Bị thôi chức vì không phải Đảng viên: “Bước lùi của báo Thanh Niên”

VOA

30-11-2018

Báo Thanh Niên vừa cho ‘thôi chức’ 12 người giữ vị trí quản lý vì không phải đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, theo hai người từng là biên tập của tờ báo hàng đầu trong nước cho biết.

Đây được coi là một sự việc chưa tùng có tiền lệ trong một cơ quan truyền thông ở Việt Nam.

Một biên tập từng làm việc cho Thanh Niên trong 15 năm, bà Ngô Thị Kim Cúc, nói đây là “lần đầu tiên một tòa soạn báo đã ‘tự cho thôi chức’ một loạt lãnh đạo cấp ban/phòng của mình”.

Bà Kim Cúc nói với VOA hôm 29/11 rằng Thanh Niên có một cuộc họp hôm 23/11 để công bố quyết định vừa kể. Mười hai vị trí gồm trưởng ban, phó ban và phó phòng đã bị ‘giáng chức’ vì không phải là đảng viên. Tuy nhiên theo nữ nhà báo tự do, những người này chưa nhận được giấy văn bản chính thức sau khi được “thông báo bằng miệng” hôm 23/11.

Nhà văn Nguyễn Viện, cũng từng làm việc cho báo Thanh Niên trong 7 năm, xác nhận thông tin về sự thay đổi này và cho biết ông đã nói chuyện với một số người vừa được cho ‘thôi chức.”

VOA không nhận được phản hồi của báo Thanh Niên đề nghị xác nhận thông tin trên. Một phóng viên hiện đang làm cho báo được VOA tiếp xúc không phủ nhận, mà cũng không xác nhận thông tin này.

Theo nhận định của ông Viện, người từng là trưởng ban Văn nghệ báo Thanh Niên, việc báo này cho “thôi chức” 12 người trên có thể là do thúc ép từ cấp trên về việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và chấn chỉnh lực lượng trong nội bộ tờ báo.

“Trong báo chí thời gian gần đây người ta có đề cập đến việc bổ nhiệm những người không phải là đảng viên vào những chức vụ cao cấp trong hệ thống chính quyền, chứ không riêng gì báo. Và khuynh hướng tiến bộ đó đang được cổ xúy rộng rãi trong xã hội. Tuy nhiên rất tiếc là báo Thanh Niên lại đang đi ngược lại xu hướng tiến bộ đó.”

“Bước lùi của Thanh Niên”

Ông Viện gọi đây là một “bước lùi” cho tờ báo Thanh Niên.

Nhật báo Thanh Niên, được thành lập năm 1986, từng được biết tiếng về loạt bài ủng hộ Nguyễn Mạnh Huy, một sinh viên thi đậu 3 lần đại học nhưng không được đi học vì lý lịch bị cho là “không tốt.” Vụ việc xảy ra vào cuối thập niên 1980 đó được coi là một thành tích của Thanh Niên trong việc đóng góp vào tiến trình cải cách chế độ tuyển sinh ở Việt Nam.

Cựu Tổng biên tập Nguyễn Công Khế, một trong những người sáng lập báo Thanh Niên, là người chống chủ nghĩa lý lịch, theo ông Viện, và “điều đó tạo ra tiền sử của báo là các trưởng phó ban hầu hết không phải là đảng viên.”

Bà Kim Cúc cho biết: “Theo quy định của Trung ương Đoàn, trưởng phó ban phải là Đảng viên. Có khá nhiều trưởng phó ban của báo Thanh Niên không phải là Đảng viên. Mười hai người không làm thủ tục vào (Đảng) thì bị thôi bổ nhiệm. Trên danh nghĩa là không được bổ nhiệm nhưng trên thực tế là họ bị hạ tầng công tác từ trưởng ban xuống tổ trưởng hoặc phóng viên hay nhân viên.”

Theo quy định chung của chính quyền Việt Nam, các quan chức đều phải là đảng viên trước khi được bổ nhiệm.

Nữ cựu biên tập báo Thanh Niên Kim Cúc cho biết có những lý do khác nhau vì sao 12 người vừa bị ‘hạ tầng’ không muốn vào Đảng và theo bà, thủ tục vào Đảng trước đây rất khó khăn vì lý lịch phải rất tốt trong ba đời với việc thẩm tra lý lịch “cho tới đời ông, bà” được tiến hành tại địa phương của người được xét vào Đảng.

Theo ghi nhận của VOV vào tháng trước, một bộ phận thanh niên hiện nay ‘ngại’ vào Đảng giữa lúc số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Trang tin của Đài Tiếng Nói Việt Nam nhận định rằng “đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin và ngại vào Đảng.”

“Đảng củng cố lực lượng”

“Theo quy định phải là đảng viên mới được làm quan chức thì tự nó đã xác định mục tiêu vào đảng của một số đảng viên nào đó thay vì một lý tưởng nào đó,” ông Viện nói. “Do vậy tôi nghĩ rằng, nhất là trong xã hội bây giờ, thì Đảng viên không phải là điều gì đáng mơ ước.”

Ông Viện, người từng bị báo Thanh Niên cho thôi việc vì xuất bản một cuốn tiểu thuyết trên một tạp chí ở Mỹ, cho rằng những người vừa bị tờ báo này cho thôi chức sẽ “không có mấy người xin vào đảng.”

Động thái ‘cho thôi chức vì không phải đảng viên’ của báo Thanh Niên diễn ra không lâu sau khi hàng chục đảng viên, trong đó có nhà văn quân đội Nguyên Ngọc, xin ra khỏi Đảng hồi tháng trước sau khi Giáo sư danh tiếng Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì cáo buộc là “có hành vi chống đối” và “tự diễn biến.”

Nhận định về những diễn biến này, ông Viện nói “dường như Đảng đang tìm cách xếp lại hay củng cố lại lực lượng.”

“Trong thời gian vừa qua, hiện tượng ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ trong Đảng xảy ra một cách khá rộng rãi và được dư luận xã hội quan tâm,” theo ông Viện. “Thậm chí Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề đó lên hàng đầu trong quốc sách để bảo vệ chế độ – như là điều gần như sống còn của Đảng. Nó cho thấy Đảng đang gặp rất nhiều vấn đề về lực lượng của mình. Đó là sự suy thoái thực sự trong Đảng. Bởi vậy mà họ đang tìm cách củng cố lại nhất là những lực lượng trọng yếu như là báo chí, là lực lượng hướng dẫn dư luận.”

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. nếu trong một tòa soạn mà có sự phân biệt đối xử giủa phóng viên có Đảng và không có Đảng thì tôi sẽ không mua không đọc tờ báo này. Đơn giản vì tôi là người dân thường không vô Đảng. Có lẽ nhà nước nên cho những công dân có vô Đảng đeo một thẻ bài như Đức Quốc Xã thời Hitler để những công dân còn lại biết cách tránh xa giử thế mà sống.

  2. Nếu Đảng hóa báo Thanh Niên thì xin đổi tên báo là Thanh Niên Cộng Sản và ưu tiên cho đảng viên đọc. cám những ai không có Đảng đọc báo này.

Comments are closed.