11-12-2018
(Gửi những người xây dựng văn kiện ĐH XIII).
Ba mươi năm trước, ĐH7 đã xây dựng được nghị quyết về 7 vùng kinh tế và ĐH8 điều chỉnh lại thành 6 vùng (vùng kinh tế Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ sáp nhập vì có nhiều đặc điểm giống nhau). Nghị quyết được xây dựng nghiêm túc bởi những lãnh đạo cao cấp khi đó thực tâm vì dân,vì nước, vì độc lập dân tộc đã huy động được trí tuệ của các nhà khoa học và toàn dân.
Các vùng kinh tế được xây dựng trên các căn cứ: điều kiện tự nhiên, xã hội; nhà nước đầu tư tạo động lực để phát huy thế mạnh nội tại; nông nghiệp làm nền tạo thế ổn định quốc gia; công nghiệp và thương mại quốc tế làm động lực tạo đà phát triển…
Mấy cụ thể: Vùng kinh tế Thủ đô và đồng bằng Bắc bộ, Vùng kinh tế TP HCM và vùng Đông Nam bộ là hai vùng động lực phát triển công nghiệp, dịch vụ, trong đó có cả những dịch vụ tài chính, bảo hiểm, vận tải trung chuyển toàn cầu…
Vùng ĐB SCL tập trung sản xuất lúa gạo và hải sản hướng tới xuất khẩu. Vùng kinh tế Trung bộ trọng tâm là kinh tế biển. Tây Nguyên là rừng, cây công nghiệp dài ngày: cà phê, cao su và cây công nghiệp ngắn ngày làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Vùng núi và trung du Đông Bắc là công nghiệp than và cảng biển làm cơ sở công nghiệp đa ngành, nông lâm nghiệp phục vụ công nghiệp đa ngành. Chăn nuôi thì tập trung phát triển đại gia súc.
Vùng Tây Bắc chủ yếu rừng, nguyên liệu công nghiệp từ rừng trồng và chăn nuôi đại gia súc… Xin vài phác thảo. Cụ thể vẫn còn trên giấy trắng, mực đen.
Một trong các tư tưởng là ổn định thị trường trong nước bằng chính sản phẩm của mình, hướng xuất khẩu lợi nhuận cao. Chuỗi giá trị trong nước ăn chặt, xuất khẩu là thặng dư quốc gia. (Thí dụ chăn nuôi bằng ngô, đậu tương, lạc trồng ở Tây Nguyên và ĐNB chứ không phải đi nhập như hiện nay; hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp, dịch vụ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phân công lao động quốc tế là mạch lạc…) CP, Bộ KHĐT, Bộ TC sau các ĐH đã bố trí ngân sách cho các chương trình kinh tế và thu được những kết quả bước đầu.
Những nhiệm kỳ sau đó xa rời NQĐH 7 và 8 đã phá vỡ các quy hoạch đó và tự gây hoang mang cho chính mình. Đi đâu cũng hỏi địa phương làm gì, trồng cây gì, nuôi con gì.
10 năm lại đây, đất nước không có lấy một chương trình mạch lạc hướng tới tương lai mà chỉ nặng về xử lý tình huống và thực sự mất lái. Vì thế mới có hàng loạt tỉnh bị chỉ đạo làm động lực, làm đầu tầu; địa phương nọ phải thành Paris, địa phương khác thành Singapore…
Quay lại NQĐH7, NQĐH8 và có điều chỉnh, là bờ kẻo quá muộn.
Chẳng biết ai là người còn trách nhiệm với nhân dân này, với đất nước này trong lĩnh vực kinh tế nên, những điều tâm huyết xin gửi cho những người làm văn kiện chung chung.
Mạch lạc ư, dân chúng đã “phiên dịch” các đại hội VI,VII và VIII là VI, VU và VÙI đấy. Tác giả đã quên một thời mà người (Đông) Đức đề nghị Việt Nam chuyên sản xuất Nghị quyết sao!?