Quanh một cái chết

FB Nguyễn Thông

21-9-2018

Ông chủ tịch nước qua đời lúc 10:05 sáng nay 21.9.2018 (nhằm 12.8 ta), khi đương chức. Theo thói của người xưa có văn hóa và nhân văn, “nghĩa tử là nghĩa tận”, tôi cầu cho ông siêu thoát, rũ bỏ được mọi đau đớn của cả thể xác lẫn cõi nhân sinh u ám.

Định không nói bất cứ lời nào về ông trong lúc này, nhưng chợt nhớ cách nay 1 tuần, ông nhợt nhạt như một cái xác vô hồn khi làm buộc phải làm chủ lễ đón tổng thống Indonesia, thấy thật tội nghiệp. Làm người, dù kẻ ăn mày hay ngài chủ tịch nước, sao mà khổ thế.
Xưa, cụ Nguyễn Gia Thiều viết “Thảo nào khi mới chôn nhau/Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”. Không mấy ai thoát được.

Điều ác độc nhất là cả cái bộ máy mà ông ấy là thành viên, khi biết ông đã trọng bệnh thập tử nhất sinh nhưng nó vẫn bằng cách này cách khác quyết không buông tha, vắt kiệt sức ông ấy, nhất là kể từ cái hội nghị quốc tế APEC năm nay (2018) ở Đà Nẵng. Nó thà vứt bỏ tính mạng con người chứ không để ảnh hưởng đến “uy tín, quy trình, tổ chức” của nó. Vẫn biết sống chết có số, “trời kia đã bắt làm người có thân”, nhưng nếu ông Quang được nghỉ ngơi, ắt không phải phô ra hình ảnh tội nghiệp thiểu não đáng thương hại nói trên. Thế nên, trong hoàn cảnh tương tự, còn có những uẩn khúc, góc tối chưa xì ra, nhưng Đinh Thế Huynh vẫn được xem là may mắn. Lúc này, nếu Huynh ngồi ngẫm lại, sẽ thấy được nhiều hơn là mất. “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” (cái họa cái phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày), tuy nhiên có khi tưởng họa mà lại phúc, tưởng phúc mà chính là họa. Hiểu ra thì sẽ thoát được những sự trói buộc vô hình mà cực kỳ tàn nhẫn.

Bộ máy vắt chanh này đã giết chết ông Quang chứ không phải bệnh tật, dù ông Nguyễn Quốc Triệu nói đó là thứ bệnh nan y, cực hiếm, rất khó chữa, thậm chí không thể chữa. Biết người ta mắc “bệnh chờ chết” như thế mà không cho nghỉ thì quá ác. Thời này không phải thời “còn một giây còn một chút tàn hơi/là phải còn tranh đấu mãi không thôi”, “cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai”. Thứ suy nghĩ cực đoan ấy đã hết rồi, đã qua rồi. Mình không làm thì sẽ có người khác, thậm chí giỏi hơn mình, và tất nhiên là khỏe hơn mình, làm. Bi kịch ở chỗ, có lẽ ông Quang hiểu được điều ấy để níu kéo sự sống, nhưng đã trót nằm trong “chăn” nên không thoát ra được.

Và điều liên quan. Đất nước này lại càng thêm bi kịch khi cứ chiểu theo quy định của hiến pháp, nguyên thủ mới (dù chỉ hình thức) là một người đàn bà chẳng mấy tài, không “nhợt nhạt” như ông Quang nhưng rất nhạt nhòa, đứng ra lãnh đạo gần trăm triệu người, trong đó có hàng chục triệu người giỏi hơn bà. Làm long trọng viên thì được, nhưng thay mặt quốc gia quả thật đại bi kịch.

Trên thực tế, cũng chả ai cho bà ta vào dự nơi hổ trướng khu cơ bàn về quân cơ quốc kế khi chỉ nhõn là ủy viên trung ương quèn. Xứ này chạy trời cũng không thoát khỏi căn bệnh hình thức.

Trọng thu Mậu Tuất, biên mấy dòng.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Buộc tội cái đảng của TĐQ bắt ông làm việc cật lực cho đến chết là một cái cớ chỉ suy đoán và còn một chút xót xa cho ông ta.
    TĐQ là tiêu biểu cho một lòng tham vô đáy về quyền lực (dĩ nhiên cả tiền bạc nữa). Việc ông ta tự muốn ôm chặt nó cho đến chết là một tính chất rất đặc thù của những con người mê muội về quyền lực và của những tên bạo chúa, tàn ác trong lịch sử loài người. Hitler, Stalin, Mao, Mussusolini, Gadafi, Sadam Husein, HCM, Lê Duẫn v.v.. tất cả những kẻ nảy đều mang một đặc tính: tham quyền lực cho đến chết. Cái tham quyền lực này của TĐQ cũng còn thể hiện về sự giả dối kiểu cộng sản mang tính chất phong kiến Á châu. Biết sắp chết nhưng vẫn phải đóng cho hết cái vai trò mà hắn đang phải tiếc nuối.

    Ngoài ra cái chết của TĐQ còn là một dấu hiệu về việc tranh giành quyền lực của bất cử một đảng cầm quyền nào mang tính không chính danh như cái đảng CSVN. Ngày nào cái đảng này vẫn còn chễm chệ những tên như TĐQ ở cái ghế quyền lực ở VN như hiện nay, thì người dân vẫn sẽ phải gồng mình để làm nhân chứng về những vở tuồng đầy sự giả dối và độc ác trong chính trị. Một quốc gia với thượng tầng kiến trúc và sinh hoạt chính trị như thế là dấu hiệu của sự suy vong.

  2. Sấm Trạng nói :
    ” Bỉm Chí vô Minh, quang tự tận
    Trọng ngân bạc phúc, sản tất vong “.
    Cái điều “quang tự tận” đã xảy ra rồi.
    Cái sự “sản tất vong” rồi sẽ đến thôi.

Comments are closed.