Thủ Thiêm và cốt nền dân chủ

FB Tâm Chánh

22-10-2018

Chiếc mũ bảo hiểm của cư dân mạng thiết kế cho lãnh đạo UBND TPHCM đội, khi tiếp dân. Ảnh trên mạng

Thủ Thiêm đang như chiếc lò lửa mà ngọn lửa uất giận đang đến gần với đỉnh hờn căm. Các biện pháp an ủi không đóng góp được gì cho việc giải quyết tình hình. Các cuộc tiếp xúc “lắng nghe” mà không có quan điểm, thái độ và chương trình hành động rành mạch thì chỉ tạo thêm số lần nhức nhối trong dân.

Một khung chính sách cơ bản để sửa sai nếu có sự tham gia của các chuyên gia, rồi được tổ chức trao đổi, góp ý rộng rãi cùng với bà con Thủ Thiêm, trong các tổ chức chính trị xã hội, sẽ biến hiểm họa bất bình thành một cơ hội thực hành chính trị dân chủ, huy động sự tham gia rộng rãi của người dân thì họa sẽ biến thành phúc, nguy sẽ chuyển thành cơ.

Muốn được vậy, phải lập tức chỉ ra những kẻ phải đối diện với nỗi căm giận của nhân dân. Úp úp, mở mở, mù mờ như hiện nay chính là thổi lửa vào nhà.

Phải biến cuộc kiểm điểm của những người phải chịu trách nhiệm thành cuộc thực hành rộng rãi trong cán bộ đảng viên, cũng như các thiết chế phục vụ nhân dân về hiểu biết pháp luật, về sự chính trực và trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Một việc làm tối thiết yếu là làm cho bộ máy an ninh thay đổi tư duy và biện pháp tác nghiệp. Bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ nhà nước lúc này, tiên quyết phải là bảo vệ từng cơ hội để người dân phát biểu tiếng nói chính đáng của mình, sử dụng lý lẽ, lập luận để đấu tranh. Hạn chế tiếng nói chính đáng ấy chỉ là tích tụ bất bình, khơi dậy những ký ức đau đớn, ném thẳng nó vào lò lửa căm giận đang cài sẵn kíp nổ.

Các biện pháp duy trì trị an bằng bạo lực sẽ là ngọn gió phóng hỏa vào bất bình của dân, biến nó thành bão lửa. Cũng như cách thức mà an ninh đối phó với một số “mục tiêu” nào đó, nhìn từ cách xử lí những vấn đề tôn giáo ở Thủ Thiêm, cũng là một nhân tố góp vào nỗi oan sai kéo dài ở vùng đất này.

Duy trì sự sợ hãi không bao giờ là cách tạo ra ổn định chính trị xã hội. Đó chỉ là một bản báo cáo dối trá với cấp trên mà thôi.

Đã không còn nhiều cách làm cho dân sợ. Nhưng còn nhiều khả năng làm cho dân thương. Phải thật tâm làm cho dân thương thì mới khôi phục lại lòng tin của người dân, khả đi mới giải quyết được hậu sự Thủ Thiêm.

Chiếc giày Thủ Thiêm của cô gái 28 tuổi không chỉ là một cơn giận của dân chúng. Nó là chỉ báo rành rọt về một mặt bằng mới trong quan hệ giữa nhà nước và người dân. Chiếc giày ấy đã cáo chung vĩnh viễn thời đại phụ mẫu chi dân như trong xã hội thần dân mà có kẻ cầm quyền muốn hồi sinh.

Cốt nền dân chủ đã được nâng lên ở Thủ Thiêm.

“Mặt bằng”, vì vậy, đã phải tốn kém lên nhiều và không chỉ do một ai dễ dàng định đoạt.

PS: Tôi nghĩ mình hãy còn lãng mạn khi mong mỏi những giải pháp thật lòng của nhà cầm quyền với nhân dân. Nhưng cứ xin đóng góp, như một trách nhiệm.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

  2. Có lẽ từ nay mỗi khi vào Phòng “Tiếp” Dân, lãnh đạo phải đội mũ bảo mạng, còn người dân sẽ bị tuột dép, đi chân không hihi. Nhưng các lãnh đạo “hồng phúc của dân tộc” hãy vận động não bộ mà suy xét trước khi truy tố những người như Thuỳ Dương, bởi hành động của cô gái chính là giọt nước tràn ly, nó SẼ biến thành cơn bão kinh hoàng cho chế độ của những kẽ lãnh đạo ở tận cùng sự đốn mạt và vô lương như Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thiện Nhân, và toàn bộ guồng máy đảng.

Comments are closed.