10-1-2019
(Bài viết chắc chắn sẽ đụng chạm rất nhiều người, nhưng xin lỗi tôi vẫn muốn viết nó)
Trong hầu hết các sự kiện giữa nhà cầm quyền và người dân, tôi nhìn thấy đa số các học giả, luật gia, nhà báo, những người có tiếng nói chỉ lao vào mổ xẻ khi mọi thứ đã tan nát hết, khi mà một nỗi đau nào đó đã hiện hữu trước mặt họ.
Có phải các anh chị sợ mình sẽ bênh sai cho người dân và làm mất đi tiếng nói của mình? Tôi cũng nhiều lần sợ như vậy lắm, sợ mình chưa nắm kỹ mà nói rồi người khác cười cho.
Giữ mình ở thế trung lập và đưa tin chuẩn xác là tốt. Nhưng giá như mà các anh chị nghĩ nhiều hơn đến oan khuất và nỗi đau của những người thấp cổ bé họng. Tôi tin chắc các anh chị sẽ bước ra khỏi cái máy tính và chiếc điện thoại của mình để tìm đến với những người đang cần mình lên tiếng.
Trong vụ vườn rau Lộc Hưng, cũng như nhiều vụ việc khác, tôi thường thấy nhiều người luôn nói tại sao người dân không chịu trưng ra bằng chứng pháp lý mà chỉ nói miệng. Nhưng tôi không thấy được mấy người đến và hướng dẫn cho người dân làm điều đó.
Người dân, họ không hiểu biết, vì vậy họ cần luật gia tư vấn và cần nhà báo khai thác thông tin.
Vào cái đêm trước ngày bị san phẳng, người dân vườn rau mừng rỡ nói với nhau rằng, sau bao nhiêu ngày báo chí trốn tránh họ, cuối cùng cũng có một tờ báo là Sài Gòn Giải Phóng đến tìm họ và họ đã cho coi hết giấy tờ liên quan rồi.
Giấy tờ đó, đúng sai tôi chưa cần biết. Nhưng tôi thiết nghĩ là là một nhà báo hay là một luật gia trách nhiệm của họ phải là lên tiếng trước khi đau thương xảy đến với người dân và sự việc đi quá xa cách khắc phục.
Thế nhưng, hiếm có sự trợ giúp nào cho họ trong giờ phút họ cần nhất. Thậm chí tôi thấy có những luật gia, sau khi nhà người ta bị ủi sạch, đồ người ta bị cướp trắng, ngồi đó một chỗ, phân tích những giả định của luật rồi nói những người lên tiếng là cẩn thận bị hớ.
Tôi nhớ trong một buổi học luật, luật sư Lê Công Định từng nói với tôi rằng, khi anh ra nước ngoài học về luật anh phải bắt đầu học lại từ đầu vì tất cả những thứ luật anh học được ở Việt Nam đều trật hết. Ở nước văn minh, điều luật được xây dựng vì quyền lợi của nhân dân, lấy dân làm trọng điểm bảo vệ. Còn ở Việt Nam không phải thế, luật Việt Nam được xây dựng để quản lý, cai trị người dân. Cái khác nhau này làm nên sự oan sai và bất công ở Việt Nam ngày càng nhiều.
Hơn nữa, tôi tin chắc những ai học luật Việt Nam đều nhìn thấy rõ rằng nó chồng chéo và vì phạm Hiến pháp như thế nào. Chúng ta đang sống trong chế độ Cộng Sản, chế độ độc đảng toàn trị. Trong chế độ này, nếu ngồi đó để các anh chị moi móc về luật phân tích thì kiểu gì thì kiểu người dân cũng không bao giờ có thể đúng hoàn toàn.
Trong cái giờ phút mà người dân cần các anh chị nhất, các anh chị không có mặt. Trong lúc các anh chị chưa chịu đi tìm hiểu, tìm các bằng chứng, văn bản, giấy tờ người dân đưa ra, các anh chị ngồi giả định với nhau và đưa ra các ví dụ tận đâu đó, những giả thiết từ cái bộ óc của mình và khuyên nhau cẩn thận đừng nóng nảy lên tiếng.
Thật sự tôi thấy các anh chị đáng sợ hơn cả những kẻ ủi phá nhà dân ngày hôm trước.
Với những người ngồi phân tích giả định đúng sai là một loại cảm xúc, với những người có khả năng lên tiếng trước đó nhưng không, chỉ khóc thương sướt mướt, bênh vực người dân bằng những bài viết sau khi chuyện đã rồi tôi lại có một thứ cảm xúc khác nữa. Rất khó diễn tả cảm xúc khi tôi đọc các bài viết hay đầy lý lẽ của họ.