Thủ Thiêm có bị bịt miệng?

FB Tâm Chánh

13-10-2018

Hiện tình Thủ Thiêm sở dĩ nhức nhối là bởi vì các sai phạm diễn ra công nhiên, trong một thời gian dài trước mũi cả chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta.

Nó diễn ra ngay tại một đô thị lâu đời, có truyền thống tự do, dân chủ và cách mạng, nơi mà liên tục là địa bàn ứng cử của Chủ tịch nước, nơi có số đại biểu quốc hội nhiều nhất nước, nơi mà hội động nhân dân TP có truyền thống sinh hoạt thực chất, nghị trường công khai sôi nổi, thẳng thắn. Đặc biệt, nó diễn ra trên một địa bàn có đông nhà báo và cơ quan báo chí nhất cả nước, là chiếc nôi và cũng là thị trường chính yếu nhất của báo chí Việt Nam.

Nhấn mạnh điều ấy để thấy rằng không một ai trong chúng ta trở nên vô can với tình trạng bà con Thủ Thiêm biểu tình trước toà thị chính bằng một cách thức rất kềm chế. Bà con Thủ Thiêm, có thể nói, đã ứng xử ở tư thế của người trong cuộc, trước cả chúng ta, các nhà báo có nghĩa vụ thực hiện qui định của luật báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;”

Sau khi có các ý kiến ở cấp cao về sai phạm ở Thủ Thiêm, trên các trang cá nhân và nhóm tự nguyện của mạng xã hội, có những ý kiến cho thấy có tình trạng từ nhiều năm trước đây nhà báo phát hiện những sai phạm cụ thể trong thực hiện chính sách qui hoạch và phát triển Thủ Thiêm nhưng đã bị toà soạn, ban biên tập cản trở. Có hay không thực tế này là một câu hỏi cần làm rõ. Vì thực chất câu chuyện Thủ Thiêm là câu chuyện thông tin.

Tôi nhớ khi tiến hành qui hoạch Thủ Thiêm, cũng là lúc TP tiến hành nhiều hoạt động chỉnh trang phát triển đô thị. Lúc đó, lãnh đạo TP đã sớm ý thức về quyền tiếp cận thông tin như một công cụ thực hiện bình đẳng xã hội, ngăn chận tham nhũng, lũng đoạn, hạn chế oan sai cho người dân. Không chỉ là nhận thức mà UBNDTP còn thực hiện Bốn cuộc vận động lớn.

Lúc đó, triển khai theo tinh thần này, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Văn phòng kiến trúc sư trưởng thực hiện công bố công khai định hướng qui hoạch, rồi sau đó thực hiện cuộc triển lãm qui hoạch ở nhà văn hoá thanh niên.

Là một phóng viên chính trị của báo Tuổi Trẻ tham gia trực tiếp thực hiện sáng kiến này của Tuổi Trẻ và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, với sự chỉ đạo, đốc thúc của Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm, giám đốc sở xây dựng Vũ Hùng Việt…tôi muốn nhắc lại như một cơ sở nhận thức chung về thông tin qui hoạch, cũng như thông tin thực hiện qui hoạch Thủ Thiêm.
Báo Tuổi Trẻ khi đó cũng tăng lượng phát hành, trên cơ sở lợi ích chính đáng của bà con được đáp ứng.

Câu chuyện Thủ Thiêm, cắt nghĩa đùi là cấp chính quyền đã làm thông tin qui hoạch giả, biến báo, làm sai lệch qui hoạch của Thủ tướng. Đó chính là nguồn gốc của thảm họa Thủ Thiêm hiện nay.

Trách nhiệm phát hiện vi phạm đã được nhà báo thực hiện nhưng đã không thể biến thành sản phẩm báo chí giúp người dân, và các định chế dân chủ khác thực thì trách nhiệm giám sát của mình. Có thể có ai đó bịt miệng báo chí, nhưng với các cơ quan báo chí, là lỗi hay tội, cần phải được giám định một cách khách quan, nghiêm túc.

Bởi không chỉ là pháp lí, khi im miệng, báo chí đã không thực hiện đạo lí với khách hàng của mình. Người dân mua báo, lợi ích của báo chí được bảo đảm sòng phẳng bởi lợi ích của người dân. Ở Luật báo chí hiện hành được đánh giá là luật quản lí về báo chí, chưa phải là luật bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân. Thực tế ứng xử của báo chí với vấn đề Thủ Thiêm có minh chứng cho nhận định ấy không, còn đòi hỏi một chuỗi làm việc nghiêm túc, khoa học và thấu đáo.

Nhưng, chưa nói đến những vấn đề liên quan đến sự phát triển chuyên nghiệp của nền báo chí nước nhà, chỉ riêng việc cản trở thông tin về Thủ Thiêm tác hại của nó thật đã khôn lường.

Còn nếu không có kẻ có quyền nào bịt miệng báo chí, thì báo chí trong trường hợp này là tổng biên tập, phải trả lời một cách minh bạch vì sao thông tin về Thủ Thiêm không được xuất hiện?

Các nhà báo thay vì than thở, hãy soát xét lại hồ sơ công việc của mình, thực hiện quyền khiếu nại và yêu cầu trả lời vì sao phát hiện thông tin của mình không được trở thành sản phẩm báo chí.

Đó là trách nhiệm của trưởng ban, toà soạn, hay ban biên tập, phải làm cho rõ. Làm rõ cũng là cách thiết thực ngăn chận tình trạng, mà các nhà báo trên các bàn rượu, bàn cà phê tán phét với nhau, lãnh đạo báo chí chỉ làm mỗi việc gác cổng và giao liên truyền đạt khẩu dụ của lãnh đạo, của đảng.

Tôi nghĩ cơ quan quản lí báo chí từ hiện tình này cũng cần “vào cuộc” một cách thiết thực bằng cách chủ trì xem xét việc có hay không sự vi phạm luật báo chí đóng góp vào nỗi oan lớn mang tên Thủ Thiêm.

Hội nhà báo cũng cần nhân dịp này lấy lại vai trò và phong độ trong nhiệm vụ bảo vệ quyền của nhà báo đáp ứng như cầu thông tin của người dân.

Quá trình vào cuộc đồng bộ và thực chất như vậy, tôi tin, sẽ góp được một sự khẳng định, đâu mới thực sự là thực tiễn gây mất ổn định chính trị xã hội mà nhà báo, cơ quan báo chí thường bị chụp mũ.

Cũng là một cách thiết thực ủng hộ niềm tin dường như đang yếu ớt dần của bà con Thủ Thiêm vào các giá trị thiết yếu làm nên khuôn khổ quản lí xã hội.

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí

1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

Comments are closed.