19-12-2018
Những lời nói sau đây có thể TBT và TT không đọc được. Cá nhân tôi cũng không mưu cầu điều gì lớn lao. Chỉ là những gì trông thấy giữa thời cuộc này, dù là công dân bé mọn, cũng không thể câm nín được.
THƯA TỔNG BÍ THƯ!
Dành một chút thời gian giữa cuộc đốt lò hiện tại, xin ông nghĩ một chút về hiện thực rộng hơn và dài hơn cho đất nước, nhân dân. Bởi vì một nhà kiến tạo kiệt xuất phải có con mắt thế kỷ chứ đâu phải nỗi mốt mai.
Nhân dân có thể ủng hộ và thích thú cuộc đốt lò chống tham nhũng. Nhưng mặt khác, nhân dân cũng sợ hãi với hiện thực giáo dục nước nhà. Và thẳng ngay mà nói, nếu như TBT đang miệt mài nắn ngọn thì xã hội bị bẻ cong từ gốc. Khi ông đắp bờ thì đê đang hổng chân. Khi ông đốt lò thì giáo dục đang trồng củi.
Bởi vì nền giáo dục thành tích và giáo điều này đang không có giá trị lõi, chỉ là những khẩu hiệu kêu ca nhưng mất phương hướng ở bên trong. Và với nền giáo dục này, chúng ta chỉ có thể dạy các rường cột tương lai sự dối trá, lọc lừa.
Thưa TBT! Không phải trăm năm, cổ nhân dạy, sự nghiệp trọn đời là trồng người. Những gì chúng ta gieo trồng hôm nay phải lâu lắm mới phát tiết hiệu quả. Kể cả là một hạt mầm chuẩn chỉnh, thì cũng chưa thể vực dậy quốc gia ngay trước mắt, trồng người là sự nghiệp ngàn đời.
Thế hệ chúng ta đã quá cũ kỹ, nghìn năm tư tưởng trói buộc, thầy không ra gì cũng phải yêu, vua không ra gì cũng phải trung, lãnh đạo không đúng cũng phải đúng.
Nếu không thay đổi quan niệm giáo dục, những trụ cột mai sau cũng bạc nhược, hủ lậu, làm sao có thể giữ gìn non sông gấm vóc, làm sao có thể lưu giữ cốt cách Việt Nam nghìn đời.
Dù đa đảng hay một đảng, dù nhất thể hay đa nguyên, những chủ nhân tương lai được quyền phát triển một trí tuệ minh anh, một nhân cách vô tư và một nhân sinh quan khoáng đạt. Có như vậy, quốc gia mới không lụn bại.
THƯA THỦ TƯỚNG !
Chúng ta hay nói về 4.0 và kiến tạo. Nhưng 4.0 như thế nào khi mà cả một thế hệ công dân bị trói buộc trong trì trệ. Họ không có môi trường để phát tiết kỹ năng cá nhân, chỉ được vo tròn lại trong những con số và con số.
Chúng ta kiến tạo điều gì khi mà địa hạt cần kiến tạo nhất là giáo dục thì ngày càng bể nát? Kiến tạo 10 năm thì cũng chỉ một chớp mắt. Trong khi kiến tạo cho muôn đời sau chúng ta lại bỏ rơi!
Thưa Thủ tướng! Quan sát những gì diễn ra, tôi luôn tự hỏi, có phải chúng ta đã quá sai lầm khi lấy giáo dục là thành quả. Giáo dục không phải là thành quả, nó đơn giản là một yếu tố bản lề để định khung cho thành quả xã hội.
Chúng ta cứ tô thật đẹp một viên gạch để xem nó là thành quả. Đó là một sự huyễn hoặc lớn khi chúng ta cần là một căn nhà.
Tại vì xem giáo dục là thành quả cho nên chúng ta mới đẻ ra đủ thứ tiêu chuẩn, đủ thứ mỹ danh để làm đẹp. Chúng ta mới khuyến khích đại học mọc lên chi chít, để rồi vạn vạn cử nhân ra trường không biết làm gì để sống. Thậm chí còn mất hết tự trọng, đi van nài hoặc ăn vạ xã hội để xin việc.
Giáo dục là thành quả nên tấm bằng là bảo chứng, quan hệ là bảo chứng, còn kỹ năng gần như không có giá trị, sáng tạo không có giá trị.
Thưa Thủ tướng! Trong một nội các kiến tạo thì giáo dục càng phải tiên phong thay đổi để gieo năng lượng kiến tạo, mở đường cho hy vọng dài lâu. Thực tế của giáo dục, đang cho thấy một xu thế ngược lại.
LỜI MỌN
Thưa TBT và Thủ tướng! Thực tế trước mắt cho thấy rằng cần có một cuộc chấn hưng giáo dục toàn diện. Nhưng để làm việc lớn, chúng ta phải vực dậy niềm tin giáo dục. Để vực dậy niềm tin giáo dục, theo tôi, không có cách nào khác là phải sa thải bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ!
Bởi vì một lãnh đạo cần ít nhất 3 yếu tố: Năng lực, uy lực và tâm lực. Ông Nhạ không có cả ba. Không chỉ là một lãnh đạo tồi, đứng trước mỗi sự cố giáo dục, ông Nhạ còn không có kỹ năng nhận thức đúng vấn đề.
Thưa! Trong một chính thể liêm minh và một chính phủ kiến tạo, việc có những cá nhân yếu kém như thế này sẽ làm mất tính thuyết phục. Trong một xã hội vận động, nguồn năng lượng tiêu cực mà cá nhân như ông Nhạ gieo vào là quá nhiều chán chường và sợ hãi.
Thưa TBT và TT, tôi viết về giáo dục nhiều đến mức bị cho là cực đoan và cao đạo. Tôi viết về bộ trưởng Nhạ nhiều đến mức tự vấn là có tư thù với ông ấy hay không? Tôi nghĩ rằng đơn giản là ông ấy hoàn toàn không đủ khả năng ngồi ở vị trí đó và không thể trông chờ lòng tự trọng của ông ấy để từ chức.
Thể chế không thể “gánh vác” bộ trưởng Nhạ được. Nhân dân không thể chịu đựng ông được. Kể cả TBT và TT cũng không thể dĩ hoà vi quý được. Khi có những xì xầm về phe cánh cá nhân, việc cách chức bộ trưởng Nhạ lại càng là yêu cầu bức bách của thể chế và minh bạch cá nhân.
Thưa TBT và TT, lời mọn nhưng tâm khảm tha thiết, kính mong TBT và TT soi xét để vực dậy niềm tin cho giáo dục, cho nhân dân trước khi mưu cầu điều lớn hơn. Kính chúc TBT và TT sức khoẻ!
Công dân Nguyễn Tiến Tường
“Chúng ta mới khuyến khích đại học mọc lên chi chít, để rồi vạn vạn cử nhân ra trường không biết làm gì để sống”
Đúng . Dẹp bớt trường đại học, xiết đầu vào để vạn vạn tú tài ra trường không biết làm gì để sống, nhìn đỡ hơn là “vạn vạn cử nhân ra trường không biết làm gì để sống”. Nên xiết đến độ ai ra đại học cũng có việc làm hết thì ngành dễ nhất là sư phạm, mác-lê & xây dựng đảng mới có (nhiều) thí sinh thi vào . Hoan nghênh Nguyễn Tiến Tường!
Tuy vậy, nền giáo dục chúng ta không có vấn đề gì hết cả . Hôm nọ 1 còm trên btd này đề nghị tuyển lựa cán bộ theo cách Tạ Quang Bửu, tức là xét lý lịch trước mới thi tài năng . Đảng đã tiếp thu & áp dụng . Chủ nghĩa lý lịch sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, whatd’yaknow.
Lại 1 nhận xét rất chính xác của Nguyễn Tiến Tường, Tổng-Chủ Nguyễn Phú Trọng là 1 lãnh đạo kiến tạo . Đúng theo nghĩa khoa học của “kiến tạo” chứ không phải đúng theo nghĩa các trí thức nhà mềnh vẫn tưởng (bở).
Góp ý: Thiếu thưa chủ tịch quốc hội, và về điều 4 hiến pháp.
Quốc hội, thông qua điều 4 hiến pháp, tức là giam dân trong cũi của đảng cộng sản VN.
Và như thế, triệt tiêu sáng tạo!