10-12-2018
Tôi là con liệt sĩ, đã bao lần đi tìm mộ bố nhưng vẫn chưa có kết quả. Với bài viết này tôi hy vọng có ai đó trong các bác, các chú là đồng đội của bố tôi bỗng chợt nhận ra người đồng đội của mình năm xưa là liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, quê ở thôn Thư Trai, xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Hòm thư quân bưu: 86.555.YK.C4, hoặc 86.555.YK.C3.B15.
Những thông tin trên giấy báo tử: Họ và tên Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1939, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị: D4 – E96 – F69 KB, hy sinh ngày 21 tháng 4 năm 1970, tại Tây Ninh.
Cũng qua bài viết này, tôi mong các bạn muôn nơi giúp tôi chia sẻ và trao đổi thông tin với người thân bậc cha chú, là những Cựu chiến binh không có Face Book và thư điện tử.
***
Tháng giêng năm 1966, bố tôi đi bộ đội khi tôi vừa bước sang tuổi thứ tư được hai tháng. Ba tuổi hai tháng như những đứa trẻ bình thường thì đã biết nói đủ điều, và cũng biết hát nhiều bài hát của trẻ đi mẫu giáo. Thế nhưng, nghe mẹ và bà tôi kể lại, tôi chậm biết nói lắm. Khi bố tôi lên đường nhập ngũ, mẹ và bà bế tôi đi tiễn cả đoạn đường dài. Bà và mẹ cố gắng dạy tôi chào bố, và nói trước để tôi nhại lại mà vẫn chưa nói được, dù chỉ một từ “bố”, phải đến hơn bốn tuổi tôi mới biết nói.
Trong cuộc chia tay ấy dù bà và mẹ tôi không kể nhiều, nhưng tôi cũng rất hiểu bà và mẹ buồn đến mức nào. Đến nay, mỗi khi nhắc đến bố, tôi cố hình dung nhưng không thể nhớ nổi khuôn mặt và hình dáng của bố. Chỉ có cảnh tiễn đưa bà dắt chị, mẹ bế tôi và bố tôi bế em bé vừa đi vừa nói chuyện, vừa đi bố vừa khuyên dặn những gì chị em tôi phải làm cho chúng tôi nghe. Và, cảnh tượng lúc tiễn một đoạn đường khá xa, đúng hơn là sát đến đoàn người cùng nhập ngũ, bố mới chịu chuyền tay em bé cho mẹ và ôm hôn chúng tôi vào lòng, nói những lời âu yếm, quyến luyến và thiết tha. Bố ngoái lại giơ tay chào vẫy mãi, mãi cho đến tận xa. Đoàn người nhỏ dần và không nhìn thấy bố đâu nữa, cả nhà mới trở về. Cảnh tượng ấy không biết có đúng không? Cứ hư hư, thực thực tôi không thể phân biệt được nhưng đó là hình ảnh đẹp sẽ mãi mãi in vào tâm trí của tôi.
TỪ CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG LÁ THƯ CHIẾN TRƯỜNG
Từ lần chia tay ấy, bố tôi không được về phép một lần nào. Những lời hỏi thăm ông bà, những dòng tâm sự với mẹ, với chúng tôi phải gửi gấm qua những cánh thư. Khi còn huấn luyện ở Miếu Môn, thư bố gửi về đều đặn cứ một tháng đôi lần. Dọc đường hành quân đến miền Trung, miền Nam, thư gửi ngày một thưa vì bom rơi lửa đạn.
Mỗi khi thư bố gửi về, tuy chưa biết đọc nhưng tôi cũng hiểu niềm vui hiện trên khuôn mặt của người lớn, và hay xí xớn cắt ngang mạch đọc của mẹ để hỏi: Khi nào bố về? Bố có dặn gì con? Thư gửi đi của gia đình không ít, thư gửi về của bố cũng rất nhiều, không biết bao nhiêu lá. Rất tiếc khi những lá thư ấy phải vượt qua bao khói lửa chiến tranh, vượt qua bao trùng sông núi mang về cho gia đình những tình cảm nồng ấm, và bao câu chuyện còn nguyên tính thời sự thì tôi còn bé, chưa biết đọc, chưa cảm nhận được hết để hiểu biết về bố và hoàn cảnh thời chiến nhiều hơn!
Vả lại, cũng chỉ trong khoảng chục năm, gia đình tôi phải trải qua bao sóng gió đường đời, tưởng như không gượng dậy nổi, đầu tiên là chú tôi đi bộ đội chỉ sau bố tôi vài tháng, rồi ngay năm sau chú hy sinh ở Hà Bắc trong trận chiến đấu với không quân Mỹ để bảo vệ sân bay Kép.
Năm 1970, bố hy sinh ở Tây Ninh nhưng mãi đến năm 1976, Nhà nước mới báo tử, sáu năm sau đó mẹ cũng mất vì một cơn bạo bệnh. Ông bà nội đã già phải nuôi ba chị em tôi ăn, học. Trong hoàn cảnh “cả nhà tôi đang ngồi trên chiếc thuyền nan nhỏ bé lênh đênh giữa biển khơi đầy sóng gió” thì ông, cháu lo toan chèo chống để tồn tại cũng khó lắm rồi đâu dám nghĩ đến phát triển, hoặc còn tâm trí đâu để nhớ nơi cất giữ những lá thư của bố gửi về từ năm, mười năm trước. Dù ông bà, hay mẹ tôi trước đây có cất đâu đó mà quên rồi cũng là điều dễ hiểu.
Suốt cả một thời gian dài, mãi đến năm 2001 vì ông nội ốm nặng, tôi mới được phép tìm một số giấy tờ quan trọng để ông truyền lại thì thấy tận dưới đáy hòm của ông có một cuốn giấy cuộn tròn bọc trong túi ni-lông mà ông không hề nhớ. Thận trọng mở ra tôi mới ngỡ ngàng làm sao! Thật quá sức tưởng tượng, không thể tin nổi đó là 4 lá thư của bố viết về cho ông bà, cho mẹ và gia đình – những lá thư mà tôi chỉ được nghe nói, chưa một lần nào được cầm, được đọc.
Lá sớm nhất ghi ngày 14 tháng 6 năm 1969. Lá muộn nhất có ghi “Miền Đông Nam bộ, ngày 1 tháng 11 năm 1969”. Cả bốn lá thư sau 32 năm, giấy chỉ hơi ngả màu, nét chữ viết chân phương nghiêng nghiêng đều trên giấy. Nay cầm thư trên tay mà lòng tôi xốn xang khó tả. Thật cảm động được đọc lại những dòng tâm sự của bố với mỗi người thân trong gia đình.
Tuy trong thư không viết rõ nhưng hình như bố đã biết tin chú đã hy sinh, thư nào bố cũng hỏi thăm, động viên, an ủi ông bà: “… Con nghĩ thầy mẹ đã bỏ biết bao công sức để nuôi chúng con, lớn lên chúng con lại không được ở nhà để giúp đỡ thầy mẹ mà phải đi xa. Thầy mẹ đã già mà lại phải làm vất vả để nuôi các cháu, con rất thương thầy mẹ nhưng không biết làm sao nổi? Vì Đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, giết hại đồng bào ta, con sẽ biến đau thương thành hành động để làm sao mau chóng được trở về với thầy mẹ và đoàn tụ với gia đình… Thầy mẹ cứ yên tâm đừng lo nghĩ cho con nhiều lắm thầy mẹ nhé! Con thấy nghĩ lắm chỉ hại sức khoẻ thôi, con vẫn biết cha mẹ sinh ra con, tay đứt ruột sót thì ai mà không thương nhưng cũng đành thôi thầy mẹ ạ, mẹ đừng khóc lắm mẹ nhé, mẹ trông nom cháu cho con, đó là mẹ đã thương con nhiều rồi“.
Trong thư gửi cho mẹ, tuy bố viết không dài nhưng đầy đủ ý nhị tình yêu trong thời chiến và động viên mẹ chăm sóc ông bà, dù khó khăn cũng cố gắng nuôi ba chị em tôi khôn lớn, quyết tâm cho chúng tôi ăn học bằng người. Đối với ba chị em tôi, bố không quên hỏi chị học lớp mấy? Tôi đã nói thạo và đi học chưa? Em bé biết làm gì? Và luôn nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng chăm ngoan, học giỏi để ông bà vui, mẹ yên tâm đi làm. Mỗi khi đọc đến đó như có một sức truyền cảm kỳ lạ nào đó, khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Có lẽ đây là những lá thư cuối cùng của bố tôi viết về mà gia đình nhận được. Tôi luôn nâng niu, lưu giữ cẩn trọng và xem đây là những kỷ vật quý mà tôi có được.
ĐẾN KHÁT VỌNG TÌM CHA CHƯA KẾT THÚC
Ba chị em tôi được ông bà và mẹ chăm sóc, yêu thương hết mực. Lớn lên tôi được nghe kể nhiều về bố, được đi học, được đọc những áng văn hay lay động lòng người về tinh thần anh dũng, về đức hy sinh cao đẹp của những người con yêu Tổ quốc và biết bao những vần thơ ca ngợi anh bộ đội, anh giải phóng quân khiến tôi càng thêm ngưỡng mộ và tự hào về bố. Ngưỡng mộ bao nhiêu, tự hào bao nhiêu lại càng thắp trong tôi một khát vọng được gọi bố, được có bố ở bên, và càng thôi thúc tôi đến tận nơi bố đã hy sinh, hay đang cùng đồng đội an nghỉ ở nghĩa trang nào đó?
Ấp ủ ý tưởng đi tìm mộ bố từ lâu nhưng những thông tin về bố ít quá. Đã nhiều lần theo những thông tin ít ỏi trên giấy báo tử, tôi viết thư hỏi thăm Phòng Chính sách Quân khu 7, Tỉnh đội Tây Ninh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh… nhưng đều chỉ nhận được trả lời: “Tên của bố tôi không có trong danh sách”, hoặc “do điều kiện chiến tranh, đơn vị không còn lưu giữ được hồ sơ, hiện giờ không biết phần mộ ở đâu”. Đành ngậm ngùi thông cảm với điều kiện và hoàn cảnh chiến tranh.
Từ sau năm 2001, với những lá thư có ghi phiên hiệu đơn vị và những hòm thư, tôi chuyển hướng đi tìm gặp các vị thủ trưởng và những người đồng đội may mắn được trở về. Nhiều ý kiến, nhiều tình huống đưa ra đều có phân tích và lựa chọn nhưng vẫn chỉ là những cú lắc đầu cùng với những lời an ủi.
Dẫu vẫn biết chiến tranh đã lùi xa, khói súng đã dần tan vào mây gió, bãi chiến trường xưa kia nay đã thành khu đô thị, hay công trường nhưng tôi tin rằng tình đồng đội trong thời khắc khó khăn, vào sinh ra tử vẫn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người. Tôi hy vọng những hòm thư, phiên hiệu đơn vị dưới đây đã thân thuộc lâu nay của nhiều người sẽ gợi nhớ lại người đồng đội năm xưa.
Họ và tên Nguyễn Văn Thành, quê quán thôn Thư Trai, xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây. Sinh năm 1939, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị: D4 – E96 – F69 KB, hy sinh ngày 21 tháng 4 năm 1970, tại Tây Ninh. Hoặc hòm thư gửi quân bưu: Nguyễn Văn Thành 86.555.YK.C4, hoặc 86.555.YK.C3.B15.
Các bác, các chú, có ai biết phần mộ của bố tôi, hay nơi bố tôi xung trận? Hãy chia xẻ cùng tôi! Nhắn cho tôi đôi lời theo địa chỉ Nguyễn Văn Trường, 5A xóm Hạ Hồi, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 04.8220623, hoặc 0904201162. E-mail: truongminhdungphuong@yahoo.fr.
Tôi rất mong có ngày được gặp, được nghe các bác, các chú kể lại những kỷ niệm chiến trường, những trận đánh đã đi vào lịch sử của đơn vị.
phải khen cho bộ máy tuyên truyền của CS. Người ta tin rằng vào Nam để giải phóng đồng bào bị “Mỹ Ngụy” áp bức đến nổi hy sinh cả xương máu, hy sinh cả hạnh phúc gia đình. Ngày nay nhờ internet người dân đã mở mắt và thấm thía rằng tất cả là mưu mô của Trung Cộng. Cho nên CS thù internet
Kính mong Ông sớm được trở về với đồng đội và gia đình.
“105 mộ trong nghĩa trang Liệt sỹ của 3 tỉnh chứa xương động vật. 4 đợt khai quật trái chức năng, trái quy định của Đảng, Nhà nước, nhưng được các UBND tỉnh hậu thuẫn.”
(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chon-xuong-vun-va-xuong-dong-vat-gia-hai-cot-liet-si-146342.html)
Những hy sinh mất mát đều vô nghĩa trước nhà cầm quân csvn lật lọng, tới khi Đảng cs chúng theo vết sử Trần ích Tắc dâng nước cho Tàu, ai sẽ trả nợ núi xương sông máu này.
Chính nghĩa và phi chính nghĩa, ai giải được bài toán dễ mà khó?.
Kính mong Ông sớm được trở về với đồng đội và gia đình.