Xương và Máu Carbon

FB Nguyễn Đạt An

20-11-2018

Nhà quan thì khảm gỗ. Nhà dân thì bàn ghế gỗ. Nhà thờ, nhà chùa cũng đầy nội thất gỗ.

Bây giờ chỉ cần vào nhà một người dân bình thường – đặc biệt là dân Bắc và dân Trung, thì đã thấy các bộ salon gỗ hoành tráng không khác gì thứ để trong dinh vua chúa quan lại ngày xưa.

Còn vào nhà doanh nhân giàu, quan chức cộng sản, công an cỡ bự, gỗ còn được sử dụng nhiều hơn để làm vách tường, trần, và nền nhà. Gỗ họ sử dụng là nguyên khối, tấm lớn.

Các nhà chùa thì tượng Phật bằng gỗ to khổng lồ. Các nhà thờ đầy những bộ ghế gỗ và kiến trúc cung thánh bằng gỗ.

Trên đường phố, hàng trăm nghìn chiếc xe máy, xe hơi đang chạy qua lại, sử dụng xăng dầu – dòng máu đen được kết tinh từ các cánh rừng bị chôn vùi hàng trăm triệu năm.

Còn tại các gia đình, dòng điện đang bật sáng các bóng đèn, chạy điều hòa, cung cấp năng lượng cho sinh hoạt, bắt nguồn từ những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá – cũng là một loại gỗ hóa thạch, và những thủy điện tàn phá hệ sinh thái rừng.

Tràn ngập trong nhà của con người là XƯƠNG và MÁU CARBON của các loài cây, bị xẻ ra và bòn rút, hút kiệt. Chúng ta là giống loài tham lam và kiêu ngạo, vì chúng ta không bao giờ biết ý thức về sự sống xung quanh mình – đang bị tàn phá, tận diệt cho những nhu cầu ăn ở và tiện nghi lãng phí, hào nhoáng.

Cả hệ thống kinh tế, thói quen lối sống, tập quán văn hóa chạy theo điều đó. Tất cả đơn giản suy nghĩ rằng, cây cối là để phục vụ con người, là để khai thác và sử dụng cho bất cứ mục đích gì của chúng ta. Nó chẳng quan trọng, chẳng đáng để bận tâm.

Vậy thì đừng kêu khóc, đừng than trách, đừng van xin – khi các cơn siêu bão ập tới, các cơn lũ quét khủng khiếp, các tầng đất sụp đổ, bầu không khí ô nhiễm, bờ biển bị sạt lở.

Cũng như Donald Trump, người dân chúng ta thường hay có thói quen đổ tội cho người khác – cho chính sách, cho đám lãnh đạo cộng sản, cho thời tiết, cho Ông Trời. Nhưng họ đâu dám thú nhận rằng, chính bản thân mình cũng tham gia vào guồng máy đó, cũng nhúng tay vào cuộc tàn sát ấy, cũng dung dưỡng hùa theo đám đông, và cũng là một phần trong hệ thống.

Vì bộ não sinh học đơn thuần được tạo ra để chỉ có thể phản ứng phần lớn với các tác động trực tiếp, chúng ta sẵn sàng hét lên đòi hỏi và yêu cầu khi thấy thảm họa xảy ra, nhưng chẳng bao giờ chịu nhìn xa, học hỏi, tìm hiểu thêm vì sao khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp và đầy bất trắc.

Hệ sinh thái và khí hậu của hành tinh là một thể thống nhất và có mối quan hệ với nhau. Lý thuyết hỗn loạn về tác động của điều kiện ban đầu tới sự thay đổi cuối cùng của một hệ phức tạp còn tuyên bố rằng, một con bướm đập cánh ở Brazil có thể nguyên nhân dẫn đến cơn lốc ở Texas, Mỹ.

Vậy thì đừng bao giờ cười cợt rằng, chuyện chặt phá rừng hàng loạt ở Việt Nam, ở Lào, ở Brazil, ở Trung Quốc, hoàn toàn khác, nghiêm trọng hơn và có tội hơn so các cơn cháy rừng trên diện rộng hàng trăm nghìn hecta ở California, gây ra do đám lãnh đạo Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin, hoàng gia Arab Saudi… tiếp tục chính sách xả thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Tất cả đều là sự tàn phá và diệt chủng, thậm chí còn kinh khủng hơn nhiều. Tất cả đều cùng một giuộc, có cùng lòng tham, cùng sự kiêu ngạo và cùng thói quen tăng trưởng kinh tế không giới hạn. Chúng nó sẽ đánh nhau, sẽ chạy đua, sẽ cạnh tranh với nhau để luôn là người mạnh nhất, quyền lực nhất Trái Đất này. Và cùng với chúng, là đám dân trung lưu, hạ lưu bên dưới, bị giằng xé bởi ý thức hệ và quan điểm chính trị, bị cuốn hút và bắt buộc phải tham gia vào hệ thống của sự chết này.

Thế giới con người sẽ chứng kiến nhiều điều thú vị hơn trong 20 năm sắp tới. Cơn điên cạnh tranh kinh tế. Hệ sinh thái sụp đổ. Các cuộc họp báo đổ lỗi cho nhau. Căng thẳng gia tăng. Chạy đua vũ trang. Giết bớt đám đông. Đào thoát khỏi ngôi nhà duy nhất đang cháy. Trở thành nô lệ cho máy móc và robot. Rồi sau đó kết thúc kỷ nguyên Homo Sapiens.

____

Một số hình ảnh trên mạng:

Bình Luận từ Facebook