LTS: Bài báo: Trung Quốc đưa “dân quân” vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa, đăng trên trang Infonet khoảng năm tiếng trước, hiện đã bị gỡ khỏi các trang mạng. Chúng tôi xin được đăng lại tại đây để phục vụ quý độc giả chưa kịp đọc.
____
Thứ ba, 05/03/2019, 17:30 (GMT+7)
Bắc Kinh đã cho điều động lực lượng “dân quân” bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Phlippines chiếm đóng trái phép.
Ngày 5/3, tờ News.com.au (Australia) dẫn nguồn tin từ hãng tin AFP cho biết, Trung Quốc còn ngăn chặn ngư dân Philippines tiến lại gần đảo Thị Tứ để đánh bắt.
Theo ngư dân Philippines, họ đã bị các tàu Trung Quốc ngăn không cho tiến lại những ngư trường truyền thống.
Hôm 4/3, theo Benar News, các nhà hoạt động đã tiến hành biểu tình bên ngoại đại sứ quán Trung Quốc để phản đối việc nhiều nguồn tin cho hay Trung Quốc ngăn chặn ngư dân Philippines tiến lại gần các ngư trường đánh bắt ở quanh đảo Thị Tứ.
Cuộc biểu tình này diễn ra sau 3 ngày Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố bảo vệ Philippines do có thông tin Trung Quốc được cho đã triển khai khoảng 95 tàu tới đảo Thị Tứ ở Biển Đông, để ngăn các hoạt động xây dựng của Philippines.
Trả lời trước truyền thông tại thủ đô Manila (Philippines), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển Đông đang đe dọa “chủ quyền, an ninh và hoạt động kinh tế” của Philippines cũng như của Mỹ.
“Do Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ hành vi tấn công quân sự nào nhằm vào quân đội, máy bay hoặc các tàu dân sự của Philippines trên Biển Đông sẽ buộc chúng tôi phải tham gia phòng vệ theo Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ chung mà hai nước đã ký kết”, ông Pompeo cảnh báo.
Gần đây, các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Philippines cũng cho hay hàng chục tàu thuyền Trung Quốc đã được triển khai tới neo đậu gần đảo Thị Tứ.
Cũng trong ngày 4/3, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte là ông Salvador Panelo tuyên bố chính phủ Philippines cần xác định lại thông tin Trung Quốc đánh chiếm đảo Thị Tứ nhưng cũng khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân Philippines.
“Ngư dân Philippines đánh bắt ở đây đã lâu. Không ai có quyền đuổi ngư dân của chúng tôi”, ông Panelo nói.
Đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa.
Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ.
Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ. Cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa (dựng bia trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5).
Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ.
____
Đây là bài viết của GS Phạm Quang Tuấn ở Úc: Về tin “Trung Cộng chiếm đảo Thị Tứ (Trường Sa)”.
Tin này hầu như không có truyền thông lớn nào để ý, trừ một tờ báo Úc đăng, tờ news.com.au, dựa vào 1 bài trên báo Phi: https://globalnation.inquirer.net/173395/chinese-boats-deny-pinoys-access-to-sandbars
Bài báo Phi này đăng lúc 6:30 sáng ngày 4/3/2019, tức là cách đây đã gần ba ngày. Nó không được coi là tin quan trọng và không có trong danh sách tin (headlines) của tờ báo.
Nội dung bản tin gốc trong tờ Inquirer là 1 video trong đó thị trưởng thành phố Kalayaan (mà Phi đã giao cho quản trị đảo Thị Tứ) than phiền rằng từ mấy tháng nay tàu đánh cá Tàu đã đậu ở 1 trong 3 doi cát (sandbar) chung quanh đảo, ngăn chặn ngư dân Phi, khiến họ chỉ đánh được quanh 2 doi cát còn lại. Video cũng chiếu hình ảnh những chiếc thuyền đó quay từ cuối tháng 1/2019. Bài báo cũng nói rằng một dân biểu Phi đã tố cáo những vụ tương tự từ năm 2017 nhưng chính phủ Phi bảo là không có.
Khi được hỏi là đã báo cáo với cấp trên chưa, thị trưởng Kalayaan bảo là chưa!
3 giờ chiều hôm đó tờ Philstar loan báo chính phủ Phi sẽ kiểm chứng (validate) vụ này: https://www.philstar.com/headlines/2019/03/04/1898583/palace-chinese-blockade-pag-asa-sandbars-validation
Tóm lại theo những gì tôi đã tìm được thì đây là 1 vụ “gậm nhấm” đã có từ lâu chứ không phải là Tàu đột nhiên mới làm, và cũng không có chuyện TC đột nhiên chiếm đảo Thị Tứ. Có lẽ tin vịt này là lỗi của tờ news.com.au, một tờ báo Murdoch thích giật tít giật gân, dùng cái tựa là “China suddenly snatches tiny island” (Tàu đột nhiên cướp lấy một đảo nhỏ) – sau đó tựa này đã sửa lại.