24-11-2018
Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là bà Phạm Thị Lệ Anh xác nhận sự việc bà Phạm Thị Phương Thủy- cô giáo của trường, đã phạt 231 cái tát với một học sinh lớp 6 tên N.
Trước đó, bà Phương Thủy bắt mỗi bạn trong lớp tát vào má em học sinh bị phạt 10 cái. 23 em học sinh cùng lớp cùng tát N. Bà Phương Thủy quy định nếu bạn nào tát nhẹ thì phải tát lại 10 cái.
Ngoài 23 học sinh tát tổng cộng 230 cái, thì bà Phương thủy còn “chốt” hình phạt bằng cái tát thứ 231. Học sinh N nhập viện sau đó vì má sưng. Sau khi ra viện, tâm lý N vẫn chưa thể ổn định lại.
Đã có xác nhận về việc bà Phương Thủy đã từng áp dụng hình phạt mang tính bạo lực nhiều lần trước khi vụ này lộ ra. Tuy nhiên, bà Lệ Anh- với tư cách hiệu trưởng, đã “xin báo chí đừng lên tiếng vì trường Duy Ninh sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II.”
Sự việc ở Quảng Bình chưa phải là scandal duy nhất của ngành giáo dục lúc này và việc “xin báo chí đừng lên tiếng” vì thành tích cũng không phải chỉ có trong scandal giáo dục.
Không thể không đặt ra câu hỏi có bao nhiêu thành tích của các tổ chức, cá nhân ở quốc gia này được công nhận “trót lọt”? Không thể không đặt câu hỏi có bao nhiêu nạn nhân bị tát theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen vì thứ thành tích ấy?
Nhìn sâu xa hơn, cái gọi là “vì thành tích tập thể” đã làm biến dạng suy nghĩ và hành vi biết bao con người trong thời gian dài? Và càng không thể không tự hỏi bản thân chúng ta đã lên tiếng hay im lặng trước những thứ nhân danh tinh vi, quái ác đó?
Chửi một ông ngọng ngồi cao, phê phán một bà hiệu trưởng chỉ biết chạy theo thành tích hay nguyền rủa một cô giáo tàn ác có thể làm vơi đi xúc cảm tức giận hiện thời. Tấn công bạo lực trả đũa cô giáo tàn ác ấy cũng chỉ thỏa mãn sự giận dữ nhất thời chứ không thay đổi được nền giâo dục “vì thành tích”, các lĩnh vực khác cũng thế.
Thay đổi bản chất là cần mổ xẻ và lên tiếng thay đổi thứ thể chế đầy lỗ hổng đã “đặt” những kẻ tàn ác, chạy theo thành tích vào những vị trí có thể lộng quyền, tàn ác trong không chỉ ngành giáo dục.
“Vì thành tích” thay vì “vì con người” là thứ thấy rõ của thể chế giáo dục hôm nay, thậm chí không chỉ giáo dục. Chính thứ thể chế đầy lỗ hổng mới có thể “đặt” những người não bé nhưng tham vọng cao vào những vị trí để có thể lộng quyền, tàn ác ở mọi lĩnh vực.
Thể chế do con người tạo ra. Thay đổi thể chế để “vì con người” cũng phải do con người thực hiện từ các đòi hỏi cấp thiết của con người.
Đã có rất nhiều người im lặng để rồi họ là nạn nhân, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục. Dù lên tiếng, có thể họ và người thân sẽ bị những “quái thai” của thể chế đầy lỗ hổng đe dọa, thậm chí xâm hại. Nhưng không lên tiếng thì sao? Sự im lặng ấy chắc chắn không đảm bảo an toàn cho đời sống chính họ và người thân trong tương lai.
Người ta có thể dập tắt một ý kiến cá nhân bằng cường quyền bất chấp đạo lý và pháp lý. Nhưng không một ai có thể dập tắt ý kiến của một dân tộc khao khát được sống, khao khát vươn lên và bày tỏ công khai điều đó.
Thay đổi thể chế đầy lỗ hổng bằng cách lên tiếng là cách tôi chọn!
Bạn chọn im lặng. Tôi tôn trọng lựa chọn ấy. Nhưng hãy tự hỏi thật kỹ nội tâm bạn rằng bạn có khao khát sống, khao khát vươn lên hay không? Làm thử đi, nội tâm bạn không nói dối bạn đâu!
Đất nước này đã im lặng quá lâu rồi!
Mai Quốc Ấn nên có cái nhìn khách quan hơn . Có thể học sinh N. này đã làm điều gì đó như Đặng Văn Huyên, rồi có thể cũng đã có 1 học sinh khác noi gương Mai Quốc Ấn dụ N. ra tự thú, và 231 cái tát là hình phạt xứng đáng dành cho N. Nếu đúng thì N. rất xứng đáng được hưởng 231 cái tát, và học sinh đã dụ N. ra tự thú có thể tự hào & lương tâm thanh thản vì đã làm điều đúng, điều tốt cho xã hội .
Nên quan sát Mai Quốc Ấn như 1 hiện tượng, vì anh ta là 1 sản phẩm đặc trưng của cái xã hội quái đản này, mang đầy đủ những đặc tính quái gở của cái hệ thống đã đào tạo ra mình .
trong nhà chồng đánh vợ, giết vợ, trong nhà tù công an tra khảo người bị giam chưa ra tòa, trong nhà trường thầy cô đánh đập học trò, trên máy bay, ở phi trường hành khách đánh nhân viên hàng không,…tất cả đều do nước VN đang là nhà vô chủ , giả dối, tàn ác , vô luật pháp