11-3-2019
Nước mắm có quyền lực của riêng mình. Nó tác động không chỉ túi tiền người mua và người bán, mà còn là những xúc cảm và giá trị ẩn sâu mang tính hồn cốt dân tộc. Và nước mắm dùng quyền lực để “sai khiến” người viết phải viết ra những câu chuyện liên quan đến “trend nước mắm” dậy sóng mạng xã hội những ngày qua.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu gọi nước mắm là hồn cốt của dân tộc. Điều đó không sai!
Những dị sản mà lịch sử để lại và nhân dân chấp nhận, gìn giữ đang dần mai một, không chỉ riêng nước mắm. Nhưng trong “dòng chảy ngầm” của quốc gia, vẫn có những người âm thầm gìn giữ và bảo vệ chúng. Đó là bảo vệ tuổi thơ, bảo vệ ký ức, bảo vệ những giá trị cơ bản hun đúc nên từng cá nhân hiện nay. Lớn hơn, đó chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ bản sắc dân tộc, bảo vệ phẩm giá và lương tri con người.
Giai đoạn rộ lên về việc triển khai thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận, người dân làng nghề Phước Diêm, Cà Ná đã nói không với thép. Tôi cứ nhớ mãi cái xưởng làm nước mắm đang đóng cửa của người làm nước mắm Lê Lâm. Anh Lâm chỉ cái xưởng phủ một lớp bụi dày, các hầm ủ mắm cạn trơ, máng nhện đóng đầy khắp nơi và nói: “Từ năm 2010 đến nay kiếm cá cơm, cá nục khó hơn rất nhiều, giá cá làm nước mắm tăng cao quá sức chịu đựng của tôi. Nay nếu thêm tập đoàn Hoa Sen về làm thép thì tôi nghĩ chỉ còn có cách ăn muối mà sống“.
Sở dĩ Lê Lâm và bà con nơi đó quyết liệt phản đối dự án thép vì cách họ chừng 10km thôi là những siêu dự án mang chung cái tên: nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Nước súc xả đường ống và làm mát lò hơi nhiệt điện đã khiến ngư trường truyền thống Vĩnh Tân chết hẳn. Dân dám nói chết hẳn vì dân đã lặn xuống đó để xem san hô chết ra sao. Mặt biển vẫn xanh, đáy biển chết chóc và không có cá.
Xin nhắc lại lời ngư dân Nguyễn Dắn ở Cà Ná có nhiều năm đánh bắt ở ngư trường truyền thống Vĩnh Tân: “Tôi mong chính quyền Ninh Thuận và Chính phủ phải cứng rắn với dự án thép. Nơi đây chỉ có nắng và gió để làm muối, đến mùa khô hạn thì nước không đủ cho bà con dùng và cứu hạn thì tại sao lại ưu tiên nước cho dự án thép? Tôi phản đối dự án thép vì không chỉ cho bản thân mình, cho bà con Cà Ná, Phước Diêm mà còn cho đời con, đời cháu chúng tôi!”
Dự án thép tạm dừng. Vâng, chỉ là tạm dừng thôi. Nhưng cái xưởng làm nước mắm và những mẻ là cá cơm đã mất. Cà Ná thuộc Ninh Thuận, Vĩnh Tân thuộc Bình Thuận về địa giới hành chính. Nhưng văn hoá bản địa (và môi trường tự nhiên) lại không có địa giới nào chia cách được ngoại trừ những quyết định bậy bạ của con người. Mới đây, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường đã bị kiểm điểm liên quan đến quy hoạch Vĩnh Tân. Vâng, chỉ là kiểm điểm thôi.
Những hậu quả để lại đâu chỉ là một xưởng làm nước mắm “qua đời”. Nó càng không chỉ là những âu thuyền lịch sử bị lấy làm cảng nhập than cho nhiệt điện. Nó có thể là sự đứt gãy một nghề truyền thống lâu đời. Như cái cách mà chính quyền Hà Tĩnh đưa ngư dân… lên núi tái định cư vậy. Sự đau đớn khi xa biển, xa nghề lưới là một sự đau đơn mang tính lịch sử rất cao. Cũng vì nhiệt điện, vì thép hay vì nhân danh an ninh năng lượng, nhân danh phát triển quốc gia.
Và nay còn có những kẻ nhân danh sức khỏe người tiêu dùng để âm mưu tiêu diệt nước mắm – tương đương tiêu diệt một trong các giá trị hồn cốt dân tộc, trên diện rộng.
Mất quốc hồn quốc túy chính là mất bản sắc dân tộc. Nhẹ thì mất khả năng cạnh tranh trong thế giới phẳng này nhờ các đặc trưng văn hoá riêng biệt. Nặng hơn thì dễ tôn thương trước xâm lược mềm lẫn xâm lược quân sự. Quốc gia sở dĩ đứng vững ngàn năm chính là nhờ bản sắc.
Tôi chọn cho mình cách không thoả hiệp với những âm mưu tiêu diệt nước mắm truyền thống. Tôi chọn một quán ăn vì nó không dùng thứ nước chấm công nghiệp đội lốt nước mắm. Tôi chọn cho riêng mình và gia đình, bạn bè những chai nước mắm ngon để dùng trong bữa ăn như là cách sẻ chia các giá trị sống. Đó là “quyền lực tiêu dùng” cá nhân tôi. Các bạn cũng có “quyền lực” ấy!
Nước chấm công nghiệp có thể tạo ra được một tỉ phú đô la mới cho Việt Nam. Nhưng nó cũng chấm dứt sinh kế lẫn bản sắc văn hoá của nhiều làng nghề nước mắm của quốc gia này. Không giữ gìn “quyền lực nước mắm” chính là tự thân tước bỏ “quyền lực tiêu dùng” cá nhân mình. Chấm hoá chất và tiếp tay gian thương giết nước mắm truyền thống không phải là cách một người có lương tri và kiến thức lựa chọn.
Nói cho tôi biết bạn dùng nước mắm hay nước chấm, tôi sẽ nói bạn là ai…