Quyền tự do ngôn luận là của… chính quyền!

FB Mạnh Đặng

11-3-2019

Sự kiện chính quyền Phường 6, Quận Tân Bình tổ chức cưỡng chế giải tỏa khoảng 500 căn nhà và thu hồi đất của người dân Vườn rau Lộc Hưng vào các ngày 04 và 08/01/2019, đẩy hàng trăm hộ gia đình ra đường ngay trước tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc chỉ đôi mươi ngày gây bức xúc trong công chúng.

Sau khi sự kiện xảy ra, người dân đã tố cáo một loạt hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo UBND TP.HCM và Giám đốc Công an TP.HCM đối thoại. Nhưng tất cả đều rơi vào sự im lặng đáng ngờ. Kể cả, sự thúc bách bằng văn bản chính thức của Thanh Tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, phía chính quyền vẫn tiếp tục sử dụng các phương tiện truyền thông chính thức để tự bào chữa, bảo vệ cho các hành động của mình một cách đơn phương. Không chỉ vậy, mà còn thông tin sai lệch vấn đề, sai đối tượng và dùng nhiều lời lẽ phỉ báng người dân, vốn là những nạn nhân đau khổ của việc tổ chức giải tỏa nhà đất trái pháp luật.

Đối diện trước thực tế : Chính quyền không giải quyết sự việc, mặc nhiên từ chối đối thoại … Buộc lòng, người dân phải dùng quyền tự do ngôn luận của mình bằng giải pháp tổ chức họp báo để lên tiếng về những đau thương, mất mát, bất công mà họ đang phải gánh chịu. Điều này giúp công chúng có cái nhìn đa chiều, khách quan về sự việc hơn là chỉ nghe thông tin một chiều.

Theo đó, sáng ngày 11/03/2019, người dân Vườn rau Lộc Hưng đã đến Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM để nộp bản Thông báo tổ chức họp báo theo quy định.

Theo kế hoạch, buổi họp báo sẽ thực hiện vào 14h30’ chiều thứ tư, ngày 13/03/2019, tại sảnh họp thuộc Nhà hàng Đoàn Viên, số 06 Huyền Trân Công Chúa, P.Bến Thành, Q.1. TP.HCM. Thành phần khách mời khá rộng rãi, không chỉ giới hạn trong phạm vi các báo, đài có quan tâm đến sự kiện chính quyền giải tỏa nhà đất tại Vườn rau Lộc Hưng. Mà đồng thời, khách mời dự bao gồm cả các cơ quan chính quyền từ UBND TP.HCM, UBND Q.Tân Bình và UBND P.6, Công an TP.HCM, Thanh tra …

Trước đó, ngày 09/03/2019, Nhà hàng Đoàn Viên đã nhận khoản tiền đặt cọc giữ chỗ để cho thuê sảnh họp thực hiện sự kiện họp báo này. Khi đặt cọc, phía bên thuê đã nhấn mạnh về mục đích thuê để nhờ sắp xếp bàn ghế phù hợp.

Tuy vậy, trong cùng ngày người dân đến Sở TT và TT để nộp bản thông báo tổ chức họp báo, thì ngay cuối buổi chiều, quản lý Nhà hàng đã hộc tốc điện thoại và nhắn tin ngay cho người đặt chỗ rằng (trích nguyên văn): “Là do từ ngày 13 trở về sau nhà hàng con sửa chữa các phòng nên tạm ngưng phục vụ các phòng … mong chú thông cảm”!?

Thật ra, việc nhà hàng hủy hợp đồng cho thuê sảnh họp không nằm ngoài dự kiến của người dân và các luật sư hỗ trợ pháp lý. Việc tổ chức tại nhà hàng chỉ là phép thử và đã sớm cho ngay kết quả như dự đoán.

Không hề gì, việc họp báo sẽ vẫn được thực hiện với địa điểm khác. Có thể, báo chí chính thống sẽ không tham dự và chúng ta có thể hiểu việc đó. Vấn đề là không chỉ báo chí chính thống quan tâm đến sự việc …

Qua việc này cho thấy, quy định về quyền tự do ngôn luận của người dân có thể đã là một sự nhầm lẫn của hiến pháp. Bởi lẽ, sau khi chính quyền sử dụng toàn bộ cơ quan ngôn luận chính thức để tự do ngôn luận bào chữa, bảo vệ cho hành vi phá hủy nhà cửa và thu hồi đất đai, thì bây giờ, tiếp tục sử dụng “biện pháp nghiệp vụ” để ngăn cản sự ngôn luận của dân. Rất rõ, quyền tự do ngôn luận là của chính quyền chứ không phải của người dân. Hiến pháp đã nhầm và người dân cũng nhầm!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.