Trân Văn
7-11-2018
Nhiều tờ báo Mỹ, cả nhỏ lẫn lớn đã và đang đăng lại một bài viết của AP về Thiếu tướng Mark McQueen trong vai trò mới: Quản trị Panama – một thành phố tọa lạc ở Tây Bắc tiểu bang Florida.
Sau khi siêu bão Michael đổ vào khu vực Đông Nam nước Mỹ làm 45 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 11 tỉ Mỹ kim, thành phố nằm sát bờ vịnh Saint Andrew, với 36.000 dân này trở thành nổi tiếng vì… tan hoang, chẳng còn gì cả.
Siêu bão Michael không chỉ san phẳng Panama, biến nó thành nơi không điện, không nước, không hạ tầng viễn thông (điện thoại, Internet), hạ tầng giao thông thì chỗ có, chỗ không mà còn mang chừng hai triệu khối cát từ bờ biển, phủ lên bề mặt thành phố…
Panama cần tái thiết và nỗ lực tái thiết đã khởi sự ngay sau khi siêu bão Michael vừa quét qua thành phố. Mới đây, Billy Rader, một trong bốn Đại biểu Hội đồng nhân dân của Panama, bảo với AP: Thượng đế biết điều gì sẽ xảy ra nên gửi McQueen đến giúp chúng tôi…
Panama không phải sinh quán của McQueen. Mãi đến cuối thập niên 1980, sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành sĩ quan của lực lượng dự bị, McQueen mới đến Panama để nhận việc tại trường cao đẳng cộng đồng của thành phố này. Rồi McQueen lập gia đình, có con. Thỉnh thoảng, McQueen được quân đội trưng tập, hết gửi sang Iraq đến gửi tới Afghanistan… Kết thúc mỗi đợt phục vụ trong lực lượng hiện dịch, McQueen lại quay về Panama với vợ con, với công việc dân sự (dạy học, kiểm toán,…).
Với quân đội, tuy thuộc lực lượng dự bị nhưng McQueen là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, từng phục vụ trong Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, từng là Phó Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, từng là Tư lệnh Sư đoàn 108 Bộ binh – sư đoàn chuyên huấn luyện lực lượng dự bị và là đơn vi tái thiết hạ tầng cho Iraq. Với cư dân thành phố Panama, McQueen là một người đàn ông tử tế, đáng tin cậy, một thành viên tích cực trong First Baptist Church của cộng đồng Tin lành ở Panama. Tháng 4 vừa qua, McQueen được Hội đồng nhân dân của Panama chọn làm người Quản trị thành phố. McQueen xin dời ngày nhận việc đến tháng 9 để làm thủ tục giải ngũ, bàn giao những công việc dân sự đang làm cho người khác và giải quyết một chuyện có tính cách riêng tư.
AP đã tìm hiểu rồi kể lại rằng, “chuyện có tính cách riêng tư” – một trong những lý do khiến McQueen xin dời ngày nhận việc ấy là vào bệnh viện, hiến thận trái, cứu một người mà McQueen chỉ biết chứ không thân khi cả hai cùng tham dự các sinh hoạt tôn giáo ở First Baptist Church.
McQueen nhận việc vào tháng 9 thì giữa tháng 10, siêu bão Michael đổ vào Panama. Từ đó đến nay, McQueen ăn ngủ tại nơi làm việc, chỉ nghỉ một ngày để bay đến Washington D.C, tham dự buổi chia tay do quân đội Mỹ tổ chức, tiễn ông tướng hai sao của họ về hưu. Dù Panama vẫn còn là một đống đổ nát nhưng dân chúng thành phố này tin rằng, kinh nghiệm, sự tận tụy của McQueen sẽ giúp họ sớm hoàn tất việc tái thiết thành phố này (1).
***
Câu chuyện về Thiếu tướng Mark McQueen râm ran trên báo chí Mỹ từ cuối tháng 10 tới giờ, bất giác làm kẻ viết bài này liên tưởng đến các tướng của… ta!
Cũng vào cuối tháng 10, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đăng hàng loạt sự kiện tuy liên quan trực tiếp tới nhiều ông tướng nhưng lại không đề cập trực tiếp tới ông tướng nào của ta.
Sự kiện thứ nhất là Tòa Quân sự Quân khu 3 đem vụ “vi phạm các quy định trong quản lý đất đai” xảy ra tại khu Đồng Xá, phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng ra xử sơ thẩm.
Sở dĩ Tòa Quân sự đứng ra xử vụ “vi phạm các quy định trong quản lý đất đai” ở phường Thành Tô vì 14 héc ta đất ấy là “đất quốc phòng”. Do khu đất này nằm trong quy hoạch phi trường Cát Bi nên Bộ Quốc phòng giành – giữ rồi giao cho Sư đoàn 363 của Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý.
Năm 2009, Tư lệnh Sư đoàn 363 cho Công ty Thái Bình Dương thuê 5/14 héc ta để xây dựng nhà xưởng. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, Công ty Thái Bình Dương san lấp, làm đường rồi phân lô, bán nền cho thiên hạ xây nhà.
Chẳng phải chỉ có chỉ huy Sư đoàn 363 mắc “tứ chứng nan y” (mù, điếc, câm, liệt) mà lãnh đạo Quân chủng Phòng không – Không quân, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng mắc “tứ chứng nan y”, thành ra không ai thấy, không ai nghe, không ai lên tiếng, không ai ngăn cản Công ty Thái Bình Dương cắt đất đã thuê đem bán.
Chuyện mua đi – bán lại “đất quốc phòng” ở phường Thành Tô trở thành sôi động còn vì chủ tịch phường duyệt bản đồ phân lô do Công ty Thái Bình Dương trình, thậm chí tổ chức đo đạc – xác định ranh từng lô để bàn giao,… Tới giờ, thửa “đất quốc phòng” diện tích năm héc ta mà Công ty Thái Bình Dương “thuê” của Sư đoàn 363 coi như đã “xong”.
Tuy nhiên đó chỉ là “xong” 5/14 héc ta. Năm 2013, Bộ Quốc phòng đề nghị đưa 14 héc ta “đất quốc phòng” mà Sư đoàn 363 đang quản lý ra khỏi quy hoạch phi trường Cát Bi. Sau khi Thủ tướng Việt Nam gật đầu, Bộ Quốc phòng giao chín héc ta còn lại cho Tổng Công ty 319 của bộ kinh doanh.
Dẫu Dự án Khu nhà ở Lạch Tray Riverside sẽ thực hiện trên chín héc ta này được quảng cáo rộng rãi nhưng vì thị trường nhà đất giảm nhiệt nên Tổng Công ty 319 chỉ san lấp rồi để đó. Bởi chín héc ta đất ấy giống như vô chủ, du đãng Hải Phòng đứng ra bảo kê cho một số cá nhân chiếm dụng, phân lô, bán như bán lộc… Trời và bảo vệ người mua xây dựng không cần giấy phép! Lần này, ngoài Bộ Quốc phòng, có thêm chính quyền thành phố Hải Phòng mắc “tứ chứng nan y”…
Cứ thế cho tới gần đây, khi hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt lên tiếng về sự xuất hiện của một “đô thị mới” dưới sự giám sát của… du đãng Hải Phòng, Bộ Quốc phòng mới nhập cuộc: Tống giam – phạt tù cựu Tư lệnh, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363, Giám đốc Công ty Thái Bình Dương, cựu Chủ tịch phường Thành Tô, cựu viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Hải Phòng và chỉ thế rồi thôi (2).
Tin mới nhất liên quan tới 14 héc ta “đất quốc phòng” ở phường Thành Tô và phường Tràng Cát, quận Hải An là Bộ Quốc phòng tuyên bố nhường hết 14 héc ta mà bộ từng giành – giữ cho chính quyền thành phố Hài Phòng. Giờ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã lập xong Ban Chỉ đạo Tiếp nhận – Xử lý các tồn đọng liên quan tới 14 héc ta đất quốc phòng. Bộ Quốc phòng ung dung gỡ bỏ mớ bùng nhùng do chính mình tạo ra để làm chuyện khác (3).
Giống như sự kiện thứ nhất, sự kiện thứ hai cũng thấp thoáng bóng dáng nhiều ông tướng nhưng không có ông tướng nào lộ diện: Sau khi xét xử theo trình tự phúc thẩm, ngày 1 tháng 11, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên y án sơ thẩm – giữ nguyên hình phạt 12 năm tù đối với Đinh Ngọc Hệ (“Út Trọc”) (4).
Giống như Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), “Út Trọc” nổi tiếng vì có thể lũng đoạn hệ thống công quyền, đặc biệt là sử dụng danh nghĩa quân đội để biến công thổ, công sản thành tài sản riêng nhưng cuối cùng, chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” và “sử dụng giấy tờ giả”.
Đại tá Bùi Văn Tiệp, Tư lệnh Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân, Đại tá Phùng Danh Thắm – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn không thể tuyển dụng “Út Trọc” làm sĩ quan quân đội, không thể tặng “Út Trọc” Huy hiệu Chiến sĩ Vẻ vang Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Ba, qua đó trao thêm cho “Út Trọc” quân hàm Thượng tá, không thể hỗ trợ tới mức “Út Trọc” muốn làm gì cũng được, thành ra ngoài hỗn danh “Út Trọc”, Đinh Ngọc Hệ còn được giang hồ xưng tụng là… “Út Bộ trưởng”.
Bao nhiêu ông tướng dính tới những chuyện này? Chắc chắn không phải là một!
Cho tới giờ này, chuyện Bộ Quốc phòng sử dụng “đất quốc phòng” một cách tùy tiện đã khóa chặt hướng phát triển của một số phi trường (Tân Sơn Nhất – TP.HCM, Cát Bi – Hải Phòng), xóa sổ một số phi trường quân sự khác (Gia Lâm – Hà Nội, Long Biên – Hà Nội)…
Cho tới giờ này chỉ mới có hai ông tướng quân đội bị Ban Bí thư Đảng CSVN cảnh cáo (Thượng tướng Phương Minh Hòa – cựu Uỷ viên BCH TƯ Đảng CSVN, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Bí thư Đảng uỷ kiêm Chính uỷ, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh – cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân) vì những sai phạm rất chung chung nhằm… bảo vệ uy tín quân đội: Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân (5).
Người ta tin rằng tướng Hòa, tướng Thanh bị cảnh cáo vì những ông tướng chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân này phá nhiều phi trường. Thế còn những ông tướng chỉ huy Quân chủng Hải quân dựng lá chắn cho một số doanh nghiệp móc cát ở những đoạn bờ biển xung yếu (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,…) để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đã nhãn tiền, nhờ khoác vỏ “quốc phòng” được tạo điều kiện mua đi, bán lại quyền “nạo vét” theo kiểu bán mười, khai một trốn đủ loại thuế (6) – thì sao, có tính sổ không, bao giờ mới tính?
Dung dưỡng các ông tướng, chỉ dùng các hình thức kỷ luật trong nội bộ Đảng CSVN, không truy cứu trách nhiệm hình sự, nên rõ ràng “cảnh cáo” các ông tướng Quân chủng Phòng không – Không quân không đủ răn đe. Mới có thêm một ông tướng Lục quân (Thiếu tướng Phan Thế Tài, Phó Tư lệnh Quân khu 7) ký hợp đồng chuyển nhượng hai khu “đất quốc phòng” cho doanh nghiệp mà không thèm bận tâm đến việc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và lần này, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN cương quyết… “khiển trách” (7)!
***
So sánh tướng ta với tướng Mỹ có vẻ khập khiễng. So sánh tướng ta với tướng của quân đội nhiều quốc gia khác cũng sẽ rất khó cân phân vì tướng của thiên hạ không thề “trung thành với Đảng”, không được “học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tướng ta không giống ai cả. Chuyện Thiếu tướng Mark McQueen chỉ để đọc chơi cho vui rồi bỏ.
Chú thích
(1) https://www.apnews.com/fc148df88da748edb953b6a815e80981
(3) http://www.baogiaothong.vn/hai-phong-bao-cao-quoc-hoi-vu-giang-ho-xau-xe-dat-quoc-phong-d276795.html
(4) https://vov.vn/vu-an/ut-troc-dinh-ngoc-he-bi-toa-phuc-tham-tuyen-y-an-12-nam-tu-832716.vov
(6) http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161203/vi-sao-cat-phu-quoc-van-chay-sang-singapore/1229737.html