6-3-2019
Có lẽ công an tỉnh Bắc Giang đã dựa vào quan điểm của cựu thẩm phán TAND Tối cao Đinh Văn Quế trong bình luận khoa học của ông đối với Bộ luật hình sự năm 2005. Trong bình luận của mình, ông Quế định nghĩa “Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.” Nếu xét theo định nghĩa có phần hẹp này thì thầy giáo ở Bắc Giang rõ ràng không có hành vi dâm ô. Cách giải thích này được cơ quan chấp pháp áp dụng khá đồng nhất trong nhiều vụ án liên quan đến hành vi dâm ô từ đó đến nay.
Thẩm phán Quế là một học giả và quan toà đáng kính trong ngành luật hình sự Việt Nam nhưng quan điểm của ông, tuy có tính diễn giải rất cao, tất nhiên không thể tránh khỏi những bất cập. Chẳng hạn như trong trường hợp này.
Nhưng thẩm phán Quế không đáng trách, trái lại người như ông và các tác phẩm bình luận khoa học là rất đáng quý. Nó lắp được những chỗ trống quá to tồn tại trong pháp luật Việt Nam. Nó chỉ lối cho những tư duy pháp lý đúng nghĩa (chính xác hay không là câu chuyện khác), điều quá thiếu trong các bản án Việt Nam.
Công an tỉnh Bắc Giang họ cũng không đáng trách, tuy chắc chắn không thể khen ngợi họ được. Trong một môi trường quá cứng nhắc về mặt pháp luật thành văn, chắc chắn công an tỉnh Bắc Giang không thể làm gì khác hơn là tuân theo từng câu từng chữ của pháp luật (hoặc những diễn giải, cách hiểu có tính pháp luật). Nó thể hiện qua lời phát biểu của viên trung tá Bắc Giang khi cho rằng thầy giáo không có hành vi dâm ô có lẽ là vì y không đụng chạm vào bộ phận sinh dục hoặc bộ phận nhạy cảm của các học sinh nhưng sau đó lại từ chối giải thích xem “bộ phận nhạy cảm” là nơi nào vì “không thuộc chức phận của mình” (vậy thuộc về ai và anh căn cứ ở đâu để giải quyết?).
Điều đáng trách chính là tư duy pháp luật một cách máy móc, lười biếng, và thiếu phân tích pháp lý vốn dĩ đã ăn sâu vào hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đã bao nhiêu lần chúng ta lắng nghe câu nói, chưa có luật nên cơ quan Nhà nước chưa thể giải quyết công việc cho người dân? Hay ngay khi có luật, bao nhiêu đạo luật bị treo lại (tức ý chí Quốc hội bị đình trệ) vì chính phủ từ chối ra nghị định hướng dẫn thi hành? Sự lệ thuộc quá mức vào luật thành văn và câu chữ của nó khiến cho mọi thứ đình trệ, việc áp dụng trở nên cứng nhắc, và hậu quả là những vụ việc như thế này diễn ra.
Tâm lý áp dụng pháp luật ở Việt Nam còn bị chi phối bởi việc cơ quan Nhà nước cho rằng (hoặc giả vờ cho rằng) văn bản pháp luật đã quá rõ ý và người dân buộc phải đọc và hiểu nó như cách cơ quan Nhà nước (hay chính xác hơn là chính người cán bộ giải quyết vụ việc) đang hiểu. Bao nhiêu lần người dân được cán bộ bảo về đọc lại luật A, luật B, nghị định C và làm theo trong khi cốt lõi vấn đề đó là ngôn ngữ của các đạo luật vốn dĩ đã không rõ ràng và cần sự hướng dẫn từ cơ quan Nhà nước? Công việc (và có khi là công lý) bị đình trệ (hoặc từ chối) chính từ sự rụt rè này.
Những bản án, quyết định áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước đang quá thừa thải những “cơ sở pháp lý”, “căn cứ văn bản”, mà thiếu đi những diễn giải, phân tích pháp luật thấu đáo. Có ai dám tin rằng trong lịch sử ít nhất là 15 năm của tội dâm ô với trẻ em, chưa bao giờ có một bản án hoặc một nghị quyết nào của TAND tối cao cung cấp một định nghĩa rõ ràng về hành vi này? Thiếu vắng những phân tích pháp lý rõ ràng, việc áp dụng pháp luật trở nên khiên cưỡng, và cơ quan Nhà nước trở nên lười biếng, ỷ lại vào những hướng dẫn mang tính cằm tay chỉ việc. Để rồi khi thực tiễn thách thức luật thành văn, thay vì tìm cách giải thích lại những quy định hiện hành, người ta lại tốn thời gian (và tiền của) để đi sửa luật. Một nền pháp luật như thế chắc chắn không thể phát triển được. Một nền pháp luật như thế có thể cho ra những hành vi, bản án đúng pháp luật nhưng chắc chắn sẽ thiếu đi công lý, công bằng.
Người dân thì chỉ quan tâm đến công bằng, công lý chứ không quan tâm đến đúng pháp luật hay không.
Tại Dak Lak vừa xảy ra một vụ án thương tâm khi một tài xế xe tốc hành vì không nỡ để đứa trẻ 2 tuổi chạy lang thang ngoài đường giữa trời khuya nên đã ẵm đứa nhỏ lên xe để đi tìm cơ quan chức năng nhờ giải quyết. Rốt cuộc, anh bị kết án tù vì tội giữ người trái pháp luật. Tất nhiên, soi chiếu kĩ càng câu chữ thì rõ ràng hành vi đã được cấu thành và anh là một tội phạm. Anh là tội phạm đúng như cách mà một đứa trẻ sẽ phạm tội cướp giật nếu nó bày trò giựt mũ, cướp cặp của bạn mình trong sân trường vậy.
Khi ta đi giải thích lý do của một hiện tượng như vậy, sẽ là bất công nếu ta chỉ chĩa mũi dùi vào hệ thống toà án hay cơ quan chấp pháp mà bỏ qua thực tế rằng họ sống trong một hệ thống từ lâu không khuyến khích họ làm điều đó. Tất cả xuất phát từ một tâm lý tôn sùng luật thành văn và cho rằng nếu để quá nhiều khoảng trống cho toà án giải thích thì sẽ tạo ra những chính quyền do các ông toà nắm giữ, thứ mà người ta hiểu lầm là bản chất của chính quyền Mỹ. Thẩm phán ở Việt Nam chịu sự giám sát không chỉ từ người dân, Quốc hội, mà còn bởi hệ thống đảng phái và đặc biệt là Viện kiểm sát, cơ quan vừa là một bên trong tố tụng, vừa có quyền bắt lỗi thẩm phán nếu họ cho rằng thẩm phán áp dụng sai pháp luật. Và người thẩm phán sẽ không được bổ nhiệm lại nếu như họ bị coi là áp dụng sai pháp luật một mức độ nhất định trong một nhiệm kỳ. Thẩm phán từ đó e dè hơn với những phân tích của mình và luôn đi tìm kiếm những quy định thành văn của Quốc hội hoặc chính phủ.
Những nỗ lực từ TAND Tối cao như việc cho ra đời các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn pháp luật hay gần đây là việc công bố các án lệ phần nào là một cách để giành lại uy quyền cho toà án, nhưng nó vẫn là quá ít trước hằng hà sa số những văn bản và tình huống pháp luật phát sinh trong đời sống. Không biết mọi người nghĩ sao nhưng bản thân mình cảm thấy vị thẩm phán xét xử vụ án Grab và Vinasun là một người rất đáng tội nghiệp khi phải xử lý một vụ việc quá mới, quá phức tạp khi ông không có vũ khí, uy quyền, lẫn sự tự tin trong tay. Không thể trông chờ những bản án tốt từ một môi trường như vậy. Chúng ta phải thấy cách mà nền pháp luật thương mại Trung Quốc cất cánh sau khi những thẩm phán của họ được “cởi trói” thì mới hiểu được nguyên nhân của sự trì trệ tại Việt Nam.
Tóm lại, nguyên nhân của một nền pháp luật có vẻ thiếu công bằng xuất phát từ sự thất bại của luật thành văn. Luật thành văn thất bại không phải vì nó không đủ rõ ràng hay không đầy đủ (vì đó là điều không thể) mà là vì nó không đóng đúng phận sự của nó là cơ sở cho những phân tích pháp lý, chứ không phải là một dạng kinh thánh phải làm theo từng câu từng chữ. Luật thành văn không đóng đúng phận sự vì những cơ quan pháp luật e ngại việc diễn giải và phân tích để làm giàu có thêm hệ thống pháp luật. Cơ quan pháp luật e ngại là vì hệ thống chưa bao giờ khuyến khích họ làm điều đó, vì nhu cầu tập trung quyền lực. Hậu quả của tất cả những điều trên là một những bản án đúng pháp luật nhưng thiếu công bằng, thiếu thuyết phục, thiếu thực tiễn, là một nền tư pháp yếu ớt vì mất đi quyền uy, là một nền lập pháp chỉ chăm chăm chạy đi vá lỗi cho luật thành văn, và là một xã hội ngày càng mất dần lòng tin vào sự chính trực của pháp luật mà đại diện phải là các vị thẩm phán có đầy đủ quyền uy.