Nguyễn Tuấn Khoa
8-1-2019
Chiến tranh Việt-Miên đã kết thúc 40 năm nhưng những thông tin trong nước về cuộc chiến này vừa thiếu vừa không đáng tin cậy. Năm 1986, ông Nayan Chanda, ký giả Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông cho xuất bản quyển Huynh Đệ Tương Tàn (Brother Enemy) nói về cuộc chiến giữa các nước CS anh em sau khi Sài Gòn thất thủ.
Quyển sách ngay lập tức gây tiếng vang, đến nỗi đài BBC đã dịch chạy để đọc hàng ngày trong suốt 3 tháng. Năm 2004, giáo sư Lê Xuân Khoa cho xuất bản quyển sách: Việt Nam 1945-1995 — Chiến tranh, Tị nạn và Bài học lịch sử, với phân tích sâu sắc dựa trên dữ liệu đáng tin cậy.
Nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh, tôi đọc lại 2 quyển sách trên, ghi lại vài sự kiện quan trọng và góc nhìn của người Khmer để cùng nhau suy gẫm.
Mốc thời gian trong chiến tranh Việt-Miên
Ngày 03/05/1975 được xem là ngày bắt đầu cuộc chiến với Khmer Đỏ. Pol Pot chiếm đảo Phú Quốc, bảy ngày sau chiếm đảo Thổ Chu, sau đó đánh từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Khmer Đỏ đánh lớn cấp sư đoàn vào giữa năm 1977 với sự hậu thuẫn của Trung Cộng.
Từ tháng 9-11/1977 Khmer Đỏ dùng 5 sư đoàn đánh vào tất cả các tỉnh biên giới với VN.
Năm 1978, Việt Nam đề nghị chấm dứt chiến tranh, đơn phương rút quân cách biên giới 5 km. Polpot bác đề nghị, không rút quân, tăng quân chủ lực tại biên giới và chuẩn bị tấn công.
Ngày 22/12/1978, Polpot huy động 19 sư đoàn đánh vào Bến Sỏi (Tây Ninh) với ý định đánh về hướng Sài Gòn. Việt Nam đánh chặn thành công tại biên giới và mở đợt tổng phản công đến tận Phnom Penh.
Ngày 7/01/1979, quân đội Việt Nam kiểm soát toàn cõi Campuchia. Polpot đào thoát sang Thái Lan. Heng Samrin (do Việt Nam dựng lên) tuyên bố thành lập chính phủ.
Dù Polpot đã gần như tan rã nhưng Việt Nam vẫn duy trì khoảng 200.000 quân cùng cán bộ hành chánh, trong ròng rã 10 năm trời. Thời gian đó đủ để Việt Nam sinh con đẻ cái, xây dựng được hệ thống chính trị – quân sự, dưới vỏ bọc là dân Khmer.
Năm 1989, dưới sức ép của quốc tế, dưới sự chống đối của dân chúng Campuchia và sự kiệt quệ kinh tế, Việt Nam buộc phải rút quân.
40 năm đã qua, nhà cầm quyền VN vẫn giấu kín con số tử vong. Mặc dù ai cũng thấy được tổn thất khủng khiếp do cuộc chiến này để lại, tuy nhiên vẫn còn có những quan điểm trái ngược về việc rút quân của quân đội Việt Nam.
Theo giáo sư Lê Xuân Khoa: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã làm hỏng một cơ hội lịch sử lớn, gây thêm thù oán trong lòng người Khmer và khó thiết lập được sự hợp tác thân hữu giữa hai dân tộc. Nếu sau khi đã đánh đuổi được Pol Pot, Việt Nam công bố rút quân theo một lịch trình rõ rệt và chứng tỏ thiện chí giúp đỡ cho Campuchia được ổn định và độc lập thì đã được dân chúng Khmer biết ơn và được quốc tế hoan nghênh, tạo được thắng lợi lớn về ngoại giao và hưởng nhiều lợi ích lâu dài“.
Rõ ràng, chiếm đóng 10 năm, Việt Nam không thể dùng chiêu bài “nghĩa vụ quốc tế” để biện minh cho hành động xâm lược của mình. Hậu quả nặng nề từ hành động này là Mỹ khước từ đề nghị bình thường hóa quan hệ với Việt Nam mà chọn Trung Quốc, kẻ thù của Việt Nam lúc đó. Tệ hơn nữa, cấm vận thương mại của Mỹ trì hoãn cho đến 19 năm sau (1994) nhưng thực sự là 24 năm khi có quy chế tối huệ quốc (1999), đã gây nên cuộc sống tang thương cho cả nước, không khác gì miền Bắc trước 1975.
Làm ơn mắc oán
Sau khi Polpot bỏ chạy, dân Phnom Penh trở lại thành phố hoang tàn từ những trại tập trung nơi rừng thiêng. Họ mang ơn cứu mạng của người Việt Nam nhưng chẳng bao lâu họ lại bị thất vọng và bất mãn với những người đã cứu sống họ. Nayan Chanda đã cho thấy một phần nguyên nhân của sự bất mãn đó:
“Hàng trăm ngàn người đi đường bộ để trở về thành phố của mình. Đàn ông, đàn bà trong những áo quần rách rưới màu đen chở đồ vật dụng tồi tàn trên những chiếc xe đẩy tự làm lấy đi trên khắp các nẻo đường như những đàn kiến…
Một điệp khúc tôi được nghe đi nghe lại từ miệng những người sống sót là: ‘Nếu người Việt Nam không đến thì chúng tôi sẽ chết hết’. Tuy nhiên, lời nói biết ơn cũng thường pha lẫn nỗi lo sợ là kẻ thù truyền kiếp —Việt Nam—bây giờ có thể chiếm đoạt Cam-bốt. ‘Tôi lo rằng họ muốn ở lại đây để ăn cơm gạo của chúng tôi’, một cựu giáo viên thì thầm với tôi trên con đường dài trở về nhà.”
Lịch sử thù hận của hai dân tộc
Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là lịch sử bang giao 1000 năm với đầy chiến tranh giữa hai dân tộc. Trong 300 năm cuối, người Việt luôn chiến thắng với chiến lợi phẩm là đất đai được mở rộng và ngược lại. Từ đó, những truyện truyền khẩu từ trăm năm trước càng làm cho người Khmer uất hận người Việt hơn. Những bà mẹ Campuchia thường dọa trẻ em: “Mày đi chơi xa trong bụi, Yuon nó bắt mày”. Youn là từ miệt thị chỉ người Việt.
Kinh Vĩnh Tế dài 25 km, ở biên giới Việt – Miên, đào năm 1820 do Thoại Ngọc Hầu chỉ huy nhưng sử dụng phần lớn là lao công Khmer. Đó là một vết thương khó lành của người Campuchia.
Ông Nayan Chanda kể: “Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần trước và sau thời Pol Pot nói về việc ba người Khmer bị trừng phạt vì không làm đủ chỉ tiêu đào kinh. Người Việt Nam chôn những người Khmer xấu số tới cổ mà thôi, còn đầu thì dùng để làm ông táo nấu nước sôi. Khi nạn nhân giãy giụa vì đau đớn và lắc đổ nước trong ấm thì người Việt Nam cảnh cáo: ‘Không được làm đổ nước trà của quan lớn.’ Câu chuyện này về sau trở thành một phần trong chính sách tuyên truyền của Khmer Đỏ mà người kể cố làm gia tăng sự ‘thù hận cách mạng’ đối với kẻ thù Việt Nam”.
Các tướng lãnh Việt Nam tự thưởng công
Nayan Chanda tường thuật: “Người Việt Nam chắc chắn đã không giúp được gì để đem lại niềm tin. Ba tháng sau khi chiếm được Nam Vang, họ đã lột sạch thủ đô một cách có hệ thống. Hàng đoàn xe vận tải chở tủ lạnh, máy điều hòa không khí, các đồ dùng bằng điện, tủ bàn giường ghế, máy móc và những bức tượng quý chạy trên trục lộ hướng về thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả những thứ này bị bỏ lại bởi dân chúng đã bị trục xuất tàn nhẫn ra khỏi thủ đô từ năm 1975 và những món đồ đó không hề được nhà cầm quyền Khmer Đỏ đụng tới vì là sản phẩm của bọn tư sản thối nát. Món hàng chiếm hữu này có thể làm cho ngân quỹ Hà Nội tăng lên đôi chút nhưng đã để lại một vết thẹo sâu trong tâm trí người Khmer; nó củng cố thành kiến của họ đối với bọn ‘duồn’ đáng ghét. Nó cũng tồn tại như một vết nhơ lớn trong vai trò ‘cứu’ nước Cam-bốt của Việt Nam”.
Thật vậy, tôi đã từng chứng kiến cuộc sống vương giả của các tướng lãnh Việt Nam trở về từ Campuchia sau chiến tranh. Một trong số họ là người hàng xóm của tôi, ông Ba Sơn, Giám đốc CA quận Bình Thạnh. Người khác là ông chủ biệt thự có sân tennis mà tôi chơi, gần nhà thờ Tin Lành trên đường đến chợ Thủ Đức. Không ngạc nhiên gì cả, CS Bắc Việt cũng đã hành xử tương tự với người anh em VNCH trong cùng thời gian đó.
40 năm nhìn lại, tôi thấy thương cho những thằng bạn của tôi đã làm bia đỡ đạn cho một cuộc chiến tranh mà cho đến bây giờ tụi nó vẫn còn ngơ ngác tự hỏi: đây là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc hay chiến tranh xâm lược?
Vị trí địa lý của Việt Nam vô cùng đặc thù, Bắc giáp bành trướng Trung Quốc, Nam thì Lào, Campuchia, Thái Lan luôn thù địch, vì vậy mọi chính quyền từ xưa đến nay kể cả Việt cộng, đều lấy phương châm trấn áp phía Nam và đề phong phương Bắc, điều này đã được mã hoá vào DNA dân tộc.
Chuyện trói Campuchia vào vòng lệ thuộc Việt Nam là chuyện sống còn, do đó Việt cộng chiếm đóng Campuchia 10 năm chỉ là hình thức kém tế nhị, luận về công tội thì không sai, tác giả nên rạch ròi trong chuyện này.