Nhạc giao hưởng dành cho giới thượng lưu, quý tộc

FB Võ Xuân Sơn

15-10-2018

Trong vụ tranh luận về việc xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm, có một luồng ý kiến, rằng cần xây nhà hát cho tầng lớp thượng lưu. Lý do vì họ đóng góp nhiều (ý là đóng nhiều thuế) cho đất nước, họ xứng đáng được hưởng.

Đầu tiên nhất, tôi muốn nói về việc xây nhà hát giao hưởng cho giới thượng lưu. Tôi không biết định nghĩa chính xác, thế nào là giới thượng lưu. Nhưng vì có cái vế sau, là vì họ đóng góp (tiền thuế) nhiều hơn cho đất nước, nên có thể hiểu, tầng lớp thượng lưu là tầng lớp giàu có, nhiều tiền.

Theo tôi, những người thực sự am hiểu nhạc giao hưởng không hẳn là giới thượng lưu, nếu không muốn nói là ngược lại. Tôi nghĩ rằng phần lớn những người am hiểu nhạc giao hưởng là các nhạc sĩ, các nghệ sĩ chơi các loại nhạc cụ. Và theo tôi hiểu, đại đa số các bạn này không thuộc về giới thượng lưu nếu hiểu theo nghĩa giàu có, nhiều tiền.

Trong số các bạn tôi có vài người thích nhạc giao hưởng. Những người này, hoặc cũng bình bình như chúng tôi, thậm chí có người còn có cuộc sống khá khó khăn nữa. Trong khi đó, tôi quen biết khá nhiều đại gia, nhưng chưa thấy ai trong số họ thể hiện rằng họ thích nhạc giao hưởng. Đa số họ đều thích Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Phương Thanh, hoặc ngược lại, thích nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên…

Như vậy, nói xây nhà hát giao hưởng cho tầng lớp thượng lưu, với ý họ là những người đóng góp nhiều (tiền thuế) cho đất nước, là không chính xác.

Quý tộc khác hẳn với thượng lưu. Quý tộc là một nhóm người thuộc về thời phong kiến. Ở châu Âu trước đây, nhà vua phong cho một số người tước hiệu, như huân tước, nam tước, bá tước… Trên một góc độ nào đó, các Hiệp sĩ cũng thuộc về giới quý tộc. Nhà vua thực ra cũng là một quý tộc. Ngoài Hiệp sĩ, các danh hiệu quý tộc thường là cha truyền con nối.

Thường các quý tộc được ban cho một vùng nào đó và sống nhờ tô thuế của vùng đó nên khá giàu có. Trước đây, có những qui ước về cách ứng xử và danh dự của giới quý tộc, nên đa số quý tộc cư xử theo khuôn phép quy ước, và trọng danh dự. Tất nhiên, ở đâu thì cũng có người tốt kẻ xấu.

Ở Việt nam, chúng ta không có tầng lớp quý tộc kiểu như vậy. Xã hội thời phong kiến chia ra làm vương gia, quan và dân. Vương gia là gia đình nhà vua, họ là chủ. Quan và dân đều là phận tôi tớ. Nếu nhìn theo góc độ đó, thì chỉ có các vương gia mới là quý tộc.

Ở Việt Nam hiện nay, chỉ có rất ít người thuộc dòng dõi vương gia. Gần đây là dòng dõi nhà Nguyễn, Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo, Công tằng tôn nữ… hoặc họ Chế, con cháu của Chế Mân, Chế Bồng Nga… hoặc truyền nhân của các Vương gia từ các đời trước nữa.

Ngoại trừ Hoàng gia ở các nước quân chủ lập hiến, phần đông quý tộc, ở châu Âu hay ở Việt nam cũng vậy, bây giờ khá nghèo, ít có người giàu. Về mặt truyền thống thì đa số họ vẫn giữ được phần nào tính cách quý tộc.

CHỈ CÓ NHẠC GIAO HƯỞNG LÀ CAO CẤP, BÁC HỌC?

Xem ý kiến bàn luận của nhiều người, thấy mặc nhiên, nhạc giao hưởng là loại nhạc cao cấp, bác học, dành cho tầng lớp thượng lưu… Và gần như mặc nhiên là chỉ có nhạc giao hưởng mới là nhạc bác học.

Thực ra, nhạc giao hưởng , opera, nhạc kịch là các thể loại nhạc cao cấp của phương Tây, rất kén chọn người nghe. Nhưng không phải chỉ có nhạc của phương Tây mới là nhạc bác học. Trung quốc có Kinh kịch, Việt Nam có Hát bội (tuồng), Nhã nhạc, là những loại âm nhạc cao cấp. Không phải ai cũng hiểu được các loại nhạc đó.

Nếu muốn phát triển thẩm mỹ âm nhạc, không phải chỉ có xây nhà hát giao hưởng, mà còn phải xây nhà hát tuồng, nhã nhạc… Chắc chắn Việt Nam không thể chỉ chăm chăm vào phát triển có mỗi văn hóa phương Tây, âm nhạc phương Tây.

LÝ DO TÔI PHẢN ĐỐI XÂY NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG THỦ THIÊM

Ngoài vấn đề nêu trên, tôi phản đối xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm vì những lý do sau:

1. Hiện nay đã có nhiều nhà hát có thể biểu diễn nhạc giao hưởng ở qui mô nào đó, nhưng còn chưa sử dụng nhiều, phần lớn thời gian đóng cửa hoặc cho thuê làm việc khác. Nhu cầu chưa đến mức cấp thiết phải xây thêm nhà hát giao hưởng và lúc này.

2. Còn có rất nhiều những nhu cầu dân sinh thiết thực khác cần phải được ưu tiên đầu tư, đó là y tế, giao thông, thoát nước, thực phẩm sạch, nước sạch, cứu hỏa, cứu hộ…

3. Thủ Thiêm là vùng đất còn đang có rất nhiều tranh chấp. Liệu đã có đủ cơ sở pháp lý cho vùng đất xây dựng nhà hát giao hưởng chưa? Nếu xây lên rồi, sau này xác định đó là khu vực sai phạm thì sao? Điều này là có thể, vì bản đồ quy hoạch đến giờ vẫn chưa tìm thấy.

4. Sai lầm ở Thủ Thiêm là rất nghiêm trọng, cần phải giải quyết dứt điểm trước khi cho xây dựng một công trình lớn nào tại đây. Theo tôi, ngay cả các dự án bất động sản cũng cần phải dừng lại cho đến khi xử lý dứt điểm các sai phạm. Xây nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm khi chưa giải quyết xong các vấn đề trên là khoét sâu vào nỗi đau của người dân Thủ Thiêm, là đẩy người dân Thủ Thiêm nói riêng, và người dân nói chung ra xa thêm khỏi chính quyền.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Còn bản nhân lại nhớ đến các luận đề này:
    * “Cách mạng chưa cần chú…..” – lời Hồ Chí Minh trả lời việc xin về nước để phục vụ CM của Trần Đức Thảo năm 1946 tại Pháp.
    * “nhân dân thành Hồ chưa cần nhà hát giao hưởng….” – tổng hợp ý kiến phản biện khi TP HCM có ý định xây nhà hát và QT HCM ở Thủ Thiêm, nơi nhiều người dân đang bị cướp đất cả 20 năm trời mà vẫn chưa được giải quyết cho thấu đáo.

    Vậy cái nào mới thực sự là “chưa cần”?

  2. Có ai còn nhớ Vũ Trọng Phụng xây sân “quần” không? Ngày khánh thành, quần bay phất phới.
    Ngày nay nói tới nhạc giao hưởng và mấy ông bà “quí tộc” hay “trí thức” làm tôi nhớ tới ông Típ Pờ Nờ và Xuân tóc đỏ quá.
    Chỉ khác thời gian thôi.

Comments are closed.