10-12-2018
Ông Nguyễn Phú Trọng với vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói đến “lồng nhốt quyền lực”. Tôi trông chờ ông ấy nói đến điều đó với vai trò Chủ tịch nước hơn. Vì dù trên thực tế, Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng chính danh để thể hiện sự “nhốt quyền lực” phải là hệ thống chính trị mang tính Nhà nước.
Sự tiến bộ xã hội là một quá trình mà sự thay đổi của các chính sách chính là biểu hiện. Chính sách tốt sẽ tạo ra kết quả tốt, và ngược lại.
Hiện nay môi trường quốc gia đang thực sự rất tệ trong khi Hiến pháp 2013, Luật Môi trường 2014 đã có. Nghĩa là các chính sách được ban bố cụ thể bằng Nghị định Quốc hội, Nghị định Chính phủ, các thông tư hướng dẫn thi hành luật không sát với thực tế.
Một nơi khá được quan tâm là Formosa có công bố quan trắc khí thải. Tôi đánh giá là một hoạt động rất hay của Bộ TN&MT (ảnh 1 và 2). Tuy nhiên nó lại vô cùng mất hay khi mọi quyền lực tập trung vào bộ này.
Xin lấy ví dụ cụ thể là quan trắc môi trường tự động xả về thải bụi, khí được quy định trong điểm a, khoản 1, điều 33, Nghị định 19/2015 lại không được công khai mà chỉ có Bộ Tài nguyên & Môi trường TN&MT) “độc quyền” mọi thứ theo điều 47, 48 Nghị định 38/2015 (ảnh 3 và 4).
Nghĩa là sự minh bạch về thông tin các chỉ số quan trắc để người dân biết có ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của họ hay không phải phụ thuộc vào quyền lực “độc quyền” của Bộ TN&MT. Nghị định do Bộ TN&MT chấp bút trình Chính phủ phê duyệt ban hành. Có thể hiểu Chính phủ đã “để sổng” quyền lực của Bộ TN&MT được không?
Đây chỉ là một trong các ví dụ nhan nhản về quyền lực hành chính “độc quyền” có từ “kẽ hở” thể chế. Luật Môi trường do Bộ TN&MT trình lên Quốc hội nhưng khi thông qua thành những hướng dẫn cụ thể như Nghị định, thông tư sau đó theo cách “độc quyền” này khiến cử tri- công dân có cảm giác chính sách bị thao túng. Việc cho phép Bộ TN&MT được “độc quyền” thông tin như trên có hẳn một quy trình (ảnh 5) và vì sao quy trình lại để lọt?
Tôi biết Chính phủ có nỗ lực khi yêu cầu các bộ liên quan ban hành Thông tư liên tịch (nhiều Bộ cùng bàn và soạn thảo) như một cách tạo “lồng nhốt quyền lực”. Tuy nhiên, “cái lồng” vẫn rộng quá nên “kẽ hở” cũng lắm; nên nhiều khía cạnh của lĩnh vực môi trường bị thao túng. Chữ thao túng không cần trong ngoặc kép bởi có ngay 1 ví dụ cụ thể khác: Cả quốc gia chỉ có khoảng 90 doanh nghiệp được phép thu gom chất thải do Bộ TN&MT cấp phép. Như vậy gần như bản chất đại đa số các tỉnh thì mỗi tỉnh chỉ có trung bình 1,5 doanh nghiệp được phép thu gom chất thải. Có khác gì độc quyền không?
Mà nếu độc quyền, thì dễ thao túng!
Vì sao cần cảnh báo điều này? Lý do đơn giản là không chỉ “tự trao” quyền lực như hai trường hợp trên mà còn nhiều trường hợp khác như cấp giấy phép con, đào tạo chứng chỉ mà nhiều bộ, ngành và địa phương đã “vẽ” ra và Quốc hội, Chính phủ đã “để sổng”. Xin nói ngay là muốn được cấp giấy phép con, muốn học cho đạt chứng chỉ thì đừng mong không mất tiền!
Và “vẽ” chính sách phí lý như “ngực lép: không được lái xe, đòi nợ thuê phải có bằng đại học, in ấn phải có chứng chỉ nghề,.v.v.. liệu có phải ngoài quyền lợi còn là cố tình làm người dân bị các thông tin bất cập này thu hút để quên đi “việc khác”?
Song song với tuyên bố “lồng nhốt quyền lực” là thông điệp “đốt lò”. Hành động “đốt lò” diễn ra đúng thông điệp nhưng muốn hình thành “lồng nhốt quyền lực” (thay đổi các luật để mang tính răn đe mạnh, xử lý nghiêm hơn chẳng hạn) như tuyên bố thì chắc chắn mất thời gian lâu hơn. Và chẳng có “lồng nhốt quyền lực” nào vững chãi mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội.
Tôi ủng hộ “lồng nhốt quyền lực” bởi nó xuất hiện là phần nào thể hiện của việc thay đổi thể chế.
Chỉ là một trong nhiều yếu tố để hình thành “lồng nhốt quyền lực” là ý kiến người dân lại không thấy. Luật Trưng cầu ý dân 2015 đã được áp dụng vào 2016 nhưng đến nay hoàn toàn không được áp dụng cho những chính sách cụ thể khiến người dân hoang mang như Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng. Đó là một kẽ hở rất lớn mà “người chủ đất nước” xuất hiện ở vai trò… khẩu hiệu. Còn trong thực tế, người dân vẫn yếm thế.
Là sao?
(Thật ra có nhiều thiết chế Nhà nước để kiểm soát quyền lực các bộ ngành cụ thể chứ không chỉ là giám sát xã hội. Nhưng giám sát xã hội mới chính là gốc rễ.)