Trân Văn
29-1-2019
Cuối tuần trước, bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị tống giam cùng với ba viên chức, một đang là Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (Trần Nam Trang) và hai đã nghỉ hưu (Nguyễn Thành Rum, cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM. Vy Nhật Tảo, cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM).
Nếu tính cả ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM) đã bị tống giam trước đó, thì trong vụ án mà bà Diệp bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có ít nhất bốn viên chức đã tiếp tay cho bà Diệp biến công thự dành cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM thành tài sản của Công ty Diệp Bạch Dương (1), tạo điều kiện cho Công ty Diệp Bạch Dương lấy công thự vừa kể vay thêm tiền và giờ, thiếu Agribank khoảng 4.000 tỉ đồng, chưa kể hàng trăm tỉ tiền thuế chưa thanh toán.
Đầu tuần này, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án Trần Việt Tân (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Công an), Bùi Văn Thành (Trung tướng, cựu Thứ trưởng Công an) bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Phan Hữu Tuấn (Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Công an), Nguyễn Hữu Bách (Đại tá, Cục phó một cục của Tổng cục Tình báo Bộ Công an) bị cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả bốn đã tham gia vào việc tuyển dụng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm) làm “sĩ quan tình báo”. Lấy danh nghĩa “công vụ”, đề nghị hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bán rẻ hoặc cho Vũ “Nhôm” thuê với giá rẻ hàng loạt công thự, công thổ ở Đà Nẵng, Sài Gòn, gây thiệt hại ít nhất là 1.537 tỉ đồng (2).
***
Bà Diệp và Vũ “Nhôm” có một điểm chung: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và chỉ trong một thời gian ngắn trở thành giàu có đến mức “nứt đố, đổ vách”. Sự giàu có ấy của cả hai đều dựa trên việc được thuê, được mua các công thự, công thổ với giá rẻ như bèo và song hành với biệt đãi của hệ thống công quyền, cả hai còn được hệ thống ngân hàng dành cho đủ thứ ưu đãi nên hết sức dễ dàng trong việc kiếm bạc tỉ.
Cực giàu nên cả hai rất ngông, tìm đủ cách để khẳng định “đẳng cấp” của mình. Mạng xã hội và hệ thống truyền thông chính thức đã nói nhiều về sự ngông cuồng của Vũ “Nhôm” nhưng bà Diệp đâu kém: Đặt làm riêng một chiếc Rolls – Royce Phantom, tổng chi phí lên tới 2,3 triệu Mỹ kim, rồi bỏ tiền xây cho Công an Bình Định hai sân tennis để chiếc xe đó có thể mang tấm biển “độc nhất, vô nhị”: 77L-7777 (3).
Cũng giống như Vũ “Nhôm”, ngoài việc chơi ngông, bà Diệp luôn luôn tỏ ra hào phóng với người khác. Nếu Vũ “Nhôm” được tán tụng hết lời vì rộng rãi với thân hữu, láng giềng, kể cả bạn bè thưở còn hàn vi, những người “thất cơ, lỡ vận” thì bà Diệp nổi tiếng vì chỉ trong một thời gian ngắn góp tới ba tỉ đồng cho các chương trình từ thiện của báo Công an nhân dân. Bỏ ra 13 tỉ mua bức tranh “Văn Miếu – Văn hóa Việt” trong cuộc đấu giá do Quỹ Vì người nghèo tổ chức (4).
Báo Công an nhân dân – một trong những cơ quan truyền thông từng không tiếc lời ca tụng bà Diệp – còn quảng bá rộng rãi ý tưởng mà tờ báo này cho là rất độc đáo của bà Diệp: Dành 200 tỉ để lập quỹ – làm giải thưởng thường niên tặng cho những “Bao Công đích thực” của hệ thống tư pháp Việt Nam, giá trị mỗi phần thưởng hàng năm có thể sẽ lên tới cả triệu Mỹ kim (5)!
***
Mãi đến bây giờ, khi vô số công sản (cả động sản lẫn bất động sản) đã đổi chủ, chuyển thẳng từ sở hữu toàn dân vào tài khoản một số cá nhân, các viên chức hữu trách ở Việt Nam mới thừa nhận, đa số cá nhân mà trước nay, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vẫn xuýt xoa, trầm trồ về sự giàu có không bút nào tả xiết mà “vua đã biết mặt, chúa đã biết tên” chính là nhờ những bất hợp lý trong chính sách khai thác – sử dụng công sản, công thổ.
Tháng 10 năm ngoái, khi công khố đã thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, thu ít – chi nhiều, phải liên tục vay để vừa trả nợ, vừa cầm cự, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đề cập đến “công khai”, đến “đấu giá” công sản, công thổ, ngăn chặn thất thoát tài nguyên, nguồn lực quốc gia (6).
Trung tuần tháng này, các chuyên gia nhiều ngành tiếp tục thở than về chính sách đất đai đang tiếp tục làm nội lực quốc gia thất tán, bất công và bất ổn xã hội gia tăng, chỉ có một số rất nhỏ trở thành “giàu siêu tốc” (7). Với hệ thống chính trị như trước nay, tiếp tục thực hiện “qui hoạch nhân sự”, tước bỏ quyền lựa chọn đại diện cho mình của các công dân, giành – giữ đặc quyền sắp đặt một số cá nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, với hệ thống công quyền vẫn xem sự tách bạch giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm hạn chế lạm quyền là luận điệu, âm mưu của “thế lực thù địch, phản động”, gây nguy hại cho sự lãnh đạo toàn diện của đảng CSVN,… thì làm sao ngăn chặn để không có thêm những Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Hữu Tuấn, Nguyễn Hữu Bách, Nguyễn Thành Tài, Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum,… mới?
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là trước khối tài sản càng ngày càng kếch xù, phình ra trong một thời gian rất ngắn của một số cá nhân, đa số người Việt chỉ bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ mức độ sang, giàu của những cá nhân phá hết kỷ lục này tới kỷ lục khác.
Không ít người còn thấy tự hào vì chỗ mình cư trú trở thành nơi được ví von là… đáng sống, chứ không nhận ra rằng, những công trình kia, dự án nọ hủy hoại biển, rừng, đầu độc môi trường,… không nhận thấy rằng chính mình đang phải trực tiếp trả giá qua ngập lụt, kẹt xe, không gian sống càng lúc càng ngột ngạt, hậu quả thiên tai càng ngày càng tàn khốc.
Chẳng có bao nhiêu người thấy rằng, sở dĩ một số cá nhân có thể gây ngỡ ngàng vì tổng giá trị tài sản của họ tăng nhanh và lớn khác thường vì chúng kết tinh từ nước mắt, mồ hôi, sức lực, thậm chí tạm ứng trước tương lai của cả một dân tộc!
Trung tuần tháng này, qua tờ Tuổi Trẻ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup, “xuất đầu lộ diện” với hàng loạt tuyên bố, chẳng hạn, văn hóa riêng của Vingroup là “yêu nước, kỷ luật, văn minh”, đồng thời bày tỏ tham vọng sẽ buộc thế giới phải biết về một “Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp” (7).
Cũng trung tuần tháng này, The Guardian – một tờ báo ở Anh, đăng: “Redefine the skyline: how Ho Chi Minh City is erasing its heritage” (8) mà Zing – một tờ báo điện tử tại Việt Nam biên dịch lại rồi giới thiệu với tựa: “Báo Anh tiếc nuối những di sản và bản sắc ‘đang mất dần’ của TP.HCM” (9). Trong phóng sự vừa kể, The Guardian mô tả Vingroup như một gã khổng lồ vô tâm song thừa quyền lực nên có thể dễ dàng hủy diệt cả di sản lẫn bản sắc của nơi từng được xem như hòn ngọc Viễn Đông.
Đó là một kiểu… “yêu nước”, một kiểu… “văn minh”?
Rất nhiều người biết sự hủy diệt mà Vingroup đã, cũng như đang thực hiện, không chỉ tẩy sạch hồn, cốt của Sài Gòn mà còn triệt tiêu nguồn lực tiềm ẩn trong tương quan giữa bảo tồn với phát triển. Tại sao những dự án, công trình của Vingroup có thể mọc lên tại những vị trị tốt nhất trên khắp Việt Nam, bất kể cách thức thủ đắc hết sức bất thường, chưa kể rất nhiều dự án, công trình gây nguy hại ở đủ mọi khía cạnh, ví dụ như đe dọa sinh hoạt đô thị (dự án cao ốc của Vingroup ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội – 10), ví dụ như biến đổi dòng chảy, có thể dẫn tới sạt lở cả một khu vực (dự án Central Park tại Vinhomes Tân Cảng, Sài Gòn – 11),… nhưng không ai có thể can gián? Thậm chí hệ thống truyền thông chính thức còn biên tập lại phát biểu của Thủ tướng Việt Nam khi phát biểu đó không có lợi cho Vingroup!
Đó là một kiểu… “trí tuệ, đẳng cấp” mà thế giới có thể mục kích?
***
Ngoài đất, còn có đủ loại tài nguyên, nguồn lực khác của quốc gia đã bị biến thành “mỡ”, vỗ béo vô số viên chức từ trung ương đến địa phương, giúp một số cá nhân ghi tên vào danh sách những người giàu nhất ở cả Việt Nam lẫn trên thế giới.
“Mỡ” đó đã “rán” hàng trăm triệu người dúm dó vì bị thu hồi đất, vì chính sách an sinh èo uột, vì thuế càng ngày càng nặng, phí càng ngày càng đa dạng, vì môi trường sống bị ô nhiễm, vì kinh tế bất ổn, vì xã hội bất an, tương lai bất định…
Còn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại tài nguyên, nguồn lực quốc gia còn là “mỡ” và dân chúng may mắn không bị “rán” trực tiếp thì cũng bị “rán” gián tiếp. So với thiên hạ, sự khác biệt, nếu có, nằm ở chỗ, tâm trạng nhiều người bị “rán” vẫn tràn ngập sự cảm kích, ngưỡng mộ. Thảm hơn cả là vẫn… tự hào!
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/vu-nhom-loi-dung-cong-ty-binh-phong-thau-tom-dat-cong-2019012813183602.htm
(3) https://news.zing.vn/vi-sao-rolls-royce-cua-ba-bach-diep-la-doc-nhat-vo-nhi-post408761.html
(4) http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Nguoi-phu-nu-lap-nghiep-tu-ban-tay-trang-310752/
(6) https://news.zing.vn/chu-tich-quoc-hoi-nhieu-dai-gia-giau-len-tu-dat-post884807.html
(10) https://tuoitre.vn/xay-10-nha-50-tang-o-giang-vo-va-tham-hoa-thay-truoc-1250617.htm
(11) http://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/central-park-giong-het-cai-mo-han-de-doa-song-sai-gon-136152/
Đọc báo chí Việt Nam bây giờ thấy quá nhiều điều đáng lo âu, bất nhẫn và đầy phẫn nộ. Không như những trang báo các nước dân chủ, nơi người đọc có thể tìm đọc những trang chuyên môn, bình luận thời sự, chính trị, kinh tế, giải trí, tâm linh/tôn giáo, khoa học…tất cả đều rất mới lạ và hữu ích. Có phê bình ai kể cã lãnh đạo cũng rất nghiêm chính và sắc bén. Người đọc cũng có thể góp ý rôm rả. Ở VN báo chí bị kiểm duyệt gắt gao, nếu không là báo quốc doanh- kim chỉ đạo tư tưởng của giới bình dân-nếu không là để hô khẩu hiệu, sùng bái lãnh tụ, phô trương thành tích ảo thì lại lải nhải những luận điệu tuyên truyền chống phá răn đe những ý kiến bất mãn, chặn họng bất cứ ai đi ngược với chủ trương của đảng. Báo tư nhân thì nhan nhản những bài ca tụng thành tích cá nhân, suy tôn những gì thuộc về mình, dòng họ mình, những chiêu PR cho những cái “độc, lạ” chẳng ăn nhậu gì đến công ích xã hội. Làm như công việc của nhà báo bây giờ không phải là để săn tin tức trung thực hay lý luận phản biện nhằm kiến tạo một xã hội tốt đẹp, công bình hơn, mà chỉ là săn lùng (thật ra là sao chép trong các trang báo nước ngoài) những tin tức về kỷ lục, thành tích, các thói ăn chơi có một không hai, các ngôi sao sân khấu. Một “bộ phận không nhỏ” thì viết (mướn) về giới nhà giàu, nghệ sĩ thừa tiền lắm của muốn tự tâng bốc mình. Đôi khi tôi tự hỏi không biết nếu những bữa ăn của nhà chồng Tăng Thanh Hà, nhà bếp của Ngọc Trinh, bộ váy mới của hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, người yêu của thủ môn Bùi Tiến Dũng đẹp cỡ nào, lối sống sang chảnh của các thiếu gia nhà giàu VN v.v.. là tâm điểm chú ý của dư luận bây giờ, thì số phận biển đảo và tiến trình dân chủ của VN nằm ở đâu trong suy nghĩ của những bộ óc đã bị lập trình cho mụ muội toàn diện kia??? Thậm chí nhan sắc và gu ăn mặc một bà nhà giàu dáng thô kệch chưa lóng hết chất phèn nhưng có toà lâu đài 7 tầng ở Nam Định không hiểu sao lại tìm được đường vào một trang báo rất đông độc giả như Vietnam Net (*) như vậy?
Nếu một xã hội đi lên bằng hình thức kềm kẹp tư tưởng, ý thức trách nhiệm và văn hoá nghệ thuật thì sao chép, “tự sướng”, mì ăn liền như vậy có đi lên cũng chỉ bằng sức lao động của thanh niên đi làm mướn, làm gái, và kiều hối của thân nhân người đi định cư ở nước ngoài! Niềm tự hào Việt chỉ đến thế!
(*) https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nhan-sac-dang-nguong-mo-cua-ba-chu-toa-lau-dai-7-tang-o-nam-dinh-504701.html
Báo Cáo TBT
Đúng thế: Anh Lê Văn Tỵ ở tại 322 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 TP. HCM. Ngày 14/01/2019, đã làm đơn gửi Tổng Bí Thư xin ra khỏi Đảng chỉ vì lý do có đơn phản ánh, kiến nghị Khiếu Tố Khẩn Cấp đến Thủ Tướng, Bí Thư về “vụ chạy chức, chạy quyền” của ông Trần Văn Minh . Nhưng ngày 11/01/2019, ông Minh vẫn được Bổ nhiệm Phó Thanh Tra Chính Phủ.
Ông Minh từ năm 2007 được TTCP bổ nhiệm Trưởng Phòng Ma, Báo Điện Tử Làng mới ngày 8/6/2018 có bài Trưởng Phòng Ma; 1 năm sau 2008 ông Minh được Bổ nhiệm làm Cục Phó; Ngày 9/6/2010 ông Trịnh Long Biên Phó chủ nhiệm UBKT TW có văn bản 4344 yêu cầu TTCP bồ nhiệm ông Minh làm Hàm Cục Trưởng và 7 ngày sau có QĐ số 2009 cho ông Minh chuyển sang UBKT TW ; năm 2012 ông Minh được Bổ nhiệm Vụ Trưởng Tiếp Dân; Hai năm sau ngày 14/3/2014 ông Minh được Chạy luân chuyển làm Phó Bí Thư Quảng Ngãi nay là Phó Thanh Tra Chính Phủ, “Hơn 1 năm lên 1 chức, không luồn cuối không chạy sao lên được”.
Trang Chân Dung Quyền Lực ngày 14/1/2019 có Bài Một Nữ Doanh Nhân gốc Quãng Ngãi Lobby cho ông Minh lên chức này.
Một số comment trên Báo Tiếng Dân ngày 13/1/2019 còn cho rằng ông Minh thi Đại học rớt, học tại chức tại sao có bằng Tiến sỹ, Bạn đọc còn cho rằng ông Minh ăn cắp luận án Tiến sỹ của ông Nguyễn Văn Lạng nguyên Chủ Tịch tỉnh Daklak viết về Đề Tài Ván Ép để bảo vệ.
Dư luận xã hội rất bất bình vì quá bất công vì có một sản phầm Hỏng, luồn cuối , vô liêm sỹ được dâng lên “Bàn thờ” cúng Ông Bà. Còn ông Tỵ phải xin ra khỏi Đảng
Báo Cáo TBT
Anh Lê Văn Tỵ ở tại 322 Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 TP. HCM. Ngày 14/01/2019, đã làm đơn gửi Tổng Bí Thư xin ra khỏi Đảng chỉ vì lý do có đơn phản ánh, kiến nghị Khiếu Tố Khẩn Cấp đến Thủ Tướng, Bí Thư về “vụ chạy chức, chạy quyền” của ông Trần Văn Minh . Nhưng ngày 11/01/2019, ông Minh vẫn được Bổ nhiệm Phó Thanh Tra Chính Phủ.
Ông Minh từ năm 2007 được TTCP bổ nhiệm Trưởng Phòng Ma, Báo Điện Tử Làng mới ngày 8/6/2018 có bài Trưởng Phòng Ma; 1 năm sau 2008 ông Minh được Bổ nhiệm làm Cục Phó; Ngày 9/6/2010 ông Trịnh Long Biên Phó chủ nhiệm UBKT TW có văn bản 4344 yêu cầu TTCP bồ nhiệm ông Minh làm Hàm Cục Trưởng và 7 ngày sau có QĐ số 2009 cho ông Minh chuyển sang UBKT TW ; năm 2012 ông Minh được Bổ nhiệm Vụ Trưởng Tiếp Dân; Hai năm sau ngày 14/3/2014 ông Minh được Chạy luân chuyển làm Phó Bí Thư Quảng Ngãi nay là Phó Thanh Tra Chính Phủ, “Hơn 1 năm lên 1 chức, không luồn cuối không chạy sao lên được”.
Trang Chân Dung Quyền Lực ngày 14/1/2019 có Bài Một Nữ Doanh Nhân gốc Quãng Ngãi Lobby cho ông Minh lên chức này.
Một số comment trên Báo Tiếng Dân ngày 13/1/2019 còn cho rằng ông Minh thi Đại học rớt, học tại chức tại sao có bằng Tiến sỹ, Bạn đọc còn cho rằng ông Minh ăn cắp luận án Tiến sỹ của ông Nguyễn Văn Lạng nguyên Chủ Tịch tỉnh Daklak viết về Đề Tài Ván Ép để bảo vệ.
Dư luận xã hội rất bất bình vì quá bất công vì có một sản phầm Hỏng, luồn cuối , vô liêm sỹ được dâng lên “Bàn thờ” cúng Ông Bà. Còn ông Tỵ phải xin ra khỏi Đảng