Bản tin ngày 3-11-2018

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí dẫn lời ông John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ: Trung Quốc nên tuân thủ nguyên tắc trên biển. Phát biểu tại Australia trong khuôn khổ chuyến thăm bốn nước khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Richardson cho biết: “Chúng tôi đã hoạt động trên cùng vùng biển với Hải quân Trung Quốc tại Biển Đông, và chuyện chạm trán xảy ra thường xuyên” và rằng “Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hiện diện tại Thái Bình Dương, nên chúng tôi (Mỹ và Trung Quốc) sẽ vẫn tiếp tục chạm trán nhau tại vùng biển này”.

RFI có bài tổng hợp tin từ báo Le Figaro: Biển Đông, thương mại tăng cường quan hệ Việt-Pháp. Trong bài có đoạn nhận định: “Trong những tháng gần đây, Hà Nội đã có sự chuyển hướng chiến lược, không ngần ngại đứng mũi chịu sào trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông”.

Mời đọc thêm: Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh trên Biển Đông với Mỹ (Viet Times). – Trung Quốc mở trái phép ba trạm khí tượng ở Trường Sa (VNE). – TQ mở trái phép 3 trạm khí tượng ở Trường Sa: Đâu là mục đích thực sự? (TĐ/Soha). – Tư lệnh Hải Quân Mỹ: Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc ứng xử trên biển — Thế hệ quan chức mới tại Mỹ không còn kiên nhẫn với Trung Quốc. (RFI).

Trò phá hoại của “bạn vàng”

RFA có bài: Tình trạng tiếp tay cho người Trung Quốc thâu tóm đất đai ở Việt Nam. Trong tình hình người Trung Quốc tiếp tục thâu tóm đất đai, bất động sản ở Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ: “Khoảng tầm 3-4 năm trở lại đây thì tại Nha Trang sự việc này diễn ra rất phổ biến, họ liên doanh góp vốn với người Việt Nam để mở cái này cái kia để kinh doanh và đứng tên chủ sở hữu là người Việt Nam nữa”.

Báo Một Thế Giới bàn về vụ thương lái Trung Quốc mua lá nhàu ở Cà Mau: Nơi thu mua không cung cấp thông tin. Bài báo cho biết: Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã báo cáo về tình hình mua lá nhàu tươi “tại cơ sở của bà Ly là có người tên Thiện ở TP.HCM có nhu cầu mua lá nhàu khô để làm từ thiện với số lượng 200kg. Sau khi mua đủ số lượng thì cơ sở của bà Ly ngừng mua”, một cơ sở khác ở xã Tân Lộc Bắc cũng “ngưng mua sau khi giao đủ số hàng”.

Sau một thời gian im ắng, gần đây lại xuất hiện vụ thương lái Trung Quốc thu mua những mặt hàng nông sản độc, lạ. Trước đó, thương lái TQ thường lùng sục mua các mặt hàng như trái cau non, bông thanh long, mãng cầu xiêm non, rễ cây bần non… với giá cao và bây giờ là lá nhàu. Vấn đề là, cả người bán lẫn người mua đều không biết sản phẩm này sử dụng vào mục đích gì.

RFA đặt câu hỏi: Từ Tộc Kinh đến Đặc khu của người Trung Quốc tại Pháp? Theo đó, một nhóm người Trung Quốc “mua một khoảng đất lớn tại thành phố Bussy Saint Georges, ngoại ô Paris. Nhiều người lo ngại người Trung Quốc mua đất để lập khu tự trị và gọi đó là vùng đất của Tộc Kinh”.

Mời đọc thêm: Dùng Tộc Kinh Để Sáp Nhập VN? (VB). –  Mua lá nhàu bất thường ở Cà Mau: Mập mờ thông tin thương lái (DV). – Chủ tịch tỉnh Cà Mau lệnh kiểm tra việc thương lái thu mua lá nhàu tươi (VOV).

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng vs Bộ Công an

Hôm 31/10, phát biểu chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa 6, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ‘Vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp‘. Ông Nhưỡng nói, “qua báo cáo tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %, vi phạm trong tống đạt là 100%… Vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ cơ quan điều tra trong việc này“.

Ngay hôm sau, Bộ Công an đã sử dụng website của mình đăng bài viết đe dọa: Yêu cầu ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm và đính chính trước Quốc hội khi nhận định “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”. Bài viết phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Minh Đức, cáo buộc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng vi phạm quy định về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, và cho rằng, những con số ông Nhưỡng đưa ra là “tài liệu mật”.

Facebooker Phạm Lê Vương Các cho rằng, Bộ Công an lộng ngôn và vô pháp: “Chưa cần bàn đến phát ngôn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng là đúng hay sai khi nói ‘vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp’. Nhưng vệc ông bị trang thông tin điện tử Bộ Công An đăng bài yêu cầu ông phải ‘chịu trách nhiệm và đính chính’ về phát ngôn của mình cho thấy Cơ quan này thật lộng ngôn và vô pháp“.

Nhà báo Phạm Việt Thắng viết: “Vì đây là ý kiến chất vấn, nôm na là nêu câu hỏi để bộ trưởng trả lời. Nếu số liệu đại biểu Nhưỡng đưa ra mà sai, thì Bộ trưởng Tô Lâm có quyền ‘cải chính’, nói rõ cho Quốc hội và cử tri được biết. Nếu đại biểu Nhưỡng vẫn bảo lưu thì đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân xử. Nên nhớ đây là phiên chất vấn, người bị chất vấn có quyền tranh luận lại, giải thích cho người chất vấn, các đại biểu và cử tri hiểu rõ, nếu có sai sót trong nội dung câu hỏi, bao gồm cả những con số“.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói gì khi ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị đính chính phát ngôn về ngành công an?  Ông Nhưỡng cho biết: “Tôi không muốn tranh luận nhiều về nội dung, vì nội dung đã quá rõ. Tôi đã cầm báo cáo. Và về mặt nguyên tắc đó là báo cáo mật, gửi cho tất cả ĐB Quốc hội. Do đó, ĐB Nguyễn Hữu Cầu công bố số liệu đó tôi cho rằng như vậy là không nên”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (trái) và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh trên mạng

Báo Thanh Niên có bài: Nghị trường ‘nóng’ với tranh luận về nhận định ‘làm dậy sóng ngành công an’. Theo đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, GĐ Công an tỉnh Nghệ An một mực cho rằng ông Nhưỡng đã tính toán sai số liệu khi phát biểu rằng vi phạm của cơ quan điều tra công an là “rất khủng khiếp”.

Trong tình hình an ninh đàn áp nhân quyền ngày càng khốc liệt, sai phạm của công an ngày càng nghiêm trọng và xuất hiện ngày càng nhiều, phát ngôn của ông Nhưỡng hoàn toàn có cơ sở. Công an quá được ưu đãi vì vai trò bảo vệ chế độ, bất chấp đúng sai, nên lực lượng này đã trở thành kiêu binh, họ sẵn sàng trấn áp bất cứ ai, kể cả đại biểu Quốc hội.

Mời đọc thêm: Công an đòi đại biểu Quốc Hội đính chính ‘phát ngôn cáo buộc’ (NV). – ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Bộ trưởng không thực hiện lời hứa thì các ĐBQH sẽ đi đến cùng vấn đề (ĐS&PL/VNM). – ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nên đính chính nhận định ‘gây sốc’ về lực lượng công an (VNMedia). – ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định không nói sai, không xin lỗi về “thông tin làm lực lượng công an dậy sóng” (TTT/Soha). – Bỏ ngỏ nhiều vấn đề nóng (NLĐ).

Nhân quyền ở Việt Nam

Ngày 2/11/2018, Bộ Công an công bố dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng, theo Zing. Đáng lưu ý, trong dự thảo này có “quy định 4 nhóm doanh nghiệp trong và ngoài nước phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”. Đây là quy định đã gây tranh cãi từ lâu, nếu thành hiện thực thì nó sẽ giúp an ninh Việt Nam dễ dàng kiểm duyệt các nội dung phê phán chế độ trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, “Điều 24 của dự thảo nghị định này, dữ liệu phải lưu trữ ở Việt Nam gồm 19 trường thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam”. Ngày 1/1/2019 tới đây, Việt Nam sẽ chính thức trở thành một nhà tù khổng lồ, mọi công dân đều bị giám sát và có thể kết tội “bôi nhọ” lãnh đạo.

BBC có bài: VN tăng cường ‘soi quét’ không gian mạng. Bài viết đề cập vụ Bộ trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về việc “mạnh tay” yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội “tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong việc gỡ bỏ thông tin”. Họ làm sai vẫn nhất quyết không sửa mà chỉ biết bằng mọi giá ngăn người dân tố cáo, phê phán những hành động sai trái, thậm chí là tội ác của chính quyền.

RFA đặt câu hỏi: Sách của nhà xuất bản Tri thức ảnh hưởng xã hội Việt Nam hiện nay ra sao? Về tác động của những quyển sách truyền bá tri thức dân chủ do NXB Tri Thức của GS Chu Hảo phát hành, dịch giả Phạm Nguyên Trường nhận định: “Sự ảnh hưởng của những quyển sách này như khi ném hòn đá, nó tạo những vòng sóng khác nhau, từ nhỏ tới lớn”.

Mời đọc thêm: Bộ Công an giải đáp thắc mắc về việc kiểm soát thông tin cá nhân trên mạng (DT). – Dự thảo Nghị định về an ninh mạng: DN nào phải lưu dữ liệu tại Việt Nam? (MTG). – Bộ Công an hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng (ANTĐ).

Lễ giỗ cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và di sản Việt Nam Cộng Hòa

Thánh lễ giỗ lần thứ 55 cố TT Ngô Đình Diệm tại phần mộ ở Nghĩa trang Lái Thiêu ngày 2/11/2018. Thánh lễ do Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh, cùng các linh mục và khoảng 300 bà con lương, giáo dân tham dự. Mời xem clip của Amen TV:

VOA dẫn lời chia sẻ của người phụ nữ gốc Việt đầu tiên tranh cử ở Massachusetts: ‘Tôi muốn cờ vàng được công nhận’. Đó là cô Trâm Nguyễn, người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên tranh cử vào Hạ viện của tiểu bang Massachusetts, được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Barack Obama và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton.

Cô Trâm Nguyễn cho biết: “Cha tôi từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam cùng với quân đội miền nam Việt Nam và sau đó là tù nhân chiến tranh trong trại cải tạo trong 8 năm. Tôi thực sự coi trọng cờ vàng với 3 sọc đỏ. Vì vậy tôi rất muốn giúp đỡ trong việc thúc đẩy các nỗ lực để lá cờ đó được công nhận là cờ chính thức của cộng đồng người Việt ở Massachusetts”.

Mời đọc thêm: TT Ngô Đình Diệm xứng đáng được an nghỉ đàng hoàng hơn’ (VOA). – Những đóng góp từ thời Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền biển đảo là quan trọng (Sputnik).

Việt Nam xem xét phê chuẩn CPTPP

BBC đưa tin: Quốc hội Việt Nam xét việc phê chuẩn CPTPP. Sáng 2/11, Chủ tịch nước, TBT Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Trọng nói: “Việc Quốc hội sớm phê chuẩn CPTTP sẽ giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và quốc tế”.

Giới quan sát nhân quyền từng hy vọng rằng CPTPP sẽ là cơ hội để chính quyền CSVN thực thi và thúc đẩy các cam kết về nhân quyền. Về mặt kinh tế, đây có thể là bước chuyển biến để doanh nghiệp nhà nước ở VN làm ăn “sòng phẳng” hơn, thiết lập nền kinh tế thị trường đàng hoàng hơn.

Mời đọc thêm: CPTPP-VN: ‘Thị trường không dễ nhưng thân thiện hơn’ (BBC). – Chủ tịch nước Việt Nam trình Quốc hội thông qua CPTPP (RFA). – CPTPP đặt Việt Nam vào kinh tế toàn cầu, tạo áp lực cạnh tranh cho DN (VOV). – Phê chuẩn CPTPP: Băn khoăn chênh lệch trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam (DT).

Lãnh đạo suy thoái, biến chất

Báo Người Lao Động đưa tin: Báo cáo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa vụ cán bộ huyện “vòi” 100 triệu đồng. Ông Lê Văn Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hà Trung yêu cầu và nhận 100 triệu đồng để sắp xếp cho một công ty trúng thầu dự án xây dựng tại địa phương. Tất cả những cuộc gọi đe dọa, đòi tiền của ông Tuyên đã bị doanh nghiệp này ghi lại. Ông bị khởi tố với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

UBND xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An kỷ luật Phó bí thư đấm Trưởng công an xã, theo Pháp Luật Plus. Sau khi uống rượu say, phó bí thư xã bộc lộ hành vi côn đồ, xông vào trụ sở công an, gây rối, đấm vào người trưởng công an xã. Mâu thuẫn được xác định do liên quan đến lợi ích kinh doanh của nhóm người phó bí thư xã. Ông này bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Mời đọc thêm: Phó bí thư uống rượu, vào trụ sở “xử” trưởng công an xã (NLĐ). – Bí thư Đảng ủy xã “xin tiền” huyện để… xây nhà riêng trên đất công (!) (DT). – TPHCM chỉ biết có người được bổ nhiệm làm Cục trưởng qua báo chí (VOV). – Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng (TT). – Lộ diện nhiều cán bộ “tiếp tay” khiến quy hoạch thành phố bị phá nát (DT). – Kiểm tra dấu hiệu vi phạm của chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP Cần Thơ (TT).

Xử lý vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

VOA đưa tin: Hà Nội, Berlin thương lượng trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. Theo nhật báo TAZ của Đức, một số quan chức của Đức và Việt Nam đã gặp nhau tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin hôm 1/11 “để bàn thảo việc trả lại cựu quan chức ngành dầu khí đã bị Hà Nội kết 2 án chung thân hồi đầu năm nay cho phía Đức”.

Nếu Trịnh Xuân Thanh được bình yên trở lại Đức, không biết lãnh đạo đảng và nhà nước ăn nói thế nào với người dân về vụ họ bịa ra chuyện Trịnh Xuân Thanh về nước nhận tội? Từ sau vụ an ninh CSVN qua Berline bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Đức đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, EVFTA lẽ ra đã được thông qua nhưng bị trì hoãn đến giờ này.

Mời đọc thêm: Cuộc đàm phán hàn gắn mối quan hệ ngoại giao Đức – Việt đã diễn ra hôm nay (TD). – Việt Nam bắt đầu đàm phán để trả lại Trịnh Xuân Thanh (TB). – Truyền thông Đức: Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về Đức (RFA).

Tận thu, “vặt lông vịt” người dân

Hà Nội đang lên kế hoạch thu phí phương tiện giao thông vào nội đô. Báo Petro Times đặt câu hỏi: Liệu thu phí phương tiện có giảm ùn tắc và ô nhiễm? Chẳng qua họ thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để bù ngân sách. Giờ thì muốn tận thu bằng mọi loại thuế phí mới. Họ phát biểu rằng phải tăng cường thu phí để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường nhưng thực tế là môi trường Việt Nam càng lúc càng ô nhiễm.

Báo Người Lao Động có bài: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nói về khoản nợ 800 tỉ đồng cho ALCII vay. Nhiều người lo lắng với khoản nợ 800 tỷ, nhưng cái đáng lo nhất chính là quỹ bảo hiểm Việt Nam thực tế đã gần như vỡ từ lâu. Khoản nợ bảo hiểm xã hội lấy của người dân cho chính quyền CS vay, lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, có nguy cơ không thu hồi được.

Mời đọc thêm: Công bằng khi tăng thuế bảo vệ môi trường (SGGP). – Sẽ điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với một số mặt hàng (LĐTĐ). – Doanh nghiệp vận tải TP HCM lao đao vì giá nhiên liệu và phí, thuế (VOV). – Chính phủ đồng ý cho Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô (MTG).

Bức tử môi trường

VTV đưa tin: Tái diễn tình trạng nước thải xả thẳng ra bãi tắm hòn Chồng. Hòn Chồng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang, nằm ngay trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tình trạng xả thải trực tiếp ra bãi tắm tồn tại nhiều năm qua. Những cống nước thải lớn được lắp đặt lộ thiên. Ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hình ảnh du lịch. Chính quyền địa phương biết, nhưng làm ngơ.

Một doanh nghiệp Huế xin đổ 715.000m3 bùn thải xuống biển, theo Báo Tuổi Trẻ. “Công ty TNHH Hào Hưng Huế – chủ đầu tư dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) vừa có văn bản xin đổ 715.000m3 bùn thải công trình xuống biển”. Cơ quan chức năng địa phương cho biết họ vẫn đang chờ đánh giá tác động môi trường.

VTV có phóng sự: Rừng nguyên sinh đang bị tàn phá không thương tiếc. Trong vòng 3 năm, Đắk Lắk đã mất hơn 11.000 ha rừng. “Không chỉ tại huyện Eakar, đến tất cả các huyện có rừng của Đắk Lắk, rừng đều bị phá. Từ Yok Đôn đến Ma’DRắk. Từ Ea Sup đến Krông Bông, nơi đâu cũng thấy những cánh rừng bị triệt hạ. Tất cả loang lổ như da báo trên diện rộng”.

Mời đọc thêm:  Vụ xả thải ra hồ Xuân Khanh: Phạt Urenco 6 tiền tỷ (NN). – Khánh Hòa: Phát hiện doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường (LĐ). – Ngang nhiên phá rừng đặc dụng trái phép ngay TP Thanh Hóa (TT).

Xã hội loạn lạc, bất an

Không ngày nào Việt Nam bình yên, người dân ra đường nơm nớp lo tai nạn giao thông, lo bị cướp, giết bất cứ lúc nào. Trang VietNamNet đưa tin: Đâm chết người do va quẹt giao thông ở Sài Gòn. Từ va chạm giao thông nhẹ, xảy ra cự cãi, ông P bỏ đi. Nam thanh niên hung hăng đuổi theo, rút dao và đâm gục ông P. Đối tượng này còn lao xe, kéo lê ông P trong lúc bỏ trốn.

Báo Đất Việt có bài viết: Tài xế Mazda bắn, chèn qua người: Hành vi dã man? Tác giả dẫn lời các luật sư nhận định đây là hành vi giết người có tính chất côn đồ, man rợ. Trước đó, ngày 30/11/2018, sau va chạm giao thông, tài xế xe Mazda CX5 đã rút súng bắn, sau đó điều khiển xe cán qua người tài xế taxi để bỏ trốn.

Mời đọc thêm: Bắt nghi phạm sát hại tài xế taxi để cướp tài sản (CL). – Tức giận việc bạn bị chửi, nam thanh niên dùng dao đâm nạn nhân thấu ngực (BVPL). – Tạm giam nam thanh niên siết cổ, phi tang xác chủ nợ xuống sông (NĐT). – Chủ mưu và sát thủ bắn chết giám đốc doanh nghiệp cùng lĩnh án tử (NLĐ). – Khởi tố nghi phạm 15 tuổi sát hại dã man sinh viên chạy Grab (TT). – Không phải 600, mà có tới hàng nghìn “anh chị” cho vay nặng lãi… (LĐ). – Kinh hoàng khi tội phạm là trẻ con (MTG).

***

Thêm một số tin: Môi trường học thuật ở Việt Nam ‘còn bị ràng buộc’ (BBC). – Lấy lý do bí mật để không công khai quy hoạchNgân hàng lãi lớn, sao nợ xấu lại tăng? (TP). – Vụ chiếm đoạt, sử dụng tiền trái pháp luật tại TrustBank: Hứa Thị Phấn bị tuyên y án 30 năm tù (SGGP). – Thực phẩm bẩn: Từ nghị trường đến đời thường (DĐDN). – TPHCM: Nhiều hộ dân bị mất nước do ống nước bị rò rỉ (MT&CS). – Đà Nẵng: Công an điều tra vụ tung văn bản giả để thổi giá đất (MTG).

Bình Luận từ Facebook