12607: 2019 là một hình thức nhân danh an toàn thực phẩm để đẩy các nhà sản xuất nước mắm truyền thống đến chỗ chết”. Ông Thành đã phân tích khá cặn kẽ về Dự thảo TCVN 12607: 2019 ngớ ngẩn như thế nào, ác ý ra sao đối với nước mắm truyền thống. Ông nhấn mạnh, “bộ phận soạn thảo TCVN 12607: 2019 không chỉ không hiểu gì về sản xuất nước mắm mà còn cố tình đặt ra những đòi hỏi phi lý như chỉ tiêu histamine trong nước mắm phải dưới 400 ppm”. Chỉ có nước mắm công nghiệp (hay nước chấm hiện đại) mới đáp ứng được chỉ tiêu này.
Mỗi năm, người Việt sử dụng khoảng 300 triệu lít nước mắm, tổng số tiền chi cho tiêu thụ nước mắm tại Việt Nam được ước đoán khoảng 11.300 tỉ VNĐ. Nhà sản xuất nước mắm công nghiệp (Masan) chiếm khoảng 80% thị phần của thị trường này. Trong những chiến dịch gây khủng hoảng niềm tin về mức độ an toàn của nhiều loại sản phẩm tiêu dùng, thiên hạ không chỉ có cơ hội mục kích một số cơ quan truyền thông tự bán rẻ mình, mà còn thấy bóng dáng của không ít chuyên gia, nhân dạng của không ít quan chức, diện mạo của không ít cơ quan chức năng đang trở thành công cụ của nhóm lợi ích. Đúng là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”.
Người ta thắc mắc tại sao khi Việt Nam cùng Thái Lan soạn thảo tiêu chuẩn Codex, họ lại đồng ý với chỉ tiêu histamine trong nước mắm bất hợp lý như vậy, để không thể xuất khẩu nước mắm truyền thống, trong khi dành cơ hội xuất khẩu cho nước mắm công nghiệp? Trong khi Cục An toàn Thực phẩm xác nhận và cam kết sẽ vận động để thay đổi chỉ tiêu về histamine, thì Cục Chế biến và Phát triển Nông sản lại định lấy chỉ tiêu histamine làm tiêu chuẩn quốc gia? Trước đây, chỉ có các chuyên gia và người dân nói xa nói gần về “tham nhũng chính sách” (tức hối lộ để lót đường cho những chủ trương, qui phạm pháp luật đem lại lợi ích riêng cho một nhóm lợi ích cụ thể). Nhưng nay các quan chức trong hệ thống chính trị và công quyền Việt Nam phải thừa nhận và cam kết chống “tham nhũng chính sách” (như một nghịch lý).
Lời cuối
Theo bà Trần Thị Dung, tiêu chuẩn Codex về nước mắm (do Việt Nam và Thái Lan biên soạn năm 2006) chỉ phù hợp với nước mắm công nghiệp (của Thái Lan), mà không phù hợp với nước mắm truyền thống (của Việt Nam). Vì vậy, tiêu chuẩn Codex chỉ có ý nghĩa tham khảo. Phương án tốt nhất là xây dựng quy chuẩn quốc gia riêng cho nước mắm truyền thống. Bà Dung cho rằng mỗi nước có thể quy định mức giới hạn (histamine) phù hợp cho mình. Sau khi Vinastas công bố kết quả sai lạc vì không phân biệt arsen hữu cơ (vô hại) và vô cơ (độc hại) trong nước mắm, thì Bộ Y tế đã công bố 100% nước mắm được kiểm nghiệm không nhiễm Arsen vô cơ. Vinastas đã bị phạt do vi phạm pháp luật (Thông tư 16/2009/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về phương pháp lấy mẫu theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT).
Nhưng sau khi nộp đơn xin thành lập “Hiệp hội Nước mắm Truyền thống”, gồm 17 thành viên, đại diện cho các nhà sản xuất và các chuyên gia an toàn thực phẩm, ngày 31/8/2016, bà Trần Thị Dung được Bộ Nội Vụ cho biết có một bộ hồ sơ khác xin thành lập “Hội Nước mắm Việt Nam”. Ban vận động thành lập Hội Nước mắm Việt Nam gồm PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế; PGS.TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Đặc biệt, trong danh sách còn có 6 doanh nghiệp thành viên của Masan và một số nhà cung cấp cho tập đoàn này. Bộ Y tế đã công nhận ban vận động thành lập “Hội Nước mắm Việt Nam” (tuy không đúng thẩm quyền). Vì vậy, cho đến nay việc thành lập “Hiệp hội Nước mắm Truyền thống” vẫn bị vô hiệu hóa.
Theo nhà báo Thảo Vy (VNTB), thông thường trong cạnh tranh thương mại, người ta có 2 cách để triệt hạ đối thủ. Một là dùng phương cách để người tiêu dùng tẩy chay (dựa trên nỗi sợ hãi); Hai là dùng chính sách quản lý của nhà nước (để bóp nghẹt) như tham nhũng chính sách. Bà Vũ Kim Hạnh chua chát nhận xét: “Gọi ông Nguyễn Đăng Quang (chủ Masan) là ông “trùm nước mắm” cũng đúng, với thị phần áp đảo, có lẽ gần 80%”. Nhưng đó không phải do cạnh tranh sòng phẳng (trên thị trường), mà do tận diệt lẫn nhau (như chiến trường).
NQD. 14/03/2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-3-19